Đừng Để Ai Gọi Mình Là ‘Rap-Bi’

Không biết các kinh sư và các người Pha-ri-sêu thời đức Giê-su xấu tới cỡ nào mà ngài phải dùng tới những lời lẽ nặng nề đến thế khi nói về họ. Thế nhưng một điều chắc chắn là khi ghi nhận các lời này, tác giả Mát-thêu không nhằm nêu lên tật xấu của một vài cá nhân nào đó phải sửa chữa. Ông đang đề cấp tới một điều gì quan trọng hơn nhiều đối với các tín hữu gốc Do Thái là độc giả trực tiếp của Phúc Âm, ông chuyển từ một thứ quyền bính dựa trên lề luật ‘Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa Mô-sê mà giảng dạy’, tới một thứ quyền bính mới lạ hơn.

Xã hội đạo đời, trong bất cứ thời đại nào và ở bất cứ đâu, thì cũng cần tới luật lệ và quyền bính. Hầu như đây là định luật không chấp nhận bất kỳ luật trừ nào, kể cả dân riêng Do Thái của Cựu Ước hay Hội Thánh Đức Ki-tô của Tân Ước. Mọi người đều phải chấp nhận và tuân phục luật lệ quyền bình vì trật tự xã hội và vì công ích. ‘Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ’. Điều đức Giê-su muốn đề cập tới ở đây chính là:nếu đã có một thứ văn hóa đặt nền trên luật lệ và quyền bính với tất cả hệ lụy của nó, thì cũng có một thứ văn hóa đặt nền trên tình thương và tha thứ, với các biểu hiện khác hẳn. Thời đức Giê-su văn hóa luật lệ điển hình nhất là nơi các kinh sư và các người Pha-ri-sêu, còn văn hóa mới thì ngài đề ra cho các môn đệ như một điều cần xây dựng, vì cho tới lúc đó chưa hề tồn tại ở bất cứ nơi đâu.

Văn hóa luật lệ (rộng khắp chứ chẳng riêng gì kinh sư và Pha-ri-sêu) chủ yếu dựa trên áp đặt, ‘họ bó, những gánh nặng mà chất lên vai người ta’. Nó không hề quan tâm tạo nguồn nâng đỡ ủi an nào ‘nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào’.Trong xã hội luật lệ và quyền bính, hình thức trong ăn mặc và lời ăn tiếng nói, cấp bậc và mọi thứ trật tự trên dưới đều rất được đề cao và coi trọng (họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài… ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’). Trong một chừng mực nào đó, tất cả các điều trên tự nó không có gì đáng trách. Đó là một phần trong nếp văn hóa của hầu hết các xã hội, trong đó có cả truyền thống văn hóa Việt Nam chúng ta (chiếu trên chiếu dưới, một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp). Giáo Hội Công Giáo cũng đầy dẫy các hình thức đó.

Nếu đức Giê-su (hơn bất cứ diễn giả nào khác) có nặng lời với nếp văn hóa này thì không phải vì cái văn hóa ấy xấu, mà là vì ngài muốn thúc ép các môn đệ tiếp thu một nền văn hóa khác rất mới mẻ, phát sinh từ chính mạc khải Tin Mừng tình thương của ngài. Trong văn hóa mới này (mà chỉ các môn đệ chân chính của đức Giê-su mới xây dựng được), không còn chỗ cho trật tự trên dưới, ‘phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘rap-bi’ nghĩa là thầy… cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em… cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo…’ Lý do duy nhất là khi đứng trước tình yêu thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều thật sự bình đẳng ‘tất cả anh em đều là anh em với nhau’. Trong xã hội của văn hóa tình thương này, không còn chỗ để áp đặt các luật lệ nặng nề khắt khe, nhưng sẽ chan hòa phục vụ nâng đỡ lẫn nhau, không còn cố ngoi lên thống trị ‘tôn mình lên’, nhưng chỉ cúi xuống phục dịch ‘hạ mình xuống’. Nếu các kinh sư và Pha-ri-sêu là điển hình của xã hội luật lệ Cựu Ước, thì đức Giê-su mong muốn biết bao các môn đệ ngài hãy là hiện thân của xã hội tình thương của Tin Mừng.

Liệu mơ ước của ngài có thể trở thành hiện thực hay mãi mãi chỉ là một mộng tưởng (Utopia)? Bao giờ thì cái xã hội bình đẳng của ngài mới hình thành hay mãi mãi chỉ là một bánh vẽ mà nhiều học thuyết ‘vô giai cấp’ sau này cũng đã thi nhau hô hào? Các môn đệ chân chính trong Hội Thánh của Đức Ki-tô (đặc biệt những ai tham gia vào tầng lớp lãnh đạo, như tôi) phải biết rõ, chỉ khi nào quyết tâm xây dựng một Giáo Hội của tình thương chứ không phải của luật lệ, thì nền tân văn hóa này mới có cơ may được thiết lập trên trần gian. Nhưng cám dỗ lớn nhất vẫn còn đó, vẫn luôn rình rập cả trong lẫn ngoài Giáo Hội.

Lạy Chúa, thú thực mỗi khi đọc đoạn Tin Mừng này, trong tư cách là một linh mục được nhiều người gọi là cha, thầy, người lãnh đạo, con thấy nhột vô cùng. Lúc này con xin Chúa không những kéo dài cơn nhột này nơi con, mà còn làm cho nó lan rộng trên nhiều vị lãnh đạo khác của Giáo Hội Chúa. Xin cho Hội Thánh Chúa trên trần gian thực hiện được nơi chính mình nền văn hóa của tình thương và phục vụ. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB