1. CĂN TÍNH VÀ ƠN GỌI GIÁO LÝ VIÊN
- “Trong việc xây dựng thân thể Đức Kitô, có sự tham gia của nhiều chi thể với những phận vụ khác nhau. Chỉ có một Thần Khí ban những ân huệ khác nhau vì lợi ích của Hội Thánh theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của các tác vụ” (LG 7). Nhờ các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, các Kitô hữu được tháp nhập vào Đức Kitô và thông phần vào chức năng của Người như tư tế, ngôn sứ và vương giả (x. LG 31, AA 2), họ là những nhân chứng cho Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và gương sáng của đời sống Kitô hữu; nhưng một số người “cũng có thể được gọi để cộng tác với các Giám Mục và các linh mục trong việc thực thi thừa tác vụ Lời Chúa”.[1] Trong vô số những thừa tác vụ và việc phục vụ mà với chúng Hội Thánh thực thi sứ vụ Phúc Âm hóa của mình, “thừa tác vụ dạy giáo lý”[2] chiếm một vị trí quan trọng, không thể thiếu được cho việc tăng trưởng đức tin. Thừa tác vụ này cung cấp một dẫn nhập vào đức tin, và cùng với thừa tác vụ phụng vụ, sinh ra con cái Thiên Chúa trong cung lòng Hội Thánh. Cho nên ơn gọi đặc biệt của giáo lý viên có nguồn gốc trong ơn gọi chung của Dân Thiên Chúa, được gọi để phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thay mặt cho nhân loại.
- Toàn thể cộng đồng Kitô hữu chịu trách nhiệm về tác vụ dạy giáo lý, nhưng mỗi người tùy theo địa vị riêng biệt của mình trong Hội Thánh: các thừa tác viên có chức thánh, những người được thánh hiến, các tín hữu giáo dân. “Qua tất cả những người này và các chức năng khác nhau của họ, thừa tác vụ dạy giáo lý trao lại Lời Chúa một cách trọn vẹn và làm chứng cho thực tại của Hội Thánh. Nếu thiếu một trong những hình thức này, việc dạy giáo lý sẽ mất đi một điều gì đó của sự phong phú của nó cũng như một phần ý nghĩa của nó”.[3] Giáo lý viên thuộc về một cộng đồng Kitô hữu và là sự thể hiện của cộng đồng ấy. Việc phục vụ của họ được sống trong một cộng đồng vốn là vai chính trong việc cung cấp và đồng hành trong đức tin.
- Giáo lý viên là một Kitô hữu nhận được một ơn gọi đặc biệt từ Thiên Chúa, mà khi được chấp nhận trong đức tin, trao cho họ quyền phục vụ việc truyền thụ đức tin và nhiệm vụ dẫn người khác vào đời sống Kitô hữu. Những lý do trực tiếp tại sao một giáo lý viên được gọi để phục vụ Lời Chúa thì rất khác nhau, nhưng tất cả chỉ là những phương tiện mà Thiên Chúa dùng để mời gọi người ta phục vụ Ngài qua Hội Thánh. Qua ơn gọi này, giáo lý viên trở thành một người tham gia vào sứ vụ giới thiệu các môn đệ vào mối liên hệ con thảo với Chúa Cha của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vai chính thật sự của tất cả việc dạy giáo lý chân chính là Chúa Thánh Thần, Đấng nhờ sự kết hợp sâu xa với Đức Chúa Giêsu Kitô, được mỗi giáo lý viên nuôi dưỡng, ban cho các nỗ lực của con người kết quả trong hoạt động dạy giáo lý. Hoạt động này được thực thi trong lòng Hội Thánh: giáo lý viên là một nhân chứng cho Truyền Thống sống động của Hội Thánh và là một người trung gian làm cho việc đưa một môn đệ mới của Đức Kitô vào Thân Thể Hội Thánh của Người được dễ dàng.
- Nhờ đức tin và việc xức dầu trong bí tích Rửa Tội, khi hợp tác với Huấn Quyền của Đức Kitô và như một người tôi tớ của hành động của Chúa Thánh Thần, giáo lý viên là:
- Một nhân chứng của đức tin và người gìn giữ kỷ niệm về Thiên Chúa; khi cảm nghiệm được sự tốt lành và chân lý của Tin Mừng trong cuộc gặp gỡ với con người Đức Kitô của mình, giáo lý viên giữ gìn, nuôi dưỡng và làm chứng cho đời sống mới phát sinh từ cuộc gặp gỡ ấy, và trở thành một dấu chỉ cho những người khác. Đức tin chứa đựng kỷ niệm về lịch sử của Thiên Chúa với nhân loại. Giữ kỷ niệm này, khơi dậy nó trong những người khác, và sử dụng nó trong việc rao giảng là ơn gọi đặc biệt của giáo lý viên. Chứng từ của đời sống họ là điều cần thiết cho sự đáng tin cậy của sứ vụ. Nhận ra sự yếu đuối của chính mình trước lòng thương xót của Thiên Chúa, giáo lý viên không ngừng là dấu chỉ của niềm hy vọng cho anh chị em mình.[4]
- Một thầy giáo và một nhà thần bí giới thiệu người khác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, được tỏ lộ trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô; như một hình ảnh của Chúa Giêsu, vị Tôn Sư, giáo lý viên có nhiệm vụ kép là thông truyền nội dung đức tin và dẫn người khác vào chính mầu nhiệm đức tin. Giáo lý viên được mời gọi để mở ra cho những người khác chân lý về con người và ơn gọi cuối cùng của họ, truyền thông sự hiểu biết về Đức Kitô và đồng thời giời thiệu họ vào những khía cạnh khác nhau của đời sống Kitô hữu, bày tỏ mầu nhiệm cứu độ chứa đựng trong kho tàng đức tin và được phục hồi trong phụng vụ của Hội Thánh.
- Một người đồng hành và một nhà giáo dục của những người được Hội Thánh trao phó: giáo lý viên là chuyên gia về nghệ thuật đồng hành,[5] có tài chuyên môn về giáo dục, có khả năng lắng nghe và hiểu động năng của sự tăng trưởng của con người, trở thành người bạn đồng hành với lòng kiên nhẫn và ý thức về sự tiệm tiến, ngoan ngoãn với tác động của Chúa Thánh Thần và qua một tiến trình đào luyện giúp cho anh chị em mình trưởng thành trong đời sống Kitô hữu và cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa. Giáo lý viên, một chuyên gia về khoa nhân văn, biết niềm vui và hy vọng của con người, những ưu tư và âu lo của họ (x. GS 1) cùng có khả năng đặt chúng trong tương quan với Tin Mừng của Chúa Giêsu.
2. GIÁM MỤC NHƯ GIÁO LÝ VIÊN ĐẦU TIÊN
- “Giám Mục là nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên bằng lời nói và chứng từ của đời sống mình”,[6] và là người có trách nhiệm chính về việc dạy giáo lý trong Giáo phận, có chức năng chính, cùng với việc giảng dạy, cung cấp huấn giáo và những hình thức dạy giáo lý khác nhau cần thiết cho các tín hữu theo những nguyên tắc và quy định được Toà Thánh ban hành. Giám Mục, ngoài sự cộng tác quý giá của các văn phòng của giáo phận, có thể cậy vào sự giúp đỡ của các chuyên gia về thần học, sư phạm giáo lý, và các khoa học nhân văn, cũng như các trung tâm đào luyện và nghiên cứu về việc dạy giáo lý. Quan tâm của Giám Mục về hoạt động dạy giáo lý thúc đẩy ngài:
- Dấn thân vào việc dạy giáo lý bằng cách tham gia trực tiếp vào việc thông truyền Tin Mừng và giữ cho kho tàng đức tin được nguyên vẹn;
- Đảm bảo việc hội nhập văn hóa của đức tin trong lãnh thổ của mình bằng cách dành ưu tiên cho việc dạy giáo lý một cách hiệu quả;
- Khai triển một kế hoạch dạy giáo lý bao hàm toàn diện để phục vụ nhu cầu của Dân Thiên Chúa và phù hợp với các kế hoạch của giáo phận và của Hội Đồng Giám Mục;
- Cho thấy rõ và giữ “một lòng say mê dạy giáo lý thật sư, một say mê được hiện thân trong một tổ chức thích đáng và hiệu quả, có đầy đủ nhân sự, phương tiện và công cụ cũng như nguồn tài chánh cần thiết cho việc hoạt động”;[7]
- Đảm bảo rằng “các giáo lý viên được đào luyện cách đầy đủ cho chức năng của họ ngõ hầu họ quen thuộc cách hoàn toàn với tín lý của Hội Thánh và có kiến thức cả về lý thuyết lẫn thực hành về các luật tâm lý và các phương pháp sư phạm” (CD 14);[8]
- Chú ý đến chất lượng của các văn bản và công cụ để dạy giáo lý.
Giám Mục phải cảm thấy sự cấp bách, ít ra là trong các thời kỳ nhạy cảm hơn của năm phụng vụ, đặc biệt trong Mùa Chay, mời gọi Dân Thiên Chúa đến nhà thờ chánh tòa để dạy giáo lý cho họ.
3. LINH MỤC TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
- Linh mục, là cộng sự viên đầu tiên của Giám Mục và qua sự ủy nhiệm của ngài, trong khả năng là nhà giáo dục đức tin (x. PO 6), có nhiệm vụ làm sống lại, điều hợp và hướng dẫn hoạt động dạy giáo lý của cộng đồng đã được trao phó cho mình.[9] “Việc tham chiếu chức năng giáo huấn của Giám Mục trong chức tư tế của Giáo phận và việc tuân theo các hướng dẫn mà mỗi Mục Tử và Hội Đồng Giám Mục ban hành vì ích lợi cho các tín hữu, là những yếu tố mà các linh mục phải sử dụng trong hoạt động dạy giáo lý của mình”.[10] Các linh mục phân định và cổ võ ơn gọi của các giáo lý viên.
- Vị linh mục của giáo xứ hay cha xứ là giáo lý viên hàng đầu trong cộng đồng giáo xứ. Các nhiệm vụ thích hợp với các cha xứ, và các linh mục nói chung là:
- Tận tâm tận lực với khả năng và quảng đại dấn thân vào việc dạy giáo lý cho các tín hữu được trao phó cho mình chăm sóc mục vụ, tận dụng mọi cơ hội có được từ đời sống giáo xứ và môi trường văn hóa xã hội để rao giảng Tin Mừng;
- Chú ý đến sự liên kết giữa việc dạy giáo lý, phụng vụ và việc bác ái, đặc biệt tận dụng ngày Chúa Nhật như ngày của Chúa và của cộng đồng Kitô hữu;
- Khơi dậy ý thức trách nhiệm về việc dạy giáo lý trong cộng đồng và phân định những ơn gọi đặc biệt về vấn đề này; tỏ ra biết ơn cho và cổ võ việc phục vụ của các giáo lý viên;
- Quan tâm đến việc tổ chức dạy giáo lý, sát nhập vào kế hoạch mục vụ của cộng đồng, dựa vào sự trợ giúp của các giáo lý viên. Thật tốt cho các giáo lý viên nếu được kinh nghiệm những giai đoạn khác nhau của việc phân tích, soạn thảo kế hoạch, chọn lựa tài liệu, áp dụng và lượng giá;
- Đảm bảo một mối dây liên hệ chặt chẽ giữa việc dạy giáo lý trong cộng đoàn của các ngài và chương trình mục vụ của Giáo phận, tránh tất cả mọi hình thức chủ quan trong việc thi hành tác vụ thánh;
- Như giáo lý viên của các giáo lý viên, chăm lo cho việc đào luyện họ, tận tâm với việc hết sức quan tâm đến công tác này và đồng hành với họ trong việc trưởng thành về đức tin của họ; hơn nữa, coi trọng nhóm giáo lý viên như một địa điểm của sự hiệp thông và đồng trách nhiệm cần thiết cho việc đào luyện chân chính.
4. PHÓ TẾ VÀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
- Việc phục vụ (diconia) Lời Chúa, cùng với việc phục vụ phụng vụ và việc bác ái, là việc phục vụ mà các phó tế thực thi để làm cho Đức Kitô, Đấng vì yêu mà đã trở nên một tôi tớ (x. Lc 22:27; Phl 3:5-11), hiện diện trong cộng đoàn. Các phó tế, ngoài việc được phép giảng, và:
“Để giúp đỡ các tín hữu Kitô giáo lớn lên trong sự hiểu biệt về đức tin của họ trong Đức Kitô, để củng cố nó bằng việc lãnh nhận các bí tích và để diễn tả nó trong gia đình, nghề nghiệp và đời sống xã hội”, được mời gọi chú ý nhiều đến “việc dạy giáo lý cho các tín hữu ở mọi giai đoạn của đời sống Kitô hữu của họ”.[11]
Các phó tế phải tham gia vào các chương trình dạy giáo lý của Giáo phận hay của giáo xứ, trên hết là những chương trình liên quan đến những sáng kiến liên hệ với việc rao giảng Tin Mừng. Họ cũng được gọi để rao giảng “Lời Chúa trong đời sống nghề nghiệp của họ, hoặc một cách tỏ tường hoặc chỉ bởi sự hiện diện tích cực của họ ở những nơi mà dư luận quần chúng được hình thành và những quy luật đạo đức được áp dụng – như các dịch vụ xã hội hoặc các tổ chức vận động cho quyền lợi của gia đình hay sự sống”.[12]
- Vai trò của các phó tế trong việc dạy giáo lý thật đặc biệt quan trọng trong một vài lãnh vực, nhất là đời sống bác ái và gia đình. Hoạt động của họ có thể được thực thi giữa các tù nhân, bệnh nhân, những người già cả, những thanh thiếu niên thiếu may mắn, những người di cư, vv…. Các phó tế có nhiệm vụ khuyến khích những người ở trong các hoàn cảnh này đang trải qua cảnh nghèo túng sẵn sàng tham gia các sinh hoạt giáo lý của cộng đồng Hội Thánh cũng như khuyến khích các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi tham gia việc giáo dục thật sự trong đức ái. Hơn nữa, các phó tề vĩnh viễn sống trong bậc hôn nhân được mời gọi cách đặc biệt vì cách sống đặc thù của họ thành những nhân chứng đáng tin cậy của bí tích này. Họ, với sự giúp đỡ của các bà vợ và con cái họ (nếu họ có con) có thể tham gia vào việc dạy giáo lý cho các gia đình, và đồng hành trong tất cả những trường hợp cần sự chú ý và nhạy cảm đặc biệt.
5. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN TRONG
VIỆC PHỤC VỤ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
- Việc dạy giáo lý tiêu biểu cho một khung cảnh đặc biệt cho việc tông đồ của những người được thánh hiến. Thực ra, trong lịch sừ Hội Thánh, họ được kể vào số những người tận tâm nhất với việc ra ngoài dạy giáo lý. Hội Thánh đặc biệt mời gọi những người được thánh hiến vào hoạt động dạy giáo lý, trong đó sự đóng góp độc đáo và đặc biệt của họ không thể được thay thế bằng các linh mục hay giáo dân. “Nhiệm vụ đầu tiên của đời sống thánh hiến là làm cho người ta thấy rõ những kỳ công đã được Thiên Chúa thực hiện trong bản tính nhân loại mỏng manh của những người được gọi. Họ làm chứng cho những kỳ công này không hoàn toàn bằng lời nói mà bằng ngôn ngữ hùng hồn của một cuộc sống được biến đổi, có khả năng làm cho thế giới kinh ngạc”.[13] Bài giáo lý đầu tiên làm cho người ta chú ý là chính đời sống của người được thánh hiến, là những người khi sống trọn bản chất triệt để của Tin Mừng, làm nhân chứng cho sự sung mãn mà đời sống trong Đức Kitô làm cho thành khả thi.
- Những giá trị đặc biệt của các đoàn sủng của họ có thể thấy được khi một số người được thánh hiến lãnh nhận nhiệm vụ dạy giáo lý. “Trong khi giữ nguyên đặc tính riêng của việc dạy giáo lý, các đoàn sủng của các cộng đồng dòng tu khác nhau thể hiện công tác chung này nhưng bằng những nhấn mạnh riêng của mình, thường thì với chiều sâu về tôn giáo, xã hội và sư phạm lớn lao. Lịch sử của việc dạy giáo lý chứng tỏ sức sống mà những đoàn sủng này đã mang đến cho hoạt động giáo dục của Hội Thánh”,[14] trên hết với những người thấm nhuần việc dạy giáo lý của họ với cách sống của họ. Hội Thánh tiếp tục rút ra sức mạnh từ việc phục vụ của họ và chờ đợi trong hy vọng một sự dấn thân được canh tân trong cách phục vụ việc dạy giáo lý.
6. GIÁO LÝ VIÊN GIÁO DÂN
- Qua sự có mặt của họ trong thế gian, giáo dân cống hiến cho việc Phúc Âm hóa một phục vụ rất giá trị: chính đời sống của họ như các môn đệ của Đức Kitô là một hình thức rao giảng Tin Mừng. Họ tham gia vào mọi loại nghề nghiệp cùng với những người khác, thấm nhuần các thực tại trần thế với tinh thần Tin Mừng: việc Phúc Âm hóa “mang một sắc thái riêng và môt sức mạnh đặc biệt vì được thực hiện trong các hoàn cảnh bình thường của trần thế” (LG 35). Giáo dân, qua việc làm chứng cho Tin Mừng trong những bối cảnh khác nhau, có cơ hội giải thích các thực tại của đời sống theo Kitô giáo, nói về Đức Kitô và những giá trị theo Kitô giáo, trình bày những lý do của những chọn lựa của mình. Cách dạy giáo lý này, có thể nói là bộc phát và không chuẩn bị trước, là điều rất quan trọng vì nó kết nối cách trực tiếp với chứng từ đời sống của họ.
- Ơn gọi của tác vụ dạy giáo lý phát sinh từ bí tích Rửa Tội và được củng cố bởi bí tích Thêm Sức, mà qua cả hai bí tích này, giáo dân thông phần vào sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô. Thêm vào ơn gọi tông đồ chung, một số tín hữu cảm thấy được Thiên Chúa gọi gánh vai trò làm giáo lý viên trong cộng đồng Kitô hữu, để phục vụ một việc dạy giáo lý có tổ chức và cấu trúc hơn. Lời mời gọi cách cá nhân của Đức Chúa Giêsu Kitô và mối liên hệ với Người là những động cơ thật sự của hoạt động của giáo lý viên: “Từ sự hiểu biết yêu thương này về Đức Kitô nảy sinh ước ao loan báo Người, “Phúc Âm hóa”, và dẫn đưa người khác đến chỗ “chấp nhận” đức tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô”.[15] Hội Thánh nuôi dưỡng và biện phân ơn gọi thần linh này và trao ban sứ vụ dạy giáo lý.
- “Việc cảm thấy được gọi làm một giáo lý viên và nhận được sứ vụ này từ Hội Thánh đạt được những mức độ dấn thân khác nhau theo những đặc tính riêng của từng cá nhân. Đôi khi, giáo lý viên có thể cộng tác trong tác vụ dạy giáo lý trong một thời gian giới hạn hay chỉ thỉnh thoảng thôi, nhưng luôn luôn là một việc phục vụ có giá trị và một sự cộng tác đáng giá. Tuy nhiên, tầm quan trọng của tác vụ dạy giáo lý đề ra rằng trong một Giáo phận cần phải có một số tu sĩ và giáo dân được công khai nhìn nhận và dấn thân thường trực vào việc dạy giáo lý, là những người, trong sự hiệp thông với các linh mục và Giám Mục, cho việc phục vụ này của Giáo phận, một hình thức Hội Thánh thích hợp với nó”.[16]
Phụ huynh, những tham dự viên tích cực vào việc dạy giáo lý
- “Đối với các phụ huynh Kitô giáo, sứ vụ giáo dục, như đã nói, là một sứ vụ bắt nguồn từ từ việc cộng tác của họ vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, có một nguồn đặc biệt mới trong bí tích Hôn Phối, là bí tích thánh hiến họ cách riêng để giáo dục về Kitô giáo cho con cái họ”.[17] Các cha mẹ có đức tin, với gương sáng trong đời sống thường nhật của họ, có khả năng hữu hiệu nhất trong việc thông truyền vẻ đẹp của đức tin Kitô giáo cho con cái. “Việc giúp cho các gia đình gánh vai trò của họ như những tác nhân tích cực của việc tông đồ gia đình đòi hỏi phải có ‘một nỗ lực Phúc Âm hóa và dạy giáo lý trong gia đình’’’,[18] Thách đố lớn nhất trong tình trạng này là làm sao cho các cặp vợ chồng, các bà mẹ và người cha, trở thành những người tích cực tham gia vào việc dạy giáo lý, để thắng vượt não trạng ủy quyền là điều quá thông thường, mà trong đó, đức tin được dành riêng cho những chuyên gia giáo dục tôn giáo. Đôi khi, não trạng này được nuôi dưỡng bởi những cộng đoàn đã vật lộn với việc tổ chức việc dạy giáo lý đặt trọng tâm vào gia đình, là điều phải được bắt đầu từ chính gia đình. “Hội Thánh được mời gọi hợp tác với các phụ huynh qua những sáng kiến mục vụ thích hợp, trợ giúp họ trong việc chu toàn sứ vụ giáo dục của họ”.[19]
Các cha mẹ đỡ đầu, cộng sự viên với phụ huynh
- Trong cuộc hành trình khai tâm vào đời sống Kitô hữu, Hội Thánh cần phải tái lượng giá căn tính và sứ vụ của cha mẹ đỡ đầu, là những người nâng đỡ nỗ lực giáo dục của các phụ huynh. Nhiệm vụ của họ là “chỉ cho các ứng viên cách thực thi Tin Mừng trong đời sống cá nhân và xã hội, nâng đỡ các ứng viên trong những lúc ngần ngại và lo âu, làm nhân chứng và hướng dẫn sự tiến triển của các ứng viên trong đời sống của những người được rửa tội”.[20] Chúng ta biết rằng việc chọn cha mẹ đỡ đầu thường không được thúc đẩy bởi đức tin, nhưng dựa vào gia đình hay các thói quen xã hội: điều này đóng góp không ít vào việc làm suy thoái những nhân vật giáo dục này. Về trách nhiệm liên quan đến vai trò này, cộng đồng Kitô hữu phải vạch ra, với sự phân định và tinh thần sáng tạo, những phương thức giáo dục cho các cha mẹ đỡ đầu nhằm giúp họ tái khám phá ra hồng ân đức tin và hồng ân thuộc về Hội Thánh. Những người được chọn vào vai trò này thường cảm thấy được mời gọi đánh thức lại đức tin khi rửa tội của mình và bắt đầu một cuộc hành trình dấn thân và làm nhân chứng được canh tân. Việc họ có thể từ chối chấp nhận trách nhiệm này gây ra những hậu quả cho họ là những điều cần phải được lượng giá bằng việc chăm sóc mục vụ lớn lao. Trong trường hợp thiếu vắng những đòi hỏi khách quan[21] để một người có thể thi hành nhiệm vụ này (những đòi hỏi phải được nói rõ trong cuộc thảo luận trước khi chọn lựa) với sự đồng ý của gia đình và theo sự phân định của các mục tử, cha mẹ đỡ đầu có thể được chọn trong số những người làm mục vụ (giáo lý viên, thầy cô giáo, những người tổ chức) là những người sống như nhân chứng đức tin và sự hiện diện của Hội Thánh.
Việc phục vụ của ông bà để truyền thụ đức tin
- Ngoài cha mẹ ra thì chính các ông bà, trên hết là ở một số nền văn hóa, gánh vác một vai trò đặc biệt trong việc truyền thụ đức tin cho những người còn rất trẻ.[22] Thánh Kinh cũng trình bày đức tin của các ông bà như nhân chứng cho các con cháu của họ (x. 2 Tm 1:5). “Hội Thánh đặc biệt chú ý đến các ông bà, nhìn nhận họ như một kho tàng vĩ đại theo cả những quan điểm nhân loại và xã hội cũng như tôn giáo và tâm linh”.[23] Trước cuộc khủng hoảng về gia đình, các ông bà, là những người thường bám rễ sâu hơn vào đức tin Kitô giáo và có một quá khứ đầy kinh nghiệm, trở nên những điểm tham chiếu quan trọng. Thực ra, thường thì nhiều người mắc nợ chính ông bà của mình trong việc khai mở đời sống Kitô hữu của họ. Đóng góp của ông bà thành ra quan trọng trong việc dạy giáo lý vì cả việc họ có thể dành nhiều thì giờ hơn với các cháu và việc họ có khả năng khích lệ các thế hệ trẻ hơn với tình yêu thương đặc thù của họ. Các kinh nguyện chuyển cầu và những bài hát ca ngợi của các ông bà nâng đỡ cộng đồng trong công việc và những cuộc vật lộn của cuộc sống.
Đóng góp vĩ đại của phụ nữ trong việc dạy giáo lý
- Các phụ nữ đóng vai trò quý giá trong các gia đình và trong các cộng đồng Kitô hữu, hiến dâng việc phục vụ của mình như những bà vợ, những người mẹ, các giáo lý viên, các nhân công và chuyên nghiệp. Họ có Đức Mẹ như một mẫu gương, “một mẫu gương của tình yêu hiền mẫu, vốn phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh để tái sinh con người” (LG 65). Với lời nói và hành động của Người, Chúa Giêsu đã dạy những kẻ theo Người nhận ra giá trị của các phụ nữ. Thực ra, Người muốn có họ với Người như các môn đệ (x. Mc 15:40-41) cùng trao phó cho bà Maria Mađalêna và các phụ nữ khác niềm vui được công bối sự Phục Sinh của Người cho các Tông Đồ (x. Mt 28:9-10; Mc 16:9-10; Lc 24:8-9; Ga 20:18). Cũng vậy, Hội Thánh thời sơ khai đã cảm thấy phải nhận các giáo huấn của Đức Kitô làm của mình và đón chào sự hiện diện của các phụ nữ trong công việc Phúc Âm hóa như một món quà quý giá (x. Lc 8:1-3; Ga 4:28-29).
- Như thế các cộng đồng Kitô hữu được hứng khởi nhờ thiên tài của các phụ nữ để nhìn nhận các đóng góp của họ trong việc thực thi đời sống mục vụ của Hội Thánh như thiết yếu và không thể thiếu được. Dạy giáo lý là một trong những việc phục vụ này dẫn đến việc nhìn nhận sự đóng góp vĩ đại mà các nữ giáo lý viên cống hiến. Họ là những người dấn thân hết mình cho thừa tác vụ này với sự tận tâm, đam mê và chuyên nghiệp. Trong đời sống của họ, họ hiện thân cho hình ảnh hiền mẫu, biết cách làm nhân chứng, ngay cả trong những lúc khó khăn, cho sự dịu hiền và tận tâm của Hội Thánh. Họ có khả năng thấu hiểu, với một sự nhạy cảm đặc biệt, gương của Chúa Giêsu: phục vụ trong những việc nhỏ cũng như trong việc lớn như thái độ của những người hiểu tường tận tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại, và không thể làm gì khác hơn là ban phát rộng rãi tình yêu ấy cho những người lân cận, chăm sóc cho những con người và sự vật của thế giới.
- Đánh giá cao sự nhạy cảm đặc biệt của các phụ nữ trong việc dạy giáo lý không có nghĩa là che lấp tầm quan trọng của sự hiện diện của các ông. Trái lại, trong ánh sáng của những sự thay đổi về nhân học, sự hiện diện này cũng không thể thiếu được. Vì sự lành mạnh của phát triển nhân bản và tâm linh không thể có được nếu không có sự hiện diện của cả người nữ lẫn người nam. Vì thế, cộng đồng Kitô hữu nên đánh giá cao sự hiện diện của cà các nữ giáo lý viên, mà số lượng của họ thật quan trọng cho việc dạy giáo lý, lẫn các nam giáo lý viên, mà vai trò của họ đặc biệt với các thiếu niên và thanh niên ngày nay là điều không thể thiếu được. Nhất là phải đánh giá cao sự hiện diện của các giáo lý viên trẻ, là những người đặc biệt đóng góp nhiệt tình, óc sáng tạo và hy vọng. Họ được mời gọi để cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc truyền lại đức tin.
[1] CIC c. 759; cũng x. CCEO c.624 § 3.
[2] CT 13.
[3] GDC 219.
[4] X. Phanxicô, Bài giảng trong Thánh Lễ trong dịp “Ngày Giáo Lý Viên” trong Năm Đức Tin (29 tháng 9 năm 2013).
[5] X. EG 169-173: Tiến trình đào luyện, hoặc việc đồng hành cá nhân của tiến trình tăng trưởng, làm cho hành động đức tin và việc nội tâm hóa các nhân đức Kitô giáo được dễ dàng.
[6] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Gregis (16 tháng 10 năm 2003), 26. X. GDC 222.
[7] CT 63. Cũng x. CIC c. 775 § 1; CCEO c. 624 § 1;
[8] Cũng x. CIC c. 780
[9] X. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn về Thừa Tác Vụ và Đời Sống của Linh Mục (11 tháng 2 năm 2013), 65. X. GDC 224.
[10] Gioan Phaolô II, Huấn từ dành cho các tham dự viên đại hội “Các Giáo Sĩ và việc Dạy Giáo Lý tại Âu Châu” (8 tháng 5 năm 2003), 2.
[11] Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo/Thánh Bộ Giáo Sĩ, Hướng Dẫn cho Thừa Tác Vụ và Đời Sống của các Phó Tế Vĩnh Viễn (22 tháng 2 năm 1998), 25.
[12] Ibid., 26.
[13] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Vita consecreta (24 tháng 3 năm 1996), 20.
[14] GDC 229
[15] GLCG 429.
[16] GDC 231
[17] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris consortio (22 tháng 12 năm 1981), 38.
[18] AL 200
[19] AL 85
[20] RCIA 43 (11).
[21] X. CIC, s. 874; CCEO, s. 685.
[22] X. Phanxicô, Triều Yết Chung (4 và 11 tháng 4 năm 2015).
[23] Bênêđictô XVI, Huấn Từ dành cho các tham dự viên Buồi Họp Khoáng Đại của Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình về chủ đề Ông Bà: Chứng Từ và Sự Hiện Diện của họ trong Gia Đình (5 tháng 4 năm 2008).