Chương I – Mặc Khải và việc Thông Truyền Mặc Khải

1.      CHÚA GIÊSU KITÔ, ĐẤNG MẶC KHẢI  LÀ MẶC KHẢI CỦA CHÚA CHA

Mặc khải trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa

 

  1. Tất cả những gì Hội Thánh là, tất cả những gì Hội Thánh làm đều tìm thấy nền tảng cơ bản trong sự thật là Thiên Chúa, trong sự tốt lành và khôn ngoan, đã muốn mặc khải mầu nhiệm Thánh Ý Ngài bằng cách thông truyền Chính Mình cho con người. Thánh Phaolô diễn tả mầu nhiệm ấy bằng những lời này: Thiên Chúa, trong Đức Kitô “đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Ngài đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Eph 1:4-5). Ngay từ đầu cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã không ngừng thông truyền kế hoạch cứu độ này cho con người và cho họ thấy những dấu chỉ về tình thương của Ngài; và “Dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mọi người tìm kiếm Ngài để họ được sống và đạt được hạnh phúc”.[1]

 

  1. Thiên Chúa bày tỏ và thực thi kế hoạch của Ngài bằng một cách mới mẻ và dứt khoát trong con người của Chúa Con, được sai đến trong xác phàm của chúng ta, nhờ Người mà chúng ta “có thể đến cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và được thông phần vào thiên tính” (DV 2). Mặc Khải là sáng kiến của tình yêu Thiên Chúa, và hướng về việc hiệp thông: “Như thế, qua việc Mặc Khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Col 1:15; 1 Tm 1:17), trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33:11; Ga 15:14-15) và đến nói chuyện với họ (x. Br 3:38) để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (DV 2). Hơn nữa, nhiệm cuộc Mặc Khải được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm hàm chứa trong đó” (DV 2). Qua việc sống như một con người giữa những con người, Chúa Giêsu không những tỏ lộ các bí mật của Thiên Chúa mà còn đem công trình cứu độ đến hoàn thành. Thực ra, “thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14:9). Vì lý do này mà Chúa Giêsu đả kiện toàn Mặc Khải bằng cách làm tròn nó qua toàn thể công việc làm cho Mình hiện diện và tỏ bày chính Mình: bằng lời nói và việc làm, bằng các dấu chỉ và những việc cả thể, nhất là bằng cái chết và sự sống lại vinh quang từ cõi chết, sau cùng, bằng việc gửi Thần Chân lý đến. Hơn nữa, Người đã xác nhận với chứng từ thần linh điều Mặc Khải công bố, rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, cho chúng ta sống lại để sống đời đời” (DV 4).

 

  1. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài, và tận nơi sâu thẳm của kế hoạch của Thiên Chúa phát sinh ra sự mới mẻ của lời công bố của Kitô giáo: “chúng ta có thể nói với mọi dân tộc: ‘Thiên Chúa đã đích thân tự tỏ mình ra. Và giờ đây con đường dẫn đến cùng Ngài được mở ra. Sự mới mẻ của của sứ điệp Kitô giáo không cốt ở một ý tưởng nhưng ở một sự thật: Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra’”.[2] Chính vì nó bày tỏ một đời sống mới – đời sống không tội lỗi, đời sống như con cái Ngài, đời sống sung mãn, đời sống vĩnh cửu – lời công bố này tuyệt đẹp: “Ơn tha tội, công lý, ơn thánh hóa, ơn cứu chuộc và ơn làm nghĩa tử như con cái Thiên Chúa, gia sản trên trời, vương quyền cùng với Con Thiên Chúa. Còn tin nào đẹp hơn tin này? Thiên Chúa ở trần gian và con người ở trên trời!”[3]

 

  1. Lời công bố của Kitô giáo thông truyền kế hoạch của Thiên Chúa, đó là:
  • một mầu nhiệm tình yêu: con người, được Thiên Chúa yêu thương, được mời gọi đáp lại Ngài, trở nên một dấu chỉ của tình yêu của Ngài cho anh chị em mình;
  • mặc khải chân lý tối hậu về Thiên Chúa như Ba Ngôi và về ơn gọi của nhân loại đến một đời sống như con cái trong Đức Kitô, nguồn mạch của phẩm giá của họ;
  • việc ban ơn cứu độ cho mọi người qua Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Chúa Giêsu Kitô, món quà của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, hàm ý việc giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và sự chết;
  • lời mời gọi dứt khoát để kết hợp nhân loại tản mác khắp nơi vào Hội Thánh, đem lại sự hiệp thông với Thiên Chúa và tình đoàn kết huynh đệ giữa dân chúng đang ở đây và bây giờ, nhưng sẽ được hoàn toàn nên trọn vào ngày tận thế.

 

Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cứu rỗi

 

  1. Lúc bắt đầu tác vụ của Người, Chúa Giêsu đã rao giảng việc trị đến của Nước Thiên Chúa, đi kèm theo việc rao giảng này với những dấu chỉ “rằng Người đã được sai đến để công bố một tin vui (x. Lc 4:18) cho người nghèo, nói rõ và xác nhận bằng cuộc đời của Người rằng Nước Thiên Chúa là cho mọi người”,[4] bắt đầu với những người nghèo nhất và với những người tội lỗi, cùng kêu gọi người ta hoán cải (x. Mc 1:15). Người khai mạc và rao giảng Nước Thiên Chúa cho tất cả mọi người.  Đức Chúa Giêsu Kitô, với cuộc đời của Người, là sự trọn vẹn của Mặc Khải: Người là sự biểu lộ hoàn toàn của lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cũng của lời mời gọi đến tình yêu nằm ở trung tâm của nhân loại. “Chính Người mạc khải cho chúng ta ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Ga 4:8) và dạy cho chúng ta biết rằng luật yêu thương mới là luật căn bản của việc kiện toàn con người, và do đó của việc biến đồi thế giới” (GS 38). Việc bước vào sự hiệp thông với Người và bước theo Người ban cho đời sống con người sự sung mãn và chân lý. “Ai theo sau Đức Kitô, con người hoàn hảo, thì chính người ấy trở nên người hơn” (GS 41).

 

  1. Chúa, sau khi chết và phục sinh, đã ban Chúa Thánh Thần để làm tròn công việc cứu độ và đã sai các môn đệ đi để tiếp tục sứ vụ của Người trong thế gian. Từ mệnh lệnh truyền giáo của Đấng Phục Sinh phát sinh ra những từ gắn liền với việc Phúc Âm hóa, những từ liên kết chặt chẽ với nhau: “rao giảng” (Mc 16:15); “làm thành môn đệ, rửa tội và dạy” (Mt 28:19-20), “các con sẽ làm nhân chứng” (Cv 1:8), “hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22:19), “rằng các con hãy yêu thương nhau” (Ga 15:12). Bằng cách này các đặc tính của một việc rao giảng năng động được hình thành, trong đó có sự nối kết chặt chẽ việc nhìn nhận tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi người, quyền tối thượng của Chúa Thánh Thần, và sự mở cửa phổ quát cho mọi người. Vì thế việc Phúc Âm hóa là một thưc tại “phong phú, phức tạp và năng động”[5], và trong sự phát triển của nó thu nhập nhiều khả tính khác nhau: làm chứng và rao giảng, lời và bí tích, thay đổi nội tâm và biến đổi xã hội. Tất cả những hành động này bổ túc và phong phú hóa lẫn nhau. Hội Thánh tiếp thục thi hành nhiệm vụ này với nhiều kinh nghiệm rộng lớn của việc rao giảng, không ngừng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

 

2.      ĐỨC TIN VÀO ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ:

SỰ ĐÁP TRẢ THIÊN CHÚA ĐẤNG TỰ MẶC KHẢI

 

  1. Mỗi người, được thôi thúc bởi nỗi băn khoăn trong tâm hồn mình, qua việc chân thành tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, có thể hiểu được chính mình một cách trọn vẹn trong Đức Kitô; khi biết được Người, người ta cảm thấy rằng mình đang bước đi dọc theo con đường chân lý. Lời Chúa tỏ lộ bản chất liên hệ của mỗi người với ơn gọi làm con của mình để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. “Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, và tâm hồn chúng con sẽ không được an nghỉ cho đến khi chúng nghỉ ngơi trong Chúa”.[6] Khi một con người đến gần vòng tay Thiên Chúa, người ấy được mời gọi đáp trả với sự vâng phục đức tin và ưng thuận với sự đồng ý hoàn toàn của trí khôn và ý chí, tự do đón nhận “Tin mừng của ân sủng Thiên Chúa” (Cv 20:24). Bằng cách này, người tín hữu, “tìm thấy điều mình luôn luôn tìm kiếm và tìm thấy nó một cách dồi dào. Đức tin đáp trả lại ‘thời gian chờ đợi’ ấy, thường thì vô thức và luôn bị giới hạn trong sự hiểu biết chân lý của nó về Thiên Chúa, về chính con người và về số phận đang chờ đợi mình”.[7]

 

  1. Đức tin Kitô giáo, trước hết, là ân cần đón nhận tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Chúa Giêsu Kitô, chân thành gắn bó với Con Người của Người, và tự do quyết định đi theo Người. Câu trả lời xin vâng này với Đức Chúa Giêsu Kitô bao gồm hai chiều kích: tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa (fides qua) và chấp nhận trong yêu thương tất cả những gì Người đã mặc khải cho chúng ta (fides quae). Thực ra, “Thánh Gioan đã đưa ra tầm quan trọng của một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu đối với đức tin của chúng ta bằng cách sử dụng những cách dùng khác nhau của động từ tin. Ngoài việc “tin rằng” những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta là sự thật, Thánh Gioan cũng dùng từ “tin” Chúa Giêsu và “tin vào” Chúa Giêsu. Chúng ta “tin” Chúa Giêsu khi chúng ta chấp nhận Lời Người, chứng từ của Người, bởi vì Người trung thực (x. Ga 6:30). Chúng ta “tin vào” Chúa Giêsu khi chúng ta đích thân đón Người vào cuộc đời và cuộc hành trình của chúng ta về phía Người, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người trên đường (x. Ga 2:11 ; 6:47 ; 12:44)”[8] trong một cuộc hành trình năng động kéo dài suốt cả cuộc đời. Cho nên, tin liên hệ đến một ưng thuận kép: với con người và với chân lý: với chân lý nhưng tin vào con người làm chứng cho chân lý ấy”[9] và với con người bởi vì chính Người là chân lý được chứng thực. Đó là một sự ưng thuận của con tim, của trí khôn và của hành động.

 

  1. Đức tin là một quà tặng từ Thiên Chúa và là một nhân đức siêu nhiên có thể được sinh ra trong chúng ta như hoa quả của ân sủng và như sự tự do trả lời Chúa Thánh Thần, Đấng đánh động tâm hồn để hoán cải và quay về hướng Thiên Chúa, ban cho tâm hồn “niềm vui và sự dễ dàng để chấp nhận chân lý và tin vào chân lý ấy” (DV 5). Được đức tin hướng dẫn, chúng ta bắt đầu chiêm ngưỡng và thưởng thức Thiên Chúa như tình yêu (x. 1 Ga 4:7-16). Đức tin, như sự đón nhận cách cá nhân quà tặng của Thiên Chúa. Không phải là phi lý và mù quáng. “Cả ánh sáng của lý trí lẫn ánh sáng của đức tin đều đến từ Thiên Chúa… cho nên không có sự trái nghịch giữa chúng.”[10] Thực ra, đức tin và lý trí bổ túc cho nhau: trong khi lý trí không cho phép đức tin rơi vào thuyết duy tín hay thuyết cơ bản, thì “chỉ có đức tin mới giúp chúng ta có khả năng thấu hiểu mầu nhiệm bằng một cách thế cho phép chúng ta hiểu nó cách mạch lạc”.[11]

 

  1. Đức tin hàm ý một sự biến đổi cuộc sống cách sâu xa do Thần Khí gây ra, một sự hoán cải (metanoia) “tự biểu lộ trong tất cả mọi mức độ của đời sống Kitô hữu: trong đời sống nội tâm tôn thờ và chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa, trong việc tích cực tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh, trong đời sống hôn nhân và gia đình; trong đời sống nghề nghiệp; trong việc chu toàn các trách nhiệm kinh tế và xã hội”.[12] Khi chấp nhận ơn đức tin, các tín hữu “trở nên một thụ tạo mới; họ nhận được một con người mới; như con cái Thiên Chúa, giờ đây họ là “con cái trong Chúa Con”.[13]

 

  1. Đức tin chắc chắn là một hành động cá nhân, nhưng nó không phải là một chọn lựa cá nhân hay riêng rẽ; nó có đặc tính liên hệ và cộng đồng. Người Kitô hữu được sinh ra trong cung lòng từ mẫu của Hội Thánh; đức tin của họ là một sự tham gia vào đức tin của Hội Thánh, là điều luôn đến trước đức tin của họ. Vì thế, đức tin của người môn đệ Đức Kitô chỉ được thắp lên, nuôi dưỡng và truyền thụ trong sự hiệp thông với đức tin của Hội Thánh, ở đó “Tôi Tin” của bí tích Rửa Tội được kết hợp với “Chúng Tôi Tin” của toàn thể Hội Thánh.[14] Cho nên, mọi tín hữu gia nhập vào cộng đồng các môn đệ và biến đức tin của Hội Thánh thành của mình. Cùng với Hội Thánh, là Dân Thiên Chúa trên một cuộc hành trình trong lịch sử và là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, người tín hữu là một phần của sứ vụ Hội Thánh.

 

3.      VIỆC TRUYỀN LẠI MẶC KHẢI TRONG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH

 

  1. Mặc Khải được ban cho toàn thể nhân loại “[Thiên Chúa] muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4). Qua ước muốn cứu độ phổ quát này, “Qua lòng nhân lành khoan dung, Thiên Chúa đã sắp đặt để những gì Ngài đã mạc khải hầu cứu rỗi muôn dân luôn được bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn cho mọi thế hệ” (DV 7). Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh trên nền tảng các Tông Đồ. Hội Thánh thi hành cùng một sứ vụ mà Chúa Giêsu đã nhận được từ Chúa Cha. Hội Thánh không thể tách ra được khỏi sứ vụ của Chúa Con (x. AG 3) và khỏi sứ vụ của Chúa Thánh Thần (x. AG 4) bởi vì chúng cấu thành một nhiệm cuộc cứu độ duy nhất.

 

  1. Chúa Thánh Thần, vai chính thật sự của toàn thể sứ vụ của Hội Thánh, hoạt động cả trong Hội Thánh lẫn trong những người mà Hội Thánh phải đi đến, và bằng một cách nào đó, bởi những người mà Hội Thánh cũng phải được đi đến, vì Thiên Chúa làm việc trong tâm hồn mọi người. Chúa Thánh Thần tiếp tục sinh động hóa Hội Thánh, vốn sống bởi Lời Chúa, và làm cho Hội Thánh không ngừng lớn lên trong sự hiểu biết Tin Mừng, sai Hội Thánh đi và nâng đỡ Hội Thánh trong công việc Phúc Âm hóa thế gian. Chính Thần Khí, từ trong nhân loại, gieo hạt giống Lời Chúa; nâng đỡ những ước ao và việc lành; chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng và ban đức tin, ngõ hầu, qua việc làm chứng của Hội Thánh, con người có thể nhận ra sự hiện diện yêu thương và sự truyền thông của Thiên Chúa. Hội Thánh đón chào hành động bí ẩn này của Chúa Thánh Thần với lòng vâng phục và biết ơn; Hội Thánh hành động như công cụ sống động và ngoan ngoãn của Ngài cho việc dẫn đường đến toàn thể chân lý (x. Ga 16:13), và chính Hội Thánh được phong phú hóa bởi cuộc gặp gỡ với những người mà mình truyền thông Tin Mừng cho.

 

  1. Các Tông Đồ, trung thành với mệnh lệnh của Thiên Chúa, qua chứng từ và việc làm, giảng dạy, qua các cơ chế và các tác phẩm được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã truyền lại những gì các ngài đã nhận được, cùng để “giữ gìn Tin Mừng toàn vẹn và sống động mãi trong Hội Thánh, các ngài đã để lại các Giám Mục như những người kế vị và ‘trao cho họ quyền giáo huấn của các ngài’” (DV 7). Truyền Thống các Tông Đồ này “phát triển trong Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì có sự tăng trưởng trong sự hiểu biết những thực thể và các lời đã được truyền lại. Điều này xảy ra nhờ sự chiêm niệm và học hỏi của các tín hữu, là những người giữ các điều ấy trong lòng (x. Lc 2:19, 51) nhờ thấu hiểu những thực tại tâm linh mà họ cảm nghiệm và nhờ lời giảng dạy” (DV 8).

 

  1. Việc truyền thụ Tin Mừng theo mệnh lệnh của Chúa được thực hiện bằng hai cách: “qua việc truyền lại cách sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh Truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng về ơn cứu độ được ghi lại trên văn tự”.[15] Cho nên Thánh Truyền và Thánh Kinh hợp nhất và liên kết chặt chẽ với nhau, và cả hai đến từ cùng một nguồn là Mặc Khải của Đức Chúa Giêsu Kitô. Hai cách này hợp lại thành một dòng, là đời sống đức tin của Hội Thánh, và chúng cùng nhau làm việc cho cùng một mục đích, là làm cho toàn thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giêsu Kitô được linh hoạt và năng động trong Hội Thánh.

 

  1. Thánh Truyền chủ yếu không phải là một sưu tập các giáo thuyết, nhưng một đời sống đức tin được canh tân mỗi ngày. Nó được tiến triển, “được củng cố với tháng năm, phát triển với thời gian, đươc đào sâu với các thời đại”.[16] Vì thế Huấn Quyền thực thi tác vụ bảo vệ sự toàn vẹn của Mặc Khải, là Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Truyền và trong Thánh Kinh, và sự thông truyền liên tục của Mặc Khải này. Chính Huấn Quyền giải thích Mặc Khải một cách kiên định và lệ thuộc vào nó (x. DV 10).

 

  1. Chung cuộc, “Do tác động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, Hội Thánh truyền lại cho mọi thế hệ tất cả những gì đã được Đức Kitô mặc khải. Hội Thánh sống trong sự chắc chắn rằng Chúa của mình, Đấng đã nói trong quá khứ, tiếp tục truyền thông Lời của Người ngày nay trong Truyền Thống sống động và Thánh Kinh của Hội Thánh. Quả thực, Lời Chúa được ban cho chúng ta trong Thánh Kinh như một chứng từ được linh hứng cho Mặc Khải; cùng với Truyền Thống sống động của Hội Thánh, nó tạo thành quy luật tối thượng của đức tin”[17] và nguồn mạch chính của việc Phúc Âm hóa. Lời Chúa là nguồn mạch mà quanh đó tất cả các nguồn khác quy hướng về.

 

Mặc Khải và Phúc Âm Hóa

 

  1. Hội Thánh, bí tích phổ quát của ơn cứu độ, vâng phục sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, lắng nghe Mặc Khải, lưu truyền nó và nâng đỡ sự đáp trả của đức tin; “trong giáo huấn, đời sống và việc phụng tự của mình, [Hội Thánh] làm cho tất cả những gì mình là, tất cả những gì mình tin được trường tồn và được truyền lại cho mọi thế hệ” (DV 8). Vì lý do này mà mệnh lệnh Phúc Âm hóa muôn dân tạo thành sứ vụ thiết yếu của Hội Thánh. “Thực ra, Phúc Âm hóa là ân sủng và ơn gọi thích hợp cho Hội Thánh, căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu để Phúc Âm hóa”.[18] Tuy nhiên, trong sứ vụ này của mình, “Hội Thánh bắt đầu bằng cách Phúc Âm hóa chính mình. Hội Thánh là cộng đồng các tín hữu, một cộng đồng sống hy vọng và truyền đạt hy vọng, một cộng đồng yêu thương huynh đệ; và Hội Thánh cần không ngừng lắng nghe những gì mình phải tin, những lý do để hy vọng, giới luật mới yêu thương… Hội Thánh luôn luôn cần được Phúc Âm hóa, nếu muốn giữ được sự tươi trẻ, cường tráng và sức mạnh để loan báo Tin Mừng”.[19]

 

  1. Trước hết, Phúc Âm hóa không phải là trình bày một giáo thuyết, nhưng là giới thiệu và rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô. Sứ vụ Phúc Âm hóa của Hội Thánh diễn tả cách hay nhất nhiệm cuộc Mặc Khải; thực ra, Con Thiên Chúa làm người, bước vào lịch sử, và trở nên con ngưởi giữa nhân loại. Việc Phúc Âm hóa làm cho sự hiện diện kéo dài này của Đức Kitô nên cụ thể, đến nỗi những ai đến gần Hội Thánh có thể gặp trong Người cách “cứu mạng sống mình” (x. Mt 16:25) và mở lòng ra cho một chân trời mới.

 

  1. Mục đích tối hậu của Phúc Âm hóa là sự viên mãn của cuộc sống con người. Khi trình bày giáo huấn này, Kitô giáo Tây Phương đã sử dụng phạm trù về ơn cứu độ hay cứu rỗi (salvation), trong khi Kitô giáo Đông Phương thích nói về thần hóa (divinization). Tại sao Thiên Chúa làm người? Tây Phương nói, “Để cứu chúng ta”.[20] Còn Đông Phương thì xác nhận rằng “Để con người có thể thành Thiên Chúa”.[21] Trên thực tế, hai cách diển tả này bổ túc cho nhau: Thiên Chúa trở thành con người để nhân loại thực sự trở thành con người như Thiên Chúa đã có ý dựng nên họ: nhân loại mà thần tượng là Chúa Con; con người, được cứu khỏi sự dữ và sự chết, để được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Các tín hữu có thể đã cảm nghiệm được ơn cứu rỗi này ở đây và bây giờ, nhưng sẽ tìm thấy sự trọn vẹn của nó khi sống lại.

 

Tiến Trình Phúc Âm Hóa

 

  1. Phúc Âm hóa là một tiến trình của Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần linh hứng và nâng đỡ, qua đó Tin Mừng được rao giảng và lan tràn khắp thế giới. Trong tiến trình Phúc Âm hóa,[22] Hội Thánh:

 

  • được đức ái thúc đẩy, thấm nhuần và biến đổi toàn thể trật tự trần thế, qua việc sát nhập các nền văn hóa và đưa sự đóng góp của Tin Mừng vào để chúng có thể được đổi mới từ bên trong;
  • đến gần toàn thể nhân loại với thái độ đoàn kết, hiệp thông và đối thoại, như thế làm chứng cho sự mới mẻ của đời sống của các Kitô hữu, để những ai gặp họ có thể được cảm hứng mà thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời và những lý do của tình bằng hữu và hy vọng của họ;
  • công bố Tin Mừng cách rõ ràng qua lời rao giảng đầu tiên, đưa ra lời mời gọi hoán cải;
  • khai tâm vào đức tin và đời sống Kitô hữu, qua tiến trình dự tòng (dạy giáo lý, các bí tích, làm chứng cho đức ái, cảm nghiệm tình huynh đệ), sát nhập những người đổi đạo theo Đức Chúa Giêsu Kitô hay phục hồi những người trở lại để theo Người vào cộng đồng Kitô hữu;
  • qua việc tiếp tục giáo dục đức tin, việc cử hành các bí tích và việc thực thi đức ái nuôi dưỡng hồng ân hiệp thông giữa các tín hữu và nâng đỡ việc truyền giáo, là sai tất cả các môn đệ của Đức Kitô ra rao giảng Tin Mừng trong thế gian, bằng việc làm và lời nói.

 

  1. Việc Phúc Âm hóa bao gồm nhiều giai đoạn và thời điểm khác nhau, có thể được lập lại nếu cần, nhằm mục đích cung cấp lương thực Phúc Âm cho sự tăng trưởng về tâm linh của mỗi người hay mỗi cộng đoàn. Cần phải nhớ rằng những điều này không chỉ là những giai đoạn phải được làm theo thừ tự, mà còn là những khía cạnh của tiến trình.

 

  1. Hoạt động truyền giáo là gia đoạn thứ nhất của việc Phúc Âm hóa

 

  1. Làm nhân chứng[23] liên quan đến sự cởi mở của tâm hồn, khả năng đối thoại và quan hệ hỗ tương, việc sẵn sàng nhận ra những dấu chỉ của sự tốt lành và sự hiện diện của Thiên Chúa trong những người mình gặp. Thực ra, Thiên Chúa đi về phía chúng ta từ trong chính tâm hồn của những người mà Tin Mừng được truyền thông: Ngài luôn luôn là Đấng đến đầu tiên. Việc nhận ra quyền tối thượng của ân sủng là điều cơ bản trong việc Phúc Âm hóa, ngay từ giây phút đầu tiên. Cho nên, người môn đệ của Chúa Giêsu chia sẻ đời sống mình với mọi người, làm nhân chứngcho niềm vui của Tin Mừng, thậm chí không bằng lời nói, là điều gợi ra các thắc mắc. Việc làm nhân chứng, cũng được diễn tả như đối thoại một cách kính trọng, sẽ trở nên lời rao giảng vào đúng lúc.

 

  1. Việc kích thích một sự quay lại ban đầu về phía đức tin và hoán cải nhằm mục đích gợi ra một quan tâm đến Tin Mừng nhờ lời rao giảng đầu tiên. Đây là phương tiện mà Chúa Thánh Thần có thể dùng để đánh động tâm hồn con người: những người tìm Thiên Chúa, những người vô tín ngưỡng, những người thờ ơ, thành viên của các tôn giáo khác, những người có một kiến thức nông cạn hoặc méo mó về đức tin Kitô giáo, các Kitô hữu yếu đức tin hoặc đang rời bỏ Hội Thánh. Sự quan tâm gia tăng, trong khi vẫn chưa là một quyết định chắc chắn, tạo nên những tâm trạng sẵn sàng đón nhận đức tin. Chuyển động đầu tiên này của tinh thần con người về phía đức tin, vốn đã là hoa quả của ân sủng, được nhận diện bằng những cụm từ khác nhau: ‘thiên hướng về đức tin’, ‘chuẩn bị cho Tin Mừng’, ‘nghiêng chiều về đức tin’, ‘tìm kiếm tôn giáo’. Hội Thánh gọi những người tỏ ra quan tâm như thế là ‘những người có thiện cảm’”.[24]

 

  1. Thời gian tìm hiểu và trưởng thành[25] là điều cần thiết để biến quan tâm đến Tin Mừng lúc ban đầu thành một chọn lựa có cân nhắc. Cộng đồng Kitô hữu, bằng cách cộng tác với công việc của Chúa Thánh Thần đón tiếp sự quan tâm của những người đang tìm Chúa và trong thời gian cần thiết thực thi một hình thức Phúc Âm hóa và phân định đầu tiên qua việc đồng hành và trình bày kerygma bởi những người đã được chỉ định. Giai đoạn này cũng được gọi là giai đoạn tiền dự tòng[26] trong chương trình dự tòng, là giai đoạn quan trọng cho việc đón nhận lời rao giảng cùng cho sự đáp trả ban đầu và việc hoán cải. Thực ra, nó đã mang theo mình ước muốn xa lánh tội lỗi và đi theo bước chân Đức Kitô.

 

  1. Việc dạy giáo lý khai tâm để phục vụ việc tuyên xưng đức tin. Những người đã gặp Đức Chúa Giêsu Kitô cảm thấy ao ước muốn biết Người mỗi ngày một mật thiết hơn, qua việc bày tỏ một thiên hướng về Tin Mừng lần đầu. Trong cộng đồng Kitô hữu, việc dạy giáo lý cùng với các cuộc cử hành phụng vụ, các việc bác ái, và cảm nghiệm về tình huynh đệ, “khai tâm họ về sự hiểu biết đức tin và thực tập sống đời Kitô hữu, như thế đề xướng một cuộc hành trình tâm linh là điều đem lại ‘một sự thay đổi tiệm tiến về quan điểm và luân lý’ (AG 13). Điều này đạt được trong các hy sinh và trong những thách đố, cũng như trong niềm vui mà Thiên Chúa ban cho một cách dồi dào”.[27] Sau đó, người môn đệ của Đức Chúa Giêsu Kitô sẵn sàng cho việc tuyên xưng đức tin, qua việc cử hành các bí tích khai tâm, họ được tháp nhập vào Đức Kitô. Giai đoạn này tương ứng với giai đoạn dự tòng và với thời gian thanh tẩy và soi sáng trong chương trình dự tòng.[28]

 

  1. Hoạt động mục vụ nuôi dưỡng đức tin của những người đã được rửa tội và giúp họ trong tiến trình hoán cải không ngừng của đời sống Kitô hữu. Trong Hội Thánh, “ngưởi đã được rửa tội, luôn luôn được Chúa Thánh Thần đánh động, được các bí tich, việc cầu nguyện và việc thực hành đức ái nuôi dưỡng, và được hỗ trợ bởi nhiều hình thức giáo dục liên tục về đức tin, tìm cách thực hiện ước muốn của Đức Kitô: ‘Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng Hoàn Thiện’”.[29] Trong điều này bao gồm lời mời gọi nên thánh để vào đời sống vĩnh cửu. Khởi đầu của giai đoạn này tương ứng với giai đoạn hiệp nhiệm trong chương trình dự tòng.[30]

 

  1. Trong suốt tiến trình Phúc Âm hóa này thừa tác vụ Lời Chúa được thực hiện, ngõ hầu sứ điệp Tin Mừng có thể đến với mọi người. Thừa tác vụ hay việc phục vụ Lời Chúa này (x. Cv 6:4) truyền thông Mặc Khải: Thực ra, Thiên Chúa, Đấng “nói qua con người bằng cách thức của loài người” (DV 12), dùng lời của Hội Thánh. Qua Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đến với toàn thể nhân loại: Ngài là Đấng mà nhờ Ngài “tiếng nói sống động của Tin Mừng vang dội trong Hội Thánh, và nhờ Hội Thánh, làm vang dội trong thế giới” (DV 8).

 

  1. Bởi vì “không có việc Phúc Âm hóa thật nếu thánh danh, giáo huấn, đời sống, các lời hứa, vương quyền và mầu nhiệm của Chúa Giêsu thành Nagiarét, Con Thiên Chúa không được rao giảng”,[31] từ thời các Tông Đồ, Hội Thánh, trong ước muốn trải rộng Lời Chúa giữa những người chưa tin và cung cấp cho các tín hữu một sự hiểu biết sâu xa về Lời Chúa, đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau, ngõ hầu thừa tác vụ này được thực thi trong nhiều lãnh vực và cách diễn tả khác nhau của đời sống. Đáng ghi nhận trong số các hình thức là:

 

  • lời rao giảng đầu tiên;
  • các loại dạy giáo lý khác nhau;
  • các bài giảng và giảng thuyết;
  • việc đọc trong cầu nguyện, kể cả trong hình thức lectio divina;
  • việc đạo đức phổ thông;
  • hoạt động tông đồ về Thánh Kinh;
  • giảng dạy thần học;
  • giáo dục về tôn giáo;
  • các nghiên cứu và hội họp điều nghiên sự liên hệ giữa Lời Chúa và nền văn hóa đương thời và sự trao đổi giữa các nền văn hóa.

 

4.      PHÚC ÂM HÓA TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

 

Một giai đoạn mới của việc Phúc Âm Hóa

 

  1. Hội Thánh thấy mình đang đối diện với một “giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa”[32] vì ngay cả trong sự thay đổi này của thời đại, Chúa Phục Sinh tiếp tục làm cho mọi sự ra mới (x. Kh 21:5). Thời đại của chúng ta thật phức tạp, bị tràn ngập bởi những thay đổi sâu xa, và trong các Hội Thánh cổ truyền thường bị đánh dấu bởi hiện tượng tách ra khỏi kinh nghiệm Hội Thánh và đức tin sống động. Chính cuộc hành trình của Hội Thánh cũng bị đánh dấu bởi những khó khăn và sự cần thiết phải canh tân về tâm linh, luân lý và mục vụ. Nhưng Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục khơi lên sự khao khát Thiên Chúa giữa dân chúng, và một lòng nhiệt thành mới, các phương pháp mới, và các cách diễn tả mới cho việc rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh.

 

  1. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh Phúc Âm hóa. Vì lý do này mà lời kêu gọi có một cuộc Tân Phúc Âm hóa[33] không liên quan nhiều đến chiều kích thời gian mà đến việc làm cho tất cả mọi giây phút của tiến trình Phúc Âm hóa mở ra hơn bao giờ hết với hành động canh tân của Thần Khí của Đấng Phục Sinh. Các thách đố mà thời mới đặt ra cho Hội Thánh trước hết có thể được bàn đến với một động lực canh tân, và cũng tương tự động lực này có thể có được bằng việc giữ vững lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần: “không có tự do nào lớn hơn việc để cho chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bằng cách từ bỏ việc tính toán và kiểm soát tất cả mọi sự, và để Ngài soi sáng chúng ta, hướng dẫn chúng ta, định hướng chúng ta, đưa chúng ta đến nơi mà Ngài muốn. Ngài biết rõ những gì chúng ta cần ở mọi thời đại và ở mọi lúc”[34].

 

  1. Một cách đặc biệt, linh đạo Tân Phúc Âm hóa được hiện thực ngày nay trong một chuyển hướng về mục vụ mà qua đó Hội Thánh được thôi thúc sinh hoa quả trong việc đi ra, theo một động lực lan tràn khắp Mặc Khải, và đặt Hội Thánh vào tình trạng truyền giáo thường trực.[35] Thúc đẩy truyền giáo này cũng dẫn đến việc cải tổ các cơ cấu Hội Thánh thật sự và năng động, đến nỗi tất cả các cơ cấu này có thể trở nên có tính truyền giáo hơn, có nghĩa là có khả năng sinh động hóa với tinh thần mạnh bạo và óc sáng kiến cả phong cảnh văn hóa lẫn tôn giáo và chân trời cá nhân của mọi con người. Mỗi người đã được rửa tội bao lâu còn là một “môn đệ truyền giáo”[36] đều là một tham dự viên tích cực vào sứ vụ này của Hội Thánh.

 

  1. Giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa này liên quan đến toàn thể đời sống Hội Thánh và được thành hình cách thiết yếu trong ba lãnh vực.

 

  1. Trước hết là lãnh vực chăm sóc mục vụ thông thường được thực hiện trong “các cộng đồng Kitô hữu với những cơ cấu Hội Thánh đầy đủ và vững chắc. Họ nhiệt thành trong đức tin và trong cách sống đời Kitô hữu. Họ làm chứng cho Tin Mừng chung quanh họ và có một ý thức về việc dấn thân cho sứ vụ phổ quát”[37]. “Trong lãnh vực này cũng nên bao gồm các tín hữu duy trì một đức tin Công giáo mãnh liệt và chân thành, được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau, mặc dù họ không thường xuyên tham gia việc thờ phượng. Việc mục vụ này nhằm phát triển đời sống tâm linh của các tín hữu, để họ luôn luôn đáp lại Tình Yêu Thiên Chúa một cách tốt hơn và bằng cả cuộc sống của họ”[38].
  2. Thứ đến, “lãnh vực… của ‘những người đã được rửa tội mà đời sống của họ không phản ánh những đòi hỏi của Bí Tích Rửa Tội’, họ thiếu một mối liên hệ có ý nghĩa với Hội Thánh và không còn cảm nghiệm được sự an ủi phát sinh từ Đức Tin”[39] Trong nhóm này có nhiều người đã học xong chương trình khai tâm (nhập đạo) Kitô giáo và đã đi qua những con đường học giáo lý hoặc giáo dục về tôn giáo ở trường học, với họ “ngoài những phương pháp mục vụ vững chắc theo truyền thống hoặc đã có từ lâu đời, Hội Thánh tìm cách làm theo những phương pháp mới, qua việc khai triển ngôn ngữ mới hòa hợp vời những nền văn hóa khác nhau của thế giới, đề nghị chân lý của Đức Kitô với một thái độ đối thoại và bằng hữu”[40].
  3. Thứ ba là lãnh vực “những người không biết Đức Chúa Giêsu Kitô hoặc luôn luôn từ chối Người. Nhiều người trong họ tìm kiếm Thiên Chúa một cách âm thầm được hướng dẫn bởi ao ước nhìn thấy dung nhan Ngài, ngay cả ở những quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa. Mọi người đều có quyền được nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai. Thay vì có vẻ áp đặt những nhiệm vụ mới, họ phải có vẻ như những người chia sẻ một niềm vui của mình, vạch ra một chân trời tốt đẹp, mời những người khác đến một bữa tiệc thịnh soạn. Hội Thánh không phát triển bởi việc cải đạo (proselytizing) nhưng “bởi sự hấp dẫn”.[41] Sự thúc đẩy truyền giáo bộc phát này phải được nâng đỡ bởi tác vụ mục vụ thật sự của lời rao giảng đầu tiên, có khả năng khởi sự những sáng kiến để trình bày tin vui của đức tin một cách rõ ràng, chứng tỏ quyền năng của lòng thương xót, là chính trọng tâm của Tin Mừng, và cổ võ việc sát nhập những người trở lại vào cộng đồng Hội Thánh.

 

Việc Phúc Âm hóa các nền văn hóa và

hội nhập văn hóa của Đức Tin

 

  1. Để phục vụ Mặc Khải, Hội Thánh được mời gọi nhìn vào lịch sử bằng chính cặp mắt của Thiên Chúa để nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu thì thổi (x. Ga 3:8), “trong kinh nghiệm chung của nhân loại, với tất cả những mâu thuẫn của nó… thường hay lộ ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, là điều giúp những người theo Đức Kitô hiểu sâu xa hơn sứ điệp mà những dấu chỉ này mang theo”.[42] Điều này giúp cho Hội Thánh có thể nhận ra những dấu chỉ của thời đại (x. GS 4) trong tâm hồn của mỗi người và mỗi nền văn hóa, và trong tất cả những gì thực sự nhân bản cùng cổ võ nó. “Ngay cả khi Hội Thánh tiến hành một việc phân định tích cực và cẩn trọng nhằm hiểu ‘những dấu chỉ thật của sự hiện diện hay mục đích của Thiên Chúa’ (GS 11), Hội Thánh công nhận rằng mình không những chỉ cho đi, mà còn nhận lại từ lịch sử và từ sự phát triển của nhân loại’ (GS 44)”.[43]

 

  1. Phúc Âm hóa không có nghĩa là chiếm một vùng đất nhưng là gợi ra một tiến trình tâm linh trong cuộc sống của con người ngõ hầu đức tin có thể trở nên bén rễ và có ý nghĩa. Việc Phúc Âm hóa nền văn hóa đòi hỏi phải đi vào tận trung tâm của chính nền văn hóa, ở đó các chủ đề và mô thức mới được phát sinh, vươn đến tận cốt lõi sâu xa nhất của các cá nhân và các xã hội để soi sáng chúng từ bên trong với ánh sáng của Tin Mừng. “Chúng ta bắt buộc phải Phúc Âm hóa các nền văn hóa để hội nhập văn hóa Tin Mừng. Ở những nước theo truyền thống Công Giáo, điều này có nghĩa là khuyến khích, cổ võ và củng cố một sự phong phú vốn có sẵn, và ở những nước có những truyền thống tôn giáo khác hoặc đã bị tục hóa một cách quá sâu xa, sẽ có nghĩa là thắp lên những tiến trình mới để Phúc Âm hóa nền văn hóa, mặc dù tiến trình này liên quan đến những dự án rất trường kỳ”[44].

 

  1. Mối liên hệ giữa Tin Mừng và nền văn hóa luôn luôn đưa ra những thách đố cho đời sống Hội Thánh. Nhiệm vụ của Hội Thánh là trung thành bảo tồn kho tàng đức tin, nhưng đồng thời cũng “cần thiết là giáo thuyết chắc chắn và không thể thay đổi này, mà chúng ta phải vâng phục bằng đức tin, được khám phá và trình bày theo nhu cầu của thời đại”.[45] Trong tình trạng hiện nay, được đánh dấu bằng một khoảng cách xa vời giữa đức tin và nền văn hóa, thật là cấp bách để nghĩ lại về công việc Phúc Âm hóa với những phạm trù và những ngôn ngữ mới hầu có thể nhấn mạnh đến bình diện truyền giáo của nó.

 

  1. Mỗi nền văn hóa có nét đặc thù riêng, nhưng ngày nay nhiều cách diễn tả về văn hóa đang lan tràn qua hiện tượng toàn cầu hóa. Điều này được củng cố bởi các phương tiện truyền thông đại chúng và bởi sự di chuyển của dân chúng. “Sự thay đổi về xã hội mà chúng ta đã chứng kiến trong những thập niên gần đây có một lịch sử dài và phức tạp, và chúng đã thay đổi một cách sâu xa cách chúng ta nhìn đến thế giới. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến nhiều tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, những khả tính mở rộng về khoa học và sự tự do cá nhân, sự thay đổi sâu xa trong lảnh vực kinh tế, và sự pha trộn giữa các chủng tộc và các nền văn hóa gây ra bởi việc di dân ở mức độ toàn cầu cùng việc lệ thuộc lẫn nhau càng ngày càng gia tăng của các dân tộc”[46].

 

  1. Bất chấp những cơ hội khác nhau được hình thành trong bức họa của tân thế giới này, một người không làm gì được mà chỉ biết ghi nhận những sự mập mờ và thường những khó khăn đi kèm theo các biến đổi đang xảy ra. Cùng với một sự bất bình đẳng đáng lo ngại về xã hội thường tạo ra những căng thẳng toàn cầu đáng sợ, những thay đổi sâu xa đang xảy ra trong phạm vi ý nghĩa của chính kinh nghiệm nhân sinh. “Trong nền văn hóa thịnh hành, ưu tiên được dành cho những gì là bề ngoài, tức thì, hữu hình, nhanh chóng, hời hợt và tạm bợ”.[47] Ngày nay vai trò chính yếu được trao phó cho khoa họckỹ thuật, như thể tự chúng có thể cung cấp câu trả lời cho những thắc mắc thầm kín nhất. Môt số chương trình giáo dục được tổ chức dựa theo những tiền giả định như thế, phương hại đến một việc đào luyện toàn diện con người là điều có thể nhìn nhận những khát vọng chân chính nhất của tinh thần con người. Một cuộc cách mạng thật sự về nhân loại học đang xảy ra, là điều cũng gây hậu quả cho kinh nghiệm tôn giáo và đưa ra những thách đố sống còn cho cộng đồng Kitô hữu.

 

  1. Trong việc hình thành bối cảnh văn hóa này, một vai trò không thể chối cãi được của các phương tiện truyền thông đại chúng, là điều đã tái định nghĩa các giới hạn vượt ra ngoài các mục tiêu liên quan nhiều nhất đến nhu cầu truyền thông. “Những kỹ thuật mới không những thay đổi thế giới truyền thông mà còn đem lại một sự thay đổi văn hóa rộng lớn. Một cách học hành và suy nghĩ mới đang được khai triển, với những cơ hội vô tiền khoáng hậu để thiết lập những mối liên hệ và xây dựng tình bằng hữu”[48]. Như vậy, sự biến đổi chạm đến phạm vi căn tính và tự do cá nhân, nhưng cũng chạm đến những khả năng nhận thức và những cách học hỏi; nó không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến những mô thức liên hệ và cuối cùng, thay đổi chính việc tiếp cận kinh nghiệm đức tin. Như thế, đối với Hội Thánh, “cuộc cách mạng xảy ra trong các phương tiện truyền thông và trong những kỹ thuật thông tin tiêu biểu cho một thách đố lớn lao và kỳ thú; chớ gì chúng ta đáp lại thách đố ấy bằng nghị lực và óc tưởng tượng mới mẻ khi chúng ta tìm cách chia sẻ với tha nhân vẻ đẹp của Thiên Chúa”[49].

 

Dạy Giáo Lý trong việc phục vụ Tân Phúc Âm hóa

 

  1. Trong phạm vi canh tân việc rao giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh thay đổi của nền văn hóa hiện đại, Hội Thánh chú tâm đến việc liên kết mỗi hoạt động của mình cách nội tại với việc Phúc Âm hóa và truyền giáo. Bởi “việc đi ra truyền giáo là mô hình cho tất cả mọi hoạt động của Hội Thánh”[50], vì thế việc dạy giáo lý cũng phải phục vụ việc Tân Phúc Âm hóa và phải khai triển từ đó một số quan tâm cơ bản hầu mọi người có thể có lối vào rộng mở và cá nhân để gặp gỡ Đức Kitô. Trong những môi trường Hội Thánh khác nhau, mặc dù với những ngôn ngữ khác nhau, một số giọng nói của việc dạy giáo lý trở nên hiển nhiên, là chứng từ của một thái độ chia sẻ trong đó hành động của Chúa có thể được người ta nhận ra.

 

Việc dạy giáo lý trong “một truyền giáo đi ra”

 

  1. Sứ mạng mà Chúa Phục Sinh đã trao phó cho Hội Thánh là một sứ mạng duy nhất, nhưng có nhiều cách thi hành, tùy theo những người và những vùng mà nó được trình bày. Missio ad gentes là mô thức của hoạt động mục vụ của Hội Thánh; mô thức này nhắm đến “các dân, các nhóm và các bối cảnh văn hóa xã hội mà trong đó người ta chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người, hoặc thiếu những cộng đồng Kitô hữu trưởng thành đủ để có thể nhập thể đức tin trong môi trường của mình và rao giảng nó cho những nhóm khác”.[51] Trong mô thức này, Hội Thánh ngày nay được mời gọi tự đặt mình vào tình trạng truyền giáo thường trực khắp nơi trên thế giới, và biến đổi mỗi hành động của mình theo nhãn quan truyền giáo.

 

  1. Trong ý thức được canh tân này về ơn gọi của mình, Hội Thánh cũng tái hình dung việc dạy giáo lý như một trong những việc truyền giáo đi ra của mình. Điều này có nghĩa là sẵn sàng tìm kiếm những tia sáng le lói của chân lý rằng Thiên Chúa đã hiện diện trong những hoạt động khác nhau của con người, tin tưởng rằng Thiên Chúa hoạt động cách mầu nhiệm trong tâm hồn con người trước khi nó được Tin Mừng đi đến một cách rõ ràng. Theo nghĩa này, Hội Thánh sẽ tìm cách xích lại gần những người của thời đại chúng ta, đi bên cạnh họ dù họ ở bất cứ nơi nào. Hơn nữa, việc dạy giáo lý đào luyện các tín hữu cho việc truyền giáo, đồng hành với họ trong sự trưởng thành về những thái độ đức tin, và làm cho họ ý thức rằng mình là những môn đệ truyền giáo, được mời gọi tích cực tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện trên thế gian: “Sự gần gũi với Chúa Giêsu của Hội Thánh là một phần của cuộc hành trình chung; ‘sự hiệp thông và truyền giáo liên kết một cách sâu xa với nhau’”.[52]

 

Việc Dạy Giáo Lý dưới Dấu Chỉ của Lòng Thương Xót

 

  1. Bản chất của mầu nhiệm đức tin Kitô giáo là lòng thương xót, là điều trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu thành Nagiarét. Lòng thương xót, vốn ở trung tâm của Mặc Khải của Đức Chúa Giêsu Kitô, tỏ bày chính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nó là lý tưởng của đời sống theo Tin Mừng, tiêu chuẩn chính của tính đáng tin cậy của đức tin và cốt truyện sâu sắc nhất của câu chuyện Hội Thánh. Hội Thánh được mời gọi rao giảng chân lý chính của mình, đó là tình yêu của Đức Kitô.[53] Điều trở nên rõ ràng hơn là không có việc rao giảng về đức tin nếu điều ấy không phải là dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính việc thực thi lòng thương xót tự nó đã là một bài giáo lý thực sự; nó là bài giáo lý trong hành động, như một chứng từ hùng hồn cho các tín hữu cũng như những người không tin và tỏ lộ mối liên hệ giữa chính thuyết và chính hành: “Việc Tân Phúc Âm hóa… không thể được nếu không sử dụng một ngôn ngữ của lòng thương xót là điều được diễn tả trong những cử chỉ và thái độ thậm chí trước cả lời nói”.[54]

 

  1. Hơn nữa, việc dạy giáo lý có thể được coi là một cách thực hiện việc thương linh hồn: ‘dạy dỗ kẻ ngu muội”. Thực ra, hành động dạy giáo lý hệ tại việc đề nghị người ta khả năng thoát khỏi hình thức mê muội lớn nhất, là điều ngăn cản không cho người ta biết chính căn tính và ơn gọi của mình. Quả thật, trong De cathechizandis rudibus, tác phẩm đầu tiên của Kitô giáo về sư phạm giáo lý, Thánh Augustinô xác quyết rằng việc dạy giáo lý trở thành “cơ hội cho việc làm thương xót” trong đó “với Lời Chúa việc dạy giáo lý thỏa mãn trí óc của những người đói khát Lời này”.[55] Đối với vị Giám Mục thánh, toàn thể hoạt động huấn giáo được nâng đỡ bởi lòng thương xót mà Thiên Chúa trong Đức Kitô dành cho cảnh khốn cùng của nhân loại. Hơn nữa, nếu lòng thương xót là cốt lõi của Mặc Khải, thì nó cũng sẽ là điều kiện của việc rao giảng và phong cách sư phạm của Mặc Khải. Cuối cùng, dạy giáo lý là dạy các tín hữu trở nên “có lòng thương xót như Chúa Cha” (Lc 6:36), bằng cả việc bồi dưỡng kiến thức và thực hành các việc làm thương linh hồn và thương xác cùng khuyến khích việc tìm kiếm những việc làm mới đáp ứng các nhu cầu hiện tại.

 

Việc Dạy Giáo Lý như một “Phòng Thí Nghiệm” của việc Đối Thoại

 

  1. Tại trường của đối thoại về ơn cứu độ tuyệt vời, đó là Mặc Khải, Hội Thánh hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng mình được mời gọi để đối thoại với dân chúng của thời đại mình. “Hội Thánh phải bước vào cuộc đối thoại với thế giới trong đó mình sống. Hội Thánh có một điều gì đó để nói, một sứ điệp để trao tặng, một việc truyền thông để làm”.[56] Ơn gọi này, có nguồn gốc từ mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng đi vào cuộc đối thoại thân mật với nhân loại trong Chúa Giêsu, được hình thành từ chính cuộc đối thoại ấy, khi mặc lấy những đặc tính của nó. Đối thoại là một sáng kiến tự do và miễn phí, được gợi ý từ tình yêu, không dựa vào công trạng của các tham dự viên, không ràng buộc, dành cho tất cả mọi người mà không phân biệt và tăng trưởng cách tiệm tiến.[57] Hiện nay, cuộc đối thoại này – với xã hội, với các nền văn hóa và khoa học, với mọi tín hữu khác – là điều đặc biệt cần thiết như một đóng góp quý giá cho hoà bình.[58]

 

  1. Trong thời đại Tân Phúc Âm hóa, Hội Thánh muốn rằng việc dạy giáo lý cũng nhấn mạnh đến kiểu đối thoại này, để làm cho người ta dễ dàng thấy rõ dung mạo Chúa Con, Đấng ngừng lại để đối thoại với mỗi con người hầu dịu dàng hướng dẫn họ tìm thấy nước trường sinh như Người đã làm với người phụ nữa Samaria bên bờ giếng (x. Ga 4:5-42). Theo nghĩa này, việc dạy giáo lý của Hội Thánh là một “phòng thí nghiệm” thật của đối thoại, bởi vì ở tận đáy lòng của mỗi người, nó gặp được sự sống động và sự phức tạp, các ước ao và các thắc mắc, các giới hạn và đồng thời cũng gặp những sai lầm của xã hội và các nền văn hóa của thế giới hiện đại. Với việc dạy giáo lý cũng vậy, “nó có nghĩa là khai triển một cuộc đối thoại mục vụ mà không có thuyết tương đối, không nhượng bộ về căn tính Kitô giáo, nhưng tìm cách vươn đến quả tim của tha nhân, của những người khác chúng ta, và gieo Tin Mừng vào đó”.[59]

 

 

[1]     GLCG 30.

[2]     Bênêđictô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Verbum Domini (30 tháng 9 năm 2010), 92.

[3]     Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về Tin Mừng Matthêu 1.2 (PG 57:15).

[4]     GDC 163.

[5]     EN 17

[6]     Augustinô thành Hippo, Tự Thú 1.1.1 (CCL 27.1; PL 32.661).

[7]     GDC 55

[8]     Phanxicô, Thông điệp Lumen Fidei, (20 tháng 6 năm 2013), 17; x. Thoma Aquinô, Tổng Lược Thần Học II-II, q.2 a.2.

[9]     GLCG 177.

[10]   Gioan Phaolô II, Thông Điệp Fides et Ratio (14 tháng 9 năm 1998), 43.

[11]   Ibid, 13.

[12]   GDC 55.

[13]   Phanxicô, Thông điệp Lumen Fidei, (20 tháng 6 năm 2013), 19.

[14]   x. GLCG 166-167

[15]   Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 13.

[16]   Vincentê đệ Lêrin, Commonitorium primum 23.9 (CCL 64.178; PL 50.668)

[17]   Bênêđictô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Verbum Domini (30 tháng 9 năm 2010), 18.

[18]   EN 14.

[19]   EN 15.

[20]   x. chẳng hạn như Alsêmô thành Canterbury Cur Deus homo, 2.18 (PL 158:425) “Thiên Chúa trở nên người phàm, để Người có thể cứu nhân loại”.

[21]   x. chẳng hạn như Gregoriô thành Nyssa Oratio catechetica, 37: Greogorii Nysseni Opera 3/4, 97-98 (PG 45:97): “Khi tỏ mỉnh ra, Thiên Chúa đã tự mình kềt hợp với bản tính hay chết ngõ hầu qua việc tham gia vào thiên tính nhân loại có thể được thần hóa cùng với Người”.

[22]   x. GDC 48

[23]   x. EN 21

[24]   GDC 56a, cũng x. RCIA 12 và 111.

[25]   x. GDC 56b.

[26]   x. RCIA 7.9-13.

[27]   GDC 56c.  RCIA 7.14-36

[28]   x. RCIA 7.14-36.

[29]   GDC 56d.

[30]   RCIA 7.37-40

[31]   EN 22.

[32]   EN 22

[33]   x. EN 2; Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Thánh Lễ tại Đền Santa Croce (9 tháng 6 năm 1979); như trên, Tông Huấn Christifideles laici (30 tháng 12 năm 1988), 34; Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến việc Tân Phúc Âm Hóa, Enchiridion della nuova evangelizzazion. Testi del Magistero pontifico e conciliare 1939-2012 (2012); EG 14-18.

[34]   EG 280.

[35]   x. EG 20-23

[36]   EG 120; cũng x. Hội Nghị lần Thứ V của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và Carrabêa, Tài Liệu Aparecida (30 tháng 5 năm 2007), 129-346.

[37]   Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris missio (7 tháng 12 năm 1990), 33.

[38]   EG 14

[39]   EG 14

[40]   Bênêđictô XVI, Bài Giảng trong Thánh Lễ bế mạc Buồi Họp Khoáng Đại lần thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục (28 tháng 10 năm 2012).

[41]   EG 14, cũng x. Bênêđictô XVI, Bài Giảng trong Thánh Lễ khai mạc Buồi Họp Khoáng Đại lần thứ V của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và Caribbêa (13 tháng 5 năm 2007).

[42]   Gioan Phaolô II, Tông Thư Novo milliennio ineunte (6 tháng 1 năm 2001), 56.

[43]   Ibidem.

[44]   EG 69.

[45]   Gioan XXII, Huấn Từ Khai Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II (11 th1ng 10 năm 1962).

[46]   Bênêđictô XVI, Tông Thư Ubicumque et semper (ngày 21 tháng 9 năm 2010).

[47]   EG 6.

[48]   Bênêđictô XVI, Huấn Từ dành cho những Tham Dự Viên Buổi Họp Khoáng Đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội (28 tháng 2 năm 2011).

[49]   Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Thứ 48 (1 tháng 6 năm 2014).

[50]   EG 15

[51]   Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (7 tháng 12 năm 1990), 33.

[52]   EG 23; cũng x. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christifideles Laici (30 thang 12 năm 1988), 32.

[53]   x. Phanxicô, Huấn Lệnh Công Bố Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót Misericordiae vultus (11 tháng 4 năm 2015), 12.

[54]   Phanxicô, Huấn Từ dành cho các Tham Dự Viên Cuộc Họp Khoáng Đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến việc Tân Phúc Âm Hóa (14 tháng 10 năm 2013).

[55]   Agustinô thành Hippô, De cathechizandis rudibus, 1.14-22 (CCL 46.146; PL 40.327.

[56]   Phaolô VI, Thông Điệp Ecclesiam Suam (6 tháng 8 năm 1964), 65.

[57]   x. Ibid 73-79.

[58]   x. EG 238-258.

[59]   Phanxicô, Diễn từ dành cho các tham dự viên Đại Hội Mục Vụ Quốc Tế về những Thành Phố Lớn của Thế Giới (27 tháng 11 năm 2014).