“Ta là sự phục sinh của ngươi”

Trong buổi nói chuyện với Matta, Chúa Giêsu đòi hỏi có một tiếng khẳng định quan hệ giữa chúng ta với Ngài:

Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dầu có chết cũng sẽ sống; hễ ai sống và tin Ta sẽ không bao giờ chết. Con có tin như vậy không?

Dĩ nhiên chúng ta nhanh chóng trả lời “Có! Ngài là sự sống”. Nhưng sự sống nào? Chúng ta là những người đang sống. Ngài thêm gì vào sự sống của chúng ta? Thực ra, chúng ta là những sinh vật nhỏ bé bị cái chết rình rập. Chúa Giêsu muốn làm chúng ta trở thành những kẻ chiến thắng sự chết.

Trong trần thuật dài và bi thảm nói về sự sống lại của Lagiarô, ba cái chết được gợi ra và xen lẫn vào nhau: cái chết của Lagiarô, cái chết của Chúa Giêsu và cái chết của chúng ta. Trong khi đi tới nhà Lagiarô, Chúa Giêsu biết rằng cái chết cũng đang đe dọa Ngài: “Người Do thái muốn ném đá Thầy, sao Thầy còn quay trở lại đó nữa?”, các môn đệ nói với Ngài như thế.

Khi thấy Maria quá buồn khổ, Chúa Giêsu cũng bối rối cảm động. Ngài cảm thấy sâu sắc sự tuyệt vọng của thân phận con người, Ngài khóc bạn, Ngài thông hiệp với nỗi khổ của các chị của bạn và nghĩ đến cái chết của mình đang đến gần. Chưa bao giờ Ngài chìm đắm trong nỗi buồn khổ của chúng ta như thế. Những người chung quanh nói: “Kìa, Ngài yêu bạn mình biết bao!”

Nhưng họ ngạc nhiên, cả chúng ta nữa: “Chẳng phải Đấng quyền năng đã nói: Ta đến để mang lại sự sống cho các ngươi. Ta là sự sống lại và là sự sống?” hay sao?

Không phải Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta sống mạnh mẽ ở bên ngoài những khó nhọc, những thảm kịch của chúng ta và thậm chí cái chết nữa. Ở tận thâm sâu sự tuyệt vọng mà Chúa Giêsu chịu đựng cùng với chúng ta, Ngài sẽ cho chúng ta một dấu hiệu hùng hồn về cuộc sống vinh quang. Ngài đứng dậy và nói lớn lên: “Hỡi Lagiarô, hãy đi ra!”

Như mọi khi, đứng trước một dấu hiệu, phải thấy rõ rằng đó là một dấu hiệu, nghĩa là một lời mời gọi đi xa hơn nữa. Sự sống lại của Lagiarô là sự chiến thắng cái chết, nhưng là một sự chiến thắng tạm thời. Thế đã là nhiều rồi, một sự hy vọng điên rồ có thể nổi lên, cái chết không còn là phiến đá đè bẹp tất cả. Chúng ta đứng dậy để nghe mặc khải tối hậu vượt lên trên sự sống lại đơn giản:

Ta là sự phục sinh.

Đây là một điều khác hẳn! Chúa Giêsu không sống lại như Lagiarô. Sự sống lại của Chúa Giêsu là sự chiến thắng hoàn toàn trên sự chết, bước vào cuộc sống “vĩnh cửu”, không chỉ theo nghĩa vô tận, mà còn có nghĩa là một cuộc sống khác. Cuộc sống này chắc chắn vẫn là của con người, tuy vậy với những tính chất và chiều kích khác biệt.

Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta cuộc sống khác này. Ban tặng ngay tức khắc! Do đó mới có lời này: Ta đến để chúng được sống”. Và tất cả điều khẳng định lạ lùng này được dùng ở thì hiện tại: Ai nghe Ta thì được sống đời đời, người đó sẽ vượt qua cái chết mà đến sự sống (5,24). Chúa Giêsu đã là “sự sống lại” cho Ngài và sẽ là “sự sống lại” cho chúng ta. Đây là lời tuyên xưng đức tin khó khăn nhưng chúng ta vẫn làm. Điều chúng ta ít hiểu đó là Chúa Giêsu là sự phục sinh như thế nào.

Ngài là sự phục sinh bởi vì Ngài có thể thông truyền cuộc sống phục sinh của Ngài, cuộc sống “thuộc về sự sống lại” của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta uống nước ở nguồn mạch này, chúng ta bắt đầu hiện hữu như thể chúng ta sẽ hiện hữu đời đời, trong khi hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa và với anh em.

Đây không phải là những điều dễ nhận thấy được. Chúng ta tin rằng Mẹ Maria và các thánh đã trải qua một cuộc sống yêu đương trong sáng ở dưới thế này để đi đến sự viên mãn vĩnh cửu. Nhưng chúng ta, chúng ta có lẽ sẽ sống cho đến cuối đời một cuộc sống pha lẫn cái chết, bởi vì chúng ta không thông hiệp với cuộc sống của Chúa Kitô cho đủ.

Tôi nhớ lại một nữ tu bị bệnh ung thư đã chăm chú nghe tôi nói về tác động hiện tại có thể có của sự sống lại. tôi nói với chị: mỗi lần sự can đảm và tình yêu chiến thắng tội lỗi di căn nơi chúng ta, thì chính sức mạnh của sự phục sinh của Chúa Kitô đã giành lấy con người phục sinh từ cái chết rồi vậ.

 André Sève