Chương 6 – Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo

1.      SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

Ghi chú về lịch sử

 

  1. Kể từ khi các Sách Tin Mừng được viết, Hội Thánh đã tóm lược ngắn gọn những công thức để tuyên xưng, cử hành và làm chứng cho đức tin của mình. Ngay trong thế kỷ thứ IV, các giám mục đã được cung cấp các trình bày rộng rãi hơn về đức tin dưới hình thức các tóm lược và toát yếu. Trong hai giai đoạn lịch sử, sau Công Đồng Trentô và trong những năm ngay sau Công Đống Vaticanô II, Hội Thánh đã thấy thích hợp để cung cấp một trình bày có hệ thống về đức tin qua một sách giáo lý có đặc tính hoàn vũ, vốn là một công cụ của sự hiệp thông Hội Thánh và cũng là một điểm để tham chiếu cho việc dạy giáo lý.[1]

 

  1. Vào năm 1985, Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường mừng kỷ niệm 20 năm kết thúc Công Đồng Vaticanô II, nhiều nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã bày tỏ ước ao có một sách Giáo Lý hay hay một sách toát yếu của các giáo thuyết Công giáo liên quan đến cả đức tin lẫn luân lý. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được ban hành ngày 11 tháng 10 năm 1992, bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, được tiếp nối bởi ấn bản tiêu chuẩn bằng tiếng La Tinh vào ngày 15 tháng 8 năm 1997. Nó là thành quả của sự hợp tác và tham khảo ý kiến của toàn thể hàng giám mục của Hội Thánh, nhiều thần học gia và các học viện về giáo lý, cũng như nhiều chuyên viên và chuyên gia của nhiều nghành khác nhau. Cho nên, sách giáo lý là một công trình tập thể và kết quả của Công Đồng Vaticanô II.

 

Căn tính, mục tiêu và độc giả của sách giáo lý

 

  1. Sách Giáo lý là “một văn bản chính thức của Huấn Quyền Hội Thánh; văn bản ấy, đã thu thập một cách có thẩm quyền thành một tổng hợp chính xác và có hệ thống, những biến cố và những chân lý cơ bản của ơn cứu độ, diễn tả đức tin chung của Dân Chúa và tạo thành điểm quy chiếu nền tảng cần thiết cho việc dạy giáo lý”[2]. Nó là một diễn tả giáo lý cố hữu của Hội Thánh, nhưng nó khác các tài liệu khác của Huấn Quyền bởi vì nó nhằm mục đích cung cấp một tóm lược có hệ thống di sản đức tin, linh đạo, và thần học của lịch sử Hội Thánh. Mặc dù nó khác với các sách giáo lý địa phương, vốn nhằm phục vụ một phần đặc biệt của Dân Thiên Chúa, nhưng nó là văn bản tham khảo chắc chắn và chính xác cho việc soạn thảo chúng, trong đó nó là “một sự trợ giúp cơ bản cho hành động hợp nhất ấy mà với nó Hội Thánh truyền thông toàn thể nội dung đức tin của mình” [3].

 

  1. Trước hết, sách Giáo Lý được xuất bản cho các mục tử và các tín hữu, và đặc biệt là cho những người có trách nhiệm trong tác vụ dạy giáo lý trong Hội Thánh. Mục tiêu của sách là hợp thành một “quy luật vững chắc để truyền dạy đức tin”[4]. Vì lý do ấy mà nó cung cấp một đáp trả rõ ràng và đáng tin cậy cho quyền lợi chính đáng của tất cả mọi người đã được rửa tội có thể có được một trình bày đức tin của Hội Thánh trong sự toàn thể của nó và bằng một cách có hệ thống và dễ hiểu. Chính vì nó đưa ra một báo cáo về truyền thống Công Giáo mà sách Giáo Lý có thể thúc đẩy cuộc đối thoại đại kết và hữu ích cho tất cả những ai, kể cả những người ngoài Kitô giáo, muốn biết đức tin Công Giáo.

 

  1. Sách Giáo Lý không thể kể đến những bối cảnh văn hóa riêng biệt vì quan tâm trước hết đến sự hợp nhất của Hội Thánh trong một đức tin duy nhất. Trong bất cứ trường hợp nào, “bản văn này sẽ cung cấp cho mọi giáo lý viên sự giúp đỡ chắc chắn để truyền thông một kho tàng đức tin duy nhất và vĩnh cửu trong Hội Thánh địa phương, trong khi với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, tìm cách nối kết sự hợp nhất kỳ diệu của mầu nhiệm Kitô giáo với những nhu cầu và điều kiện khác nhau của những người mà sứ điệp nói với” [5]. Việc hội nhập văn hóa cũng là một mối quan tâm quan trọng của việc dạy giáo lý trong những bối cảnh khác nhau.

 

Các nguồn và cấu trúc của sách Giáo lý

 

  1. Sách Giáo Lý được cống hiến cho toàn thể Hội Thánh “để canh tân huấn giáo nhờ các nguồn mạch sống động của đức tin”[6]. Nguồn mạch đầu tiên trong các nguồn mạch ấy là Thánh Kinh, được hiểu như một cuốn sách trong đó Thiên Chúa “chỉ nói một Lời duy nhất, (Ngôi) Lời của Ngài trong Lời ấy Ngài tự bày tỏ tất cả về chính mình”[7], dõi theo cái nhìn của các Giáo Phụ mà theo đó “Một Lời và cùng một Lời đã vang vọng lại trong miệng của tất cả các Thánh Ký”[8].

 

  1. Hơn nữa, sách Giáo Lý rút ra từ nguồn Thánh Truyền là nguồn bao gồm, trong thể văn viết, một loạt phong phú những công thức của đức tin, được lấy từ các tác phẩm của các Giáo Phụ, từ những bản tuyên xưng đức tin khác nhau, từ các công đồng, từ Huấn Quyền của Giáo Hoàng, từ các cử hành phụng vụ Đông và Tây phương, và cũng từ giáo luật. Cũng có những trích dẫn phong phú lắy ra từ hàng loạt những tác giả của Hội Thánh, các Thánh và các Tiên sĩ Hội Thánh. Hơn nữa, các ghi chú về lịch sử và các yếu tố trong hạnh các Thánh phong phú hóa sự trình bày giáo lý, là điều cũng rút ra từ những mô tả bằng hình tượng.

 

  1. Sách Giáo Lý được chia làm bốn phần dựa trên những chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu, vốn có nguồn gốc và nền tảng trong tường thuật của sách Tông Đồ Công Vụ: “Và họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42)[9]. Chương trình dự tòng của Hội Thánh cổ đại được thiết lập quanh những chiều kích này, cũng như cách trình bày đức tin sau này trong các sách giáo lý khác nhau trong dòng lịch sử, mặc dù với những nhấn mạnh và tiếp cận khác nhau. Những chiều kích ấy là: tuyên xưng đức tin (Kinh Tin Kính), phụng vụ (các bí tích của đức tin), đời sống làm môn đệ (các giới răn), Kinh nguyện Kitô giáo (Kinh Lạy Cha). Các chiều kích này là những cột trụ của huấn giáo và kiểu mẫu cho việc đào luyện đời sống Kitô hữu. Thực ra, việc dạy giáo lý mở lòng các tín hữu ra với đức tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi và kế hoạch cứu độ của Ngài; giáo dục họ trong các hành vi phụng vụ của Hội Thánh và đưa họ vào đời sống bí tích của Hội Thánh, nâng đỡ sự đáp trả của họ với ân sủng của Thiên Chúa và giới thiệu họ vào việc thực hành các kinh nguyện Kitô giáo.

 

tầm quan trọng về thần học – giáo lý của sách Giáo lý

 

  1. Sách Giáo Lý tự nó không đề ra một phương pháp sư phạm giáo lý nào; nó không đưa ra một hướng dẫn nào về vấn đề này, nó cũng không bị lẫn lộn với tiến trình dạy giáo lý, vốn luôn đòi hỏi suy niệm.[10] Mặc dù vậy, cấu trúc của nó “đi theo sự phát triển của đức tin đến tận những chủ đề chính của đời sống thường nhật. Hết trang này sang trang khác, chúng ta khám phá ra rằng những điều được trình bày ở đây không phải là lý thuyết, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Đấng đang sống trong Hội Thánh”.[11] Sách Giáo Lý nâng đỡ tiến trình hoán cải và trưởng thành khi nói đến đời sống Kitô hữu như một tổng thể. Nó làm tròn nhiệm vụ của mình khi sự hiểu biết các lời dẫn đến việc mở lòng, nhưng cũng ngược lại, khi ân sủng của việc mở lòng làm nảy sanh ý muốn biết nhiều hơn về Đấng mà người tín hữu tin tưởng. Sự hiểu biết được đề cập đến trong sách Giáo Lý không phải là điều trừu tượng: thực ra, chính cấu trúc bốn phần của nó hòa hợp với đức tin như được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện, như thế giúp đỡ trong việc gặp gỡ Đức Kitô, dù một cách từ từ. Tuy nhiên sáng kiến trong việc dạy giáo lý không cần phải theo thứ tự các phần của sách Giáo Lý.

 

  1. Cấu trúc giao hưởng của sách Giáo Lý có thể được thấy trong sự nối kết về thần học giữa các nội dung và các nguồn của nó, và trong sự tương tác giữa các Truyền Thống Tây Phương và Đông Phương. Hơn nữa, điều này phản ánh sự hợp nhất của mầu nhiệm Kitô giáo và sự lệ thuộc vào nhau giữa các nhân đức đối thần, và bày tỏ vẻ đẹp hài hòa đặc trưng cho chân lý của Công Giáo. Đồng thời, nó nối kết chân lý vĩnh cửu này với những sự phát triển gần đây của Hội Thánh và xã hội. Được xắp xếp cách này, rõ ràng là sách Giáo Lý cổ võ tầm quan trọng của sự cân bằng và hòa hợp trong cách trình bày đức tin.

 

  1. Nội dung của sách Giáo lý được trình bày cách khôn khéo để tỏ lộ phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Cách trình bày giáo lý hoàn toàn tôn trọng cách Thiên Chúa đối xử với nhân loại và hiện thân cho các khuynh hướng lành mạnh của việc canh tân huấn giáo của thế kỷ XX. Tường thuật về đức tin trong sách Giáo Lý dành một chỗ tuyệt đối ưu tiên cho Thiên Chúa và cho công việc của ân sủng, là những điều chiếm phần lớn của tài liệu khi nó được xắp đặt: chính điều này đã là một công bố về giáo lý. Theo cùng một dòng, có một trình bày gián tiếp về tất cả những tiêu chuẩn khác đã được đưa ra như cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng cách hiệu quả: Tính trung tâm của Ba Ngôi và Kitô học, tường thuật về lịch sử cứu độ, bản chất Hội Thánh của sứ điệp, nấc thang chân lý và tầm quan trọng của thẩm mỹ. Trong tất cả những điều này, có thể đọc rằng mục tiêu của sách Giáo Lý là làm sáng tỏ ước muốn của Đức Kitô, trình bày Thiên Chúa đáng cho chúng ta khát khao là Đấng muốn sự tốt lành cho nhân loại. Cho nên sách Giáo Lý là một diễn tả không thay đổi về đức tin, nhưng lại là một công cụ sinh động, thích hợp để gây hứng khởi và nuôi dưỡng cuộc hành trình đức tin trong đời sống của mỗi người, và như thế nó vẫn có hiệu lực trong việc canh tân huấn giáo.

 

2.      SÁCH TOÁT YẾU GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

  1. Sách Toát Yếu là một công cụ chứa đựng sự phong phú của sách Giáo Lý dưới một dạng đơn giản, tức thì và dễ tiếp cận cho mọi người. Nó liên quan đến cấu trúc và nội dung của sách Giáo Lý. Thực ra, sách Toát Yếu tạo thành “một tổng hợp trung thành và chắc chắn sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, như thế […] tạo thành một thứ thủ bản “cầm tay – Vademecum” cho phép mọi người, dù tin hay không, có thể có được một cái nhìn toàn diện về đức tin Công Giáo”.[12] Một đặc tính độc đáo của sách Toát Yếu là hình thức hỏi đáp của nó. Thực ra, nó đề nghị “một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa thầy và trò, qua một loạt những câu hỏi sắc bén mời gọi người đọc đào sâu và khám phá ra những bình diện luôn luôn mới mẻ của chân lý đức tin của mình”.[13] Cũng có giá trị là sự hiện diện của các hình ảnh đánh dấu các phần của bản văn.  Sách Toát Yếu, nhờ tính mạch lạc và chính xác của nó, cũng là một trợ cụ hữu ích cho việc học thuộc lòng những nội dung nền tảng của đức tin.

[1]     X. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Fidei depositum (11 tháng 10, 1992), I; GLCG 11.

[2]     GDC 124

[3]     Phanxicô, Thông Điệp Lumen Fidei (ngày 29 tháng 6, 2013), 46

[4]     Gioan Phaolô II, Tông Hiến Fidei depositum (ngày 11 tháng 10, 1992), IV.

[5]     Gioan Phaolô II, Tông Thư Laetamur magnopere (ngày 15 tháng 8, 1997).

[6]     Gioan Phaolô II, Tông Hiến Fidei depositum (ngày 11 tháng 10, 1992), I.

[7]     GLCG 102

[8]     Agustinô thành Hippô Enarratio in Psalmum 103, 4, 1: CCL 40, 1251 (PL 37, 1378).

[9]     Câu văn trong Cv 2:42 cũng được chưng dẫn ở số 79 của Chỉ Nam này: những chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu làm nảy sinh ra các nhiệm vụ của huấn giáo và do đó cấu trúc của sách Giáo Lý.

[10]   X. GLCG 24.

[11] Bênêđictô XVI, Tông Thư Porta fidei (ngày 22 tháng 10, 2011), 11.

[12]   Bênêđictô XVI, Tự Sắc để Chấp Thuận và Công Bố Bản “Toát Yếu Giáo Lý” của Hội Thánh Công Giáo (Ngày 28 tháng 6, 2005).

[13]   Lời Giới Thiệu sách Toát Yếu Giáo Lý của Đức Hồng Y Giuse Ratzinger của Hội Thánh Công Giáo (Ngày 20 tháng 3, 2005), 4.