Con Người Sẽ Đến

Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C

(Gr.33, 14-16; 1Tx.3, 12-4, 2; Lc.21, 25-28. 34-36)

Mùa vọng, thời gian mong chờ Chúa đến.

Chúa đã đến

Ngày xưa mỗi khi dân Do Thái bị các dân tộc láng giềng xâm lăng đàn áp, trong cơn cùng quẫn họ kêu cầu cùng Chúa, và Chúa đã sai người đến giải cứu họ. Đấng mà Chúa gởi tới, được gọi là Đấng Thiên Sai (Massiah, Kitô), Đấng được xức dầu để thực hiện sứ mạng Thiên Chúa trao. Trong lịch sử dân Do Thái, Môsê và các thẩm phán như Samson, Đêbôra, Samuel là các vị Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ.

Thời của Đức Giêsu, người Do Thái cũng đang bị người Roma đô hộ, nên họ cũng mong chờ Thiên Chúa sai Đấng Cứu Tinh để giải phóng họ. Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, được sai tới không chỉ để cứu giúp dân Do Thái mà thôi, mà còn giải phóng cứu giúp tất cả mọi người mọi dân nước; và không phải để giải phóng con người khỏi nô lệ chính trị, nhưng để giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi và ma qủy.

Ngài sẽ tới trong vinh quang

Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể để sống với con người, chia sẻ thân phận con người. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, không phải chỉ trong một thời gian, nhưng Ngài vĩnh viễn là người. Đức Giêsu là người thật, và là Thiên Chúa thật.

Ngài đã bị giết và đã sống lại, và vẫn ở với con người “Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt.28, 20) dù con người không thấy Ngài, nhưng có ngày Ngài “sẽ trở lại trong vinh quang”, nghĩa là, ngày đó con người sẽ thấy Ngài. Đó là ngày Ngài “quang lâm”, ngày tận thế, ngày có trời mới đất mới.

Kitô-hữu ngày nay không mong chờ Chúa tới “trong máng cỏ hang lừa” nữa. Máng cỏ hang lừa là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã tới và ở với con người, và mời gọi con người ngày nay cũng phải có thái độ mong chờ Thiên Chúa như người Do Thái ngày xưa mong chờ Chúa. Ngày nay kitô-hữu phải mong chờ Chúa tới trong vinh quang, ngày có trời mới đất mới, ngày Chúa giải phóng con người khỏi mọi hậu qủa của tội. Chính vì thế “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu độ đã gần đến” (Lc.21, 28).

Thái độ phải có khi chờ Chúa đến

Tôi có mong chờ ngày Chúa đến không? Nếu tôi không sống đúng như con Chúa, tôi sẽ không mong chờ Chúa đến. Nếu tôi bám víu vào những thực tại trần gian, tôi cũng không mong chờ Chúa đến.

Ngày của Chúa, không ai biết trừ Chúa Cha (Mc.13, 32). Nên chúng ta phải sẵn sàng chờ ngày Chúa tới trong vinh quang. Ngày đó không ai biết, và con người của mọi thời đại đã chờ, nhưng ngày đó vẫn chưa tới, và có một số người nghĩ rằng ngày đó không tới vào thời của mình. Cũng có thể như vậy, chúng ta không biết. Và như vậy, chúng ta đừng tin vào ai loan báo ngày đó tới. Họ có thể mạo danh thánh này thánh kia để nói, và có thể họ mạo danh nói rằng Đức Mẹ nói như vậy. Về điều này, Đức Giêsu cũng không biết và Đức Mẹ cũng không biết. Chúng ta không được nại vào uy quyền nào hơn Lời của Thiên Chúa, chúng ta không được tin vào ai hơn tin vào Đức Giêsu. Đức Giêsu đã nói không ai biết, vậy ai dám nói mình biết hoặc khẳng định ai đó biết?

Có thể vào thời đại tôi Chúa không “đến trong vinh quang”, nhưng Ngài vẫn tới với tôi trong giờ chết. Và giờ này ít ai biết được. Tôi không biết chính xác ngày giờ nào tôi chết. Một tích tắc trong tai nạn xe cộ, máy bay, chất nổ, v.v… Tôi phải sẵn sàng để đón Chúa tới với tôi vào giờ chết. Tôi có sẵn sàng nếu trong ba phút nữa Chúa gọi tôi về với Ngài không?

Chúa cũng có thể đến với tôi, gặp gỡ tôi vào giờ tôi thinh lặng cầu nguyện. Chúa có thể đến và hiện diện với tôi qua tha nhân, qua những người khốn khổ cần tôi giúp đỡ… Tôi có muốn gặp gỡ Chúa không, tôi có sẵn sàng đón nhận Chúa tới qua những biến cố thường ngày, và qua tha nhân không? Tôi có mong gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện không?

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Theo bạn, con người ngày nay có mong chờ Chúa tới không? Tại sao?
  2.  Qua việc xét mình hằng ngày, bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong ngày sống của bạn không? Xin bạn chia sẻ cách lượng giá ngày sống (xét mình) của bạn.
  3. Chúa tới, bạn được gì?

LM Phạm Thanh Liêm, SJ