Chưiơng 5 – Sư Phạm Đức Tin

1.      PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM CỦA THIÊN CHÚA TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

  1. Mặc khải là công trình giáo dục vĩ đại của Thiên Chúa. Thực ra, nó cũng có thể được giải thích qua một lăng kính sư phạm. Trong đó chúng ta tìm thấy những yếu tố đặc biệt có thể giúp chúng ta nhận ra một phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, là một phương pháp có khả năng ảnh hưởng sâu đậm đến hoạt động giáo dục của Hội Thánh. Việc dạy giáo lý cũng theo các bước của phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Ngay từ thủa ban đầu của lịch sử cứu độ, Mặc Khải của Thiên Chúa tự tỏ lộ như một sáng kiến của tình yêu, được thấy trong vô vàn những thời điểm chỉ dạy rất cẩn thận. Thiên Chúa đã đặt những câu hỏi cho con người, và đòi buộc họ phải trả lời. Ngài đòi Ađam và Evà phải trả lời bằng đức tin trong việc vâng giữ các mệnh lệnh của Ngài; trong tình yêu của Ngài và bất chấp sự bất phục tùng của họ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thông truyền chân lý của mầu nhiệm của Ngài mỗi lần một ít, theo trình độ, cho đến sự sung mãn của Mặc Khải trong Đức Chúa Giêsu Kitô.

 

  1. Mục tiêu của Mặc Khải là ơn cứu rỗi của mọi người, được thể hiện qua một phương pháp sư phạm thần linh nguyên thủy và hiệu quả suốt dòng trong lịch sử. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa tỏ mình ra như Người Cha nhân hậu, một vị Thầy, một Hiền sĩ (x. Đnl 8:5; Hos 11:3-4; Cn 3:11-12), Đấng gặp con người trong tình trạng mà Ngài tìm thấy họ và giải thoát họ khỏi sự dữ, lôi kéo họ lại với chính Ngài bằng mối dây yêu thương. Ngài đã dẫn Dân được Tuyển Chọn đến trưởng thành một cách tiệm tiến và với lòng nhẫn nại, và cùng với họ, tất cả mọi cá nhân biết nghe tiếng Ngài. Như một vị Thầy tài ba, Chúa Cha biến đổi những đau khổ của Dân Ngài thành những bài học về sự khôn ngoan (x. Đnl 4:26-40; 11:2-7), thích nghi chính mình với những thời gian và hoàn cảnh mà họ sống. Ngài ban những giáo huấn sẽ được truyền lại từ đời này đến đời khác (x. Xh 12:25-27; Đnl 6:4-8; 6:20-25; 31:12-13; Gs 4:20-24), răn bảo và dạy dỗ thậm chí qua những thử thách và gian nan (x. Am 4:6; Hos 7:10; Gr 2:30; Dt 12:4-11; Kh 3:19).

 

  1. Phương pháp sư phạm thần linh này cũng được làm cho hữu hình trong mầu nhiệm Nhập Thể khi Thiên Sứ Thần Gabriel yêu cầu người thiếu nữ ở Nadarét tích cực cộng tác với quyền năng của Chúa Thánh Thần: lời xin vâng của Đức Mẹ là một đáp trả trọn vẹn của đức tin (x. Lc 1:26-38). Chúa Giêsu chu toàn sứ vụ của Người như Đấng Cứu Độ và tỏ lộ phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Các môn đệ đã kinh nghiệm được phương pháp sư phạm của Chúa Giêsu, mà những điểm đặc thù được tường thuật trong các sách Tin Mừng: đón chào những người nghèo, những người đơn sơ, những kẻ tội lỗi; rao giảng Nước Thiên Chúa như tin mừng; một kiểu tình yêu giải thoát con người khỏi sự dữ và cổ võ sự sống. Lời nói và sự im lặng, dụ ngôn và hình ảnh trở thành những phương pháp sư phạm đích thực cho việc bày tỏ mầu nhiệm của Tình Yêu của Người.

 

  1. Chúa Giêsu đã cẩn thận chú tâm đến việc đào luyện các môn đệ của Người để chuẩn bị cho việc Phúc Âm hóa. Người tự giới thiệu với họ rằng Người là vị thầy duy nhất của họ, đồng thời là một người bạn kiên nhẫn và trung thành (x. Ga 15:15; Mc 9:33-37; Mc 10:41-45). Người dạy chân lý cho họ qua toàn thể cuộc đời của Người. Người khích lệ họ bằng những câu hỏi (x. Mc 8:14-21, 27). Người đã giải thích cách sâu sắc hơn cho họ những gì Người đã giảng cho đám đông (x. Mc 4:34; Lc 12:41). Người đã dẫn họ vào cầu nguyện (x. Lc 11:1-20). Người đã sai họ ra truyền giáo không phải một mình mà như một cộng đoàn nhỏ (x. Lc 10:1-20). Người đã hứa ban cho họ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn họ đến tất cả chân lý (x. Ga 15:26; Cv 4:31) và nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn (x. Ga 15:26; Cv 4:31). Như thế, cách Chúa Giêsu liên hệ với những người khác được phân biệt bởi phẩm chất giáo dục tinh tế của nó. Chúa Giêsu có thể vừa đón chào vừa khiêu khích người phụ nữ Samaria trong một cuộc hành trình từ từ đón nhận ân sủng và ý muốn hoán cải. Chúa Phục Sinh lại gần hai môn đệ trên đường Êmau, cùng đi với họ, trò truyện với họ và chia sẻ nỗi đau buồn của họ. Cùng một lúc, Người khuyến khích họ và mở lòng họ, dẫn họ đến kinh nghiệm Thánh Thể và mở mắt họ để cuối cùng nhận ra Người, Người tránh đi để nhường chỗ cho sáng kiến truyền giáo của các môn đệ.

 

  1. Chúa Giêsu là “Vị Thầy, là Đấng mặc khải Thiên Chúa cho con người và con người cho chính họ, Vị Thầy, là Đấng cứu độ, thánh hóa và hướng dẫn, Đấng sống, nói, đánh thức, chuyển động, khôi phục, xét xử, tha thứ, và đi cùng chúng ta mỗi ngày trên con đường lịch sử; Vị Thầy, Đấng đến và sẽ đến trong vinh quang”.[1] Bằng tất cả mọi phương thế khác nhau mà Người dùng để dạy về Người đã là ai, Chúa Giêsu khuyến kích và gợi ra một đáp trả cá nhân từ các thính giả của Người. Đây là đáp trả của đức tin, và thậm chí sâu xa hơn nữa, của sự vâng phục của đức tin. Sự đáp trả nảy, bị tội lỗi làm cho yếu đi, nên cần một sự hoán cải liên tục. Thực ra, Chúa Giêsu, như một vị Thầy hiện diện và làm việc trong cuộc sống con người, dạy họ ở tận đáy lòng họ bằng cách đưa họ đến chân lý về chính họ và dẫn họ đến hoán cải. “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ, được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, sự trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”.[2]

 

  1. Chúa Thánh Thần được Chúa Con công bố trước cái chết và Phục Sinh của Người (x. Ga 16:13) và hứa cùng tất cả các môn đệ, vừa là hồng ân vừa là Đấng ban tặng tất cả các hồng ân. Các môn đệ được Đấng An Ủi dẫn đến sự hiểu biết về chân lý và làm chứng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8) về điều họ đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng, và đã chạm đến từ Lời ban Sự Sống (x. 1 Ga 1:1). Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người thúc đẩy họ bám chặt vào sự tốt lành thật, vào sự hiệp thông của Chúa Cha và của Chúa Con cùng nâng đỡ họ bằng những can thiệp quan phòng ngõ hầu họ có thể có khả năng đáp lại hành động của Thiên Chúa. Khi hoạt động ở những nơi sâu thẳm của nhân loại và ngự trong họ, Chúa Thánh Thần làm cho họ dậy men, làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Con bằng cách mang lại cho họ mọi món quà ân sủng và thấm nhuần họ với lòng biết ơn, vốn đồng thời cũng là một niềm an ủi và ao ước trở nên giống Đức Kitô mỗi ngày một sâu đậm hơn.

 

  1. Việc sẵn lòng đáp lại tác động của Chúa Thánh Thần đem lại một sự đổi mới thật sự của người tín hữu: sau khi họ đã được xức dầu (x. 1 Ga 2:27) và sự sống của Chúa Con đã được truyền thông cho họ, Chúa Thánh Thần biến họ thành một thụ tạo mới. Là những người con trong Chúa Con, các Kitô hữu nhận được một tinh thần bác ái và nghĩa tử mà qua đó họ tuyên xưng mối liên hệ phụ tử bằng cách gọi Thiên Chúa là Cha. Nhân loại, được đổi mới và làm cho trở thành một người con, là một thụ tạo đầy Thần Khí, tinh thần và cộng đồng là những người để cho mình được đẩy lên bởi ngọn gió của Chúa (x. Is 59:19), là Đấng tác động đến “ý chí và hành động” (Pl 2:13) của họ, cho phép họ tự do giao tiếp với sự tốt lành mà Thiên Chúa muốn. “Chúa Thánh Thần cũng ban cho họ can đảm để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với lòng mạnh bạo (parrhesia) ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc gặp chống đối”.[3] Những dẫn chứng này giúp một người hiểu giá trị cả thể mà phương pháp sư phạm của Thiên Chúa sở hữu cho đời sống Hội Thánh, cũng như bản chất mô phạm của nó quan trọng thế nào trong huấn giáo, vốn được mời gọi để cho mình được linh hứng và sinh động hóa bởi Thần Khí của Thiên Chúa, và với ân sủng của Ngài, uốn nắn đời sống đức tin của mọi tín hữu.

 

2.      PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM TRONG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH

 

  1. Các tường thuật Tin Mừng trình bày những đặc điểm của tiếp cận giáo dục của Chúa Giêsu và gợi hứng cho hoạt động sư phạm của Hội Thánh. Ngay từ thủa ban đầu, Hội Thánh đã sống sứ mệnh của mình “như sự tiếp nối vừa hữu hình vừa hiện đại khoa sư phạm của Chúa Cha và Chúa Con. ‘Với tư cách là Mẹ chúng ta, Hội Thánh cũng là nhà giáo dục đức tin của chúng ta’. Vì những lý do sâu xa ấy mà cộng đồng Kitô hữu tự bản chất đã là một trường dạy giáo lý sống động. Chính vì thế, cộng đồng Kitô hữu vẫn loan báo, cử hành, hoạt động và mãi mãi là môi trường trọng yếu, cần thiết và đầu tiên của việc dạy giáo lý. Qua bao kỷ nguyên, Hội Thánh đã tạo nên một kho tàng vô song về sư phạm đức tin: trên hết là chứng từ của các thánh và các giáo lý viên; những cách sống khác nhau và những hình thức nguyên thủy của việc thông truyền tôn giáo như thời kỳ dự tòng, những sách giáo lý, những cuộc hành trình của đời sống Kitô hữu; một gia sản quí báu của huấn giáo về nền văn hóa đức tin, các học viện và những phục vụ cho việc dạy giáo lý. Tất cả những điều này đã tạo thành một phần của lịch sử huấn giáo và dĩ nhiên sẽ còn mãi trong ký ức của cộng đồng và trong việc thực hành của giáo lý viên”.[4]

 

  1. Việc dạy giáo lý được linh hứng bởi những đặc điểm của phương pháp sư phạm của Thiên Chúa như vừa diễn tả. Bằng cách này, nó trở nên hoạt động sư phạm để phục vụ cuộc đối thoại về cứu độ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Cho nên điều quan trọng là nó thể hiện những đặc tính sau:

 

  • Làm cho sáng kiến yêu thương nhưng không của Thiên Chúa được hiện diện;
  • Chú tâm đến cùng đích phổ quát của ơn cứu độ;
  • Gợi lên sự hoán cải cần thiết cho việc vâng phục trong đức tin;
  • Thích nghi nguyên tắc của bản chất tiệm tiến của Mặc Khải và tính siêu việt của Lời Chúa, cũng như việc hội nhập của Lời Chúa vào các nền văn hóa nhân loại;
  • Nhận ra tính trung tâm của Đức Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, là điều thiết lập việc dạy giáo lý như phương pháp sư phạm nhập thể;
  • Đánh giá kinh nghiệm của cộng đồng đức tin, như thích hợp với dân Thiên Chúa;
  • Thiết lập một phương pháp sư phạm về dấu chỉ, trong đó lời nói và việc làm có một mối liên hệ hỗ tương;
  • Nhắc nhớ tình yêu vô biên của Thiên Chúa là căn nguyên tối hậu của mọi sự.

 

  1. Việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra và cứu độ, cùng với sự đáp trả trong đức tin của Hội Thánh trong lịch sử, trở nên ngồn mạch và khuôn mẫu cho phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Như thế việc dạy giáo lý trở thành một tiến trình cho phép sự trưởng thành của đức tin qua sự tôn trọng cuộc hành trình của mỗi cá nhân tín hữu. Cho nên, phương pháp sư phạm của đức tin trong hành động, cùng với việc khai tâm, giáo dục và dạy dỗ, luôn luôn làm rõ sự kết hợp giữa nội dung và cách nội dung này được truyền thụ. Hội Thánh ý thức rằng Chúa Thánh Thần làm việc trong việc dạy giáo lý: sự hiện diện này làm cho việc dạy giáo lý thành một phương pháp sư phạm đức tin nguyên thủy.

 

Các tiêu chuẩn để rao giảng sứ điệp tin mừng

 

  1. Hội Thánh, trong hoạt động dạy giáo lý của mình, cẩn thận trong việc trung thành với trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. “Đôi khi các tín hữu, khi nghe một ngôn từ hoàn toàn chính thống lại nhận được một điều gì đó không phù hợp với Tin Mừng đích thực của Đức Chúa Giêsu Kitô bởi vì ngôn từ ấy xa lạ với ngôn ngữ mà họ nói và hiểu.  Với chủ ý thánh thiện là truyền đạt chân lý về Thiên Chúa và về con người, trong một số trường hợp, chúng ta lại cung cấp cho họ một Thiên Chúa giả hoặc một lý tưởng của con người chứ không phải một lý tưởng Kitô giáo thực sự.  Bằng cách này, chúng ta nắm chắc một công thức nhưng không truyền thụ được bản chất của nó”.[5] Để tránh nguy cơ này và để cho công việc rao giảng Tin Mừng được linh hứng bởi phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, tốt nhất là các giáo lý viên nên kể đến một vài tiêu chuẩn liên kết chặt chẽ với nhau, mà tất cả đều đến từ Lời Chúa.

 

Tiêu Chuẩn Ba Ngôi và Kitô học

  1. Huấn giáo cần phải có tính Ba Ngôi và thuộc về Đức Kitô. “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy”.[6] Đức Kitô là con đường dẫn đến mầu nhiệm mật thiết của Thiên Chúa. Đức Kitô không truyền thông Lời Thiên Chúa: Người là Lời của Thiên Chúa. Mặc Khải về Thiên Chúa Ba Ngôi là điều thiết yếu để hiểu không những chỉ nguyên thủy độc đáo của Kitô giáo và Hội Thánh, mà còn quan niệm về con người như hữu thể liên hệ và truyền thông. Một huấn giáo mà không có một sứ điệp Ba Ngôi rõ ràng, qua Đức Kitô đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, là phản lại tính độc đáo của nó.

 

  1. Tính quy Kitô biểu thị cách thiết yếu đặc điểm của sứ điệp được thông truyền qua việc dạy giáo lý. Trước hết, điều này có nghĩa là ngay tại trung tâm của tất cả huấn giáo là con người của Đức Chúa Giêsu Kitô, sống động, hiện diện và hoạt động. Việc rao giảng Tin Mừng là trình bày Đức Kitô, rồi tất cả những điều khác đều quy chiếu về Người. Hơn nữa, bởi vì Đức Kitô là “chìa khóa, điểm quy chiếu của mục tiêu của … toàn thể lịch sử nhân loại” (GS 10), việc dạy giáo lý giúp các tín hữu tham gia một cách tích cực vào lịch sử này, cho thấy Đức Kitô là sự viên mãn và ý nghĩa tối hậu của nó. Cuối cùng, tính quy Kitô có nghĩa là huấn giáo cố gắng “truyền thông những gì Chúa Giêsu dạy về Thiên Chúa, con người, hạnh phúc, đời sống luân lý, sự chết”,[7] vì sứ điệp Tin Mừng không đến từ con người mà đến từ Lời Chúa. Việc nhấn mạnh đến đặc tính quy Kitô của sứ điệp khích lệ việc đi theo Đức Kitô và hiệp thông với Người.

 

  1. Huấn giáo và phụng vụ, qua việc kết hợp chặt chẽ với đức tin của các Giáo Phụ của Hội Thánh, đã hình thành một cách đọc và giải thích Thánh Kinh đặc thù, là điều vẫn còn giữ lại giá trị sáng lạng của nó cho đến ngày nay. Điều này được tiêu biểu bằng một trình bày thống nhất về con người của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm của Người,[8] có nghĩa là những biến cố chính của cuộc đời Người được hiểu theo ý nghĩa thần học và tâm linh vĩnh cửu của chúng. Các mầu nhiệm này được cử hành trong những ngày lễ khác nhau của năm phụng vụ và được trình bày bằng hàng loạt những hình ảnh vốn trang điểm nhiều nhà thờ. Cách trình bày con người Đức Kitô này kết hợp các biến cố của Thánh Kinh với truyền thống của Hội Thánh: một cách đọc Thánh Kinh như vậy có giá trị đặc biệt trong việc dạy giáo lý. Huấn giáo và phụng vụ không bao giờ bị giới hạn trong việc đọc các sách Cựu Ước và Tân Ước cách riêng biệt, nhưng qua việc đọc hai sách này cùng với nhau cho thấy rằng chỉ có cách giải thích tiền trưng của Thánh Kinh mới giúp người ta hiểu trọn vẹn ý nghĩa của các biến cố và các bản văn kể lại một lịch sử cứu độ duy nhất. Cách giải thích như thế cung cấp cho huấn giáo một ý nghĩa trường cửu, vẫn còn thích hợp ngày nay, cho những người lớn lên trong đức tin để hiểu rõ được sự thể là không có gì trong Cựu Ước bị mất đi với Đức Kitô, nhưng tất cả tìm được sự viên mãn nơi Người.

 

Tiêu chuẩn lịch sử cứu độ

 

  1. Ý nghĩa của tên của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa cứu độ”, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi sự liên quan đến Người đều có tính cứu độ. Huấn giáo không bao giờ có thể bỏ qua mầu nhiệm Vượt Qua mà với nó ơn cứu độ đã được ban cho nhân loại và là nền tảng của tất cả cá bí tích cùng nguồn mạch của mọi ân sủng. Sự cứu chuộc, sự công chính hóa, sự giải thoát, việc hoán cải, và việc được làm nghĩa tử của Thiên Chúa là những bình diện thiết yếu của ơn cứu độ cao cả. “‘Như thế, Công trình Cứu độ’ mang đặc tính lịch sử vì được thực hiện trong thời gian… Chính vì thế, hôm nay đang khi truyền đạt sứ điệp Kitô giáo khởi đi từ ý thức mãnh liệt đã có, Hội Thánh không ngừng “tưởng nhớ” và kể lại những biến cố cứu độ của quá khứ. Hội Thánh giải thích theo ánh sáng ấy những biến cố hiện tại của lịch sử nhân loại mà trong đó Thánh Thần Chúa đang canh tân bộ mặt trái đất và Hội Thánh đang tin tưởng chờ đợi ngày Chúa đến”.[9] Vì thế, việc trình bày đức tin này phải kể đến các hành động và các lời mà với chúng Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho nhân loại qua các giai đoạn quan trọng của Cựu Ước, của cuộc đời Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và của lịch sử Hội Thánh.

 

  1. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, ngay cả lịch sử nhân loại với Hội Thánh là môt phần của nó, là một lịch sử cứu độ được tiếp tục qua thời gian. Thực ra, Đức Chúa Giêsu Kitô mặc khải rằng lịch sử không phải là không có một cùng đích, bởi vì nó mang trong chính mình sự hiện diện của Thiên Chúa. Hội Thánh, trong cuộc hành trình hướng về sự viên mãn của Nước Trời, là một dấu chỉ hữu hiệu của cùng đích mà thế giới hướng về. Tin Mừng, một nguyên tắc của niềm hy vọng cho toàn thể thế giới và cho con người ở mọi thời đại, cống hiến một cái nhìn vốn bao gồm sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, sứ điệp Kitô giáo phải luôn luôn được trình bày trong tương quan với ý nghĩa của cuộc đời, với chân lý, và với phẩm giá của con người. Đức Kitô đã đến để cứu chúng ta, ngõ hầu chúng ta được sống dồi dào. “Sự thật là chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm của con người được soi sáng” (GS 22). Lời của Thiên Chúa, được các giáo lý viên suy niệm, soi sáng cuộc sống con người, ban cho nó ý nghĩa sâu xa hơn và đồng hành với con người trên con đường chân thiện mỹ.

 

  1. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa bao gồm một sứ điệp giải phóng con người và thăng tiến những gì liên hệ mật thiết với việc chăm sóc cho các thụ tạo và có trách nhiệm với chúng.  Ơn cứu độ, được Chúa ban và được Hội Thánh rao giảng, liên quan đến tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội. Cho nên cần phải kể đến sự phức tạp của thế giới hiện đại và mối liên hệ mật thiết hiện hữu giữa văn hóa, chính trị, kinh tế, công việc, môi trường, chất lượng của đời sống, nạn nghèo đói, sự xáo trộn xã hội và chiến tranh.[10] Tin Mừng có một nguyên tắc toàn vẹn nội tại: nó luôn luôn vẫn còn là tin mừng cho đến khi nó được rao giảng cho mọi dân tộc, cho đến khi nó chữa lành và củng cố mọi bình diện của nhân loại, cho đến khi nó đem tất cả mọi người nam nữ cùng đến bàn tiệc trong Nước Thiên Chúa”.[11] Tuy nhiên, chân trời cuối cùng của việc rao giảng ơn cứu độ luôn luôn là sự sống đời đời. Chỉ trong chân trời này mà quyết tâm dấn thân cho công lý và ước mong giải phóng tìm được sự viên mãn hoàn toàn.

 

Tiêu chuẩn vai trò ưu tiên của ân sủng và của thẩm mỹ

 

  1. Một tiêu chuẩn khác cho cái nhìn Kitô giáo về đời sống là vai trò ưu tiên của ân sủng. Tất cả mọi huấn giáo cần phải là “một bài giáo lý về ân sủng bởi vì nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu độ và cũng nhờ ân sủng mà các việc làm của chúng sinh hoa quả cho sự sống đời đời”.[12] Cho nên, việc dạy chân lý bắt đầu với sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa và tiếp tục với sự đáp trả của con người đến từ việc lắng nghe và luôn luôn là hoa quả của ân sủng. “Một cộng đồng sống Tin Mừng biết rằng Chúa đã khởi đầu, Người yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4:19), và như thế có thể tiến bước”.[13] Mặc dù hoa quả của việc dạy giáo lý không lệ thuộc vào khả năng dự trù và hành động, nhưng Thiên Chúa đòi hỏi một sự cộng tác thật sự với ân sủng của Ngài, và một tinh thần phục vụ vì Nước Trời, cho nên Ngài kêu gọi chúng ta phải đầu tư tất cả mọi tài nguyên về trí tuệ và thực thi những gì mà hoạt động dạy giáo lý đòi hỏi.

 

  1. “Rao giảng Đức Kitô có nghĩa là cho người ta thấy rằng tin vào Người và đi theo Người không những chỉ như điều gì thật và đúng, mà còn là điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những khó khăn”.[14] Huấn giáo phải luôn truyền đạt vẻ đẹp của Tin Mừng được vang vọng từ môi miệng Đức Kitô cho tất cả mọi người: những người nghèo, những người chất phác, những kẻ tội lỗi, những người thu thuế và giái điếm, là những người đã cảm thấy được chính Chúa đón chào, thông cảm và giúp đỡ, mời gọi và giáo dục họ. Thực ra, việc rao giảng tình yêu nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa được tỏ lộ trong Đức Chúa Giêsu Kitô, chết và sống lại, là tâm điểm của kerygma (lời rao giảng ban đầu). Cũng có những bình diện của sứ điệp Tin Mừng thường khó chấp nhận, đặc biệt là khi Tin Mừng kêu gọi hoán cải và nhận ra tội lỗi. Tuy nhiên, huấn giáo không chỉ là một trình bày về luân lý, nhưng là một sự rao giảng về vẻ đẹp của Thiên Chúa, là điều có thể được cảm nghiệm, và chạm đến tâm hồn cùng trí khôn, biến đổi đời sống.[15]

 

Tiêu chuẩn Hội Thánh

 

  1. “Đức tin cần phải thuộc về Hội Thánh; nó được tuyên xưng từ bên trong thân thể Đức Kitô như một sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu”.[16] Thực ra, “khi huấn giáo truyền đạt mầu nhiệm Đức Kitô, thì sứ điệp của nó vang lên từ đức tin của toàn thể Dân Chúa xuyên qua suốt dòng lịch sử: đức tin của các Tông đồ được nhận lãnh từ chính Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần; đức tin của các vị Tử vì đạo đã tuyên xưng và tuyên xưng bằng máu đào của các ngài; đức tin của các Thánh đã sống và sống một cách sâu xa; đức tin của các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội Thánh đã giảng dạy một cách tuyệt vời; đức tin của các thừa sai đã rao giảng không biết mệt mỏi; đức tin của các nhà thần học đã giúp mọi người thấu hiểu hơn; sau cùng đức tin của các mục tử đã được các ngài bảo tồn với lòng nhiệt thành, yêu mến và giải thích một cách xác thực. Thực vậy, cả đức tin của những người tin và để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng cũng hiện diện trong việc dạy giáo lý”.[17] Hơn nữa việc dạy giáo lý dẫn nhập các tín hữu vào mầu nhiệp hiệp thông như được sống, không những chỉ trong mối liên hệ với Chúa Cha qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, mà còn trong cộng đồng các tín hữu nhờ việc làm của cùng một Thánh Thần. Trong việc giáo dục để hiệp thông, việc dạy giáo lý giáo dục để sống trong Hội Thánh và sống như Hội Thánh.

 

Tiêu chuẩn thống nhất và tổng thể của đức tin

 

  1. Đức tin, được Hội Thánh truyền lại, là một đức tin duy nhất. Các Kitô hữu sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới, nhưng họ hợp thành một dân duy nhất. Việc dạy giáo lý cũng thế, khi giải thích đức tin trong các ngôn ngữ và văn hóa rất khác nhau, không làm gì khác hơn là tái xác nhận một Phép Rửa và một đức tin duy nhất (x. Ep 4:5). “Người trở thành một môn đệ Đức Kitô có quyền nhận được lời của đức tin không phải dưới dạng bị cắt xén, sai lạc hay thu hẹp, nhưng toàn thể và tổng thể, trong sự chính xác và mãnh liệt của nó”.[18] Cho nên, một tiêu chuẩn cơ bản duy nhất của việc dạy giáo lý cũng là tiêu chuẩn diễn tả tính toàn bộ của sứ điệp, tránh việc trình bày nó cách riêng rẽ hay thiên lệch. Thực ra, Đức Kitô đã không trao ban một loại kiến thức bí mật cho một ít người được tuyển chọn và ưu tuyển (nói về phái ngộ đạo), nhưng giáo huấn của Người là cho tất cả mọi người, theo mức độ mỗi ngưởi có thể nhận được giáo huấn ấy.

 

  1. Việc trình bày sự toàn vẹn của chân lý đức tin phải kể đến nấc thang chân lý (x. UR 11): Thực ra, “Tất cả mọi chân lý được mặc khải phát xuất từ cùng một nguồn mạch là Thiên Chúa và được tin bằng cùng một đức tin, nhưng một số chân lý trong những chân lý ấy quan trọng hơn để diễn tả cách trực tiếp hơn trung tâm của Tin Mừng”.[19] Tính thống nhất có cấu kết của đức tin làm chứng cho bản chất tối hậu của nó và cho phép nó được công bố và giảng dạy cách trực tiếp, không giảm bớt hay bị thu nhỏ lại. Sự thể là việc giảng dạy này có thể là tiệm tiến cùng thích nghi với con người và hoàn cảnh không vô hiệu hóa tính thống nhất có cấu kết của nó.

 

3.      SƯ PHẠM GIÁO LÝ

 

  1. Trước những thách đố hiện tại, điều quan trọng hơn nữa là phải ý thức nhiều về tính hỗ tương giữa nội dung và phương pháp, trong việc dạy giáo lý cũng như trong việc Phúc Âm hóa. Phương pháp sư phạm đức tin nguyên thủy được linh hứng bởi việc hạ cố của Thiên Chúa và trong những thuật ngữ cụ thể theo một sự trung thành kép – với Thiên Chúa và với nhân loại – và như thế, từ sự phát triển của một tổng hợp khôn khéo các khía cạnh thần học và nhân học của đời sống và đức tin. Trong cuộc hành trình dạy giáo lý, nguyên tắc Phúc Âm hóa bằng giáo dục và giáo dục bằng Phúc Âm hóa[20] nhắc nhở, trong số những điều khác, rằng công việc của giáo lý viên hệ tại việc tìm thấy và chú ý đến những dấu chỉ của hoạt động của Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của những con người và sử dụng những điều ấy như thí dụ, trình bày Tin Mừng như một quyền năng biến đổi toàn thể cuộc đời, và cho nó một ý nghĩa trọn vẹn. Việc đồng hành với một người trong một cuộc hành trình lớn lên và hoán cải cần phải được đánh dấu bằng sự tiệm tiến, trong đó hành động tin ám chỉ một sự khám phá từ từ mầu nhiệm của Thiên Chúa và một sự mở lòng ra cùng tín thác vào Ngài là điều tăng trưởng theo thời gian.

 

Sự liên hệ với những khoa học nhân văn

 

  1. Việc dạy giáo lý thiết yếu là một hoạt động giáo dục. Nó luôn luôn phải được thực thi trong sự trung thành với Lời Chúa cùng trong sự chú ý và tương tác với các thực hành giáo dục của nền văn hóa. Nhờ việc nghiên cứu và các suy tư của các khoa học nhân văn, đã phát sinh ra các thuyết, các tiếp cận và các mô hình canh tân những thực hành về giáo dục một cách sâu sắc cùng đóng góp một cách có ý nghĩa vào một sự hiểu biết sâu xa hơn về con người, những mối tương quan giữa con người, xã hội và lịch sử. Sự đóng góp của chúng là điều không thể thiếu được. Đặc biệt là phương pháp sư phạm và nghệ thuật dạy học phong phú hóa tiến trình dạy giáo lý. Cùng với chúng, khoa tâm lý học cũng có một giá trị quan trọng, trên hết, nó giúp người ta hiểu được động năng thúc đẩy, cấu trúc của cá tính, các yếu tố liên quan đến các vấn đề và bệnh lý học, các giai đoạn phát triển khác nhau và các nhiệm vụ liên quan đến sự phát triển, động năng của sự trưởng thành về tôn giáo, và những kinh nghiệm mở con người ra với mầu nhiệm của những gì là thánh thiện. Hơn nữa các khoa học xã hội và truyền thông mở tâm trí một người ra để hiểu bối cảnh văn hóa xã hội mà trong đó họ sống và mọi người chịu ảnh hưởng.

 

  1.  Huấn giáo phải tránh việc đồng hóa hành động cứu độ của Thiên Chúa với hành động sư phạm của con người, vì thế phải cẩn thận đừng tách biệt cũng đừng so sánh những tiến trình ấy. Theo luận lý của việc nhập thể, lòng trung thành với Thiên Chúa và lòng trung thành với con người có một liên hệ sâu xa với nhau.  Do đó, phải nhớ rằng hứng cảm của chính đức tin giúp chúng ta trong việc đánh giá đúng sự đóng góp của các khoa học nhân văn. Các tiếp cận và kỹ thuật được tạo ra bởi các khoa học nhân văn chỉ có giá trị nếu được dùng để truyền thụ và giáo dục đức tin. Đức tin nhìn nhận tính tự lập của các thực tại trần thế cũng như của khoa học (x. GS 363) và tôn trọng luận lý của chúng, nếu là luận lý xác thật, sẽ mở ra cho sự thật về con người là gì; trong khi đồng thời, tái giải thích sự đóng góp của chúng theo nhãn quan Mặc Khải.

[1]     CT 9.

[2]     EG 1.

[3]     EG 259.

[4]     GDC 141.

[5]     EG 41,

[6]     GLCG 234.

[7]     GDC 98.

[8]     X. GLCG 512 tt.

[9]     GDC 107.

[10]   X. Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2020), 17-52.

[11]   EG 237.

[12]   GLCG 1697.

[13]   EG 24.

[14]   EG 167.

[15]   Số 165 của EG trình bày một số “của những yếu tố ấy [của việc rao giảng] là những điều cần nhất hôm nay”.

[16]   Phanxicô, Thông điệp Lumen Fidei (29 tháng 6, 2013), 22.

[17]   GDC 105.

[18]   CT 30.

[19]   EG 36.

[20] X. GDC, GE 1-4, CT 58.