Mộ Trống và Sứ Điệp Phục Sinh

(Mátthêu 28,1-10 – Canh Thức Vượt Qua – A)

Các phụ nữ vẫn ở bên Đức Giêsu và chứng kiến những sự cố xảy ra cho bản thân Người, khi mà các môn đệ đều biến mất. Các bà tượng trưng cho sự trung thành của con người, cương quyết dù bất lực, dọc theo hành trình của Đức Giêsu.

1.- Ngữ cảnh

Đây là bản văn duy nhất có bản song song trong các Tin Mừng Nhất Lãm.

Phân đoạn Mt 27,62–28,15 có ý hướng biện giáo, nhằm phi bác huyền thoại người Do-thái đã tung ra hầu giải thích sự kiện không thể phủ nhận là ngôi mộ trống. Hai đề tài xen kẽ tạo nên một nhịp độ đặc biệt cho bài: đám lính canh, dấu chỉ của thái độ không tin của người Do-thái; các phụ nữ, dấu chỉ của lòng tin rộng mở:

– 27,62-66: lính canh được người Do-thái bố trí bên mồ; người ta nhắc trước lời loan báo Phục Sinh (c. 64) bằng cách đặt lời này trên môi miệng các thượng tế và người Pharisêu cứng lòng tin.

– 28,1: các phụ nữ đến mồ.

– 28,2-4: lính canh khiếp sợ hóa ra như chết khi sứ thần hiện ra.

– 28,5-10: các phụ nữ nhận một sứ điệp của Thiên Chúa: ngôi mộ trống phải được giải thích bằng sự Phục Sinh; sứ điệp này được loan báo bằng những lời lẽ y như ở 27,64, rồi được xác nhận bởi chính Đức Giêsu.

– 28,11-15: lính canh báo cáo vụ việc với các thượng tế, các vị này dứt khoát từ chối tin.

Xuyên qua toàn bài tường thuật về Thương Khó, chính các phụ nữ, bằng thái độ hoặc bằng những can thiệp của họ, đã chứng tỏ rõ nét hơn niềm tin của họ vào Đức Giêsu: người phụ nữ đã phung phí dầu thơm tại Bêtania (x. 26,7-13), vợ ông Philatô (x. 27,19), các phụ nữ miền Galilê tại Núi Sọ (x. 27,55-56) và tại mộ (x. 27,61). Các bà đã tỏ ra là cảm nhận được mầu nhiệm bản thân Đức Kitô. Nhận thức sâu sắc về mầu nhiệm ấy đã giúp các bà sẵn sàng đón nhận sứ điệp Phục Sinh.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Các phụ nữ tại mồ trống (28,1-8):

a) Các phụ nữ đến mộ (c. 1),

b) Can thiệp của thiên sứ Đức Chúa (cc. 2-3),

c) Ấn tượng gây ra cho lính canh (c. 4),

d) Sứ điệp thiên sứ ban cho các phụ nữ (cc. 5-7),

e) Các phụ nữ ra đi (c. 8);

2) Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ (28,9-10):

a) Đức Giêsu gặp các phụ nữ (c. 9),

b) Đức Giêsu sai phái các bà (c. 10).

3.- Vài điểm chú giải

– Sau (opse)  ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng (1): Opse là một trạng từ có nghĩa “muộn”. Câu “muộn trong ngày sa-bát” thường được hiểu là “muộn trong đêm sau ngày sa-bát, hướng tới rạng đông”. Câu “khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng” soi sáng cho câu đầu.

– đi viếng mộ (1): Tác giả Mt không nói đến việc đi “mua dầu thơm” (Mc 16,1) hoặc “mang theo dầu thơm” (Lc 24,1) để ướp thi hài, bởi vì chắc chắn nhóm lính canh sẽ cản ngăn. Các bà (hai bà, để phù hợp với 27,61, chứ không là ba bà như trong Mc) đến nhìn xem và than khóc.

– lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên (2): Nay tảng đá đã được lăn ra và lại có thiên sứ ngồi lên trên (epanô), đã trở thành biểu tượng của chiến thắng trên sự chết.

– diện mạo (3): Trong Tân Ước, từ Hy Lạp eidea, “phương diện bên ngoài; diện mạo”, chỉ được dùng ở đây mà thôi.

– chớp (3): Các tia chớp đến từ trên cao. Cùng với các hiện tượng khác của bão, các tia chớp được kết nối với ngai Thiên Chúa (Kh 4,5; 11,19; 16,18) và diễn tả sự hiện diện năng động của Thiên Chúa.

Thấy người, lính canh sợ hãi (4): Bản Hy Lạp là ho phobos autou; đây là một thuộc-cách diễn tả đối tượng, nên phải dịch là “nỗi sợ hãi do người (= thiên sứ) gây nên”. Toán lính canh khiếp sợ do “thấy” hay vì cảm nhận sự hiện diện của một nhân vật thuộc thiên giới? Bản văn không xác định. Do đó bản dịch NTT hợp lý hơn: “Vì (Do) khiếp sợ Ngài, quân canh run rẩy và ra như chết”.

– Người đã trỗi dậy (6): “Người đã sống lại” (NTT). Động từ êgerthê là thái bị động thay tên Thiên Chúa, nên có nghĩa là “Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy”. 

– từ cõi chết (7): Apo tôn nekrôn dịch sát là “từ những kẻ chết”. Cụm từ này chỉ có trong Mt (14,2; 27,64; 28,7. Lc 16,30 và các tác phẩm khác của Tân Ước dùng ek nekron).

– các ông sẽ được thấy Người (7): Lời khẳng định này cho hiểu là các môn đệ đã được tha tội phản bội và Galilê là một nơi của sự trông xem và ân sủng.

– chạy về báo tin cho môn đệ (8): Lời chứng của các phụ nữ không được luật lệ kinh sư coi là có giá trị, nên lại đáng tin về phương diện lịch sử.

– ôm lấy chân, và bái lạy (9): Cử chỉ này là để thờ phượng, nhưng cũng chứng tỏ rằng thân xác phục sinh của Đức Giêsu là thật (x. 1 Cr 15,44). “Bái lạy” (proskynein) (Mt 13 lần, Mc 2 lần, Lc 2 lần, Ga 11 lần), ngoại trừ ở Mt 4,9.10; 18,26, luôn được Mt dùng để nói về một hành động làm đối với Đức Giêsu, để nhìn nhận uy quyền của Người.

– Các bà … vừa sợ hãi vừa rất đỗi vui mừng … Chào chị em! … Chị em đừng sợ (8.9.10): Đức Giêsu nói với các bà (dịch sát): “Chairete, Chị em hãy vui mừng lên”; có thể dịch là “Chào chị em” vì trong thế giới Hy Lạp, người ta cũng dùng công thức chairete này làm lời chào ước lệ. Tuy nhiên, theo ngữ cảnh, ở c. 8, tác giả ghi nhận rằng các bà vừa “sợ hãi”  vừa “vui mừng”, thì hẳn hai lời nói của Đức Giêsu ở cc. 8 và 9 ở thế chuyển hoán, do đó nên dịch là: “Chị em hãy vui mừng lên” và “Chị em đừng sợ hãi”.

– anh em của Thầy (10): Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào trong quan hệ Người có với Chúa Cha, và như thế cũng cho hiểu ngầm là Người đã tha thứ cho các ông.

4.- Ý nghĩa của bản văn

Bản văn này có liên hệ chặt chẽ với truyện an táng: trước cửa mộ, đã có một tảng đá to được lăn ra chắn lại (27,60; 28,2) và có hai phụ nữ (27,61; 28,1).

* Các phụ nữ tại mồ trống (1-8)

Câu mở đầu giới thiệu hai nhân vật rất quan trọng trong câu truyện: bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, mà theo 27,56 là mẹ của Giacôbê và Giôxếp. Các bà cũng được kể tên ở Mt 26,56 (chứng kiến Đức Giêsu bị đóng đinh và chết), 26,61 (hai bà ngồi quay mặt vào mồ). Họ được nhắc đến lần này nữa là lần thứ ba. Các bà xuất hiện ra như là những người gắn bó nhất và trung thành nhất với Đức Giêsu, nay trở thành những chứng nhân có thế giá nhất nối kết cái chết, cuộc mai táng và cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu (mồ trống được thiên sứ giải thích). Bây giờ họ sắp đóng một vai trò quan trọng. Tác giả cho biết từ sáng sớm, các bà đến để “xem” (theôrêsai) mộ, “viếng” mộ, chứ ngài không cho biết các bà có ý định gì khác. Người Do-thái có thói quen đi viếng mộ nhằm diễn tả lòng thương mến đối với người quá cố.

Có hai chi tiết về thời gian các bà đến mộ: “Sau (opse) ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần sắp bắt đầu”. Dường như đây là giờ chiều, giờ bắt đầu  ngày hôm sau (x. Lc 23,54), và như thế là bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. Các bà đã đi đến mộ Đức Giêsu vào buồi chiều, sau khi kết thúc ngày sa-bát. Các biến cố Mt kể ở 28,2-8 (động đất, can thiệp của thiên sứ Đức Chúa, mồ mở ra, huấn thị ban cho các phụ nữ) đều được đặt ở khởi đầu ngày thứ nhất, đó là ngày thứ ba sau khi Đức Giêsu chết. Ngày thứ nhất trong tuần nhắc nhớ ngày thứ nhất của công trình tạo dựng.

Chỉ có Mt nhắc đến sự cố thiên sứ từ trời đến là nguyên do gây ra động đất (dịch sát: “bởi vì (gar) thiên sứ của Chúa từ trời xuống”. Công thức “Này đây” nêu bật những gì đến sau (28,7.9.20). Hiện tượng động đất đi theo và nêu bật một can thiệp của Thiên Chúa (x. Xh 19,18; Kh 6,12; 11,13; 16,18): Thiên Chúa bắt đầu hành động. Thiên Chúa can thiệp nhờ trung gian của thiên sứ của Người: xuất xứ, các hành động và diện mạo của vị này được mô tả. Không giống như ở một,20; 2,13.19, bị thiên sứ của Thiên Chúa điều câu truyện Giêsu qua các giấc mộng, ở đây thiên sứ được xác định là “thần sứ Đức Chúa”, thuộc về Thiên Chúa và trực tiếp từ trời, từ Thiên Chúa mà đến. Ngài can thiệp ở lúc bắt đầu và lúc kết thúc hành trình của Đức Giêsu và truyền thông cho biết những gì Thiên Chúa đã làm (x. 1,20.24; 2,13.19). Ngài tỏ cho các phụ nữ biết Đức Giêsu đã sống lại và trao cho các bà nhiệm vụ thông tin cho các môn đệ (28,5-7).

Thiên sứ đến từ trời, vùng Thiên Chúa hiện diện, với các thiên thần trước nhan Thiên Chúa (18,10; 22,30). Đức Giêsu đã không xuống khỏi thập giá theo yêu cầu của các đối thủ (27,40.42) và chịu chết theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. 16,21). Nhưng thiên sứ Thiên Chúa từ trời xuống để thông tin là cái chết đã bị thắng vượt, Đức Giêsu đã sống lại cũng theo chương trình cứu độ ấy của Thiên Chúa. Hành động của thiên sứ đối lại với hành động trước đó của Giôxếp Arimathê (27,60). Ông đã lăn tảng đá lấp cửa huyệt và ra đi. Thiên sứ Đức Chúa đã đến lăn tảng đá ra. Hành vi đóng cửa mộ là hành vi cuối cùng của việc mai táng và xác nhận thi hài đang ở trong mộ. Hành vi mở cửa mộ tiên báo sự đảo lộn hoàn cảnh. Thiên sứ ngồi trên tảng đá như ngồi trên một cái ngai (23,22), trong tư cách người chiến thắng: tảng đá mà ngài đang ngồi lên là một biểu tượng của sự chết. Diện mạo của thiên sứ  cũng chứng tỏ ngài từ trời đến. Mặt ngài như ánh chớp, tức là hết sức sáng chói. Y phục nói lên đặc tính của con người (x. Mt 3,4; 7,15). Trong cuộc hiển dung, y phục của Đức Giêsu trở thành trắng như ánh sáng (17,2); các nhân vật thiên giới mặc y phục trắng (x. Kh 4,4.24; 7,9.13). Tất cả những gì gắn liền với việc thiên sứ đến cho thấy quyền lực năng động và hữu hiệu của Thiên Chúa được bày tỏ tại mộ Đức Giêsu. Sự hiện diện này cũng được tỏ lộ ra nơi các phản ứng của loài người. Rồi các hiệu quả của sự hiện diện này được diễn tả ra trong các lời thiên sứ nói với các phụ nữ.

Toán lính canh (27,62-66) khiếp hãi “do thiên sứ gây ra”. Trong khi Mc 16,5 và Lc 24,5 nói đến nỗi sợ hãi của các phụ nữ, Mt 28,5 lại chỉ gợi ra điều đó mặc nhiên trong lệnh của thiên sứ: “Này các bà, các bà đừng sợ!”. Sự sợ hãi của lính canh nêu bật tích chất thiên giới của thiên sứ. Sự sợ hãi này tỏ lộ trong hai hiện tượng đối nghịch: hoảng loạn (seien; x. Mt 21,10; 27,51; Kh 6,13) rồi tê liệt hoàn toàn (x. Mc 9,26; Kh 1,17). Nhiệm vụ của lính canh là đảm bảo rằng Đức Giêsu đã chết tiếp tục ở lại trong mộ; bây giờ họ lại trở thành như chết, hoàn toàn bất động và tê liệt. Như vậy, rất có thể họ cũng chẳng ghi nhận được gì nơi các lời và biến cố xảy ra sau đó; họ chẳng nghe chẳng thấy gì.

Sự can thiệp của thiên cứ có hai phần: 1) liên hệ đến hoàn cảnh hiện tại; 2) trao một nhiệm vụ. Trước tiên, các bà được bảo là: “Các bà đừng sợ, vì (gar)…”. Thiên sứ biết lý do khiến các bà đến đây: tìm Đức Giêsu chịu đóng đinh. Mặc dù Đức Giêsu đã bị đóng đinh, đã chết tàn bạo và nhục nhã, các phụ nữ đã đến viếng mộ và muốn ở bên Người; các bà vẫn trung thành với Người, các bà muốn bày tỏ lòng thương mến đối với Người. Tuy nhiên, cách làm này của các bà không tương ứng với hoàn cảnh hiện tại của Đức Giêsu nữa. Chính thiên sứ sẽ giúp các bà hiểu. Trước tiên, ngài cho biết rằng Đức Giêsu không hiện diện ở đây nữa, và cuối cùng, mời các bà tự mình kiểm chứng điều đó. Chính các bà đã chứng kiến Đức Giêsu chết (27,55t) cũng như thấy nơi Người được an táng (27,60t). Bây giờ mắt các bà lại thấy rằng (deute idete, “các bà đến mà xem”) Đức Giêsu không hiện diện tại nơi Người đã được đặt. Sự kiện này cần được giải thích và thật ra cũng có nhiều giả thuyết được đề ra (x. 27,64; 28,13; Ga 20,2.13.15). Bằng tiếng “vì” (gar) thứ hai, thiên sứ giải thích bằng cách nại đến sự can thiệp quyền năng của Thiên Chúa (êgerthê, aor. thái bị động của động từ egeirô, “Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy”): thi hài của Đức Giêsu chịu đóng đinh không còn ở tại nơi đã được đặt nữa, bởi vì Thiên Chúa đã thắng vượt cái chết của thi hài và đã thông ban sự sống thần linh của Ngài cho Đức Giêsu. Lời giải thích này không thể kiểm chứng được, nhưng được quy về những lời Đức Giêsu đã nói trước (16,21; 17,23; 20,19; 12,40) về cuộc Thương Khó lẫn cuộc Phục Sinh của Người. Như vậy, lời giải thích của thiên sứ, tuy có lạ lùng, vẫn thuộc về chân trời hoạt động của Đức Giêsu và đồng thời là một xác nhận rạng rỡ nhất cho các lời của Người.

Kế đó, thiên sứ cử các bà đi đến với các môn đệ. Mặc dù các ông đã phản bội (26,56.69-75), ngài vẫn gọi các ông là “các môn đệ Người”. Thiên sứ yêu cầu các bà đi cho mau (tachy) và bảo cho các bà biết các bà phải nói gì với các ông. Sứ điệp các bà phải truyền đạt có ba khẳng định: (a) liên hệ đến một mình Đức Giêsu: Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu trỗi dậy “từ những kẻ chết” (apo tôn nekrôn); liên hệ đến tương quan giữa Đức Giêsu Phục Sinh và các môn đệ Người: (b) Người đi đến Galilê trước các ông, (c) Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Thiên sứ kết thúc sứ điệp bằng câu “Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”, để nhấn mạnh trên giá trị của những gì ngài vừa nói (x. 24,25).

Các phụ nữ ra đi. Các bà đã đến mộ vì xác tín rằng Đức Giêsu đã được mai táng ở đó. Bây giờ các bà ra đi vì biết rằng mộ đã trở thành một đài kỷ niệm của cuộc Phục Sinh của Người. Các bà “chạy về báo tin”: “chạy” là diễn tả một ước muốn và một cách thực hiện cụ thể nhằm vượt qua các khoảng cách và đi vào hiệp thông (x. Lc 24,12; Ga 20,2.4). Các bà “vừa sợ hãi vừa rất đỗi vui mừng”: sợ hãi là phản ứng thông thường của con người trước sự tỏ mình đầy quyền lực của Thiên Chúa; niềm vui lớn lao này diễn tả tình thương mến đối với Đức Giêsu và ý thức mình được thông dự vào cuộc lật ngược tình thế (“niềm vui lớn lao”: x. Mt 2,10; 28,8). Lời chào của Đức Giêsu sau đó tiếp tục duy trì các bà trong niềm vui lớn lao này (28,9).

* Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ (9-10)

Đức Giêsu có sáng kiến đến gặp các phụ nữ, như trong một cuộc gặp gỡ thông thường giữa những con người đang đi trên cùng một con đường nhưng theo chiều ngược nhau. Đức Giêsu mời các bà vui lên. Chính sứ điệp của thiên sứ đã tạo ra nơi các phụ nữ một niềm vui lớn lao. Bây giờ, nguyên nhân của niềm vui, là Đức Giêsu phục sinh và đang sống, không chỉ trong lời nói mà trong thực tế, đang hiện diện và lên tiếng khuyến khích các bà vui lên. Lời khuyến khích này cũng cho phép nghĩ rằng nỗi sợ hãi ở c. 8 vẫn còn, và cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu lại làm cho các bà sợ hãi nữa. Tuy nhiên, tình thế đã khác. Các bà đã đi tìm Đức Giêsu chịu đóng đinh (28,5), đã đến mộ để được ở gần Người. Bây giờ các bà lại thấy Người đang sống. Thế là vừa khiêm tốn vừa cung kính, các bà ôm lấy chân Người, nhằm diễn tả niềm vui là lại có Người và niềm hy vọng là không mất Người nữa. Và các bà “bái lạy” Người, nhằm diễn tả là các bà nhận biết phẩm giá của Người. Những gì Đức Giêsu nói với các bà là một xác nhận cho những gì thiên sứ đã nói cũng như cho những gì các bà đang thi hành, vào lúc gặp Đức Giêsu. Đây hẳn là một sứ điệp rất quan trọng, vì đã được nhắc lại nhiều lần trước khi được gửi đến người nhận, nhất là vì tất cả sự chú ý đều nhắm vào cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ đã được báo trước trong sứ điệp này.

Ta ghi nhận một sự chuyển dịch từ cụm từ “các môn đệ Người” sang “các anh em của Thầy (= Ta)”. Do sự liên kết chặt chẽ giữa 28,7.8 và 28,10 cũng như 28,16, “các anh em” đây không phải là bà con Người ở Nadarét (12,46; 13,55), nhưng là các môn đệ (x. 12,49, so với Mc 3,34; Lc 8,21). Các môn đệ được nhắc đi nhắc lại, điều này chứng tỏ các ông đã được tha thứ. Hẳn đây là một niềm an ủi lớn cho các ông, do chỗ Đức Giêsu khi gọi các ông là “anh em”, đã cho các ông được thông dự vào quan hệ Người như là con cái với Thiên Chúa (có thể so sánh với Ga 20,17.18). “Các ông sẽ được thấy Người” (c. 7), “Họ sẽ được thấy Thầy” (c. 10): Các môn đệ đã bị chia cách với Đức Giêsu do cái chết của Người, nay được hứa là được tiếp xúc trực tiếp với Người là Đấng Phục Sinh và đang sống.

+ Kết luận

Cũng như cuộc Phục Sinh đã tái xác nhận toàn thể công việc của Đức Giêsu, thì cuộc gặp gỡ với các môn đệ cũng tái lập tất cả tương quan với họ. Sứ điệp được ký thác cho các phụ nữ để chuyển đến các môn đệ là sứ điệp hai lần vui: a) các bà loan báo rằng cái chết đã bị thắng vượt và Đức Giêsu đã đi vào đời sống mới; b) các bà cũng loan báo rằng Đức Giêsu đã tha sự bất trung cho họ, đã cho họ được giao hòa với Người và cho họ vào lại trong tình hiệp thông với Người.

Bản văn kết thúc với các lời Đức Giêsu nói, chứ không cho biết là các bà có thi hành nhiệm vụ được giao không. Chỉ đến 28,11, ta mới biết rằng các bà tiếp tục đi. Nhưng bài tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với các môn đệ (28,16-20) cho thấy rằng các bà đã thi hành đúng lệnh đã nhận.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Cuộc hành trình của Đức Giêsu không kết thúc với cái chết, bởi vì Người đã thắng vượt cái chết và đang sống trong sự sống không bao giờ lụi tàn của Thiên Chúa. Người đã chết thật sự, nhưng Người cũng đã thật sự đi vào cuộc sống thần linh. Trên Đồi Sọ, lời chế nhạo đã nhắm vào tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa (27,39-44, đặc biệt c. 43). Cuộc Phục Sinh là cuộc giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi sự dữ, cho thấy rằng Thiên Chúa hoàn toàn ở về phía Đức Giêsu và Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa. Can thiệp đầy quyền lực này của Thiên Chúa đã đưa Đức Giêsu vào trong cuộc sống thần linh, đồng thời chuẩn nhận toàn thể công trình của Người, đối lại với các chối từ và chống đối.

2. Các phụ nữ vẫn ở bên Đức Giêsu và chứng kiến những sự cố xảy ra cho bản thân Người, khi mà các môn đệ đều biến mất, dù họ đã đi theo Đức Giêsu từ sau khi được Người kêu gọi (4,18-22). Các bà tượng trưng cho sự trung thành của con người, cương quyết dù bất lực, dọc theo hành trình của Đức Giêsu. Sự trung thành này đã đưa các bà trở lại mộ, nhưng cũng đã cho các bà được là những người đầu tiên sống Tin Mừng Phục Sinh, và trở thành trung gian giữa Đức Giêsu và các môn đệ Người.

3. Toán lính canh chính là hiện thân của sự căm thù sâu sắc của giới lãnh đạo đối với bản thân và công việc của Đức Giêsu. Mối căm thù này còn đi xa hơn cái chết của Người, vì vẫn không bằng lòng với cái chết của Người, mới đưa toán lính canh đến gác bên ngoài mộ. Họ đã bị hoảng loạn và ra như chết cứng khi thiên sứ can thiệp, điều này chứng tỏ là tất cả sự căm thù của giới lãnh đạo đều đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa.   

4. Các môn đệ của Đức Giêsu đã tỏ ra yếu đuối, thất trung, đã sa ngã. Nếu Đức Giêsu không có sáng kiến nối lại tương quan với họ, họ đã bị loại khỏi sự hiệp thông với Đức Chúa Phục Sinh. Ngoài ra, điều đúng là tin mừng là Đức Giêsu Phục Sinh không đi tìm những môn đệ mới, nhưng mời các ông trước đi vào lại trong tình hiệp thông với Người (“các anh em Thầy”) và đi theo Người. Hành vi tiêu biểu của Thầy là “đi trước”: Đức Giêsu Phục Sinh lại đi trước “anh em” (proagei hymas, c. 7) và mặc nhiên thúc giục các ông làm hành vi tiêu biểu của người môn đệ là “bước theo”.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm