Kinh sư và Pharisêu Thời Nay

Chúa nhật 31 thường niên A

Mt 23, 1-12

Sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục tôn giáo, truyền thống Dothái giáo đã được Chúa Giêsu tiếp thu có chọn lọc một cách tốt nhất do các vị lãnh đạo Dothái không ngừng loan báo. Tuy nhiên vì là người trong cuộc, càng ngày Chúa Giêsu càng thấy những thứ “cặn bã” đáng ghê tởm nơi các vị lãnh đạo tôn giáo này. Chính vì thế, để tránh cho dân chúng cũng như các môn đệ bước theo lối mòn nhầy nhụa này, Chúa Giêsu vạch trần thói giả hình của các đấng “ngồi trên toà Môsê”; đồng thời mở ra một giáo huấn mới cho người môn đệ.

Có thể nói Chúa Giêsu, từ thuở thiếu thời, cũng đã truy tầm học đạo từ các vị Kinh sư, và như thế, ít nhiều Người cũng đã ảnh hưởng từ lối sống đạo đức của các vị đó- tuy con số các Kinh sư đạo đức vốn rất ít ỏi lúc bấy giờ. Đến “tầm sư học đạo”, Chúa Giêsu trân trọng giới Kinh sư. Lý do là vì họ là những người kế nghiệp Môsê để rao giảng giáo lý chân truyền và hướng dẫn dân chúng tuân giữ giáo lý ấy. Rõ ràng địa vị, chức vụ và uy tín của họ trong cộng đồng Dothái rất lớn. Thế nhưng, họ đã lợi dụng chức vụ và uy tín đó để làm những điều đi ngược lại với Luật Môsê và Ngôn sứ. Trong hầu hết các giải thích, họ chỉ chú trọng đến “truyền thống tiền nhân” tức là những lời nói, những giải thích của các Kinh sư đi trước để lại mà không chú trọng đến Kinh thánh. Họ xem những lời giải thích tỉ mỉ đó còn hơn cả chính luật cũng như Kinh thánh nữa (x. Mt 15, 2). Chính từ cái nhìn mất quân bình đó, họ đã làm đảo lộn mọi giá trị và thật sự thì người dân cũng không còn biết đâu là giáo lý chân truyền nữa.

Chúa Giêsu nhận ra điều đó. Và vì thế Người đã giúp cho dân chúng và các môn đệ nhận ra những “ung nhọt” đó trong giới Kinh sư và Pharisêu. Kính trọng các Kinh sư và Pharisêu, nhưng Chúa Giêsu không thể không nói thói giả hình rỡm đời của họ. “Những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm”. Thói giả hình và rỡm đời của họ được thể hiện rõ mồn một ngay dáng vẻ bên ngoài từ cách đeo hộp kinh thật to, mang dây tua áo thật dài đến chỗ ưa được người ta tôn trọng nơi tiệc tùng cũng như nơi công cộng. Thật ra đeo hộp kinh và mang tua áo không có gì là xấu bởi lề luật quy định như thế nhằm nhắc nhớ họ về lời Giavê cũng như giúp họ ý thức rằng họ thuộc về dân thánh, dân dành riêng cho Thiên Chúa. Thế nhưng cái đáng trách là nó xuất phát không phải từ lòng tôn kính Giavê của họ, mà là do muốn được phô trương thanh thế bề ngoài, còn tâm hồn thì rỗng tuếch. Họ làm ra vẻ đạo đức thánh thiện, đọc kinh nhiều giờ nhưng rồi lại đi ức hiếp, chà đạp và cướp đoạt tài sản của những goá phụ (x. Mt 23, 14).

Dân chúng và các môn đệ từ nay nhận ra chân tính bộ mặt giả hình rỡm đời của giới Kinh sư và Pharisêu. Nhưng đó không phải là điều quan trọng mà Chúa Giêsu nhắm đến. Nghĩa là chỉ ra những sai trái của các vị lãnh đạo rồi nhìn nhau cười cách đắc chí. Không. Điều Chúa Giêsu muốn, là các môn đệ hãy lấy đó như một một bài học để răn mình. Bởi rồi đây chính các ông cũng sẽ trở thành những trụ cột của giáo hội sau này. Vì thế những gì các ông nhìn thấy hôm nay, sẽ là bài học quý giá cho sứ vụ của các ông mai sau. Chúa Giêsu trao trách vụ cho các môn đệ, để các ông tự do thi hành thừa tác vụ giáo huấn và lãnh đạo của mình, nhưng đồng thời Người cũng cảnh tỉnh các ông về một thứ cám dỗ quyền bính mà nếu không cẩn trọng, các ông rất dễ vướng vào. Bởi quyền bính chỉ thật sự thuộc về Thiên Chúa, còn các ông chỉ là những cộng tác viên, những cánh tay của Thiên Chúa mà thôi. Thế nên quyền bính đó chỉ thực sự hữu ích khi được đặt trong tinh thần phục vụ cách vô vị lợi, nghĩa là chỉ để phục vụ chứ không phải để “ăn trên ngồi trốc” như giới Kinh sư và Pharisêu đã làm.

Tính thời sự của Lời Chúa hôm nay vẫn còn đó. Bởi những gì Chúa Giêsu nói không chỉ đúng với thời của Người mà còn đúng trong hoàn cảnh xã hội và giáo hội hôm nay nữa. Đối tượng không còn khoanh vào giới Kinh sư và Pharisêu mà nhắm vào tất cả những ai đang mang trọng trách, cách riêng cho các vị lãnh đạo tôn giáo. Có thể nói hiện nay trong giáo hội, trong hội dòng vẫn còn đó không ít những “Kinh sư và Pharisêu thời hiện đại”- những gì mà Chúa Giêsu đã chỉ ra cho dân chúng và các môn đệ thấy. Ước mong các đấng “ngồi trên toà Môsê thời nay” luôn phản tỉnh trước Lời Chúa hôm nay để khỏi phải nghe những than phiền từ phía giáo dân, từ phía những thành viên thấp cổ bé miệng trong giáo hội, trong hội dòng về lối sống của một vài “Kinh sư và Pharisêu thời nay”. Đừng để cho những thành phần này luôn khuyên nhau :“Những gì các Giám mục, các Bề trên và các Cha nói thì chúng ta hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm”! Ước mong lắm thay!

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb