Những Tấm Gương Đức Tin

Đọc lại lịch sử buổi đầu của Giáo Hội ViệtNam, tôi thấy rất giống bối cảnh lịch sử của Hội Thánh tiên khởi thuở ban đầu. Ngày ấy, Hội Thánh tiên khởi còn rất mới mẽ, rất non nớt. Sau khi Chúa Giêsu về trời (khoảng đầu thập niên 30) các thánh tông đồ và các Kitô hữu đầu tiên vâng lệnh Chúa lên đường tiếp nối sứ mạng của Chúa. Vì thế lúc ấy, Tin Mừng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Do đó, Đức tin của các Kitô hữu cũng vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, thì năm 64, Hội Thánh đã bị bách hại dữ dội. Thế nhưng, càng bị bách hại, càng nếm trải đau khổ và sự chết bao nhiêu, đức tin ấy càng cho thấy nó có một sức mạnh lạ lùng bấy nhiêu. Và sự khẳng định đức tin, bằng những dòng máu đỏ thắm, nơi chính các Kitô hữu càng rực sáng, rất đáng quý trọng. Có đọc lại lịch sử, và có cảm nhận hết những thương đau mà các Kitô hữu đầu tiên phải chịu đựng, ta mới thấy hết sức mạnh không thể lay chuyển của đức tin ấy. Một dức tin dù rất mới mẽ, nhưng lại kiên trung đến thế, đó mới chính là phép lại phi thường.

Chẳng hạn cuộc bắt bớ của hoàng đế Neron, một bạo vương khét tiếng độc ác, đã giết vợ, mẹ và con mình. Để giập tắt dư luận lúc đó đang đổ thừa cho hoàng đế đốt thành Rôma, ông đã đổ lỗi cho các Kitô hữu. Ông ra lệnh bắt bớ khắp thành. Các Kitô hữu phải chịu vô vàn những hình phạt tinh vi. Đó là những gì rùng rợn và nhục nhã nhất chụp xuống trên Giáo Hội nhỏ bé này. Giết người bằng mã tấu, bằng gươm, bằng những hình khổ dã man như: đâm, chém, phanh thây, treo thập giá… vẫn chưa lấy làm đủ, ông còn tạo ra những trò tiêu khiển như lột trần họ ra rồi bỏ vào hầm thú dữ đói để nhìn ngắm cảnh tượng thú dữ rượt đuổi, còn họ thì chạy vòng khắp hang cùng với sự hoảng loạng, sợ hãi và la hét rợn trời cho đến khi thú dữ nhai sạch xác họ. Có khi ông cho họ mặc da thú vật để cho chó cắn xé. Hoặc ông buộc chặt cả một tập thể vào các thập giá, tẩm dầu, để đêm đến đốt lên cháy sáng như những ngọn đuốc… Sự độc ác của ông lớn đến nỗi, dù bị vu oan là đã đốt thành Rôma, một tội ác nặng nề, nhưng dần dần người ta nhận ra việc khử trừ các Kitô hữu không phải vì lợi ích của đất nước, mà chỉ vì sự độc ác của một con người.

Chính trong thời hoàng đế Neron, năm 64, thánh Phêrô và năm 67, thánh Phaolô bị giết. Tất cả cùng chịu đóng đinh thập giá.

Và những cuộc bắt bớ trên đất Việt cũng gần giống như thế. Nhiều vị Thánh Tử đạo ViệtNambị hiểu lầm, thậm chí bị vu oan. Chẳng hạn trường hợp thánh Phaolô Hạnh. Sống ở Chợ Quán, Sài Gòn và làm nghề buôn bán, thánh nhân là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới gian hồ. Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân. Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: Họ tố cáo Phaolô Hạnh ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp. Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hòa ngày 28. 5. 1859.

Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn. Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là họ đan tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long. Sau cùng, ngày 5. 6. 1840, thánh Luca Loan bị chém đầu.

Các thánh Tử đạo ViệtNam, cách chung, tuy được đối xử tôn trọng hơn và cũng không bị hành hình để làm trò tiêu khiển như các thánh Tử đạo của Giáo Hội tiên khởi. Nhưng các hình phạt mà các thánh Tử đạo Việt nam phải chịu, vẫn là những hình phạt dã man, rất đáng sợ, rất đớn đau, và đáng thương tâm vô cùng. Vì muốn các ngài phải bỏ đạo, vua chúa, quan quyền đã ra lệnh đánh đập, không phải một lần, nhưng nhiều lần đến nỗi rách cả da thịt, ứa đầy máu, có lúc tưởng đã chết dưới những làn roi của những con người không một chút lương tâm. Có khi những vết thương do bị đánh đòn còn chưa kịp lành, các thánh Tử đạo ViệtNamđã bị lôi ra tiếp tục tra tấn. Các vết thương cùng những trận đòn tàn nhẫn ấy càng nhân lên sự đau đớn gấp bội. Đến lúc kết thúc cuộc đời, có khi vì tuổi già, sức yếu; hoặc không thể chịu nỗi cảnh áp bức của nhà tù, một số vị đã chết rũ tù. Đa số các thánh Tử đạo ViệtNambị xử trảm (chém đầu). Có trường hợp, vì lý hình run tay, nên chém rất nhiều nhát, đầu mới lìa cổ. Một số thánh Tử đạo khác bị thiêu sống (hình phạt thiêu sinh). Số khác bị xử giảo (dùng dây xiết cổ cho đến chết). Nhiều vị Tử đạo khác nữa bị xử lăng trì (phanh thây ra làm nhiều mảnh). Ví dụ thánh Augustinô Phan Viết Huy và thánh Nicôlas Bùi Đức Thể, trong ngày xử án, thống đốc Trịnh Quang Khanh và lý hình mang hai vị anh hùng đức tin ra cửa biển Thuận An. Trên một chiếc thuyền, họ đã trói cả hai vào cột chèo, thay vì chặt làm đôi (chặt ngang lưng), lý hình chặt đầu trước, sau đó chẻ thân thể làm bốn và quăng xuống biển làm mồi cho cá.

Một bản án lăng trì khác dành cho thánh Sampedro Xuyên, một Giám mục thừa sai đến từ Tây Ban Nha, thật kinh hoàng. Ngày 28. 7. 1858, sau khi đến pháp trường Bảy Mẫu, lý hình xô Đức cha Xuyên nằm sấp trên chiếu có phủ vải sẵn, trói chân tay thật căng vào bốn cọc ở bốn phía, thêm hai cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy. Năm lý hình cầm rìu, lần lượt thi hành nhiệm vụ. Họ chặt từng chân, từng cánh tay rồi mới chặt đầu. Máu tuôn lai láng đọng thành vũng.

Trong số các vị hiển thánh và chân phước được Giáo Hội tuyên phong, có một trường hợp bị xử vô cùng thương tâm. Thánh Marchand Du, linh mục thừa sai người Pháp, phải thụ án bá đao (xẻo đủ một trăm miếng thịt). Ngày 30. 11. 1835, cha được đưa ra pháp trường. Người ta cột chặt thân thể cha vào cọc và nhét đá vào miệng để cha không kêu la vì đau đớn. Dân chúng, những người xem xử án, bị đuổi lùi ra cách 30 thước. Sau một hồi trống hiệu, lý hình lột da trán cha Du, lật xuống để che mắt, rồi cắt từng mảnh thịt bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đớn đau, vị anh hùng đức tin của chúng ta giẫy giụa quằng quại, ngước mắt lên trời cao rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Nhưng lý hình vẫn tàn nhẫn tiếp tục xẻo đủ 100 miếng thịt như đã định. Cuối cùng, lý hình chặt đầu cha, rồi chẻ thân mình làm bốn và ném xuống biển, mất xác. Còn đầu của cha được đưa đi bêu ở nhiều nơi, rồi trả về kinh đô, bị bỏ vào cối giã nát và đem rắc xuống biển.

Đã nói đến các thánh Tử đạo, không thể nào ta không nhắc đến đức tin mà các vị ấy đã tuyên xưng bằng chính máu đào và bằng chính sự sống của mình. Một đức tin quá kiên trung, quá lạ thường mà mãi mãi người đời sau vẫn cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi chiêm ngưỡng các thánh Tử đạo ViệtNam. Bởi mấy trăm năm, dòng lịch sử của Giáo Hội ViệtNamđã cho ta cảm nhận trọn vẹn một chân lý thật lớn lao: Chính bàn tay Thiên Chúa đã hiện diện để nâng đỡ và lèo lái lịch sử Giáo Hội ViệtNam. Thật giống trường hợp các thánh Tử đạo tiên khởi, Tin Mừng chỉ mới đến với quê hương Việt nam khoảng nửa sau thế kỷ XVI, nghĩa là đức tin vừa chớm nỡ, vậy mà ngay sau đó, đã bị bắt bớ, bách hại. Những cuộc bách hại có lúc rất căng thẳng, có lúc nhẹ nhàng hơn theo từng giai đoạn, nhưng như thế cũng đủ để làm cho tinh thần đức tin bị lung lạc, suy yếu. Vậy mà điều đó đã không xảy ra. Càng ra sức bắt đạo bao nhiêu, càng có nhiều người anh dũng chết cho đức tin bấy nhiêu. Vua quan, một mặt ra sức bắt đạo dữ dội, mặt khác ra sức ngăn chặn sự phát triển của đạo, thì lại vô tình làm cho đức tin càng được dồn nén, càng được nung nấu, càng được khẳng định, nếu có dịp sẽ cháy bùng lên, và nhanh chóng lang tỏa mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào.

Các thánh Tử đạo không phải là những người quá khích tự đi tìm cái chết vì đạo, mặc dù điều đó có thể xảy ra. Các thánh càng không quá khích đến độ tự đi tìm cái chết để như một cách trả thù, một phương thế ngạo ngễ vua chúa. Trước sau như một, các ngài vẫn yêu mến quê hương, vẫn tỏ lòng tùng phục và kính trọng các cấp chính quyền. Không bao giờ các thánh Tử đạo quyên cầu nguyện cho vua quan. Dường như đối với các thánh, phải tìm mọi cách để các cấp chính quyền từ vua, quan, đến quân gặp được chân lý của Tin Mừng. Không quá khích đã vậy, ngược lại các Kitô hữu còn có thể chạy trốn cuộc bách hại. Nghĩa là các ngài vẫn tìm mọi cách để cố giữ gìn mạng sống của mình. Nhưng khi bị bắt, các ngài làm chứng tới cùng, theo Chúa Giêsu cho tới khổ nạn và chết. Như vậy, các thánh Tử đạo là những người khôn ngoan, tỉnh táo, vẫn rất yêu quý mạng sống của mình. Chấp nhận chết là vì hết cách, là bước cuối cùng, chỉ vì lòng yêu mến Chúa và muốn bảo toàn đức tin mà thôi. Từ thái độ sống đến cái chết của các thánh Tử đạo nói riêng, và của các Kitô hữu nói chung, chứng minh cho mọi người thấy rằng, chỉ có Thiên Chúa là trên hết, là cao cả, là tuyệt đối, vượt trên tất cả mọi sự quý giá. Dẫu là sự sống, điều mà mỗi người chỉ có một duy nhất mà thôi, mất là hết, mất là chấm dứt sự hiện diện đời đời, vẫn không thể sánh bằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội, là tất cả của vũ trụ. Từ sự hiểu biết về chân lý cao cả ấy, các thánh Tử đạo có một thái độ chọn lựa dứt khoát: Tin nơi Thiên Chúa đến cùng, dù phải hiến dâng cả mạng sống của mình. 

Không biết bạn có nhớ bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ phong thánh cho các thánh Tử đạo ViệtNamngày 19. 6. 1988? Đức Thánh Cha nói rằng: “Máu các Tử đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là ViệtNamthuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô” (số 6).

Đúng như lời Đức Thánh Cha, Giáo Hội ViệtNamthật hạnh phúc vì được thừa hưởng một kho tàng quý giá vô cùng. Kho tàng ấy không phải trả giá bằng tiền của, nhưng đáng giá máu của hàng trăm ngàn người Công giáo ViệtNam: KHO TÀNG ĐỨC TIN. Một kho tàng lớn lao, quý báu vô ngần và vững chãi như núi đá ngay từ những ngày đầu tiên, đã qua suốt bốn trăm năm và còn tiếp tục mãi về sau, chắc chắn sẽ không dễ gì mai một, càng không dễ gì lay chuyển. Bởi thế sự khôn ngoan của loài người là hãy nhìn vào tấm bia vàng đã sống hàng trăm năm ấy mà tiếp tục vung bồi, tiến tục dựng xây chứ đừng có thái độ thù nghịch, đừng có ác cảm.

Và chúng ta, những người Công giáo Việt Nam, hãy noi gương cha ông của mình mà sống đức tin và làm chứng cho đức tin ấy một cách ngoan cường trong cuộc đời hôm nay, để “đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai”. Và hôm nay, mừng lễ các thánh Tử đạo Việt Nam, nêu cao bài học mà các ngài để lại, không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Bởi thế, sống ơn Tử đạo hôm nay là biết chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng cho đức tin bằng sự hy sinh trong bổn phận, trong từng lời kinh nguyện, trong tất cả nếp nghĩ, nếp sống. Chính khi hiến thân sống ơn Tử đạo như thế, là lúc ta làm được điều mà các thánh ViệtNamđã làm: yêu quê hương, xây dựng quê hương, nhưng cũng biết mình là con cái của Cha trên trời. Bởi một lẽ không thể sai sót được: ĐỨC TIN LÀ MỘT NỀN TẢNG VỮNG CHẮC: “Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là ViệtNamthuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô”.

Lm. Vũ Xuân Hạnh