Con Đường Lên Trời của Đức Mẹ


          Đức Mẹ Maria đã lên trời. Tất cả hồn xác Đức Mẹ đang trên cõi trời đầy tràn hạnh phúc. Cõi trời nói đây chính là thiên đàng.

Đức tin dạy tôi thiên đàng là nơi dành cho những người được Chúa thưởng. Chết rồi, mà không được vào đó thì sẽ phải khổ vô cùng. Vì thế, tôi rất muốn sẽ được lên Trời.

Tôi xin Đức Mẹ giúp tôi, để có ngày cũng được Chúa cho phép lên Trời, sẽ cùng Đức Mẹ hưởng phúc trường sinh.

Đức Mẹ nhận lời. Đức Mẹ dạy tôi hãy đi theo con đường mà Mẹ đã đi. Con đường Mẹ đã đi có những đặc điểm sau đây.

Đặc điểm thứ nhất là khiêm nhường.

Sự khiêm nhường của Mẹ được nhận thấy rất rõ trong thái độ Mẹ bối rối sợ hãi trước lời chào của Đức Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel. Mẹ luôn nhận mình hèn yếu, nên khi thấy Chúa đoái  nhìn đến phận hèn sâu thẳm của mình, Mẹ rất sợ hãi và bối rối. Những lời trấn an “Đừng sợ” của Đức Tổng Lãnh Thiên Thần càng làm cho Mẹ nhận thấy mình bất xứng.

Nhận thức mình bất xứng, nên, sau khi hiểu ý Chúa muốn mình mang thai Đấng Cứu Thế, Mẹ chỉ biết nói lời Xin vâng, với tư cách một nữ tỳ hèn mọn.

Đức tính khiêm nhường của Đức Mẹ chính là vẻ đẹp cao quý, để xứng đáng đón nhận Đấng Cứu Thế là Đấng khiêm nhường. Đức Kitô khiêm nhường đến cùng độ, như thánh Phaolô đã viết:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa,

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).

          Đức Giêsu Kitô khiêm nhường, là con của Đức Mẹ Maria khiêm nhường, Người đã không ngại cho biết sự khiêm nhường là đặc điểm của mình, khi Người quả quyết: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Sau này, Hội Thánh đã quả quyết điều này: Sở dĩ loài người sa ngã được nâng lên, chính là nhờ Đức Giêsu Kitô khiêm nhường hạ mình xuống. “Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên” (Lời nguyện nhập lễ, thứ hai, CN IV Phục Sinh).

Như vậy, khiêm nhường là một đặc điểm đầu tiên kể như cần thiết của con đường Đức Mẹ đã đi, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa và để lên Trời. Suốt đời trên trần thế, Đức Mẹ đã bước những bước khiêm nhường. Một thứ khiêm nhường không những sâu đậm trong lòng, mà cũng rất cụ thể bên ngoài. Cụ thể như lối sống khó nghèo, vất vả với những người lam lũ, âm thầm giữa những người thấp kém.

Đặc điểm thứ hai là tin vào Lời Chúa.

Đức Mẹ tin vào Lời Chúa, đó là điều thánh Isave đã nói với Đức Mẹ khi bà được Đức Mẹ đến viếng thăm: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

Tin vào Lời Chúa, đó là việc Đức Mẹ thực hiện thường xuyên, không phải trong những hoàn cảnh đặc biệt, mà là trong đời sống thường ngày.

Thường ngày, Đức Mẹ sống tám mối phúc mà Chúa Giêsu giảng trên núi. Khi sống nghèo khó, hiền lành, xót thương, trong sạch, xây dựng hoà bình, Đức Mẹ tin Chúa thấy, Chúa ghi và Chúa thưởng như Chúa đã hứa.

Sự tin vào Lời Chúa như vậy trong đời thường đã mở lòng Đức Mẹ, để đón  nhận được tình thương vô vàn của Chúa. Đức Mẹ nhận thấy mình được Chúa yêu thương, được Chúa kêu gọi, được Chúa thánh hoá, được Chúa sai đi.

Sống như thế là một dấu chỉ có Chúa ngự trong Đức Mẹ. Có Chúa trong mình, đó là một hạnh phúc tuyệt vời. Niềm tin lúc đó đã trở thành sự sống.

Tin vào Chúa trong đời thường sẽ giúp Đức Mẹ tin vào Chúa trong những thử thách cam go khác thường trên đường theo Con mình vác thánh giá và bị đóng đinh trên thánh giá.

Đặc điểm thứ ba là chịu đau khổ.

Dịp Đức Mẹ và thánh Giuse tiến dâng hài nhi Giêsu trong đền thờ, tiên tri Simeon đã nói với Đức Mẹ rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35).

Với những lời tiên tri trên đây, chúng ta thấy nỗi đau của Đức Mẹ là rất khủng khiếp. Đau tận đáy tâm hồn. Đau với vết thương sâu trong trái tim bị đâm thâu qua.

Căn cớ làm cho Đức Mẹ đau đớn như thế chính là tội lỗi loài người.

Nhiều người đã từ chối, không đón nhận Đấng đến để cứu chuộc họ. Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,10-11).

Nhiều người không những đã từ chối Chúa Giêsu, mà còn ghét bỏ và chống đối Người. Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly đã nói: “Giả như Thầy không đến và không nói với họ, họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể chữa tội được. Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy. Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay họ thấy rồi, mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy” (Ga 15,22-24).

Đau đớn vì tội lỗi của nhân loại, nhất là của những người được nhiều ơn Chúa, đó là một sự nhạy bén đặc biệt, mà chỉ ai có lòng mến Chúa yêu người thực sự tha thiết mới có được.

Do sự thường xuyên chịu đau đớn như vậy, vì mến Chúa yêu người, Đức Mẹ đã trở thành của lễ, một của lễ hy sinh chính mình, để góp phần vào của lễ Chúa Giêsu dâng trên thánh giá. Đó là bác ái ở đỉnh cao nhất. Mọi việc bác ái khác, như việc Đức Mẹ đi thăm viếng bà Isave, và như việc Đức Mẹ xin Chúa làm phép lạ ở tiệc cưới Cana, đều xuất phát từ bác ái biến thân mình làm của lễ.

Đặc điểm thứ bốn là suy niệm.

Phúc Âm thánh Luca viết: “Riêng Mẹ, Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).

Ghi nhớ của Đức Mẹ không phải là lưu trữ các kỷ niệm, nhưng là khám phá ra những sự kỳ diệu của thánh ý Chúa trong các biến cố xảy ra cho Đức Mẹ.

Nhìn lại đời mình, Đức Mẹ không khỏi bỡ ngỡ nhận ra những ơn Chúa đã ban cho mình. Bỡ ngỡ nhiều nhất là khám phá thấy một trật tự mới về các giá trị. Trật tự mới này được Đức Mẹ nói lên trong bài ca “Ngợi khen Chúa”.

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng,

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư.

Người giàu có, lại đuổi về tay không” (Lc 1,50-53).

          Một trật tự mới hết sức quan trọng mà Đức Mẹ thấy chính là điều răn mới tức là điều răn yêu thương. Phải yêu thương như Chúa yêu thương. Khám phá của Mẹ về yêu thương như Chúa yêu thương đã giúp cho Mẹ nhận thánh Gioan và Hội Thánh Chúa làm con của Mẹ. Mẹ đã qua đời trong tình yêu thương tha thiết ấy.

Tới đây, tôi nhận thấy con đường mà Đức Mẹ đã đi để lên Trời là con đường không dễ dàng. Không dễ dàng đối với Đức Mẹ. Càng không dễ dàng đối với tôi. Tôi phải cầu nguyện nhiều, tỉnh thức nhiều, phấn đấu nhiều. Dù vậy, chắc chắn tôi vẫn còn vô vàn yếu đuối. Vì thế, điều căn bản cần thiết nhất đối với tôi là phải rất khiêm nhường tin vào lòng thương xót Chúa. Tôi làm tất cả những việc đó cho tôi và cũng cho những người khác, để họ cũng được lện Trời với Đức Mẹ.

Ngoài ra, khi đi trên con đường về Trời để gặp Đức Mẹ, tôi sẽ hết sức xa tránh tham gia vào bất cứ thái độ nào xúc phạm đến Đức Mẹ. Như lợi dụng danh nghĩa Đức Mẹ để chia rẽ, để lừa dối. Cũng là xúc phạm đến Đức Mẹ, khi cầu khấn Đức Mẹ, nhưng vẫn tiếp tục phạm tội.

Sau cùng, tôi không quên đối phó với Satan. Rất đông quỷ dữ không ngừng quấy phá những ai đi theo Đức Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin thương dẫn dắt con về Trời. Tình hình hiện nay là rất phức tạp và con thì rất yếu đuối. Nhưng nếu Mẹ thương giúp con, con tin thế nào con cũng sẽ được lên Trời với Mẹ.

+ ĐC GB Bùi Tuần