Khi Cánh Cửa Phòng Tiệc Đóng Lại

Chúa nhật 32 thường niên AMt 25, 1-13

Chuẩn bị kết thúc năm phụng vụ, Mẹ giáo hội mời gọi con cái mình dùng thời gian này để suy chiêm cách đặc biệt về thời Cánh chung- thời Con Người ngự đến, cùng với những khách mời đã chuẩn bị sẵn sàng, dự tiệc cưới nước trời. Dụ ngôn “Mười trinh nữ” được thánh sử Mátthêu đặt trong bối cảnh này như mời gọi, thúc giục chúng ta phản tỉnh, cân nhắc hầu chuẩn bị những gì thiết yếu nhất làm hành trang bước vào bàn tiệc Thiên quốc khi ngày đó bất chợt xảy đến.

Ở thời đại chúng ta, sẽ khó hiểu vô cùng làm sao đám cưới lại diễn ra vào ban đêm, nhưng với miền Palestine xưa, đây là một phong tục không thể làm khác được. Theo đó, tiệc cưới sẽ chính thức diễn ra vào ban đêm, giờ giấc của tiệc cưới khó có thể biết trước được, bởi phụ thuộc vào sự “mặc cả” sính lễ giữa nhà trai với nhà gái. Chúng ta biết là trong quá trình mặc cả sính lễ, người ta quan niệm rằng mặc cả càng lâu thì càng cho thấy đàng gái vô cùng tiếc “cô gái rượu” của mình và nhờ đó, cô dâu càng tăng thêm giá trị và chàng rể cũng vì thế mà nở mặt nở mày với bà con chúng bạn. Thế nhưng nói như thế không có nghĩa là ban ngày ai nấy đều tranh thủ “ngủ lấy sức tối ăn”, mà ban ngày gia chủ cũng tổ chức vui chơi sinh hoạt rất sinh động để chờ chàng rể đến. Chính vì không biết giờ nào chàng rể đến, nên cần phải có người canh chừng, loan tin, tiệc cưới chỉ được bắt đầu khi chàng rể và đoàn tuỳ tùng đến mà thôi.

Muời cô trinh nữ được mời với mười cây đèn trên tay cháy sáng. Đèn trên tay các cô vẫn cháy sáng bởi các cô sợ khi chàng rể đến sẽ không kịp chỗi dậy để thắp. Cả mười cô đều ngủ bên cây đèn cháy sáng của mình, hy vọng được vinh dự đón chàng rể khi có loan báo. Tin chàng rể đến được loan đi, cả mười cô vui mừng chỗi dậy sửa soạn dầu đèn. Công việc của các cô là coi lại đèn dầu thế nào, gạt bớt tàn, lên tim đèn cho cao để ngọn lửa được sáng hơn hầu nghênh đón chàng rể. Đến công đoạn này, trong số đó có năm cô bổng dưng đèn hết sạch dầu, đèn của các cô giờ đây chỉ còn một đám khói mù mịt. Các cô quýnh quáng cầu cứu. Năm cô kia chẳng giúp được gì, đành chạy đi thúc giục chủ “cây xăng” thôi… Cửa phòng tiệc cưới đóng lại cách lạnh lùng!

Dụ ngôn kết thúc trong tiếng đập cửa í ới của năm cô trinh nữ dại khờ và tiếng quở trách của chàng rể : “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô”. Các cô bị quở trách quả là đúng lý. Bởi các cô là những người đã được gia chủ mời gọi, được tuyển chọn và nhất là, các cô đã đồng ý làm công việc chuẩn bị nghênh đón chàng rể, thế mà khi đến thời đến buổi, các cô lại không chuẩn bị chu đáo. Xem ra cái dại khờ của các cô không nằm ở chỗ các cô không xinh đẹp, không khôn ngoan, không lanh lợi mà nằm ở chỗ các cô đã không thiết tha với công việc được tuyển chọn của mình. Xét cho cùng thì năm cô được xem là khôn ngoan kia cũng đâu có hơn gì năm cô khờ dại. Bằng chứng là khi chàng rể vì mặc cả sính lễ quá lâu, chưa đến được, cả mười cô đếu lăn ra ngủ cả đấy thôi. Thế nhưng, các cô lại là những con người có trách nhiệm, biết chuẩn bị, biết phòng xa. Đèn vẫn cháy sáng, nhưng các cô đã chuẩn bị kỹ càng để không bao giờ hết dầu hầu ngọn đèn của các cô vẫn luôn luôn cháy sáng bất cứ lúc nào.

Tính thời sự của dụ ngôn vẫn còn đó dù nó ra đời cách đây hơn hai ngàn năm. Theo đó, được xem là khôn ngoan hay dại khờ không nằm ở việc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hay được tuyển chọn mà là ở chỗ chúng ta có thiết tha với lời mời gọi và tuyển chọn của Thiên Chúa hay không. Đó cũng không phải là việc chúng ta đã được rửa tội, được gia nhập vào Giáo hội thì đương nhiên chúng ta có sẵn giấy thông hành, có bảo bối vào cửa trời mà ở chỗ chúng ta có thao thức với những giá trị Tin mừng và áp dụng những giá trị đó vào trong đời sống của chúng ta hay không. Đó cũng không hẳn chúng ta là những “đại ân nhân” của giáo hội, của hội dòng, của xã hội thì đương nhiên cửa trời sẽ rộng mở cho chúng ta trong ngày sau hết mà ở chỗ chúng ta có duy trì và làm cho ngọn đèn đó luôn tràn đầy dầu bác ái hay không. Hãy nhớ rằng tính cấp bách của thời sau hết không chờ đợi chúng ta. Một khi lễ cưới đã sẵn sàng, giờ tiệc cưới đã đến, lúc chàng rể bước vào phòng tiệc, cửa phòng tiệc đóng lại cũng chính là lúc số phận của kẻ khôn người dại được an bài rõ ràng. Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy đến khi cánh cửa phòng tiệc đóng lại? Khi đó, bên trong là hoan hỉ, là chúc tụng và tạ ơn, còn bên ngoài là khóc lóc than van và đớn đau. Vì thế, cần phải sẵn sàng, đừng thờ ơ trước lời cảnh báo này.

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta duyệt xét lại đời sống đạo của mình. Đây là lúc không phải ngồi đó để tự hào vì mình là người có đạo, là ông này bà kia trong giáo hội, đã cống hiến tài năng sức lực và của cải cho giáo hội, cho xã hội,… mà là lúc hãy chuẩn bị cho mình có được ngọn đèn luôn luôn cháy sáng trong ngày Quang lâm của Con Thiên Chúa.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb