Phục Sinh Trong Đời Thường

Ðời thường có những chuyện khác thường. Trong một số hoàn cảnh, nhiều người tưởng là chìm luôn vào cõi chết, chết về hy vọng, chết về tương lai. Nhưng rồi họ đã thoát ra. Họ như được sống lại.

Sự phục sinh của họ có những bất ngờ. Tôi hiểu được phần nào những bất ngờ ấy, khi tôi tin rằng có bàn tay Ðấng-Phục-Sinh can thiệp vào đời họ. Những người như thế là đông vô kể. Trong đó có tôi.

Kinh nghiệm cho tôi thấy sự phục sinh trong đời thường là một ơn Chúa ban. Con người đón nhận ơn đó bằng thái độ cộng tác. Cộng tác cách nào là đúng?

 Cộng tác bằng cách vươn lên và vượt qua

Sống lại đời thường không phải là trốn tránh được những khó khăn đời thường, nhưng là vươn lên được từ những khó khăn luôn tiếp diễn. Sống lại đời thường cũng không phải là xoá đi được một hiện tại phức tạp, nhưng là vượt qua được những phức tạp không bao giờ chấm dứt.

Vươn lên và vượt qua bằng ý chí mà thôi không đủ, mà còn bằng hy vọng. Hy vọng ở những tình thương xung quanh mình, và nhất là hy vọng ở một sức mạnh thiêng liêng ở trên mình. Một hy vọng như thế là một cái nhìn cậy trông vào một Ðấng vô hình giàu tình yêu thương xót. Ðấng ấy là Ðức Kitô. Chính Ngài đã rơi vào những tình huống khó khăn, phức tạp, bế tắc. Cái chết của Ngài tưởng là tiếng nói sau cùng. Thế nhưng Ngài đã vượt qua. Ngài đã vươn lên. Ngài đã sống lại.

Sự phục sinh của Ngài không phải chỉ là một mẫu gương, mà còn là một nguồn mạch, ban ơn sống lại.

Tôi nghĩ rằng nhiều người, tuy không biết Ngài, nhưng đã được ơn phục sinh của Ngài. Họ đã và đang sống lại về nhiều mặt trong đời thường của họ.

Cách đây vài ngày, tôi đến thăm một họ đạo vùng sâu mới hồi sinh. Những khách mời dự bữa tối với tôi hôm đó khá đông. Phần lớn là những chàng rể ngoại đạo. Họ có vợ Công Giáo. Còn họ thì không đạo, hoặc đạo khác. Khoảng hai chục chàng. Qua chia sẻ tâm tình, tôi nhận thấy Ðức Kitô đang ban ơn phục sinh cho từng người chúng tôi. Trước đây có những bức tường vô hình tưởng không thể nào vượt qua được. Nay chúng tôi đang vượt qua. Chúng tôi bám vào nhau và bám vào Ngài. Chúng tôi đang cùng phục sinh. Sự phục sinh của mỗi người có sự phục sinh của nhiều người khác.

Cộng tác bằng cách chuyển đổi ưu tiên

Sự phục sinh của mỗi người và của tập thể chúng tôi không có nghĩa là trở lại cuộc sống cũ, nhưng là đi vào một cuộc sống mới. Cuộc sống mới này đòi phải thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ, cách đánh giá, cách lựa chọn.

Ở đây tôi muốn nói riêng về sự phục sinh sức sống tôn giáo. Một tín hữu hay một cộng đồng đức tin, sẽ rất lầm, nếu tưởng rằng ơn phục sinh sẽ giúp mình trở về với nếp sống đạo hồi xưa, sẽ giúp mình hồi phục những tập tục tôn giáo hồi xưa, sẽ giúp mình thu hồi lại những quyền lợi tôn giáo hồi xưa.

Ơn phục sinh không phải như thế. Ơn phục sinh cho ta sự sống mới, mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi là tân Phúc-Âm-hoá. Ðó là một sự sống mới có thực chất Phúc Âm, đồng thời cũng thích hợp với thời điểm mới.

Kinh nghiệm cho thấy ơn phục sinh đó sẽ phát triển tốt nơi những cá nhân và những cộng đoàn đức tin biết nhạy bén chuyển đổi các ưu tiên.

Chẳng hạn, trước đây ưu tiên là trung thành với Hội Thánh, nay ưu tiên là cùng với Hội Thánh trở về với Ðức Kitô và trung thành với Phúc Âm của Ngài.

Trước đây làm chứng cho Chúa là ưu tiên lo việc Ðền thờ và các lễ lạy nghi thức, nay làm chứng cho Chúa là ưu tiên đào tạo con người, quan tâm thực hiện giới luật mới của Ðức Kitô là yêu thương chia sẻ phục vụ con người.

Trước đây, khi giới thiệu dung mạo Ðức Kitô và Hội Thánh của Ngài thì ưu tiên nêu lên những nét vinh quang quyền uy, nay ưu tiên nêu lên những nét khiêm tốn, từ bỏ mình để yêu thương sống mầu nhiệm nhập thể.

Trước đây, khi đưa ra hình ảnh Hội Thánh trong thế gian, thì ưu tiên gợi ý đến thái độ đối kháng, nay ưu tiên gợi ý đến thái độ đối thoại.

Trước đây, khi nói đến đối thoại, thì ưu tiên nhấn mạnh đến các lý lẽ, nay ưu tiên nhấn mạnh đến cách sống có thực chất đạo đức và có thực khả năng phục vụ.

Nhờ biết điều chỉnh lại các ưu tiên, đóng về hướng này, mở ra hướng kia, mà nhiều người nhiều nơi đang phát triển ơn phục sinh, với sự sống mới đầy hy vọng.

Tôi thấy nhiều người, nhiều nơi có những khả năng tốt hơn họ tưởng. Chỉ tại họ xài phí vào những hướng đã lỗi thời. Hoặc tại họ không biết khai thác. Hơn nữa chính mình họ lại tự hạn chế mình, tự mình họ trói buộc mình, tự mình họ khoá chặt những khả năng của mình. Thành ra họ không cộng tác được vào ơn phục sinh. Cứ mãi cằn cỗi.

Trong các văn kiện mới nhất gởi các linh mục, các gia đình và giới trẻ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ dạy đâu là những ưu tiên, mà các môn đệ Chúa cần nắm vững, để khỏi bị chìm vào các trào lưu sự chết, nhưng sẽ đi vào sự sống mới của tân-Phúc-Âm-hoá. Nhưng mấy ai đã quan tâm vâng theo những lời chỉ dạy của Ngài, dù chỉ là thực hiện những bước đầu.

Cộng tác bằng cách bước những bước nhỏ trên con đường vòng

Trong đời thường rất ít khi xảy ra những trường hợp phục sinh đột ngột, một lần là hoàn tất. Thường là phục sinh từng bước. Nhiều người mỗi ngày bước những bước nhỏ đi vào nội tâm, và bước những bước nhỏ đi ra dấn thân. Trung thành bước như thế, con người sẽ cộng tác đắc lực vào ơn phục sinh.

Phục sinh đời thường không phải là một đích điểm, nhưng là một khởi điểm của một hành trình dài. Phục sinh đời thường là cả một con đường phải đi. Con đường phục sinh thường không thẳng. Nó vòng vo. Nhưng nên nhớ nhiều đường vòng lại là đường chắc chắn nhất, và có lúc cũng là đường vắn nhất.

Ðường phục sinh là đường vòng. Bởi vì ơn phục sinh sẽ ban cho tôi qua nhiều trung gian. Qua Hội Thánh, qua người này, người nọ. Qua biến cố này, sự việc kia. Qua thành công này, qua thất bại nọ.

Ðòi hỏi ơn phục sinh phải đầy đủ tức khắc là thiếu khiêm tốn và không thực tế. Khiêm tốn kiên trì sống trọn vẹn kho tàng của giây phút hiện tại một cách âm thầm, đó là một cách cộng tác với ơn phục sinh. Một cuộc đời có một vài chân lý sống chân thành mạnh mẽ sẽ góp phần vào việc phục sinh xã hội một cách có ý nghĩa hơn là nhiều cuộc đời có cả một hệ thống chân lý được tuyên xưng long trọng ầm ĩ, nhưng không có sự sống.

+GM GB Bùi Tuần