Chúa Giêsu Kitô

Simon Phêrô thưa rằng:

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,15).

 Sau khi tổ tông của loài người đã phạm tội trái lệnh Chúa, Thiên Chúa đã hứa ban ơn cứu độ qua miêu duệ của một phụ nữ, khi Chúa phán: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”( Stk 3,15). Lời hứa được mặc khải cách tiệm tiến qua lịch sử cứu độ. Miêu duệ của người phụ nữ chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Thánh Gioan đã trình bày về Ngôi Hai: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Ngôi Lời là Con Một của Thiên Chúa sẽ nhập thể trở nên con người giống như chúng ta: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,14).

Tới thời đã định, Sứ Thần của Chúa đã loan tin cứu độ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1,35). Đây là một xác tín của một niềm tin. Danh Chúa Kitô là Con Thiên Chúa được khai mở từ từ qua lịch sử cứu độ. Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi đức trinh nữ Maria, gọi là Giêsu Nazaret (7-2 BC-30-36 AD). Thánh Matthêô đã ghi chép lại gia phả của Chúa Giêsu để minh chứng Ngài thuộc dòng dõi dân Do thái. Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham (Mt 1,1) và ông Giuse đã được chọn làm cha nuôi: Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô (Mt 1,16). Trong khi báo mộng cho ông Giuse, thiên thần trao quyền đặt tên cho con trẻ: Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).

Tròn 30 tuổi, tam thập như lập, Chúa Giêsu bắt đầu ra rao giảng tin mừng cứu độ. Khởi đầu bằng lãnh nhận phép rửa sám hối: Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilêa đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình (Mt 3,13). Từ làng quê Nazaret nhỏ bé và nghèo nàn, người thanh niên Giêsu vào đời với hai bàn tay trắng, không mang bao bị, giầy dép, không có nhà cửa hay trụ sở náu thân. Thầy Giêsu với một trái tim rung cảm và xót thương đã dong duổi khắp các hang cùng ngõ hẻm mang tin vui cho mọi người. Tiên tri Isaia đã diễn tả bước chân đi gieo mầm cứu rỗi: Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị. (Is 52,7). Chúa Giêsu giảng về tình yêu của trái tim, về lòng chân thành, về sự hối cải trở về, sự công bằng, tha thứ và về ơn cứu độ. Đức Giêsu thực hiện nhiều việc lạ lùng như chữa bệnh, xua trừ ma qủy và các phép lạ vượt ngoài luật tự nhiên. Lời của Chúa có uy quyền biến đổi cả tâm hồn và thể chất.

Trong các thánh lễ Chúa Nhật hay lễ Trọng, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.” 

Lời tuyên xưng được mặc khải qua Kinh Thánh và lịch sử. Trang đầu Phúc âm của thánh Marcô đã ghi: Khởi đầu Tin Mừng Đức Gi-su Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi Chúa biến hình trên núi, Lời của Chúa Cha từ trời phán: Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7). Đấng Kitô đã được nhiều người tuyên xưng là Con Thiên Chúa: Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!(Mt 14,33). Ngay cả những thần ô uế và người bị quỷ ám cũng la lên: Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa! (Mc 3,11). Ông Phêrô, người môn đệ nhiệt thành và trung tín đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.(Mt 16,16).

Không phải hết mọi người chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Đạo Do thái chối từ Chúa Giêsu là Đấng Messiah, chỉ nhìn nhận Ngài là vị tiên tri cao cả, vì cho rằng Ngài đã không hoàn tất mọi lời tiên tri trong sách Tanakh. Đạo Hồi Giáo nhìn nhận Chúa Giêsu như là một vị tiên tri vĩ đại. Nhưng họ không chấp nhận Ngài là Con Chúa nhập thể và không có trải qua sự khổ hình thập giá. Có nhiều người Do-thái hoài nghi và chất vấn về con người thật của Chúa: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? ” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.” (Lc 22,70). Họ không đồng thuận với Chúa nên đã tẩy chay và kết án Chúa: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”(Ga 19,7). Vị quan tổng trấn không có lập trường, với thái độ mị dân, ông để thả trôi cho dân chúng quyền quyết định: Tổng trấn Philatô nói tiếp: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây? ” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!(Mt 27,22).

Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm của tình yêu: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Chúa mời gọi con người đặt niềm tin nơi Chúa, họ sẽ tìm thấy ơn cứu độ: Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa (Ga 3,18). Các chức sắc tôn giáo, vua quan, quân lính và nhiều người đã nhúng tay vào việc kết án và hành xử Chúa. Họ reo hò mừng rỡ vì đã diệt trừ được kẻ nói phạm thượng và khuấy động an ninh trật tự. Họ nghĩ rằng họ đã chiến thắng khai trừ tội phạm. Trong lúc họ thỏa thuê với những hành động gớm ghê, họ đã được sáng mắt nhận ra uy quyền của Đấng mà họ đã ra tay loại trừ: Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa. (Mt 27,54).

Các tín hữu tôn kính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể đã chịu chết và đã sống lại. Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy và là Đấng Chữa Lành. Chúa giáng trần không phải để cai trị hay chiếm hữu danh vọng trần thế. Chúa mang thân phận của một tôi tớ đau khổ, bị ruồng rẫy xỉ vả và đánh đập tan nát tấm thân: Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa (Is 52,14). Chúa đến ban ơn cứu độ qua con đường thập giá. Vì tình yêu, Chúa đã hiến thân chịu chết đền thay tội lỗi nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã loan báo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24,46). Khi các tông đồ ra đi làm nhân chứng, các ngài lấy danh Chúa Kitô chịu chết và sống lại như là bảo bối của tất cả niềm tin: Đấng Kitô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại.” (Tđcv 26,23).

Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu đã mở một trang sử mới. Đã có ngàn ngàn lớp lớp người bước theo, tin tưởng và xả thân cho tin mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Trước hết là các tông đồ, các môn đệ và các tín hữu tiên khởi đã dám hiến mạng sống mình để làm nhân chứng cho niềm tin. Ông Saolô, là kẻ bách hại đạo Chúa, đã trở nên tông đồ nhiệt thành mang tin vui Chúa sống lại cho các dân ngoại: Theo thói quen, ông Phaolô đến với họ, dựa vào Kinh Thánh, ông giải thích và xác định rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết; ông nói: “Đấng Kitô ấy, chính là Đức Giêsu mà tôi rao giảng cho anh em.”(Tđcv 17,3).

Thời đại hôm nay còn rất nhiều người chưa được nghe biết tin mừng cứu độ. Có nhiều người vẫn chưa được nhận biết Đấng Cứu Thế là ai. Có nhiều người không biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa giáng trần cứu độ nhân lọai. Có nhiều kẻ nhìn hình tượng Chúa Giêsu trần trụi trên thập giá thì nhạo cười, chế diễu và thù ghét. Có nhiều người muốn loại trừ thập giá khỏi cuộc sống, khỏi tâm hồn và khỏi những nơi công cộng. Nhiều người vẫn còn dửng dưng khi nghe lời hằng sống. Họ chối từ niềm tin ơn cứu độ. Thế giới hôm nay đang rất cần các nhân chứng như là đèn soi, là muối ướp và gương sáng dẫn lối chỉ đường. Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở thành ngọn hải đăng dẫn đường nhiều người về bên Chúa.

Muốn là đèn sáng soi cho mọi người, chúng ta phải hiểu biết và yêu mến Chúa trước. Hãy đọc, nghiền gẫm, suy niệm và sống Lời Chúa hằng ngày. Vô tri bất mộ, không biết thì không mến. Chúa Giêsu mời gọi: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29). Chúng ta không cần phải tìm kiếm đâu xa, Lời Chúa trong Kinh Thánh dư đủ để giúp chúng ta nên trọn lành.

Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại thủ đô Madrid từ ngày 16-21 tháng 8, năm 2011: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời sống mình trên nền tảng Chúa Giêsu Kitô, vững vàng vào đức tin” (Col. 2,7). Chúng ta là Kitô hữu và mang danh Chúa Kitô. Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Thầy, là Đấng Cứu Thế, là trung tâm điểm của đời sống và là cứu cánh của cuộc đời. Chúng ta phải là ánh sáng, là muối, là men ướp mặn đời. Chúng ta hãy nên giống Chúa và giúp mọi người hưởng nhờ ơn cứu độ. Chúa kêu gọi chúng ta: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24). Lạy Chúa, chỉ có Chúa dẫn đường chúng con đến sự sống và sự sống thật. Chúng con đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa vì Chúa có lời ban sự sống đời đời. O Lord Jesus, I trust in you.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York