DẪN NHẬP

  1. Việc dạy giáo lý là một phần thiết yếu của tiến trình canh tân rộng lớn hơn mà Hội Thánh được mời gọi thực hiện để trung thành với mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô là rao giảng luôn luôn và khắp nơi Tin Mừng của Người (x. Mt 28:19). Việc dạy giáo lý tham gia vào nỗ lực Phúc Âm hóa theo bản chất riêng của nó, ngõ hầu đức tin có thể được nâng đỡ bằng một sự trưởng thành liên tục và tự thể hiện trong cách sống được biểu thị bằng chính việc làm môn đệ Đức Kitô. Vì lý do này mà việc dạy giáo lý liên quan đến phụng vụ và đức ái để chứng tỏ sự hợp nhất thiết yếu của đời sống mới phát sinh từ Bí Tích Rửa Tội.

 

  1. Khi kể đến việc canh tân này, Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, đã vạch ra một số đặc tính rõ rệt của việc dạy giáo lý là những điều nối kết nó một cách trực tiếp hơn với việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

 

Việc dạy giáo lý theo lời công bố đầu tiên (kerygmatic catechesis)[1] đi vào tận trung tâm của đức tin và nắm bắt được sứ điệp chính yếu của Kitô giáo, là một bài giáo lý tỏ bày hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng thông truyền tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô và tiếp tục ban tâng Chính Mình để mọi con người có thể có được sự sung mãn của đời sống. Những cách trình bày có hệ thống khác nhau về kerygma cần phải mở ra những con đường khám phá, tương ứng với những ô cửa của cuộc sống mở vào mầu nhiệm.

 

Việc dạy giáo lý như khai tâm hiệp nhiệm[2] giới thiệu người tín hữu vào kinh nghiệm sống của cộng đồng Kitô hữu, là môi trường thật sự cho đời sống đức tin. Kinh nghiệm đào luyện này tiệm tiến và năng động; đầy các dấu chỉ cùng các cách diễn tả và hữu ích cho việc tích hợp mọi bình diện của con người. Tất cả những điều này trực tiếp nói về một sự hiểu biết trực quan, bén rễ một cách vững chắc trong suy tư về giáo lý và thực hành mục vụ của Hội Thánh, là điều càng ngày càng trở nên cấp bách, rằng việc dạy giáo lý phải được gợi hứng từ mô hình giáo lý dự tòng.

 

  1. Dưới ánh sáng của những đặc điểm này là điều biểu thị cho việc dạy giáo lý từ nhãn quan truyền giáo, thì mục tiêu của tiến trình dạy giáo lý cũng được tái giải thích. Sự hiểu biết hiện nay về những động năng đào luyện con người đòi hỏi rằng một sự hiệp thông mật thiết với Đức Kitô, đã được vạch ra trong Huấn Quyền hiện nay như cùng đích của việc sáng kiến dạy giáo lý, không những phải được xác định như một mục tiêu nhưng cũng phải được hiện thực qua một tiến trình đồng hành.[3] Thực ra, toàn bộ tiến trình nội tâm hóa Tin Mừng liên quan đến toàn thể con người trong kinh nghiệm sống đặc biệt riêng của họ. Chỉ có cách dạy giáo lý cố gắng giúp đỡ mỗi cá nhân phát triển cách đáp trả đức tin đặc thù của riêng mình mới có thể đạt tới mục tiêu được nói rõ ở trên. Đó là lý do tại sao Chỉ Nam này nhắc lại tầm quan trọng của việc có một cách dạy giáo lý đi kèm theo việc phát triển một não trạng đức tin trong một động năng của sự biến đổi, chung cuộc là một hành động của Thần Khí. Đây là một hình thức hội nhập văn hóa đức tin nguyên thủy và cần thiết.

 

  1. Do đó, trong khi tái giải thích bản chất và mục tiêu của việc dạy giáo lý, Chỉ Nam này đưa ra một vài quan điểm là thành quả của sự phân định đã được thực hiện trong bối cảnh Hội Thánh của những thập niên gần đây và được trực tiếp trình bày khắp nơi trong tài liệu, đến nỗi hầu như tạo thành văn mạch của nó.

 

  • Nó nhắc lại sự tín thác hoàn toàn vào Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh, trong thế gian và trong tâm hồn con người. Điều nay mang đến cho nỗ lực dạy giáo lý một vẻ vui tươi, bình thản và có trách nhiệm.
  • Hành vi đức tin được phát sinh từ tình yêu luôn khao khát một sự hiểu biết mỗi ngày một hơn về Đức Chúa Giêsu Kitô, đang sống trong Hội Thánh, và vì lý do này việc dẫn nhập các tín hữu vào đời sống Kitô hữu có nghĩa là dẫn đưa họ vào một cuộc gặp gỡ sống động với Người.
  • Hội Thánh, mầu nhiệm hiệp thông, được Chúa Thánh Thần sinh động hóa và làm cho sinh hoa quả trong việc sinh ra sự sống mới. Quan điểm này về đức tin tái xác định vai trò của cộng đồng Kitô hữu như một môi trường tự nhiên cho việc sinh sản và dưỡng dục đời sống Kitô hữu.
  • Tiến trình của việc Phúc Âm hóa, và của việc dạy giáo lý như một phần của việc Phúc Âm hóa, trên hết là hoạt đông tâm linh. Điều này đòi hỏi rằng các giáo lý viên phải là “những người rao giảng Tin Mừng với Thần Khí”[4] và những cộng sự viên trung tín của các mục tử.
  • Vai trò nền tảng của những người đã được rửa tội phải được nhìn nhận. Với phẩm giá của họ như con cái Thiên Chúa, tất cả các tín hữu là những người tích cực tham gia vào việc dạy giáo lý, không phải như những khách hàng thụ động hay những người hưởng thụ một phục vụ, và vì thế họ được mời gọi trở thành những môn đệ truyền giáo chân chính.
  • Việc sống mầu nhiệm đức tin theo mối quan hệ với Chúa liên hệ mật thiết với việc rao giảng Tin Mửng. Thực ra, nó đòi hỏi phải thắng vượt bất cứ sự xung khắc nào giữa nội dung và phương pháp, giữa đức tin và đời sống.

 

  1. Tiêu chuẩn hướng dẫn việc soạn thảo Chỉ Nam Huấn Giáo này được tìm thấy trong ước ao khảo sát tỉ mỉ vai trò của việc dạy giáo lý trong sự năng động của việc Phúc Âm hóa. Việc canh tân thần học trong nửa đầu của thế kỷ vừa qua đã làm sáng tỏ nhu cầu cần có một sự hiểu biết về huấn giáo theo tinh thuần truyền giáo. Công đồng Vaticanô II và Huấn Quyền sau đó đã tiếp tục và tái hình thành trong tâm trí mối dây liên kết chính yếu giữa việc Phúc Âm hóa và việc dạy giáo lý, mỗi khi thích nghi nó với các hoàn cảnh lịch sử thịnh hành. Hội Thánh, “tự bản chất là truyền giáo” (AG 2), nên luôn sẵn sàng tin tưởng tiến hành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa này mà Chúa Thánh Thần mời gọi mình. Điều này đòi phải quyết tâm và lãnh trách nhiệm trong việc xác định những ngôn ngữ mới để thông truyền đức tin. Vì đã có những thay đổi trong các hình thức truyền thụ đức tin, Hội Thánh quyết tâm giải đoán một số dấu chỉ của thời đại mà qua đó Chúa chỉ cho Hội Thánh con đường phải đi theo. Trong số nhiều dấu chỉ có thể nhận ra được: trung tâm tính của các tín hữu và kinh nghiệm sống của họ; vai trò đáng kể của các mối liên hệ và các tình cảm; sự quan tâm đến điều cung cấp ý nghĩa thật; sự tái khám phá ra những gì là xinh đẹp và nâng cao tinh thần. Trong số những điều này và những chuyển động khác của nền văn hóa hiện đại, Hội Thánh nắm bắt được những dịp để gặp gỡ và rao giảng sự mới mẻ của đức tin. Đây là điểm then chốt của sự biến đổi về truyền giáo của Hội Thánh, là điều thúc đẩy sự chuyển hướng về mục vụ.

 

  1. Như Chỉ Dẫn (Chỉ Nam) Chung về Huấn Giáo (General Directory for Catechesis) (1997) nằm trong sự liên tục với Chỉ Nam Chung về Huấn Giáo (General Catechetical Directory) (1971), Chỉ Nam Huấn Giáo này cũng được đặt trong cùng một sự liên tục và phát triển năng động với những tài liệu có trước nó. Cũng không thể quên rằng trong hai thập niên qua Hội Thánh đã trải nghiệm một số biến cố quan trọng, mặc dù với những lời lẽ khác nhau, đã trở nên những thời điểm quan trọng cho cuộc hành trình của Hội Thánh, để hiểu sâu xa hơn các mầu nhiệm đức tin và việc Phúc Âm hóa.

 

Trước hết, đáng cho chúng ta nhớ rằng triều đại Giáo Hoàng đầy kết quả của Thánh Gioan Phaolô II, đấng với Tông Huấn Catechesi Tradendae (1979) đã thực sự thúc đẩy việc canh tân huấn giáo. Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc lại tầm quan trọng của việc dạy giáo lý trong tiến trình Tân Phúc Âm hóa, và với Tông Thư Fides per doctrinam (2013) ngài đã thực hành cách cụ thể quyết tâm này. Cuối cùng, Đức Phanxicô với Tông Huấn Evangelii Gaudium (2013) đã muốn nhắc lại sự liên kết bất khả phân ly giữa việc Phúc Âm hóa và dạy giáo lý dưới ánh sáng của nền văn hóa gặp gỡ.

 

Những biến cố quan trọng khác đã đánh dấu việc canh tân huấn giáo. Chúng ta đừng quên trong số đó là Năm Đại Thánh 2000, Năm Đức Tin (2012-2013), Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót (2015-2016) và các Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây về một số vấn đề quan trọng đối với đời sống Hội Thánh. Đáng nhớ đặc biệt là các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh (2008); về Tân Phúc Âm Hóa để Truyền Thụ Đức Tin Kitô Giáo (2012); về Ơn Gọi và Sứ Vụ của Gia Đình trong Hội Thánh và trong Thế Giới Hiện Đại (2015); và về Người Trẻ, Đức Tin và Phân Định Ơn Gọi (2018). Cuối cùng, cũng thích hợp để nhắc đến việc phát hành sách Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (2005), một công cụ đơn giản và trực tiếp cho sự hiểu biết về đức tin.

 

  1. Nội dung của Chỉ Nam Huấn Giáo đươc xắp đặt theo một cấu trúc mới và có hệ thống. Thứ tự của các chủ đề cố gắng kể đến những đề tài nhạy cảm khác nhau và hợp lệ theo Hội Thánh. Phần Thứ Nhất (Dạy Giáo Lý trong sứ vụ Phúc Âm Hóa của Hội Thánh) trình bày nền tảng của toàn thể cuộc hành trình. Mặc Khải của Thiên Chúa và việc truyền thụ Mặc Khải này trong Hội Thánh mở ra suy niệm về tính năng động của việc Phúc Âm hóa trong thế giới hiện đại, trong khi chấp nhận thách đố của việc chuyển hướng về truyền giáo là điều ảnh hưởng đến huấn giáo (Chương I). Nó được phác thảo bằng cách vạch ra bản chất, mục tiêu, các công tác và nguồn mạch của nó (Chương II), giáo lý viên và căn tính của họ (Chương III). Cùng việc đào luyện giáo lý viên (Chương IV) được trình bày – ban hành thừa tác vụ Hội Thánh của việc dạy giáo lý và làm cho thừa tác vụ này được trở nên hữu hình. Trong phần thứ nhất này, thêm vào việc cập nhật hóa những vấn đề căn bản đã được nhấn mạnh, điều đáng chú ý là chương về đào luyện, chương này kết nạp nhiều quan điểm quan trọng về việc canh tân huấn giáo.

 

  1. Phần Thứ Hai (Tiến Trình của việc Dạy Giáo Lý) bàn về động lực của việc dạy giáo lý. Trước hết phần này trình bày mô thức sư phạm của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, là mô thức gợi hứng cho phương pháp sư phạm của Hội Thánh và việc dạy giáo lý như một hoạt động giáo dục (Chương V). Theo mô thức này thì các tiêu chuẩn thần học cho việc công bố sứ điệp Tin Mừng được xắp đặt lại và được đầy đủ hơn đề đáp ứng các nhu cầu của nền văn hóa hiện đại. Hơn nữa, Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được trình bày theo tầm quan trọng về thần học và huấn giáo của nó (Chương VI). Chương VII trình bày một số vấn đề về phương pháp dạy giáo lý liên quan đến chủ đề ngôn ngữ trong số những vấn đề khác. Phần thứ hai được kết thúc với việc trình bày việc dạy giáo lý cho những nhóm tham dự viên khác nhau (Chương VIII). Mặc dù ý thức rằng các điều kiện văn hóa trên thế giới rất khác nhau và việc nghiên cứu ở mức độ địa phương là điều cần thiết, tuy thế, chủ ý (của Chỉ Nam này là) cung cấp một phân tích về những đặc tính chung của chủ đề rộng lớn này, tiếp tục sự chú ý nhằm vào các Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và giới trẻ. Cuối cùng, Chỉ Nam này mời gọi các Hội Thánh địa phương chú tâm đến việc dạy giáo lý cho những người khuyết tật, những người di trú, di dân và các tù nhân.

 

  1. Phần Thứ Ba (Dạy Giáo Lý trong Hội Thánh địa phương) cho thấy tác vụ Lời Chúa được hình thành trong sự cụ thể của đời sống Hội Thánh. Các Hội Thánh địa phương, trong tất cả mọi cách diễn tả của mình, thực thi nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng trong những bối cảnh khác nhau mà các Hội Thánh ấy bén rễ (Chương IX). Phần này nhìn nhận tính đặc thù của các Hội Thánh Đông Phương, là những Hội Thánh có truyền thống huấn giáo riêng của mình. Mọi công đồng Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào sự phức tạp của thế giới đương thời, trong đó nhiều yếu tố rất khác biệt được pha trộn lẫn nhau (Chương X). Các bối cảnh địa dư khác nhau, các môi trường tôn giáo tự nhiên, các xu hướng văn hóa, mặc dù không trực tiếp liên quan đến việc dạy giáo lý, nhưng chúng hình thành đặc tính bề trong của những ngưởi đương thời với chúng ta, là những người mà Hội Thánh muốn phục vụ, và như thế chúng không thể tránh được, nhưng trở thành đối tượng để phân định trong những sáng kiến về dạy giáo lý. Cũng đáng ghi nhận là việc suy nghĩ về nền văn hóa thuật số và về một số vấn đề thuộc đạo đức sinh học, là những điều được bàn cãi rất nhiều trong thời đại chúng ta. Chương XI, trở lại với hoạt động của các Hội Thánh địa phương, cho thấy rẳng bản chất và các tiêu chuẩn thần học của việc hội nhập văn hóa, là điều cũng được diễn tả với việc xuất bản các sách giáo lý địa phương. Chỉ Nam này kết thúc với việc trình bày các tổ chức phục vụ việc dạy giáo lý ở những cấp khác nhau (Chương XII).

 

  1. Tân Chỉ Nam Huấn Giáo cung cấp những nguyên tắc thần học và mục vụ căn bản và một số hướng dẫn tổng quát thích hợp trong việc thực hành huấn giáo ở thời đại chúng ta. Tất nhiên là việc áp dụng chúng và các hướng dẫn thực tế phải là nhiệm vụ của các Hội Thánh địa phương, được mời gọi để cung cấp những soạn thảo kỹ lưỡng theo những nguyên tắc tổng quát này ngõ hầu chúng có thể hội nhập văn hóa trong hoàn cảnh Hội Thánh riêng của chúng. Vì thế, Chỉ Nam này là một công cụ cho việc soạn thảo kỹ lưỡng các chỉ nam quốc gia hay địa phương, được ban hành bởi các đấng bản quyền và có khả năng chuyển dịch những hướng dẫn tổng quát này sang ngôn ngữ của các cộng đồng Kitô hữu riêng. Như vậy, Chỉ Nam này nhẳm phục vụ các Giám Mục, các Hội Đồng Giám Mục, và các cơ quan mục vụ và học thuật tham gia vào việc dạy giáo lý và Phúc Âm hóa. Các giáo lý viên sẽ có thể tìm được sự nâng đỡ và khích lệ trong tác vụ phục vụ sự trưởng thành về đức tin của anh chị em của họ mỗi ngày [từ Chỉ Nam này].

[1]     x. EG 164-165

[2]     x. EG 166

[3]     x. EG 169-173

[4]     x. EG 259-283