Ðồng Hành với Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá – Bài 12

NƠI THỨ MƯỜI MỘT: CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐANH VÀO THÁNH GIÁ

Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tin tưởng rằng chết không phải là hết. (Ga 12:24)

 

Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên cây thập giá, và Người từ trần trong ba giờ đồng hồ. Người chết giữa hai người. Một người nói với người kia: “Chúng ta phải đền trả cho việc chúng ta làm. Nhưng người này đã không làm điều gì sai lỗi cả” (Lc 23:41).  Chúa Giêsu đã sống cái chết của Người cho người khác tất cả. Sự kiệt quệ hoàn toàn của thân thể Người, sự bỏ rơi của bạn hữu Người, và ngay cả Thiên Chúa của Người, tất cả trở nên quà tặng hiến thân. Và khi Người bị treo lên cho chết trong sự bất lực hoàn toàn, bị đóng đinh vào cây gỗ, Người không cay đắng, không muốn trả thù, không bất bình. Không có gì để bám víu vào. Cho đi tất cả. “Trừ khi hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt lúa, nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ trổ sinh mùa lúa dồi dào” (Ga 12:24). Bằng việc bị hiến cho tha nhân, cuộc đời của Người đã nảy sinh hoa trái. Chúa Giêsu, một người hoàn toàn vô tội, một người không có tội, không có lỗi, không hổ thẹn, chết một cái chết đau đớn thảm thiết, để rồi cái chết không còn bị người ta coi thường, nhưng trở nên cổng dẫn đến sự sống và nguồn của một sự cảm thông mới.

Khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu chịu chết, chúng ta thấy thế giới đang chết. Chúa Giêsu Ðấng ờ trên thập giá đã kéo mọi người lên với Người, đã chết cả triệu cái chết. Người không những chỉ chết cái chết của người bị khai trừ, bị cô đơn, và của tội nhân, nhưng cả cái chết của người cao sang, quyền thế, của người danh tiếng và bình dân. Trên hết, Người chết cái chết của tất cả những người đơn giản, là những người sống cuộc đời bình dị rồi già đi và mệt nhọc, và tin tưởng rằng bằng cách này hay cách khác cuộc đời của họ không trở nên vô ích.

Tất cả chúng ta đều phải chết. Và tất cả chúng ta sẽ chết một mình. Không ai có thể đi chung với chúng ta trong cuộc hành trình cuối cùng này. Chúng ta phải quên đi những gì hầu như là của chúng ta, và tin tưởng rằng chúng ta đã không sống vô ích. Bằng cách này hay cách khác, giờ chết là giờ phút cao cả nhất của con người, là lúc mà chúng ta được mời gọi cho đi tất cả. Cách chúng ta chết không những chỉ liên quan đến cách chúng ta đã sống, mà còn liên quan đến cách những người đến sau ta sẽ sống. Cái chết của Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không phải sống như là sự chết không phải là cái gì không xảy ra cho tất cả mọi người chúng ta. Khi tay Người giang ra giữa trời và đất, Người kêu gọi chúng ta nhìn thẳng vào cái chết và tin tưởng rằng chết không phải là hết. Rồi chúng ta nhìn đến những người đang chết trên trần thế và đem lại cho họ niềm hy vọng; chúng ta có thể ôm thân xác đang chết của họ trong cánh tay chúng ta, và tin tưởng rằng cánh tay toàn năng hơn cánh tay chúng ta sẽ đón nhận họ và ban cho họ bình an và niềm vui mà họ hằng mong đợi.

Trong sự chết, tất cả nhân loại là một. Và Thiên Chúa đã đi vào chính cái chết nhân loại này để ban hy vọng cho chúng ta.

Lm. Henri J.M. Nouwen

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ