13. BÀI MƯỜI

BÀI 10 – CHỌN SỰ SỐNG

Thiên Chúa có lý do để dựng nên ta.Tình yêu của Ngài là sứ mệnh của đời ta. Sứ mệnh này giúp ta tìm thấy căn tính chân thực của ta. Nếu ta chọn đi theo sứ mệnh này, ta sẽ có được một viễn tượng mới về nhiều vấn đề, chứ không phải chỉ duy vấn đề gia đình mà thôi. Sống sứ mệnh của Hội thánh tại gia có nghĩa là các gia đình công giáo đôi khi sẽ phải sống như những nhóm thiểu số, với những giá trị khác hẳn nền văn hóa chung quanh họ. Sứ mệnh tình yêu của ta sẽ đòi hỏi lòng can đảm và sự ngoan cường. Chúa Giêsu đang mời gọi, và ta có thể đáp lại bằng cách chọn lấy đời sống của đức tin, đức cậy và đức mến, của niềm vui, phục vụ và sứ mệnh.

Sứ mệnh của chúng ta là phục vụ cho sự sống toàn diện

189. Chúng ta đã bắt đầu phần giáo lý này bằng cách giải thích rằng Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta có một lý do.

Thiên Chúa mà chúng ta gặp gỡ trong Đức Giêsu Kitô hằng yêu thương chúng ta, và mời gọi chúng ta yêu thương như Ngài yêu thương. Nếu ta hiểu được rằng tình yêu là sứ mệnh mà mỗi người chúng ta phải thực hiện trong đời sống hôn nhân của ta, nơi gia đình ta, nơi con cái ta, nơi giáo xứ ta, thì chúng ta đã học được chân lý căn bản vốn sẽ định hình nhiều lãnh vực khác của đời sống.

190. Ví dụ như nếu trung thành với giao ước đòi hỏi ta phải tiết chế, nếu cơ thể ta và thế giới vật chất có thể chuyển tải ân sủng Thiên Chúa, thì chúng ta có thể tiếp cận với những vấn đề sinh thái, kỹ thuật và y khoa với tinh thần khiêm tốn được đổi mới. Tương tự, nếu ta dấn thân theo Chúa trong tình yêu giao ước mạnh hơn cả đau khổ, ta sẽ có những lý do mới để đứng vững trong tình liên đới với những ai đang phải buồn phiền sầu khổ. Nếu ta hiểu được rằng hình ảnh Thiên Chúa, và phẩm giá con người, đâm rễ sâu hơn bất cứ thành tựu hay kỹ năng nào của con người, thì ta có thể hiểu được tại sao Hội thánh lại thương yêu những người trẻ tuổi, những người già cả, những người tàn tật, và tất cả những ai luôn phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác đến thế.

191. Bây giờ chúng ta hiểu được tại sao huấn giáo về gia đình thực sự lại là một nền huấn giáo cho cả cuộc đời. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Rao giảng Tin Mừng, thực ra, được thực hiện trước tiên từ trong gia đình rồi mới đến những lãnh vực khác của đời sống hằng ngày” [1]. Nếu ta biết nghĩ về các gia đình chúng ta như những Hội thánh tại gia, nếu chúng ta nhận biết được tại sao chủ nghĩa luân lý cá nhân không phải là bối cảnh xứng hợp để đón nhận giáo huấn Công giáo, thì chúng ta đã có một tầm nhìn tốt sẽ tái định hướng toàn thể căn tính chúng ta.

Sống như một dân thiểu số biết sáng tạo

192. Những quan điểm của người Công giáo về ý nghĩa cuộc đời và làm sao để mà sống cho tốt, sẽ chẳng thuyết phục được ai trong thời đại này. Thời đại “Kitô giới”, vốn là thời quá khứ mà khi đó những người Tây phương có thể chấp nhận có một sự phù hợp sơ đẳng nào đó giữa những giá trị công cộng và những giá trị Công giáo, nay đang phai tàn. Những người Công giáo Tây phương hậu-Kitô giới đang học sống như những Kitô hữu ở nhiều nơi khác trên thế giới, như ở châu Phi hay châu Á, ở đó Kitô hữu chưa bao giờ chiếm đa số cả.

193. Tình trạng thiểu số trong một nền văn hóa không có nghĩa là tình trạng ở bên lề xã hội hay không thích hợp. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, khi dạy về ơn gọi tham gia vào xã hội, có trưng dẫn lá thư của một Kitô hữu, được viết vào thời kỳ Hội thánh chưa hiện diện chính thức đối với xã hội hoặc có uy tín trong xã hội. Cám dỗ thoái lui hẳn phải là có thực, nhưng lá thư viết: “Các bạn đừng sống hoàn toàn cô lập hay khép kín, như thể các bạn đã được công chính hóa rồi, nhưng hãy hợp nhất với nhau để cùng nhau phục vụ công ích” [2] Tinh thần hướng ngoại để phục vụ này thực sự có một nguồn gốc còn lâu đời hơn. Tiên tri Giêrêmia đã nói với dân Do thái bị lưu đầy ở Babylon, mặc dù những người Babylon đã cướp phá thành Giêrusalem và bắt người Do thái đi tù đày: “Hãy mưu tìm thịnh vượng cho thành mà Ta đã đày các ngươi tới, hãy cầu nguyện Đức Chúa cho thành ấy, vì sự thịnh vượng của nó cũng là sự thịnh vượng của các ngươi” (Gr 29,7).

194. Để sống trong một thế giới với tư thế của một cộng đồng thiểu số sáng tạo và trung thành, đòi hỏi phải có một kỷ luật tinh thần. Trong sách Đaniel, tiên tri Đaniel và các người bạn Do thái của ông có thể phục vụ trong triều đình vua xứ Babylon là Nabukôđônôso. Sự kiện những người

Do thái này dám đi xa tới mức phụng sự một ông vua ngoại giáo, tự nó đã gây chấn động. Nhưng họ rất hữu ích cho nhà vua chính khi bao lâu họ còn là những người Do thái trung thành.

195. Lý do khiến họ có sự khôn ngoan mà những pháp sư của nhà vua không có được, chính là vì họ đã sống cuộc đời họ theo niềm tin, tin vào một Thiên Chúa duy nhất chân thật. Họ đã cầu nguyệN [3] và giữ vững những kỷ luật cốt yếu của Do Thái giáo (như những tiết chế về ăn uống [4]). Họ là men trong cung điện ngoại giáo vì họ biết họ là ai. Họ biết cách tồn tại trong một thế giới xã hội đặc thù nhưng không thuộc về nó. Và họ biết khi nào không được thỏa hiệp – họ biết căn tính tôn giáo của mình đôi khi phải trả giá đắt- và họ chấp nhận bị nhốt vào hang sư tử và lò thiêu hực lửa hơn là phản bội lại Đức Chúa của mình mà thờ lạy ngẫu tượng.

196. Người Công giáo có những sách lược và tiền lệ để sống đức tin trong một thế giới không hiểu niềm tin của họ hoặc không đồng thuận với họ. Cách sống của chúng ta tuy khác với lối sống của trần thế, nhưng chúng ta có một niềm hi vọng chắc chắn và một tâm trí sáng suốt, có “một kế hoạch lớn lao hơn những ý tưởng và dự án riêng của chúng ta, một kế hoạch nâng đỡ chúng ta và giúp ta có thể phó thác hoàn toàn tương lai mình cho Đấng chúng ta yêu mến” [5]. Chúng ta có nền tảng vững chắc cho sự độc lập của mình khỏi bị tấn công bởi những sức mạnh hủy diệt trong xã hội và nền văn hóa, và cũng chính nền tảng này định hướng cho chúng ta sống yêu thương và tham gia vào xã hội và văn hóa. “Tình yêu vốn hằng chuyển dời mặt trời và các vì sao khác” [6] tình yêu vốn đã sáng tạo và hằng giữ gìn tất cả những gì đang hiện hữu, cũng chính là tình yêu đang tác sinh cho các cuộc hôn nhân, các gia đình, các mái ấm và cả Hội thánh chúng ta. Chúng ta có thể tin tưởng nếu chúng ta sống theo tình yêu này, đến tận chân thập giá, thì những đau khổ của chúng ta sẽ làm cho chúng ta có thực chất hơn, trở nên là người một cách đích thực hơn, và tin tưởng sự phục sinh và sự chứng thực đang đến, bởi vì chúng ta đang theo một Đức Chúa đáng tin cậy. Tình yêu này sẽ cho chúng ta sức mạnh để sống một cách đặc sắc như muối cho đời [7].

Tất cả chúng ta đều là những nhà truyền giáo

197. Thánh Gioan Phaolo II khuyến khích các gia đình: “Hỡi gia đình, hãy trở nên đúng như căn tính của mình” [8], và lời ngài hiện vẫn còn nguyên tiếng vang vọng. Những lời ấy càng khẩn cấp hơn nữa trước bao thách đố mà các gia đình ngày nay đang phải đương đầu. Trực giác của thánh Gioan Phaolô II cho thấy sứ mệnh của gia đình phát xuất từ chính căn tính của gia đình trong kế hoạch Thiên Chúa. “Và vì trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình được thiết lập như một ‘cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu’, nên gia đình có sứ mệnh ngày càng trở nên đúng như căn tính của mình, tức là, một cộng đồng của sự sống và tình yêu trong nỗ lực sẽ được thành toàn… trong Nước Thiên Chúa” [9]. Theo Thánh Gioan Phaolô II, sứ mệnh cơ bản của gia đình là “canh giữ, mạc khải và thông truyền tình yêu”, một sứ mệnh “phản chiếu sống động và chia sẻ thật sự tình yêu Thiên Chúa cho loài người và tình yêu Chúa Kitô cho Hội thánh, Tân Nương của Ngài” [10]. Khi gia đình đảm nhận lấy căn tính thừa sai này của mình, thì gia đình trở nên một thực thể đúng như Thiên Chúa muốn.

198. Sứ mệnh này không dành riêng cho một số ít người hay cho những người đặc biệt. Cũng không có nghĩa là các gia đình, bằng cách nào đó, phải ngưng là chính mình hoặc ngưng đeo đuổi sự toàn hảo bất khả nào đó để làm chứng cho Tin Mừng. Gia đình Kitô hữu được mời gọi đào sâu, suy nghĩ cẩn thận, và làm chứng cho tình yêu và sự sống vốn là cơ sở để là một gia đình.

199. Gia đình là một cộng đồng yêu thương, đặt nền tảng trên sự trao hiến bản thân trong sự hiệp thông hai-trong-một-thân-xác giữa vợ và chồng. Chính sự thông hiệp bất khả phân ly này của đôi vợ chồng làm cho toàn thể gia đình trở nên một cộng đồng đích thực của các nhân vị [11]. Chính ở trong gia đình mà ta học biết tình yêu như một tặng phẩm chính bản thân được trao hiến – tặng phẩm được nhận lãnh trước hết bởi đứa trẻ từ cha và mẹ nó, và rồi đến lượt nó lại trao tặng trở lại và chia sẻ cho những người khác. Gia đình là nơi ta học biết giá trị của cộng đồng, tạo nên cơ sở cho sự hiệp thông trong xã hội. Bằng cách đó, hôn nhân và gia đình phấn đấu để yêu thương trong sự hiệp nhất và trung thành, sẽ đem lại một chứng tá quan trọng trong các mái ấm gia đình, xóm giềng, giáo xứ, các cộng đồng địa phương và bất cứ nơi nào họ đến, dù khi họ phục vụ, làm việc hay giải trí.

Hội thánh tại gia sẽ nên trọn vẹn trong sứ mệnh tiến tới Hội thánh hoàn vũ

200. Hội thánh chưa bao giờ rời xa mái ấm gia đình. Chính Đức Kitô được sinh ra, nuôi dưỡng và huấn luyện “trong lòng một Gia đình thánh có thánh Giuse và Đức Mẹ Maria” [12]. Đức Maria – là trinh nữ và là người mẹ – thâu tóm một cách độc đáo và tuyệt hảo cả ơn gọi độc thân lẫn ơn gọi làm mẹ [13]. Cuộc sống gia đình của các Đấng, Thánh Gia Nazaret, là một gương mẫu và các vị cũng chuyển cầu cho các gia đình. Suốt sứ vụ công khai, Đức Giêsu thường thăm viếng hay ở lại dưới mái ấm các gia đình, đặc biệt là gia đình của thánh Phêrô ở Capharnaum. [13] Thánh Phaolô, trong những lời chào hỏi, cũng nhìn nhận những môn đệ đặc biệt là cặp vợ chồng Prisca và Aquila, và “Hội thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy” [14]. Như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy:

Ngay từ những buổi đầu, hạt nhân của Hội thánh thường gồm những người tín hữu mới nhập đạo“cùng với cả gia đình.” Khi trở lại đạo, họ ao ước cho “cả gia đình họ” cũng được cứu độ. Những gia đình tân tòng này, là những hòn đảo của đời sống Kitô giáo giữa một thế giới không tin [15].

201. Nói về gia đình như một Hội thánh tại gia có nghĩa là điều gì được nói về chính Hội thánh thường đều có thể được nói cách tương tự về gia đình kitô hữu, và do đó, gia đình kitô hữu đóng vai trò quan yếu trong Hội thánh và thế giới. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến “vai trò Hội thánh, độc đáo và đặc thù” của gia đình kitô hữu: “Gia đình kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực, với tinh thần trách nhiệm, vào sứ mệnh của Hội thánh một cách độc đáo và đặc thù, bằng cách đặt mình vào căn tính của mình, và trong những gì mình làm, như là một ‘cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu,’ trong sự phục vụ Hội thánh và xã hội” [16].

202. Sách Toát yếu Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả Bí tích Hôn phối cùng với Bí tích Truyền chức thánh như là những Bí tích “phục vụ cho sự hiệp thông và sứ vụ” [17]. Hôn nhân và gia đình phục vụ và xây dựng sự hiệp thông của Hội thánh, đóng góp cho, và thúc đẩy sứ vụ loan báo Tin Mừng và yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương. Đôi khi có thể có một khuynh hướng chỉ biết suy nghĩ là Hội thánh (và Hội thánh địa phương cũng như giáo xứ) phục vụ thế nào cho hôn nhân và gia đình thôi. Quả thực đây là một phần tối quan trọng để Hội thánh vươn ra xa trong mục vụ của mình.

203. Nhưng điều cũng quan trọng như thế, và có lẽ thậm chí còn khẩn cấp hơn, đó là suy nghĩ làm sao các gia đình kitô hữu yêu mến và phục vụ giáo xứ, giáo phận, Hội thánh hoàn vũ và thế giới. Sứ vụ nhằm trợ giúp các gia đình là cần phải giúp chính các gia đình lại trở nên những người truyền giáo. Theo một nghĩa nào đó, đây là một sự chuyển đổi mô hình, và chúng ta hi vọng sẽ có một mùa màng nở rộ trong Hội thánh: đó là việc mở ra cho các gia đình kitô hữu đảm đương việc truyền bá Tin Mừng. Gốc rễ của điều này không gì khác hơn là sự tái khám phá ơn gọi của hôn nhân như một ơn gọi trở nên một Hội thánh tại gia.

204. Hội thánh tại gia không phải là một khái niệm trừu tượng. Đó là một thực tại, một ơn gọi, một sứ vụ dựa trên Bí tích Hôn phối, và được sống bằng nhiều cách. Đức Kitô vẫn đang kêu mời: Hỡi các gia đình kitô hữu, Hội thánh đang cần đến các con, thế giới đang cần đến các con.

205. Hỡi gia đình, hãy trở nên như chính mình [18].  Hãy chọn sống, sao cho anh em và dòng dõi anh em được sống, bằng cách yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vâng nghe tiếng Người và gắn bó với Người [19].  Sứ vụ này đôi khi sẽ làm anh em nổi bật khác người trong xã hội. Sống làm chứng nhân cho tình yêu đòi hỏi sự dấn thân và kỷ luật tinh thần, nhưng đừng sợ hãi. Hội thánh ở với anh em. Đức Chúa ở với anh em. Người đã lập giao ước với anh em. Đức Chúa đang mời gọi. Người sẽ luôn trung thành, và giao ước của anh em sẽ sinh hoa kết quả. Tình yêu là sứ mệnh của anh em, là nền tảng của mọi cộng đoàn, một mạo hiểm sâu xa trong phục vụ, cái đẹp và sự thật.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

a)      Hiểu như thế nào giáo lý về gia đình thực sự cũng là một giáo lý cho trọn cả đời sống? Giáo huấn Công giáo về bản tính con người, tính dục, hôn nhân, và gia đình có liên hệ với những mặt khác của đời sống như thế nào?

b)    Các giá trị và tập quán trong cộng đồng của bạn khiến cho việc làm người Công giáo thành dễ dàng hơn hay khó khăn hơn? Trong nền văn hóa của bạn, bạn có được tự do làm người Công giáo một cách trọn vẹn không, hay có áp lực nào đó khiến đức tin phải thỏa hiệp? Làm thế nào bạn có thể tham dự vào nền văn hóa của bạn trong khi vẫn là một tín hữu?

c)    Gia đình bạn có tự nghĩ về mình như một Hội thánh tại gia không? Đâu là những giá trị rõ ràng trong cung cách sống của gia đình bạn? Bạn có thể có những bước đi nào để trở nên những nhà thừa sai tốt hơn mõi ngày?

d)      Gia đình bạn cần Hội thánh nâng đỡ những gì? Hội thánh có thể giúp đỡ gia đình bạn như thế nào? Bạn có thể giúp đỡ Hội thánh và các gia đình khác như thế nào?

GHI CHÚ:

[1] ĐGH Phanxicô, Kinh Truyền Tin “Nói về Thánh Gia như những người tị nạn”, 29.12.2013

[2] GLHTCG, 1905.

[3] Đn 6,11.

[4] Đn 1,8.

[5] LF, 52. Xem số 2 trên đây.

[6] Dante, The Divine Comedy:Paradiso, Canto XXXIII.

[7] Cf. Mt 5,13

[8] FC, 17.

[9] FC, 17. Cf. GS, 48.

[10] FC, 17.

[11] FC, 18-27.

[12] GLHTCG, 1655.

[13] GLHTCG, 507.

183 Cf. Mc 1,29-31; Mt 8,14-15; và Lc 4,38-39. Cf. Mc 2,1; 3,19-20; 7,17; 9,33. Cf. Mc 5,38; 7,24; 10,10; 14,3; Mt 9,23; 10,11-13; 13,1; 17,25; 26,6; Lc 5,29; 7,36; 8,51; 10,5-7; 11,37; 14,1; 19,5-9; và Ga 4,53; 12,1-2.

[14] Rm 16,5 và 1Cr 16,19. Cf. Cl 4,15 và Pl 4,22.

[15]  GLHTCG, 1655. Cf. Cv 18,8; 16,31; 11,14.

[16] FC 50.

[17] Toát Yếu GLHTCG, 321. Xem số 91 trên đây.

[18] FC, 17.

[19] Đnl 30,19-20.