Ai Vất Vả, Mang Gánh Nặng Nề

Hãy đến với ta….! Đối tượng của lời kêu mời tâm tình nhất đức Giê-su từng làm là ‘những ai đang vất vả mang gánh nặng nề’. Nhưng họ là những ai? Câu trả lời thật cần thiết, vì nếu không xác định rõ, rất có thể chính tôi sẽ tự loại mình ra khỏi số đối tượng được kêu mời.

Tra cứu một số nhà chú giải kinh thánh để tìm đáp án, tôi đã khám phá ra điều đáng kinh ngạc. Ngoài ý nghĩa gánh nặng luật pháp mà người Do Thái phải gánh chịu, với các nghi lễ và qui định luân lý đè nặng trên đầu trên cổ, căn cứ vào đoạn sách Công Vụ Tông Đồ 15,10, phần đa các tác giả, dựa vào Thánh Vịnh 38 (37), nhất trí coi ‘ai mang gánh nặng nề’ là những kẻ tội lỗi “Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như gánh nặng vượt quá sức con (câu 5). Xin đan cử ra đây lời chú giải tiêu biểu của Barnes: 

‘Không còn nghi ngờ gì nữa, đối tượng ngài kêu mời chủ yếu là các tội nhân đáng thương, lầm lạc và quị ngã : những con người bị đè bẹp dưới gánh nặng của ý thức những lỗi lầm đã phạm, run rẩy trước hiểm nguy bị luận phạt, và tìm mọi cách để được giải cứu. Trước tình trạng đó, một lối thoát đã được mở ra. Đức Ki-tô kêu mời họ tới với ngài, tin vào ngài, và phó thác cho ngài, và chỉ mình ngài mà thôi, hầu được giải thoát và cứu rỗi. Thực hành điều này, ngài sẽ cho họ an nghỉ – an nghỉ khỏi tội lỗi mình phạm, an nghỉ khỏi lương tâm cắn rứt, an nghỉ khỏi các luật pháp đáng khiếp sợ, và an nghỉ khỏi nỗi sợ hãi phải trầm luân muôn đời.’ 

Cuộc thổ lộ tâm tình nhất của Thánh tâm Giê-su (Thánh Phan-xi-cô Sa-lê gọi là ‘heart speaks to hearts’) có đối tượng duy nhất là các tội nhân. Ai tự cho mình là thánh thiện, là đạo đức, là khôn ngoan thông thái… đều tự tách mình ra khỏi lời mời gọi này. Không sai khi ngài dâng lời tạ ơn Cha ngài vì ‘… đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn!’ Điều này hoàn toàn ăn khớp với lời ngài từng tuyên bố ngay từ thời gian đầu của sứ vụ rao giảng: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năm(Lc 5, 31-32).  

Trong thổ lộ tâm tình này, tầng số mà hai con tim cùng rung lên cùng đập, để rồi gắn chặt lại với nhau, là cực thấp cực trầm. Tầng số đó không gì khác hơn là khiêm hạ, khiêm nhường thẳm sâu. Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Về phía Thiên Chúa, khiêm hạ có vẻ là điều không tưởng vì địa vị quyền uy tột bậc của ngài, nhưng qua đức Giê-su trong việc nhập thể trở nên giống chúng ta mọi đàng, nó đã trở thành nét đặc sắc nhất. Còn lại là phía chúng ta. Vẫn tưởng rằng khiêm nhường sẽ dễ lắm, nhưng thực tế không phải vậy. Gợi nhớ sự thấp hèn và tội lỗi của thân phận mình vẫn là điều khó khăn, kinh tởm, hầu như không thể vượt qua nổi đối với hầu hết mọi người. Thậm chí ngay trong nỗ lực sống lành thánh, nhiều khi ta vẫn còn thấy lởn vởn đâu đó nỗi sợ hãi phải nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. 

Lòng tôn sùng Thánh Tâm vì thế đòi nơi tôi điều kiện sine qua non là đi sâu vào con người vất vả gánh nặng của mình. Con tim tôi càng nặng nề, Trái Tim Chúa càng dễ dàng tiếp nhận và bao bọc lấy; đồng thời, trong cái lỗ vết thương sâu hoắm của tội lỗi và luận phạt, nó càng có khả năng đón nhận trọn vẹn lòng hiền hậu và thương xót của Thiên Chúa. Vinh quang lớn nhất của Thánh Tâm Chúa chính là đây, “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen cha!”

Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến sâu rộng trong thế kỷ 17 với thánh nữ Ma-ga-ri-ta A-la-cốc (1647-1690) đã dẫn tới tôn sùng lòng thương xót Chúa vào thế kỷ 20 với thánh nữ Faustina (1905-1938). Chỉ mong rằng hai ‘tôn sùng’ này không dừng lại ở đạo đức, mà sớm trở thành nét nổi bật nhất của Tin Mừng (cả trong suy tư thần học), để giúp khám phá ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su,qua vết thương do lưỡi đòng khoét sâu nơi con tim Chúa, thánh Gio-an đã nhận ra tình yêu ‘làm của lễ đền tội’ (1Ga 4,10). Con biết mình chỉ có thể vào sâu trong Trái Tim Chúa khi chân thành thú nhận tội lỗi mình đã phạm. Xin cho con học thuộc bài học khiêm nhường mà Thánh Tâm Chúa là thày dạy lỗi lạc nhất. Xin dìm con ngập sâu trong tội lỗi mình để con suy tôn và thờ lạy Thánh Tâm Giê-su Tình Yêu cách chân thật nhất. Amen.

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB