Sống Lại

Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống (Ga,11.25).

Chúa Giêsu có quyền trên sự sống. Chúa đã cho Lazarô sống lại từ cõi chết. Sự sống lại của Lazarô là tiếp tục cuộc sống đời tạm này. Ông vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại và sinh hoạt bình thường như mọi người. Chúa cho ông sống lại để tỏ uy quyền trên sự chết và sự sống. Ông Lazarô sẽ sống thêm một thời gian rồi cũng sẽ chết. Sự sống lại của ông chưa phải là sự sống của đời sau. Muốn đạt đến sự sống ngày sau, con người phải bị chôn vui và tan biến. Giống như hạt lúa được gieo vào lòng đất, Chúa Giêsu dậy rằng: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga. 12,24).

Cuộc đời dài vắn không qúa quan trọng. Con người có sống thọ, trung thọ hay đại thọ, thì sau khi mãn cuộc đời dưới thế, thân xác cũng trở về bụi tro. Cốt lõi của sự sống đời tạm này là chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu. Nếu chúng dùng hết mọi khả năng chỉ để tìm kiếm thỏa mãn mọi ước mơ trần thế, khi mãn phần chúng ta sẽ bị bước hẫng vào khoảng không. Sách Khôn Ngoan đã dậy rằng: Dầu chúng có sống lâu trăm tuổi, thì cũng kể bằng không không vậy; khi cuộc đời xế bóng, chúng cũng chẳng danh giá gì (Kn. 3,7). Con người thường mong ước tìm kiếm một cái gì tồn tại sau cuộc sống đời này, nhưng sự hiểu biết thiển cận của con người vẫn còn phải lần mò trong đêm tối vô tri. Con người mong ước sống còn và tồn tại mãi, nên có nhiều vị vua chúa đã dùng cách ướp xác. Họ nghĩ rằng xác chết của họ sẽ không bị hư nát. Thực ra tất cả những xác không hồn đó chỉ là những thây ma mục nát. Nói chung, họ không được mặc khải về sự sống lại. Ngay thời Chúa Giêsu, các thầy thuộc nhóm Xađốc cũng không tin có sự sống lại. Có những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại (Mc. 12,18).

Ai trong chúng ta cũng mong được sống lâu và sống khỏe. Chúng ta vận dụng mọi phương tiện để giúp cuộc sống được an vui, hạnh phúc và trường thọ hơn. Nhất là các vị Vua xưa, vì muốn được hưởng thụ lâu dài hơn, nên đã tìm mọi cách để kéo dài sự sống. Qua đó các nhà nghiên cứu mới tìm về các nguồn nuôi dưỡng và các loại thuốc đại bổ làm cho thân thể thêm cường tráng và luyện tập cho thân xác dẻo dai và sống thọ. Con người chỉ muốn tìm cách kéo dài sự sống này qua các nguồn thuốc trường sinh giả tao như nhân sâm ngàn năm, táo tiên và các món ngon vật lạ. Trường sinh tối đa cũng chỉ đạt 130 tuổi là hết đát. Suy yếu của tuổi già còn mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta một chân lý về mầu nhiệm của sự sống. Sự sống thay đổi chứ không mất đi. Khi sự sống của con người đã được hiện hữu thì không bao giờ bị xóa bỏ. Vì mỗi một con người đều được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Sự sống mà chúng ta đang có đây đã bắt nguồn từ cội rễ khi Thiên Chúa thổi hơi thở vào con người của Ađam. Sự sống từ Thiên Chúa sẽ tồn tại muôn đời dưới một hình thức khác. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống.” Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa, không ai có quyền hủy đi sự sống. Sự sống phát sinh sự sống và truyền đi từ đời này qua đời kia. Sự sống là một mầu nhiệm, chúng ta chỉ hiểu biết rằng khi có đủ điều kiện cần yếu thì sự sống phát sinh và phát triển. Khi sự sống của một con người đã ngưng, thì vô phương cứu chữa. Sự sống đó đã bước vào một thế giới khác.

Không ai trong chúng ta có kinh nghiệm về sự sống lại thật. Có thể chúng ta đã chứng kiến một vài trường hợp người ta gọi là chết đi sống lại. Trong những trường hợp này, sự sống chưa lìa khỏi thân xác. Có nghĩa là người đó chưa chết hoàn toàn, mà là các cơ phận quá yếu và không còn đủ lực để ra tín hiệu. Có nhiều câu truyện của người được hồi sinh kể lại rằng thân xác hoàn toàn bất động nhưng tâm trí vẫn còn du hành cách ngoại thường. Khoa học không đo lường được các tần số của tâm trí và linh hồn đang sống. Khoảng cách từ sự sống và sự chết rất gần nhưng cũng rất xa. Sống chết trong giây lát. Giữa sự sống và và sự chết có một khoảng cách đời đời.

Một giây trước đó là ông này, bà kia nhưng khi đã nhắm mắt lìa đời, thì thân xác chỉ còn là xác chết hay thây ma. Bắt đầu tiến trình rữa thối và trở về tro bụi. Các người thân cận bắt đầu xa tránh, vì người đó đã thuộc thế giới bên kia. Có nhiều từ để diễn tả sự xa cách này như chết, tử, từ trần, qua đời, thác hay đi về với ông bà… Ai cũng sợ chết vì chết là cắt đứt mối liên hệ gần gũi thể xác với người thân. Chết là ra đi một mình và bỏ lại tất cả. Đây là một hành trình mới không ai có kinh nghiệm. Các Tổ Phụ xưa đều đã ra đi, nhưng đi về đâu? Trong Kinh Thánh Cựu Ước đã có một ý tưởng về cuộc sống ngày sau nhưng vẫn còn lu mờ. Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại (2Mac. 12, 43).

Nói về sự thưởng phạt ngày sau, sách Đanien đã có tư tưởng về sự phán xét thưởng phạt ngày sau. Người công chính được thưởng và người gian ác sẽ bị án phạt: Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời (Dan.12,2). Và sách Khôn Ngoan đã dẫn giải một cách rõ ràng hơn: Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình (Kn. 3,1,3). Sự sống đã là một mầu nhiệm không ai hiểu thấu. Sự sống lại ngày sau lại là một huyền nhiệm mà không một ai có chút kinh nghiệm ngoài trừ Đấng đã từ cõi chết sống lại. Đức Kitô là hoa qủa đầu mùa và tiếp theo là Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa đã ưu ái đón rước Mẹ về. Mẹ đã bước qua sự chết nhưng xác thân không bị rữa nát. Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ vẹn tòan không ô nhiễm nguyên tội.

Chúa Giêsu là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho giáo đoàn Colossê viết: Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu (Col. 1,18). Chúa Giêsu đã chết, chôn trong mộ đá và ba ngày sau Người đã sống lại. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người (Rm.6,9). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa. Ngài muốn hiện diện bất cứ khi nào và nơi nào Ngài muốn. Ngài có thể vào phòng khi cửa vẫn đóng kín: Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”(Ga. 20,26).

Khi chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là chúng ta đã được tham dự vào sự sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Đầu đi tới đâu thì thân thể sẽ được đi tới đó. Mầm của sự sống đời đời đã được gieo trong tâm hồn mỗi người. Qua phép Rửa Tội, chúng ta chết đi cho tội và cùng sống lại với Chúa. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt (1Cor. 15,42). Hạt giống đức tin và sự sống lại sẽ triển nở trong đời sống đạo. Niềm hy vọng của chúng ta chính là sự sống đời đời. Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Xác loài người ngày sau sẽ sống lại và sự sống đời sau. Đây chính là cùng đích tối hậu của cuộc đời. Tất cả mọi việc tốt lành chúng ta thực hiện trên đời, sẽ đem lại niềm vui hạnh phúc: Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống (Tv. 27,13). Còn hạnh phúc nào hơn khi chúng ta có Chúa để tôn thờ, có Cha để yêu thương, có sự sống lại để chung hưởng hạnh phúc và có nơi cư ngụ đời đời bên Chúa từ nhân.

Chúa đã đem niềm vui đến cho gia đình Lazarô. Niềm vui của sự sống tiếp tục. Sống để làm chứng nhân cho Chúa. Ông Lazarô đã đi trọn con đường dưới thế trong ân tình của Chúa. Tin tưởng vào quyền năng của Chúa, ông đã tiếp tục sống và đã chết trong niềm hy vọng sẽ được chung hưởng hạnh phúc của ngày sống lại thật. Muốn vào cõi sống, mọi người phải chết. Không ai còn đang sống mà có thể bước vào cõi sống trường sinh. Cần phải chết để được sống và cần có đau khổ mới sinh hoa trái. Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta (Rm. 6,8).

Chúng ta, những người Kitô hữu, đặt niềm tin và hy vọng nơi Chúa Kitô. Ngài là nguồn của mọi sự sống. Chỉ nơi Ngài, chúng ta sẽ tìm được giải đáp cho tất cả những ước vọng thầm kín nhất của con người. Mọi sự sống chết đều thuộc về Chúa Kitô: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa (Rm. 14,8). Cuộc sống của con người có ý nghĩa và cùng đích. Mỗi người đều phải đi qua ngưỡng cửa sự chết để vào cõi hằng sống. Thân xác này đây phải chịu hư nát, tan biến và trở về cát bụi. Chính Chúa Kitô, Đấng đã phục sinh sẽ ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng