Bài 1 – Tại sao lại tuyển mộ các nhân chứng cho Chúa Giêsu Kitô?

Chủ đề Chúa Nhật Giáo Lý năm 2018 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là “Tuyển mộ các nhân chứng cho Chúa Giêsu Kitô”. Theo Đức Cha Robert Barron, Chủ Tịch Uỷ Ban Phúc Âm Hoá và Dạy Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì chúng ta đang sống trong một xã hội bị tục hoá, là một xã hội tiếp tục đẩy Kitô Giáo ra ngoài lề, hoặc hoàn toàn không còn liên hệ gì với Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh…. Vì thế mà chúng ta đang mất đi những người Công Giáo đã được rửa tội, đặc biệt là giới trẻ với một tốc độ đáng sợ. Chính vì tình trạng khẩn trương của hiện tượng “bỏ đạo” này, mà Giáo Hội Hoa Kỳ dành Chúa Nhật Giáo Lý năm 2018 và 2019 để bàn về nó, đồng thời cũng giới thiệu những phong trào đang tuyển mộ nhân chứng cho Chúa trong Giáo Hội Hoa Kỳ ngõ hầu tìm cách chặn đứng làn sóng “xuất hành” khỏi Hội Thánh này.[1]

Có nhiều lý do cho thảm trạng này, nhưng một trong những lý do chính là chúng ta không những thiếu các nhân chứng cho Đức Kitô, mà còn có quá nhiều gương mù trong Hội Thánh, và cách riêng trong các giáo xứ.  Gần đây chúng tôi có dịp hỏi một số người trẻ Việt Nam là tại sao các em bỏ nhà thờ, thì có em trả lời rằng “em thấy đa số người Công Giáo sống hai mặt, giả hình, đôi khi còn tệ hơn những người Phật Giáo mà em gặp, nên em không có lý do gì để theo đạo cả!”

Theo thống kê của PRRI (Public Religion Research Institute) vừa được phát hành gần đây với tựa đề “Exodus: Why Americans are Leaving Religion—and Why They’re Unlikely to Come Back”, thì 10%  số người trưởng thành ở nước Mỹ là “cựu Công Giáo”. Trong số đó thì 49% hiện nay không theo đạo nào cả, 38% theo Tin Lành và 13% theo các đạo khác như Hồi Giáo, Mormôn và Chứng Nhân Giêhôva.  Trong số các thanh niên nam nữ từ 18-29 tuổi, thì 39% không theo đạo nào cả.

Theo nghiên cứu của Pew thì 79% những người “cựu Công Giáo” này bỏ Hội Thánh trước 23 tuổi. Trong số các em thuộc thế hệ Y (Millennials) thì 50% những em được lớn lên trong gia đình Công Giáo đã không còn nhận mình là Công Giáo nữa.  Trong số những em còn nhận mình là Công Giáo thì chỉ có 14% (hay 7% của tất cả) còn tham dự Thánh Lễ hằng tuần.[2]

Cũng theo thống kê kể trên, thì có ba loại người “không còn theo tôn giáo nào”:

  • Hoàn toàn bỏ đạo (58%) – Tôn giáo không những không quan trọng gì với cá nhân họ, mà còn có hại nhiều hơn có lợi.
  • Thờ ơ (22%) –  Có Thiên Chúa hay không cũng chẳng quan trọng gì, nhưng thường coi tôn giáo là có ích cho xã hội.
  • Đạo tại tâm (18%) – Coi tôn giáo là quan trọng đối với cá nhân và thường có ích cho xã hội, nhưng không đồng ý với các tôn giáo có tổ chức.

Theo thống kê của cả PRRI (2016) và Pew (2009) thì

  • Trên 60% người ta bỏ đạo vì không còn tin vào các giáo huấn của Hội Thánh;
  • Khoảng 43% nói rằng nhu cầu tâm linh của họ không được thoả mãn và đa số những người này bỏ Công Giáo sang Tin Lành;
  • Khoảng trên dưới 20% bất mãn với các hoạt động của giáo xứ, thái độ của các giáo sĩ hoặc việc lạm dụng tính dục của các giáo sĩ.

Theo nghiên cứu của Gíao Phận Springfield năm 2014 thì 56% bỏ nhà thờ vì quyên góp quá nhiều.[3]

Nhiều người cho rằng những con số trên chỉ áp dụng cho các giáo xứ Mỹ, chứ còn các giáo xứ Việt Nam chúng ta thì khác.  Chúng ta là con cháu các Thánh Tử Vì Đạo và người Việt Nam chúng ta sống đạo sốt sắng hơn người Mỹ nhiều.  Việc Kỷ Niệm 30 phong hiển thánh cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho sự kiện này.

Đúng thế, nếu nhìn bề ngoài thì các giáo xứ Việt Nam bao giờ cũng có những sinh hoạt sầm uất và cuối tuần: các Thánh Lễ đầy ấp nhà thờ, các hội đoàn mọc lên như nấm và tranh đua nhau trong mọi hoạt động tông đồ, như gây quỹ, làm bếp, bán hàng, ca đoàn, rước sách… với nhiều sắc áo khác nhau chẳng khác gì “trăm hoa đua nở”.  Còn trong tuần thì “vắng như Chùa Bà Đanh”.

Nhưng nếu nhìn kỹ lại thực trạng giáo xứ Việt Nam thì chúng ta đừng vội lạc quan.  Sở dĩ chúng ta quá lạc quan vì chúng ta chưa bao giờ có một cuộc nghiên cứu cách khoa học về người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.  Cứ thành thật mà nói:  Có bao nhiêu người giữ đạo vì thói quen?  Có bao nhiêu người thực sự sống đạo sau khi ra khỏi nhà thờ?  Có bao nhiêu người phục vụ các giáo xứ vì tranh dành ảnh hưởng, chức tước, quyền lợi và có bao nhiêu người thực tâm vì mến Chúa và yêu tha nhân?  Có việc nói hành nói xấu nhau trong giáo xứ không?  Các đoàn thể có tranh dành ảnh hưởng với nhau không?  Có bao nhiêu người không ăn gian nói dối?  Có bao nhiêu cha mẹ Việt Nam không đau buồn vì con cái mình không còn giữ đạo nữa?

Tôi nhớ trong một buổi nói chuyện ở một giáo xứ kia, khi hỏi các tham dự viên xem “có ai biết những người trong số con cái, cháu chắt hoặc bạn bè của họ không còn đi thờ đi lễ nữa không?” thì hầu hết đều giơ tay.  Ở sở làm của tôi có một cô kỹ sư trẻ Công Giáo Việt Nam mà tôi biết, cô đã bỏ đạo theo Tin Lành từ khi còn ở đại học mà cha mẹ không hay biết gì cả.  Mỗi Chúa Nhật, cha mẹ hối cô đi nhà thờ thì cô nói rằng cô đi nhà thờ Mỹ.  Nhưng đó là nhà thờ Tin Lành.  Đến khi cô lấy chồng cả nhà mới biết, vì cô nhất định làm đám cưới với một người bạn Mỹ tại nhà thờ Tin Lành của cô.

Có lẽ những người Việt Nam lớn tuổi không mấy bị nền văn hoá tục hoá của Hoa Kỳ ảnh hưởng bao nhiêu vì thường chỉ giao tiếp với người Việt Nam và giữ đạo theo truyền thống Việt Nam. Nhưng chúng ta cần phải biết những thử thách mà con em chúng ta đang gặp phải trong xã hội Hoa Kỳ để giúp các em vượt qua được những thử thách ấy.

  • Thứ nhất là các em đang sống trong một xã hội càng ngày càng bị tục hóa và vật chất hóa, là những điều thường trái ngược với các sứ điệp và giá trị Kitô giáo.[4] Cho nên sống theo giáo huấn của Đức Kitô là lội ngược dòng, là  điều không mấy dễ dàng cho các em nếu không có ơn Chúa cùng những người hướng dẫn hiểu biết và tận tâm.
  • Thứ hai là chủ trương loại Thiên Chúa và tôn giáo ra khỏi học đường và xã hội của chủ thuyết Nhân Bản Thế Tục đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong các trường học, kể cả các trường Công Giáo và các cơ cấu chính trị, khiến nhiều người, đặc biệt là người Công Giáo dám công khai bày tỏ đức tin của mình ở nơi công cộng. Như thế làm gương mù cho các em.
  • Thứ ba là việc nhấn mạnh đến quyền lợi cá nhân trong nền giáo dục trung học cũng như đại học đã làm các em chỉ biết nghĩ đến mình và không còn một quan niệm đúng đắn về công ích và khả năng chấp nhận những giáo huấn được mặc khải, là những điều không thể thay đổi được bởi tiến trình dân chủ.
  • Thứ tư là sự tan rã của các cơ cấu cộng đoàn và xã hội trước đây đã nâng đỡ niềm tin tôn giáo và khuyến khích đời sống gia đình của các em bị thay thế bằng một nền văn hóa được hướng dẫn bằng truyền thông và kỹ thuật làm cho việc chấp nhận các giáo huấn của Hội Thánh của các em trở nên đặc biệt khó khăn.
  • Thứ năm là các giáo huấn về tôn giáo và việc dạy Giáo Lý cho các em còn phải cạnh tranh thì giờ với việc học hành, giải trí và thể thao trong đời sống bận rộn của các em. Chính vì thế mà nhiều em không thể đến trường học Giáo Lý vì bận học thi, tập dượt thể thao hay văn nghệ ở nhà trường.
  • Thứ sáu là đa số các giáo lý viên Việt Nam không được đào luyện kỹ càng về sư phạm, đời sống tâm linh và thần học nên các em cũng chẳng hấp thụ được bao nhiêu.

Khi đã nhận chân được những khó khăn mà giới trẻ Việt Nam đang phải đương đầu với, chúng ta không thể lờ đi những vấn đề này.  Nếu các giáo xứ Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động như thường lệ hoặc các chương trình dạy Giáo lý của Việt Nam tại Hoa Kỳ không chịu canh tân để đáp ứng nhu cầu đức tin của các em thì chúng ta không hy vọng gì sẽ giữ được đức tin của các em trong tương lai. Theo Đức Hồng Y Tobin thì “ngân sách” của một giáo xứ chính là lời “công bố thần học” của giáo xứ ấy.[5]  Có bao nhiêu giáo xứ đặt nặng việc đào luyện các giáo lý viên, có các buổi huấn luyện hay tĩnh tâm thường xuyên cho các giáo lý viên?  Thực ra, đa số các giáo xứ Việt Nam đặt hết ưu tiên cho việc xây cất những cơ sở hoành tráng, những tương đài lớn lao, những tổ chức lễ hội linh đình, nhưng rất tiết kiệm trong việc đào luyện đức tin cho người lớn và trẻ em cũng như thanh thiếu niên.  Chính vì thế mà ở Houston, Ban Giáo Lý Việt Nam của Cộng Đồng có ít ra là bốn lớp Thánh Kinh và Thần Học cho các giáo lý viên hằng tuần, nhưng tiếc rằng số học viên còn rất khiêm nhường, khoảng 30 đến 40 học viên một lớp.  Sứ vụ của chúng tôi là cung cấp phương tiện giúp các giáo lý viên đào sâu đức tin và mối liên hệ cá nhân với Đức Kitô.  Xin những vị có trách nhiệm về giáo dục đức tin trong các giáo xứ thúc đẩy các giáo lý viên và phụ huynh tích cực tham dự ngõ hầu giúp đỡ con em chúng ta một cách hữu hiệu hơn.

Để giáo dục đức tin của giới trẻ trong giai đoạn này, các linh mục, các giáo lý viên và các phụ huynh phải là những nhân chứng đích thực của Đức Kitô trước, và các giáo xứ phải trở thành những trường đào tạo các nhân chứng.  Giáo xứ phải là nơi mà mọi người cùng nhau sống đạo và làm chứng cho Chúa, chứ không phải chỉ là nơi chúng ta đến xem lễ mỗi tuần để chu toàn lề luật.

Nhân việc bàn về việc “Tuyển mộ các Nhân Chứng cho Chúa Giêsu Kitô” trong Chúa Nhật Giáo Lý năm 2018 và 2019, chúng con xin quý Cha, quý Thầy, quý Sơ và quý Anh Chị đóng góp các bài vở và chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc dạy Giáo Lý cho giới trẻ Việt Nam ngõ hầu góp phần đào luyện đức tin của các em cách hữu hiệu hơn.  Chúng con sẽ cố gắng đóng góp những bài liên quan trong những ngày tháng sắp tới.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

[1] Bishop Robert Barron, Bishop’s 2018 Catehetical Sunday Message, online at: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/how-we-teach/catechesis/catechetical-sunday/index.cfm, accessed 8/10/2018.

[2] Brandon Vogt, New Stats on Why Young People Leave the Church, on line at https://brandonvogt.com/new-stats-young-people-leave-church/; accessed 8/10/2018.

[3] Ibid.

[4] HĐGMHK, In support of Catecheticl Ministry, 6/16/2000, on line at: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/how-we-teach/catechesis/upload/in-support-of-catechetical-ministry.pdf, accessed 8/10/2018.

[5] HT Tobin, Reflection of His Eminence Joseph Cardianl Tobin, on line at: http://www.usccb.org/issues-and-action/get-involved/meetings-and-events/convocation-2017/upload/-Tobin_Witness-Praise_07-03-2017.pdf, accessed 11/8/2018.