Chờ Đợi Giờ của Đức Kitô trong Hân Hoan

Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A

Hôm nay toàn thể Giáo Hội bước vào một năm phụng vụ mới. Năm này được đánh dấu bằng Mùa Vọng. Chúng ta có bốn tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng ngày Con Chúa giáng sinh làm người. Ngài được mệnh danh là vị cố vấn kỳ diệu đến để thiết lập một triều đại mới, triều đại của công lý, thái bình và thịnh vượng. Theo cách nói như bài đọc I của sách tiên tri Isaia là vào thời ấy, muôn dân sẽ lũ lượt kéo nhau tiến về nhà Chúa. Ngôi nhà này được xây dựng trên một ngọn núi cao hơn hẳn những ngọn đồi khác. Mọi người cùng đến để nghe huấn lệnh của Thiên Chúa. Một thời đại mới được mở ra và người ta không còn thấy cảnh chiến tranh chém giết nữa. Các khí giới được giải trừ và được chế tạo thành công cụ phục vụ cho việc tăng gia sản xuất.adventcandle

Câu hỏi được đặt ra là khi nào triều đại này sẽ đến ? Về phía mình, chúng ta phải làm gì để được đón nhận vào vương quốc của tình yêu, hoan lạc và bình an ? Chúng ta sẽ thấy được câu trả lời cho những trăn trở này qua hai bài đọc và Thánh Vinh đáp ca nói chung và bài Tin Mừng theo thánh Luca nói riêng.

Trong thực tế, Đức Giêsu đã đến trong trần gian này lần thứ nhất. Vì vậy để kỷ niệm biến cố giáng sinh, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hướng đến ngày Đức Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang cùng với các thiên thần lần thứ hai. Ngày ấy sẽ xảy ra một cách bất thình lình. Nó giống hệt như thời ông Nôê trước đây. Khi ấy, mọi người vẫn cứ lo ăn uống, vui chơi, dựng vợ gả chồng mà không hề biết là ngày đại họa đang đến kề bên. Ngày Chúa đến cũng được ví như giờ của kẻ trộm trong đêm mà chủ nhà không thể ngờ và như vậy chưa có hành động gì để kịp thời ứng phó.

Do đó, chúng ta cần phải sẵn sàng từng giây phút trong ngày đời của mình. Mặc dù ngày Con Người đến được ví von giống như giờ kẻ trộm, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn trái ngược với bản chất gian manh và xảo quyệt của tên trộm. Thực chất, Đức Giêsu khai mở một triều đại công chính, tình thương và vĩnh hằng. Ngài là một nhân vật quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta mà mỗi người cần đón tiết và chuẩn bị chu đáo cho ngày đón tiếp ấy. Được vào vương quốc này là một sự ước ao khao khát của mỗi chúng ta, và cần phải phấn đấu suốt cả cuộc đời của mình, phải đánh đổi tất cả để có thể được vào nơi ấy. Chính Đức Giêsu đã ví vương quốc này như viên ngọc quý mà người lái buôn khi khám phá ra đã không ngần ngại bán hết gia tài của mình để mua cho bằng được viên ngọc ấy. Khi khác, Người cũng ví nước này giống như thửa ruộng có chứa một kho báu mà người phát hiện ra nó cũng đã tìm mọi cách để tậu lấy cho mình thửa ruộng trị giá này (x. Mt 13, 44-46).

Tâm tình khao khát mong mỏi ngày ấy của chúng ta phải được biểu lộ bằng tâm tình phấn khởi vui tươi của dân Chúa khi trẩy hội đền thời Giêrusalem : « Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : « Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa ». Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi » (Tv 122 (121), 1-2). Quả thật, chúng ta là những khách hành hương đang trên đường lữ thứ trần gian để tiến về thiên quốc.

Cũng để chuẩn bị cho ngày ấy, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã khuyên nhủ một cách cụ thể hơn, đó là rời bỏ nếp sống cũ của ăn uống say sưa, của thú vui xác thịt, để chọn cho mình đời sống mới phù hợp với thời của ơn cứu độ vốn đang đến gần hơn khi trước. Trọng tâm của đời sống này là mặc lấy Đức Kitô. Khi đã có Ngài trong mình, chúng ta sẽ được biến đổi từ tư tưởng, lời nói, hành động và cả cái nhìn đầy yêu thương lạc quan. Mặc lấy Ngài, chúng ta được mời gọi sống như Ngài đã yêu thương chúng ta. Mặc lấy Ngài là chúng ta được mời gọi thi hành sứ vụ của Người trao phó để loan Tin Mừng cứu độ và làm rạng danh Thiên Chúa. Mặc lấy Ngài là chúng ta tin tưởng vào chiến thắng tội lỗi và sự chết của Con Thiên Chúa và nhờ đó, chúng ta chờ đợi ngày mình sẽ được quy tụ bên bàn tiệc của Con Chiên trong nước trời.

Chờ đón Chúa đến không có nghĩa là chờ đợi trong thụ động. Mỗi ngày sống, chúng ta ý thực được giờ của Chúa đang đến gần hơn trước kia. Quỹ thời gian còn lại giúp chúng ta chuẩn bị tươm tất tâm hồn để đón chờ ngày hồng phúc mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Thời gian ấy giúp ta chuẩn bị một món quà xứng đáng để dâng lên cho Đấng sẽ đến một lần nữa nhân danh Thiên Chúa, trong khi nghe lời khích lệ tràn đầy niềm vui khôn xiết : « Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc. Hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã được chuẩn bị cho các ngươi từ thuở đời đời » (Mt 25, 34). Đó chính là ý nghĩa và tâm tình của Mùa Vọng mà Giáo Hội mời gọi chúng ta khám phá và sống.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng