Chúa Luôn Đồng Hành với Chúng Ta

Chúa Nhật XII Thường Niên năm B

jesus-tempestade-04

 

Sau khi kết thúc những loạt bài giảng về các dụ ngôn, Chúa Giêsu cùng với các tông đồ rời bỏ ven biển hồ Galilê lên thuyền đi sang “bờ bên kia”. “Bờ bên kia” chính là thành Gêrasa. Đây là vùng có đông dân cư là người ngoại. Trong khi thuyền đang lướt sóng, thì bổng chốc “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Thấy cảnh tượng đó, Thánh Phêrô sợ hãi, đánh thức Chúa dậy : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “. Chúa Giêsu chổi dậy, chỉ phán một lời “Im đi, câm đi”. Gió liền tắt, biển lặng như tờ.

Phép lạ này cho chúng ta thấy quyền phép của Chúa Giêsu. Ngài chính là Thiên Chúa. Vì chỉ có Thiên Chúa mới truyền cho gió yên, biển lặng. Con người bình thường không thể làm được điều đó. Phép lạ này cũng kêu mời chúng ta tin tưởng phó thác vào Chúa, nhất là khi gặp thử thách gian nan.

Tại sao Chúa trách các tông đồ chưa có lòng tin? Theo tin mừng Marcô, trước biến cố này, các tông đồ đã từng chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm. Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ ám (Mc 1,21-28). Phép lạ Chúa Giêsu chữa nhạc mẫu ông Simon(Mc 1,29-31). Phép lạ Chúa Giêsu còn chữa cho nhiều người (Mc 1,32-34). Phép lạ Chúa Giêsu chữa người bị phong hủi (Mc 1,41-45). Phép lạ Chúa Giêsu chữa người bị bại liệt (Mc 2,1-12). Phép lạ Chúa Giêsu chữa người bị bại tay (Mc 3,1-6). Chứng kiến nhiều phép lạ như thế, đáng lẽ các tông đồ phải tin tưởng vào Chúa. Các ông không lo sợ khi có Chúa ở cùng. Nhưng các ông vẫn lo sợ, chứng tỏ các ông chưa có lòng tin. Các ông vẫn chưa tin vào quyền năng của Chúa. Cho nên, Chúa trách các ông “chưa có lòng tin”. Dẫu sao, sau khi phép lạ xảy ra, các ông xác tín hơn niềm tin của mình vào Chúa Giêsu. Bằng chứng là các ông hỏi nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Hỏi tức là trả lời. Chỉ có Chúa là Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó.

Qua đó cho chúng ta thấy, tuyên xưng đức tin khi bình an, sau khi chứng kiến phép lạ thì rất dễ. Nhưng tuyên xưng đức tin trong đau khổ, trong khi gặp hoạn nạn rủi ro thì không dễ chút nào.

Hội Thánh như con thuyền vượt biển thế gian, luôn gặp sóng to gió lớn là sức chống phá của ma quỷ và tay sai của chúng. Nhìn lại lịch sử Giáo hội chúng ta thấy rõ điều đó. Sự bách hại Giáo hội thời sơ khai. Sự bách hại Giáo hội khắp mọi nơi qua mọi thời đại. Sự bách hại Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ đầu. Tuy vậy, Giáo Hội luôn đứng vững và phát triển. Bởi vì, Giáo Hội là của Chúa. Chúa luôn can thiệp và đồng hành với Giáo Hội.

Gia đình, bản thân mỗi kitô hữu chúng ta cũng giống như con thuyền vượt biển thế gian. Có những lúc bình an. Có những lúc gặp sóng to gió lớn. Thử thách về đức tin. Thử thách về đời sống gia đình. Chúng ta có vượt qua được “những cơn cuồng phong” hay không là tuỳ thuộc vào chúng ta. Nghĩa là, trong thử thách, đau khổ, hoạn nạn rủi ro, chúng ta có cầu xin Chúa cứu giúp chúng ta không? Chúng ta có tin tưởng vào quyền năng của Chúa không? Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức riêng của mình, hay dựa vào một thế lực khác ngoài Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Còn nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, tin tưởng phó thác vào Chúa chúng ta sẽ được Chúa cứu giúp. Mặc dầu có những lúc chúng ta cảm thấy như Chúa đang ngủ.

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.

– Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng… anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

– Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu…anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: “Khi con thành công, hạnh phúc…Chúa lại đồng hành với con, đi với con…Nhưng khi con thất bại, đau khổ…những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”. Chúa Giêsu trả lời: “Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con”.

Ngày kia, sau khi đã thoát khỏi sự cám dỗ nặng nề Thánh nữ Cartarina Sienna đã hỏi Chúa:

– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải chiến đấu. Chúa Giêsu đã trả lời:

– Ta ở bên cạnh con để giúp đỡ con.

Lạy Chúa, Chúa luôn ở bên cạnh chúng con, đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường trần thế. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Chúa luôn cứu giúp chúng con trong cơn gian nan khốn khó. Chúng con hết lòng cám ơn Chúa. Xin cho chúng con hằng tin cậy phó thác vào quyền năng vô cùng của Chúa. Amen.

Lm. Antony Trung Thành