Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Những Vết Thương trong Gia Đình 2

“Chúng ta cần có lòng hiếu khách huynh đệ và chu đáo, tình yêu và sự thật, đối với những người đã được rửa tội nhưng đã thiết lập một mối quan hệ mới sau thất bại của cuộc hôn nhân bí tích; thực ra, những người này không bị rút phép thông: không bị vạ tuyệt thông!  Và chúng ta không bao giờ được đối xử với họ như vậy: họ luôn luôn là phần tử của Hội Thánh”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 5 tháng 8 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về vết thương trong những Gia Đình đẽ ly hôn và tái giá.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Với bài giáo lý này chúng ta tiếp tục suy tư về gia đình.  Sau khi bàn về những vết thương của gia đình do sự hiểu lầm giữa vợ chồng gây ra, hôm nay tôi muốn chúng ta chú ý đến một thực trạng khác: làm sao để chăm sóc những người, sau cuộc thất bại không thể đảo ngược được nữa của mối dây liên hệ hôn phối của họ, khi họ đã lao vào vào một cuộc hôn nhân mới.

Hội Thánh biết rõ rằng tình trạng ấy đi ngược lại với bí tích Kitô giáo.  Tuy nhiên, cái nhìn như thầy dạy của Hội Thánh luôn rút ra từ trái tim của một người mẹ; một trái tim, được sinh động hoá bởi Chúa Thánh Thần, luôn luôn tìm những điều tốt lành và ơn cứu rỗi cho dân.  Đó là lý do tại sao Hội Thánh cảm thấy có nhiệm vụ, “vì yêu chân lý”, để “phân biệt các hoàn cảnh.”  Thánh Gioan Phaolô II đã bày tỏ trong Tông huấn Familiaris Consortio (số 84), chằng hạn, khi đưa ra sự khác biệt giữa những người là nạn nhân của cuộc ly hôn với những người gây ra nó.  Chúng ta phải thực thi sự phân biệt này.

Nếu chúng ta nhìn vào những mối liên hệ  mới này qua cặp mắt của những đứa con – và cái nhìn bé nhỏ – với cặp mắt của trẻ em, chúng ta thấy một nhu cầu cấp bách hơn trong việc phát triển trong cộng đồng của mình một sự đón tiếp thật đối với những người đang sống trong tình trạng này.  Do đó, điều quan trọng là cách thế, ngôn từ và thái độ của của cộng đồng, phải luôn luôn chú ý đến mọi người, bắt đầu từ những trẻ nhỏ.  Các em là những người đau khổ nhất trong những hoàn cảnh này.  Hơn nữa, làm sao chúng ta có thể đề nghị các phụ huynh làm hết sức để giáo dục con cái của họ trong đời sống Kitô hữu, làm gương sáng cho chúng về đức tin, về xác tín và thực hành đức tin, nếu chúng ta không cho phép họ tham gia vào cuộc sống cộng đồng, như thể họ đang bị vạ tuyệt thông?  Chúng ta phải chắc chắn rằng mình không chồng thêm gánh nặng trên gánh nặng mà các trẻ em trong những hoàn cảnh này đang phải gánh chịu!  Tiếc thay, con số những trẻ em và những người trẻ này thật nhiều.  Điều quan trọng là các em cảm thấy Hội Thánh như một người mẹ chăm sóc cho tất cả mọi người, và luôn luôn sẵn sàng lắng nghe cùng gặp gỡ các em.

Thực ra, trong những thập niên qua, Hội Thánh đã không vô cảm mà cũng chẳng lười biếng.  Nhờ những phân tích sâu xa được thực hiện bởi các Mục Tử, được hướng dẫn và xác nhận bởi các vị tiền nhiệm của tôi, đã có một ý thức càng ngày càng gia tăng rằng chúng ta cần có lòng hiếu khách huynh đệ và chu đáo, tình yêu và sự thật, đối với những người đã được rửa tội nhưng đã thiết lập một mối quan hệ mới sau thất bại của cuộc hôn nhân bí tích; thực ra, những người này không bị rút phép thông: không bị vạ tuyệt thông!  Và chúng ta không bao giờ được đối xử với họ như vậy: họ luôn luôn là phần tử của Hội Thánh.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bàn về vấn đề này, khi đề ra một sự phân biệt cẩn thận và chăm sóc mục vụ khôn ngoan, biết rằng chúng ta không có một “công thức đơn giản” (Diễn từ dành cho Hội nghị Thế giới lần thứ VII về gia đình ở Milan, ngày 2 tháng 6 năm 2012, câu trả lời số 5).

Như thế việc lặp đi lặp lại lời mời gọi của các Mục Tử để bày tỏ một cách công khai và mạch lạc sự sẵn sàng của cộng đồng trong việc tiếp đón và khuyến khích họ, để họ có thể sống và càng ngày càng phát triển việc thuộc về Đức Kitô và Hội Thánh của họ qua cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, thường xuyên tham dự phụng vụ, bằng việc giáo dục Kitô giáo của con cái, bằng đức ái và phục vụ người nghèo, bằng sự dấn thân cho công lý và hòa bình.

Hình ảnh Thánh Kinh về Vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10:11-18) tóm tắt sứ vụ mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Chúa Cha: là hiến mạng sống mình cho đàn chiên.  Thái độ này cũng là một mô hình cho Hội Thánh, tiếp đón con cái mình như một người mẹ hiến mạng sống mình cho họ. “Hội Thánh được mời gọi để luôn là ngôi nhà mở rộng của Chúa Cha […]” – Không có việc đóng cửa!  Không có việc đóng cửa! – “Mọi người đều có thể tham gia một cách nào đó vào đời sống của Hội Thánh, mọi người đều có thể trở thành phần tử của cộng đồng.  Hội Thánh […] là nhà Cha, nơi có chỗ cho mọi người với cuộc sống nhọc nhằn của họ” (Niềm Vui Tin Mừng, số. 47).

Cũng thế, tất cả các Kitô hữu được mời gọi theo gương Chúa Chiên Lành.  Đặc biệt là các gia đình Kitô giáo có thể hợp tác với Người bằng cách chăm sóc các gia đình đang bị thương tích, đồng hành với họ trong đời sống đức tin của cộng đồng.  Mỗi người phải thi hành phận sự của mình trong việc làm theo thái độ của Chúa Chiên Lành, Đấng biết từng con chiên của mình và không loại trừ một con nào khỏi tình yêu thương vô biên của Người!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150805_udienza-generale.html