Xa-Tan Là Ai?

Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy!

Lần duy nhất trong đời, đức Giê-su trực tiếp gọi một người là Xa-tan, và người đó lại là Phê-rô, môn đệ ruột vừa được ngài ca ngợi và tin tưởng trao phó sứ mệnh lớn. Tại sao vậy?

Tôi vẫn quen nghĩ: danh xưng Xa-tan bỉ ổi chỉ nên dành cho những con người rất xấu xa, phạm đủ thứ tội, còn cám dỗ người khác phạm tội, và chống lại uy quyền của Thiên Chúa nữa. Trường hợp này, tôi thấy chẳng có một nét nào đáng để áp dụng cho Phê-rô hạn từ nặng nề đó; ngược lại là đàng khác, ông là môn đệ trung kiên nhất, ông là người nhiệt thành với Thầy mình nhất tới độ nhiệt liệt can gián Thầy khỏi gặp phải điều rủi ro. Thế thì, hoặc là đức Giê-su đã quá lời với ông, hay là tôi phải chỉnh lại quan niệm của mình về Xa-tan và tội lỗi.

Điều duy nhất để đức Giê-su gọi Phê-rô là Xa-tan là ông đã cố ngăn cản ngài thực hiện điều thực sự phải làm để chứng tỏ ngài là đấng Ki-tô. Trước đó khi tuyên xưng Thầy là đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sốngchắc hẳn Phê-rô vẫn chỉ lẩn quẩn trong quan niệm chung của nhiều người Do Thái (rất phổ biến vào thời đó do bối cảnh chính trị xã hội) là đấng Ki-tô, người được Thiên Chúa sức dầu tấn phong để giải thoát dân, phải là một vị oai hùng, hiển hách. Chính vì khái niệm đó nên ‘Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là đấng Ki-tô’. Kể từ đó một trong các nội dung quan trọng trong việc huấn luyện các môn đệ ngài chính là làm sao thay đổi được quan niệm của họ về đấng Ki-tô. Không dưới ba lần được Phúc Âm ghi nhận, ngài đã đề cập với các ông về một đấng Ki-tô ‘phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết…’ Bất cứ một động thái nào đi ngược lại việc chấp nhận diện mạo đấng Ki-tô như thế, ngài không thể bỏ qua, như trường hợp của hai anh em nhà Giê-bê-đê xin lửa bởi trời xuống đốt cháy làng mạc Sa-ma-ri vì đã không tiếp đón Thầy (Lc 9, 51-55). Đối với các môn đệ gốc Do Thái đã tin vào ngài thì việc chỉnh đổi này chính là một chuyển tiếp quan trọng từ Cựu Ước qua Tân Ước, từ một đấng Ki-tô thống trị qua một Ki-tô tự hiến và yêu thương. Tôi thiết nghĩ bài học này còn dài dài cho tất cả mọi môn đệ, cho hai môn đệ trên nẻo đường Ê-mau… và cho mọi Ki-tô hữu tới tận ngày nay.

Như vậy, cùng với việc chỉnh đổi khái niệm về đấng Ki-tô, hình như quan niệm về Xa-tan và tội lỗi cũng có một chuyển biến sâu sắc từ Cựu Ước qua Tân Ước. Đối với đức Giê-su, Xa-tan và tội lỗi không còn nặng về tính chống lại uy quyền và sự thánh thiện của Thiên Chúa cho bằng chống lại hay không chấp nhận một Thiên Chúa tự hiến cứu rỗi và xót thương. Đối với đức Giê-su, thâm chí người đàn bà tội lỗi ‘bị bẩy quỉ ám’ cũng không còn phải là đối tượng để loại trừ hay kết án. Tiêu chuẩn thánh thiện hay nhân đức, đối với ngài, không còn là trung thành nắm giữ các lề luật hay qui tắc luân lý nữa mà là mức độ mở lòng đón nhận tình yêu cứu độ. Sự khác biệt giữa thánh Phê-rô và thằng Giu-đa chính là ở điểm này, không phải trung thành cho tới chết, mà là biết mở rộng cõi lòng đón lấy ơn cứu rỗi của lòng xót thương. Bất luận con đường nào dẫn đến việc thâm sâu tiếp nhận lòng thương xót cứu độ đều đáng được đề cao và trân trọng, kể cả con đường ‘được tha nhiều nên yêu nhiều hơn’ (Lc 7, 36-50). Và như thế Xa-tan không còn là kẻ xâm phạm (và cám dỗ kẻ khác xâm phạm hay chối bỏ) sự thánh thiện hay uy quyền của Thiên Chúa, mà là kẻ ‘cản lối Thầy’, tức là ngăn cản (hay cám dỗ kẻ khác chối bỏ) kế hoạch tự hiến yêu thương ngài thực hiện. Như thế Xa-tan của Tân Ước không hiếm hoi, đức Giê-su cho thấy (như trường hợp Phê-rô) nó có thể xuất hiện ngay trong hàng ngũ được mệnh danh là cột trụ của Giáo hội, trong số các người được coi là môn đệ thâm tín nhất của ngài, “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Cũng tương tự, các ‘tiên tri giả’ mà ngài cảnh giác có thể là hạng người như thế. Tôi tự hỏi: có thể đôi khi tôi cũng nằm trong số Xa-tan đó chăng?

Lạy Thiên Chúa của đức Ki-tô Giê-su, trước mặt Chúa chỉ có một loại thiên thần duy và một sự thánh thiện duy nhất, đó là chấp nhận và cộng tác vào chương trình cứu độ đầy yêu thương. Xin cho con nhận thức, như Mẹ Maria, bước đầu tiên và căn bản của sự thánh thiện Tân Ước phải là khiêm cung nhìn nhận con người yếu đuối mình đề hoàn toàn rộng mở đón nhận và cộng tác với kế hoạch yêu thương. Xin cũng giúp con, linh mục của Chúa, đưa được nhiều người vào con đường thánh thiện đích thực này. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB