Chuẩn Bị Đón Chúa

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C
(Lc 21,25-28.34-36)

Tất cả chúng ta không những biết mà còn xác tín : khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã sống theo thân phận con người, và chính vì sống theo thân phận con người, nên Chúa cũng tuân theo những định luật truyền thông giữa con người với nhau. Mà con người thì sống trong thời gian, nên chỉ có thể khám phá ra chiều cao và chiều sâu của mầu nhiệm Đức Ki-tô khi diển tả mầu nhiệm đó ra trong thời gian. Vì thế, chẳng ai lạ gì khi thấy phụng vụ Ki-tô giáo cũng diễn ra theo nhịp ngày giờ năm tháng, nghĩa là Giáo Hội đã chia năm phụng vụ ra nhiều mùa khác nhau tương ứng với những biến cố và những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Đức Ki-tô. Mỗi mùa phụng vụ trình bày một biến cố, một giai đoạn của cuộc đời Chúa, với mục đích đồng hóa tâm hồn chúng ta với công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Hôm nay bắt đầu một năm phụng vụ mới, và mùa khai mạc năm phụng vụ được gọi là Mùa Vọng. Thời gian Mùa Vọng dài bao lâu ? Vào thế kỷ IV, ở Tây Ban Nha và Pháp, thời gian này là ba tuần lễ. Còn ở Rô-ma dài gắp đôi, sáu tuần lễ. Nhưng đến khi Đức Giáo Hoàng Gờ-rê-gô-ri-ô cả canh tân phụng vụ, ngài đã qui định rõ Mùa Vọng gồm bốn tuần, hay đúng hơn là bốn Chúa nhật như ngày nay.

Mùa Vọng là mùa trông đợi, là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến. Như vậy, Mùa Vọng trước hết có nghĩa là một thời gian chuẩn bị đạo đức để mừng lễ Chúa giáng sinh. Đối tượng chính của Mùa Vọng là chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh. Nhưng đến thế kỷ VII, Mùa Vọng lại thêm một đối tượng nữa : thời gian chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh cũng là thời gian trông đợi Chúa Giêsu tái giáng để phán xét nhân loại. Do đó, đối với chúng ta ngày nay, Mùa Vọng là mùa nhắc lại thời gian nhân loại đợi chờ Đấng Cứu Thế, và cũng nói lên niềm chờ đợi của Giáo Hội hôm nay : đợi Đức Ki-tô đến lần thứ hai khi lịch sử hoàn thành để phán xét nhân loại. Đồng thời với mỗi người, Mùa Vọng cũng là để nhắc nhở chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón tiếp Đức Ki-tô trong mỗi ngày của đời sống, và đặc biệt trong ngày chết khi Ngài đến đưa chúng ta về với Ngài. Tóm lại, khi dạy chúng ta sống trong tâm trạng đợi chờ của Mùa Vọng, Giáo Hội muốn chúng ta chuẩn bị tâm hồn tốt đẹp để kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất, để mừng Chúa giáng sinh một cách thánh thiện; đồng thời Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta những lời khuyên dạy của Chúa là hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng để đón chờ Chúa đến lần thứ hai. Việc Chúa đến lần thứ hai này thường được hiểu là ngày tận thế, ngày Chúa phán xét toàn thể nhân loại. Vì thế, Lời Chúa của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng cho chúng ta biết về ngày Chúa quang lâm, Chúa tái giáng, Chúa đến lần thứ hai, ngày cánh chung, ngày tận thế. Điều quan trọng nhất chúng ta cần ghi nhớ là ngày ấy sẽ đến rất bất chợt, bất ngờ, đột ngột. Giống như cái lưới chụp xuống bầy chim sẻ đang ăn hay chụp xuống đàn cá đang nhởn nhơ dưới nước thế nào thì biến cố tận thế cũng sẽ chụp xuống mọi người trên mặt đất như vậy. Không ai biết được ngày đó là ngày nào, chỉ một Thiên Chúa biết mà thôi. Một mình Ngài quyết định khi nào Ngài trở lại lần thứ hai, và chỉ khi nào ngày đó xảy ra thì người ta mới biết được, chứ không ai biết trước. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ mọi quan niệm, mọi dư luận cho rằng năm này năm kia sẽ tận thế.

Không nói đến những sự kiện đã xảy ra xa xưa, chỉ gần đây thôi cũng đã có nhiều sự kiện tôn giáo đáng suy nghĩ. Hồi cuối tháng 10 năm 1992, hàng chục ngàn người Hàn quốc thuộc một giáo phái đã tụ tập tại hơn 150 nhà thờ ở nhiều nơi trong nước để chuẩn bị đón Chúa Kitô tái lâm và phán xét thế gian. Theo giới lãnh đạo của giáo phái này : ngày tận thế sẽ xảy ra vào đúng nửa đêm 28-10-1992. Các tín đồ của giáo phái này trưng nhiều biểu ngữ với câu : “Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên trời”. Trong khi đó, hàng ngàn cảnh sát Hàn quốc được đặt trong tình trạng báo động trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu tận thế không xảy ra. Một cuộc tự sát như thế có thể xảy đến, bởi vì nhiều người đã bỏ tài sản, gia đình để chuẩn bị cho biến cố này. Thế nhưng, cuối cùng tận thế đã không xảy ra, nên giáo phái này đã tự động giải tán.

Một biến cố tương tự đã xảy ra tại bang Tếch-sát, Hoa Kỳ. Một thanh niên tên là Đa-vít Co-rét, chưa học hết bậc trung học, đã tự xưng là chiên Thiên Chúa. Không riêng gì tại Hoa Kỳ mà nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới, đã tìm đến Co-rét với hy vọng tái lập lại dòng dõi của Đa-vít. Niềm tin vào một ngày tận thế gần kề cũng là điểm nổi bật trong giáo lý của Đa-vít Co-rét. Có lẽ niềm tin vào ngày tận thế đã đưa đoàn chiên do Co-rét quy tụ đến một cái chết thảm thương : ngày 19 thánh 4 năm 1993, sau 51 ngày cảnh sát vây hãm vì tình nghi có cất giữ vũ khí bất hợp pháp, Co-rét đã đốt lửa thiêu hủy luôn cơ sở của giáo phái làm cho trên 80 người thiệt mạng.

Đông Tây, ở thời nào cũng có những người loan báo về ngày tận thế. Nhưng có một ngày tận thế không ? Ngày tận thế sẽ diễn ra như thế nào ? Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ nói đến những dấu hiệu báo trước biến cố tận thế, Chúa không nói rõ khi nào. Cho nên, bất cứ ai quả quyết hay phỏng đoán năm này năm nọ sẽ tận thế là hoàn toàn không đúng. Tuy nhiên, Chúa khẳng định Chúa sẽ đến trong vinh quang, nghĩa là chắc chắn sẽ có tận thế. Vì vậy, Chúa bảo chúng ta phải sống thế nào : phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Chúng ta phải tỉnh thức, nghĩa là đừng để cho những cái tạm thời, trần tục chi phối, làm lu mờ tâm trí, làm quên chủ đích chính của cuộc đời. Trái lại, phải sử dụng những cái đời tạm này để chiếm được đời sống vĩnh cửu. Rồi chúng ta phải cầu nguyện, nghĩa là chu toàn mọi bổn phận tôn giáo đối với Thiên Chúa, để sống thân mật với Chúa và xin Chúa những ơn trợ giúp cần thiết, vì không có ơn Chúa chúng ta không thể làm gì được. “Không thầy đố mầy làm nên”, không có Chúa chúng ta chẳng làm nên chuyện gì cả.

Trích Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm C

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.