Lời Đem Lại Sự Sống

Chúa Nhật 21 Thường Niên B

Ga 6, 54.60-69

Trong cuộc sống nhân sinh, có một thực tế cho thấy rằng, con người một mặt rất quý trọng chân lý, không ngừng truy tầm chân lý; nhưng mặt khác, khi đối diện với chân lý, khi chân lý nằm trong tầm tay, họ lại có thái độ coi thường ra mặt. Thật thế, ở những Chúa nhật trước, chúng ta thấy những lời chân lý được Chúa Giêsu công khai rao giảng về việc chính Người là Bánh từ trời xuống, đã bị đám đông dân chúng xầm xì thắc mắc lấy làm khó chịu và phản đối. Lần này cũng vậy. Sau khi Người tuyên bố “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, thật phủ phàng, người phản đối không còn là đám đông dân chúng mà chính là các môn đệ của Người. “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”. Thế đấy! Thật khó hiểu lòng người!

Cũng như ở Tin mừng Matthêu (x.13, 54-57), người Dothái lấy cớ để vấp phạm Chúa chính là vì họ biết “tỏng tòng tong” lý lịch của Người. Họ cho rằng với một người tầm thường như thế ở trong một ngôi làng Nazarét nghèo nàn chẳng có gì đặc biệt thì làm sao có thể khôn ngoan tài đức và làm những việc phi thường. Ở đây cũng vậy. Các môn đệ lấy làm chướng tai, bởi vì Chúa Giêsu- người mà họ biết rất rõ hoàn cảnh xuất thân. Vì thế, họ xem những lời nói của Chúa Giêsu có gì đó chói tai và khó nghe.

Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chúa Giêsu vẫn và sẽ còn tiếp tục nói với các môn đệ và dân chúng về những điều “chói tai và khó nghe” như thế. Bởi, như Người đã nói, những điều Người nói mà họ cho là chướng tai thì những chuyện như “Con Người lên nơi đã ở trước kia” thì còn chướng tai gấp bội. Thật vậy, các ông không thể hiểu một người từ trời xuống bằng xương bằng thịt nói sự thật với các ông thì làm sao các ông có thể tin rằng Đấng ấy sẽ lên nơi mà mình đã từ đó đi xuống! Chính vì lẽ đó mà Chúa Giêsu càng nói nữa, họ cũng chả hiểu. Kết quả là nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa.

Trước việc rút lui của nhiều môn đệ, Chúa Giêsu quay sang hỏi Nhóm mười hai để xem thái độ của họ trước những lời “chói tai và khó nghe” như thế nào. Phêrô đã nhân danh toàn thể các môn đệ công khai tuyên bố sự gắn kết của các ông đối với Thầy mình. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô mặc nhiên chấp nhận hoàn toàn lời giáo huấn của Chúa Giêsu – điều mà các môn đệ khác không chấp nhận và bỏ đi. Cách tự nhiên, lúc đó có lẽ Phêrô cũng như các môn đệ khác chưa hiểu hết những sứ điệp từ Chúa Giêsu nhưng thay vào đó, các ông có một niềm tin- niềm tin hoàn toàn tuyệt đối vào Chúa Giêsu – Đấng mang lại sự sống cho muôn người. Chúa Giêsu chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đấng có sự sống nơi chính mình và cũng là Đấng thông ban sự sống đó cho những ai tin và phó thác vào Người.

Vâng, thưa thánh Phêrô, ngài quả là chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu. Chứng kiến sự phẩn nộ và xa lìa Chúa Giêsu cách phủ phàng của các môn đệ trước lời chân lý của Thầy Chí Thánh – điều mà họ cho là “chướng tai và khó nghe”, chắc hẳn ngài cũng có những cảm nghiệm và chia sẻ nổi mất mát như Thầy mình. Đôi khi, chính thái độ và hành động của họ ít nhiều đã làm ngài dao động và ưu tư lo lắng. Thế nhưng, đó lại chính là động lực giúp ngài nhận rõ sức mạnh thần linh đang tiềm ẩn trong con người Chúa Giêsu – người mà ngài hết mực yêu thương và tín thác. Chính vì thế, lời tuyên xưng của ngài – vô hình trung, trở nên lời củng cố niềm tin không chỉ cho mình mà còn cho tất cả những ai đang có tâm trạng dao động và lo lắng như ngài – có thể, đã từng dao động và lo lắng.

“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Lời Chúa Giêsu hôm nay không chỉ hướng đến nhóm mười hai mà còn hướng đến chúng ta – những Kytô hữu trong thời đại hôm nay. Thật thế, rất có thể chúng ta cũng đang ở trong tâm trạng như những môn đệ đã lìa bỏ Chúa ra đi vì cảm thấy “chói tai và khó nghe” trước lời giáo huấn của Người. Lời Chúa là lời chân lý. Đúng vậy. Nhưng lời đó cũng là chướng ngại vật cho những ai tự cao tự đại, có tư tưởng “xét lại” hay nghi ngờ tính chân thật đã được lưu truyền. Chính vì thế, đây là lúc chúng ta cần xét lại thái độ của mình, duyệt xét lại niềm tin của mình để xem trước giáo huấn của Chúa Giêsu, của Giáo hội, câu trả lời của chúng ta là gì. Vì nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thái độ thờ ơ với Lời Chúa, với những giáo huấn của Giáo hội.

Xin cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm tin của chúng ta. Và ước mong lời tuyên xưng của thánh Phêrô cũng là lời tuyên xưng của chúng ta trong thế giới hôm nay, giúp chúng ta sống chứng nhân giữa lòng thế giới đang ngày một tục hoá và xa lìa chân lý Chúa.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb