4. BÀI MỘT

BÀI MỘT – ĐƯỢC DỰNG NÊN ĐỂ CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI

Con người chúng ta không chỉ là một tồn tại ngẫu nhiên của cuộc tiến hóa. Chúng ta có phẩm giá cao trọng còn hơn một xác thể tổng hợp về sinh học. Thiên Chúa hiện hữu. Ngài nhân lành. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài để chia sẻ niềm vui với Ngài. Ngài tích cực can dự vào cuộc sống chúng ta. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để khôi phục lại phẩm giá và dẫn đưa chúng ta về Nhà với Ngài.

Một hoạch định Sống và Tình Yêu hằng nâng đỡ chúng ta

1. Giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và gia đình bắt nguồn từ tâm điểm của đức tin chúng ta. Do vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn lại tiến trình lịch sử của Hội thánh. Thiên Chúa của chúng ta không phải là Đấng ở quá xa vời không chạm tới được. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu chính là nguồn mạch của đức cậy trông, đức tin, đức mến và là nguồn vui làm sinh động đời sống gia đình Công Giáo. Đức Giêsu chính là nền tảng, dựa vào đó chúng ta có thể tin tưởng vào sự khôn ngoan của đức tin Công Giáo. Mọi điều được trình bày trong các bài giáo lý này đều xuất phát từ chính Đức Giêsu[1].

2. Như gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô nói về đời sống hôn nhân: “Triển vọng về một tình yêu vĩnh cửu có thể thành hiện thực khi chúng ta đón nhận một kế hoạch vĩ đại hơn những gì bản thân ta tưởng nghĩ và đảm nhận, một kế hoạch hằng nâng đỡ và giúp chúng ta can đảm phó thác trọn vẹn tương lai của chúng ta cho Đấng chúng ta yêu mến”[2]. Nhưng chúng ta lại đang sống trong một thời đại mà con người thế gian thường hay hoài nghi về bất cứ kế hoạch vĩ đại nào hay ý nghĩa cao cả vượt trên những kinh nghiệm của con người. Đối với nhiều người, thì con người chẳng qua chỉ là một tồn tại ngẫu nhiên của tiến hóa, là một tập hợp các nguyên tử carbon với một thái độ nào đó. Nói cách khác, nhiều người cho rằng, chúng ta không có một cùng đích nào cao trọng hơn những ý nghĩa do chính chúng ta tự tạo ra cho mình.

3. Trong một kỉ nguyên của công nghệ cao cấp và vật chất dồi dào như hiện nay, lối lí luận vô thần như thế có thể được tán dương. Nhưng chung cuộc, đó là một tầm nhìn quá hạn hẹp về con người của chúng ta, nam cũng như nữ. Lối tư duy ấy làm tổn hại nhân phẩm. Nó làm cho những linh hồn vốn đang đói còn phải chết đói. Lý luận như thế là không đúng.

4. Thực vậy, chúng ta luôn khao khát ý nghĩa cuộc sống. Khao khát về cùng đích cuộc đời là một kinh nghiệm nhân bản phổ quát. Con người luôn trăn trở với những vấn đề cơ bản như: “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi có mặt ở đây?”, “Tôi phải sống như thế nào?”. Đức tin Kitô giáo xuất hiện ở vùng Địa Trung Hải cổ xưa nơi pha trộn các nền văn hóa Hi lạp, La mã, Do Thái và các nền văn hóa khác nữa. Đó là một thế giới mà những giải đáp khác nhau cho vấn đề cơ bản của cuộc sống đang đấu tranh để chiếm ưu thế.

5. Hoàn cảnh của chúng ta ngày nay cũng giống như thế. Giống như trong thế giới xưa kia, các nền văn hóa ngày nay chồng lấp và thấm nhập lẫn vào nhau. Hiện nay, nhiều triết thuyết về cuộc sống đang đua nhau cống hiến những cách nhìn khác nhau về câu hỏi này: Điều gì làm cho cuộc sống con người được hạnh phúc? Trong lúc đó, đau khổ và nghèo đói thì đầy dẫy, và trong một số nền văn hóa cũng lan tràn thái độ hoài nghi yếm thế đối với bất cứ một tôn giáo hoặc một triết thuyết nào muốn cống hiến chân lý toàn diện và trói buộc người ta.

6. Thời đại của chúng ta là một thời đại rối rắm với nhiều giải đáp dị biệt như thế. Ngày nay, có nhiều người thành tâm tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống, nhưng chẳng biết phải đặt niềm tin vào ai và giao phó phận đời mình ở đâu.

7. Giữa tình trạng đầy những ngổn ngang ngờ vực như vậy, các Kitô hữu là những người tin vào Đức Giêsu Kitô[3]. Dẫu cho lịch sử nhân loại còn mập mờ, nhưng con đường vui mừng và hi vọng, yêu thương và phục vụ của đạo Công Giáo lại cắm rễ sâu trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Như thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong Thông điệp đầu tiên của ngài: “Trong lịch sử nhân loại, mạc khải về tình yêu và lòng thương xót đã được mang một hình hài và một danh tánh, đó là Đức Giêsu Kitô”.

 

Giáo lý Đại hội Thế giới về Gia đình: ”Sứ mệnh yêu thương”
TGP Philadelphia1/30/2015