Thiên Chúa Ba Ngôi – Mầu Nhiệm Tình Yêu

Ví là Mầu nhiệm, tức là Thực tại vượt lên trên nguyên lý nhân-quả, nên Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi chỉ có thể “tiếp cận” để mà chiêm ngắm, tán tụng, chứ không phải là “đối tượng” để mà lý giải, hay giải thích…

I- Tiếp cận qua Ngôn ngữ Thánh Kinh :

1- Ngôn ngữ Cựu Ước : 

Ngôn ngữ Cựu Ước, nói chung, nhấn mạnh Tương quan giữa Thiên Chúa và các Thụ tạo, đặc biệt loài người, và ít nhấn mạnh các Tương quan “nội thân” của Ngài : được bắt đầu với những Danh xưng “Vua” [mèlèk] (Is 6, 5) và “Đức Chúa” [adôn] (Xh 34, 5; Gs 3, 11) và với đỉnh điểm của Mặc khải CƯ là Danh xưng “EMMANUEL” (= Thiên Chúa “ở cùng” chúng ta) (Is 7, 14; 8, 8)…

2- Ngôn ngữ Tân Ước : 

Vẫn tiếp tục triển khai khái niệm Emmanuel  [= Thiên Chúa ở cùng chúng ta] (Mt 1, 23), tuy nhiên, dung mạo Chúa Cha. Chúa Con và Chúa Thánh Thần dần dần lộ rõ nét hơn, đặc biệt trong Tin mừng theo Gioan và các Thư của Phaolô…

2a) Tin mừng Gioan nhấn mạnh những tương quan giữa Ba Đấng bằng những khái niệm mà ngôn ngữ Giáo phụ sẽ gọi là sự “tương tại trong nhau” (circumincessio) hay “tương ngụ trong nhau” (inhabitation mutuelle) : trên cơ sở những khái niệm đó, Tin mừng Gioan sẽ chứng tỏ cho thấy sự Hiệp nhất giữa Ba Đấng với nhau, sự hiệp nhất trên cơ sở bản tính, bản thể, hành động và nói chung là trong Kế đồ Tình yêu của Thiên Chúa đối với các thụ tạo và đặc biệt là con người (Ga 3, 16), đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha và cả Chúa Thánh Thần, ai “ở trong” Chúa Con thì cũng được “ở trong” Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và cũng được gọi là con Thiên Chúa trong Chúa Con, v.v…

2b) Phaolô, nói chung, nhấn mạnh trên chức năng của mỗi Đấng trong tương quan giữa các Ngài với nhau, và giữa các Ngài với các Thụ tạo, đặc biệt là con người : trong tương quan với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và loài người, Chúa Con, Đức Giêsu-Kitô là ‘Ân sủng” của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ban cho loài người; trong tương quan với Chúa Con, Chúa Thánh thần và loài người, Chúa Cha là “Tình Yêu”; trong tương quan với Chúa Cha, Chúa Con và loài ngưòi, Chúa Thánh Thần là sự “Hiệp thông với nhau” (2 Cr 13, 13)

II- Tiếp cận qua ngôn ngữ thần học : 

Vấn đề trọng tâm của Thần học là làm sao “hiểu” được cái nghịch lý vốn tiềm ẩn trong Ga 17, 3 : “Sự sống vĩnh hằng là việc họ nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Đức Giêsu-Kitô”.

Thần học cổ điển tìm cách  “giải thích” : a) sự hiệp nhất trên cơ sở cả Ba Đấng có cùng chung bản thể hay bản tính duy nhất; b) sự khác biệt [Ba Đấng : Chúa Cha, chúa Con và Chúa Thánh Thần] trên cơ sở các Tương quan vốn tạo ra điều vẫn được gọi là các Ngôi Vị giữa các Ngài với nhau và với các thụ tạo…

Thần học hiện đại khởi đi từ Ga 4, 8b  (“Thiên Chúa là Tình Yêu”) đã cố gắng “giải thích” theo lộ trình như sau : a) nếu Thiên Chúa là Tinh Yêu, thế mà một tình yêu đích thực luôn bao gồm phải có những “đối tác” (partenaires) trong tinh yêu, bằng không, đó chỉ là một thứ tinh yêu tự “yêu mình” mà thôi; nên b) khi nói Thiên Chúa (=Chúa Cha) “yêu thương”, tất nhiên, phải hiểu là Ngài yêu thương một “Ai đó”, và “Ai đó” ở đây chính là “Chúa Con”; c) như vậy, Thiên Chúa “yêu thương” sinh ra Con, và, vì thế, chính Ngài là Cha; d) ngoài ra, vì là Tinh Yêu, nên  Chúa Cha và Chúa Con hằng luôn yêu nhau và hằng được liên kết lại với nhau bởi một “Ai đó” : “Ai đó”, ở đây chính là Thần Khí Tình Yêu của Chúa Cha và của Chúa Con, hay là Chúa Thánh Thần…

Tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như vậy, là Tương quan giữa Đấng yêu thương và Đấng được thương yêu, trong và bởi chính Tình Yêu (2 Cr 13, 13)…

Và, Ba Đấng (= Ba Ngôi) yêu nhau đến độ “là Một” : một trong tất cả những gì các Ngài “là” và “có” (Ga 10, 30; 12, 45;14, 9; 16, 15; 17, 10), như khi người ta yêu nhau (Lc 15, 31)…

Như vậy, Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, quả thực, chính là Mầu nhiệm Tình yêu, Tinh yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần với nhau và với các Thụ tạo, đặc biệt là với con người (Ga 3, 16)…

Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung

Chủng Viện Vinh Thanh