Ai Khôn – Ai Dại?

Chúng ta đang sống trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn và đồng thời chuẩn bị kết thúc năm phụng vụ. Những bài Tin Mừng trong các tuần cuối cùng nhắc chúng ta về thời khắc cánh chung – lúc Chúa Giêsu quang lâm – và chắc chắn, đó là thời điểm mà “anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Và trước thời điểm đó thì tất cả chúng ta đều là “mười trinh nữ” kia. Tất cả đều mang đèn theo, hay có thể nói là chúng ta đã được trang bị đèn sẵn cho rồi. Đèn ấy là:

–          Lương tâm hướng thiện đã được Chúa đặt để trong mỗi tâm hồn.

–          Các chuẩn mực đạo đức đã được thiết lập trong xã hội.

–          Các giới răn nhằm cụ thể hóa đời sống mến Chúa, yêu người.

–          Các bí tích, kinh nguyện và nghi lễ phụng vụ…

Thật buồn cười là việc mang đèn mà không có dầu! Chỉ tổ nặng tay chứ làm sao thắp sáng? Những chiếc đèn kia giờ trở thành vô dụng! Chả trách Chúa đã phân loại một cách rạch ròi: 5 cô KHÔN và 5 cô DẠI. Không phải là 5 cô chu đáo, căn cơ và 5 cô vụng về, đuểnh đoảng… KHÔN – DẠI chính là thái độ sống, chu đáo hay đuểnh đoảng chỉ là bản tính. Trước tòa phán xét, Chúa không phân biệt bản tính. Có những người đuểnh đoảng lại có thái độ sống rất… KHÔN trong khi nhiều kẻ căn cơ lại hóa ra… DẠI!

KHÔN – DẠI cũng chính là tiêu chí mà chúng ta – vô tình hay cố ý – thường nhận xét về nhau:

–          Con bé ấy bản lĩnh, sẵn sàng cắt đứt với thằng bồ từ thời học phổ thông để ưng thằng Việt kiều mà bà dì giới thiệu cho, giờ cả nhà được nhờ mà bản thân nó cũng sung sướng – KHÔN!

–          Anh chàng đó học hành chẳng ra sao, nhưng phấn đấu theo “đảng tịch”, giờ nghiễm nhiên là Chủ tịch một quận béo bở, nhà cửa khang trang, vợ con sung sướng – KHÔN!

–          Cô nọ dám bán nhà để chạy chọt vô ngành Hải quan, chấp nhận ở nhà thuê một thời gian. Bây giờ gia đình cô có tới mấy căn ở trung tâm thành phố – KHÔN!

–          Cậu kia tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi, cơ hội về các bệnh viện lớn trong tay mà lại xin đi phục vụ bệnh nhân AIDS – DẠI!

–          Bà ấy có mặt bằng kinh doanh rất tốt mà không biết tận dụng, lại đi mở quán cơm từ thiện – DẠI!

–          Anh nọ chẳng nằm trong tổ chức an ninh, cũng chẳng được trang bị và lại chẳng có lương mà lại lăng xăng bắt cướp, giờ bị nó chém cho – DẠI!

–          …

Tôi chạnh nhớ hai câu thơ của thi hào Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao…

Phải chăng ông đã “ngộ” ra điều gì đó từ cái “tâm hướng thiện” của chính mình? Người tự nhận biết mình DẠI thì đã không DẠI. Vậy thì, ai KHÔN, ai DẠI? Người KHÔN trong dụ ngôn này chính là những cô trinh nữ biết dự trữ dầu để thắp sáng ngọn đèn đã được ủy thác. Nhờ đó, các cô được đón chàng rể, được diện kiến chàng rể, được sáng láng trước mặt chàng rể, và nhất là được vào dự tiệc cưới cùng chàng rể. Dầu của các cô từ đâu mà có? Chính là từ những hy sinh hàng ngày, từ sự chăm chút tâm hồn bằng cuộc sống bác ái, công bằng, vị tha; từ sự chuẩn bị cho việc thắp sáng ngọn đèn tâm linh và lòng trí luôn hướng về… “Chàng Rể” Giêsu! Dầu không có sẵn ngoài hàng quán ở giờ thứ… 25.

Đôi lúc, tôi thầm nghĩ: “Mọi sự đều có thời điểm của nó. Bây giờ tôi còn trẻ, phải bằng mọi cách tích cóp, tiền bạc, xây dựng cơ đồ, mưu cầu địa vị. Mai mốt về hưu rảnh rỗi, tôi sẽ làm từ thiện, sẽ đọc kinh, xem lễ… Nói chung, lúc đó tôi sẽ… chuẩn bị dầu để đón chàng rể!” Tôi quên mất rằng, chàng rể đến lúc nào tôi không hề biết: Mai mốt hay… chính hôm nay?

Steve Jobs, thiên tài máy tính vừa mới qua đời đã từng tâm sự: “Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu trích dẫn: “Nếu bạn sống mỗi ngày như đó là ngày cuối cùng của bạn, một ngày nào đó, điều này chắc chắn sẽ đúng”. Nó đã thực sự tạo ấn tượng với tôi, và kể từ đó, 33 năm qua, tôi đã nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, thì tôi có làm những điều mà tôi đã muốn làm trong ngày hôm nay?” Và khi nào cũng vậy, câu trả lời cũng đều là: “Không!” trong nhiều ngày liên tiếp. Tôi biết là tôi cần phải thay đổi nhiều thứ.” Ông cũng là cha đẻ của câu châm ngôn: “Hãy luôn sống khao khát, hãy luôn sống dại khờ” (Stay Hungry, stay foolish). Cũng như Nguyễn Bình Khiêm, Steve Jobs chắc chắn không phải là người DẠI! Nhưng chính nhờ Think Different * mà ông “ngộ” ra được vấn đề là phải thay đổi hàng ngày.

Muốn thay đổi hành động, trước tiên phải thay đổi cách nghĩ! Tôi cũng phải Think Different trong việc đánh giá sự KHÔN – DẠI ở đời này thì mới mong dự trữ được DẦU cho đời sau, bởi vì như Thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?” (1Cr.1: 19-20).

Thánh Giacôbê còn cụ thể hơn khi mô tả sự Khôn Ngoan đích thực:“Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.” (Gc. 3, 13-17)

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con Ơn Khôn Ngoan từ Trời như Vua Salômôn đã từng cầu xin, chứ không phải sự khôn ngoan thế gian đem lại. Nhờ đó, chúng con biết tích lũy cho mình DẦU để đón chàng rể – chính là việc thực hành Lời Chúa hàng ngày – và đến ngày Chúa quang lâm, chúng con được ngời sáng trước mặt Chúa với đèn trên tay. Amen. 

* Think Different: Câu slogan mà Steve Jobs đã đưa vào Apple.

Pio X Lê Hồng Bảo