Ðặc Điểm của Ðức Ái

Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C

(Ga 13,31-33a.34-35)

Cách đây chưa lâu, tôi được mời tham dự vào một buổi bàn cãi về vấn đề « Hiệp nhất các giáo phái kitô giáo ly khai », do một số các gia đình tổ chức. Buổi bàn cãi rất sôi nổi, và tôi còn nhớ ý kiến của một người phụ nữ đầy vẻ nóng nảy, nhìn về hướng tôi với những lời phát biểu như sau : « Các nhà thần học các ngài thật sự là những cái gông kìm hãm trên con đường tiến về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Với vô số các lý thuyết của mình, các ngài đã làm cho Kitô giáo trở nên quá phức tạp và mù mịt, đến nỗi – do chấp nhất vào các hệ thống và tư tưởng thần học trừu tượng – chính các ngài cũng không còn nhìn thấy được chân lý đơn sơ của Kitô giáo nữa ! Vâng, thật ra trọn vẹn niềm tin Kitô giáo chỉ có thể tóm tắt trong một câu hết sức đơn giản : Con người cần phải yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chính mình. Chính trên nền tảng này, chính trên giáo huấn rõ ràng và quan trọng này, sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu phải được thể hiện. Thế tại sao sự việc lại trở nên quá phức tạp như thế ? »

Và sau khi người phụ nữ vừa chấm dứt lời phát biểu của mình thì một tràng pháo tay tưởng thưởng của hầu hết mọi người hiện diện đồng loạt nổi lên ! Và tất cả mọi con mắt trong phòng đều căng thẳng và tò mò đổ dồn về phía tôi, như chờ nghe sự tự bênh vực và bào chữa của tôi trước một lời phê bình quá thẳng thừng như thế ! Và sự việc thiết tưởng không hề đơn giản chút nào ! Chính Ðức Giêsu cũng đã phát biểu những lời phê bình thẳng thắn như thế đối với các vị kinh sư và các nhà thần học ngày xưa, vào thời của Người, là những người cũng vì tự giam mình trong đủ các thứ luật lệ và giáo điều rườm rà nên không còn phân biệt và khám phá ra được đâu là điều chủ yếu và cao trọng nhất trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân nữa ! Vì thế, ngoài dự đoán của mọi người có mặt hôm đó, tôi đã tán đồng ý kiến của người phụ nữ đó : Bà ta có lý ! Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phủ nhận được những sự khác biệt và những rào cản quan trọng – nhiều khi khó lòng vượt qua – giữa các giáo phái thuộc Kitô giáo, cũng như giữa các kitô hữu.

talking-to-apostlesVâng, đức ái thực sự là trọng điểm có tính cách quyết định của Kitô giáo, là sự hoàn tất mọi lề luật ! Nhưng phải chăng đó là một điều đặc biệt ? Phải chăng giới luật đức ái – nhiều hay ít – không phải là nền tảng cho mọi tôn giáo ? Phải chăng chỉ Kitô giáo mới có thể sở hữu danh từ và giới luật đó cho một mình mà thôi ? Phải chăng chúng ta không tìm gặp giáo lý nền tảng đó trong Hồi Giáo, Phật Giáo và trong các tôn giáo lớn khác trên thế giới ? Mặc dù trong thực hành, mỗi tôn giáo áp dụng giới luật từ bi bác ái mỗi khác, theo nhân sinh quan và vũ trụ quan của tôn giáo đó, nhưng trên nguyên tắc, đã là một tôn giáo thì tôn giáo nào cũng đều luôn luôn nhắm tới đức ái để hành đạo.

Phải chăng là một thái độ mang vẻ trịnh thượng khi chúng ta nghe đọc trong bài Tin Mừng hôm nay những lời : « Thầy ban cho các con một giới răn mới » ? Và đâu là điều mới mẻ trong giới răn này ? Phải chăng danh từ « mới mẻ » ở đây được hiểu là : vì chúng ta thường hay quên giới luật nền tảng đó, nên cần phải luôn nhắc nhở lại ?

Chiếc chìa khóa để hiểu được ý nghĩa bài Tin Mừng nằm ở phần hai của câu nói mà chúng ta đang bàn tới : « …, như Thầy đã yêu thương các con » (Ga 13,34). Ðức Giêsu ban cho chúng ta một chuẩn độ mới, khi Người nói về đức ái, cũng như Người muốn cho người ta phải hiểu đức ái là gì, đó chính là Người: « Thiên Chúa là tình yêu ! »

Và ý nghĩa sâu xa là ở chỗ : Chính lúc Ðức Giêsu ban cho các môn đệ giới luật đức ái, thì Giu-đa Ít-ca-ri-ốt rời phòng Tiệc Ly ra đi, bấy giờ định mệnh của Ðức Giêsu đã được quyết định, bấy giờ nhân loại đã sẵn sàng phản bội, bắt trói, kết án, hành hạ và giết hại Người, và – như tất cả chúng ta đều biết – không vì bất cứ lý do một tội phạm nào, nhưng chỉ vì tình yêu xã kỷ và triệt để của Người đối với nhân loại. Cuộc khổ nạn thập giá của Ðức Giêsu đã mặc khải cho thấy đâu là tình yêu đích thực và đâu là tình yêu và tính cách nhân bản tạm thời hạn hẹp !

« Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con ! » Ðó là giới luật đức ái của Ðức Kitô. Nhưng để biết được các hành động và chính cuộc sống chúng ta còn cách xa với giới luật đó như thế nào, thì người ta có thể đọc thấy được qua thái độ dửng dưng và xa lạ của chúng ta trước cuộc sống đầy bác ái của bao vị thánh nhân, như : Phan-xi-cô As-si-si, Ma-xi-mi-li-an Kol-bê hay Mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ta, v.v…Ðức tin Kitô giáo của các ngài đối với chúng ta xem ra thái quá, hơi sôi nổi, không bình thường. Nhưng thực ra sự thật lại ngược lại : Ðức ái triệt để của các vị thánh nhân vạch trần quan điểm của chúng ta về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là : còn thiếu thốn hạn hẹp, chưa dứt khoát và chưa thành tâm !

Tất cả chúng ta đều biết rõ là cuộc sống và cách cư xử của chúng ta, những kitô hữu bình thường, hãy còn cách xa với chuẩn độ về đức ái mà chính Ðức Giêsu đã thiết đặt bằng chính sự sống và cái chết của mình. Vâng, chẳng những còn cách xa, nhưng trong thực tế, cái chuẩn độ về một đức ái triệt để như thế hầu như chỉ là một điều lý tưởng, nếu không nói là một ảo tưởng, khi so sánh với thái độ sống cụ thể của con người !

Mặc dầu thế, ở đây khi nhìn vào con người cụ thể người kitô hữu, tôi xin mượn phép định nghĩa rằng : Người kitô hữu là một người luôn nỗ lực vươn tới cái ảo tưởng về tình yêu đó. Theo ý nghĩa này, có lẽ ở đây câu nói của cố tổng thống Do-thái, David Ben Gurion (1886-1973), được áp dụng cho chúng ta, những kitô hữu : « Ai không có ảo tưởng, thì không phải là một người thực tế ! » Amen

LM Nguyễn Hữu Thy