Điều Chúa Liên Kết, Chớ Khá Phân Ly

Chúa Nhật 27 Thường Niên B

Mc 10, 2- 12

Trên hành trình tiến về Giêrusalem, sau khi rời bỏ Caphacnaum, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đến miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Thánh Máccô hẳn phải tinh ý lắm mới giúp cho chúng ta khám phá một điểm độc đáo trong Tin mừng của Ngài, đó là việc Chúa Giêsu đến miền Giuđa – nơi được xem là “thành đô Thiên Chúa” của người Dothái, nơi tập trung cư dân Dothái sống quanh thủ đô Giêrusalem để rồi từ chính nơi trung tâm tôn giáo này, Chúa Giêsu chạm trán với những người Pharisêu – những vị lãnh đạo về tinh thần và là thầy dạy của người Dothái với cái bẫy “gài sẵn” được giăng ra hòng đưa Chúa Giêsu vào tròng để có cớ kết án Ngài: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”. Chúng ta hãy xem giáo huấn của Chúa Giêsu xung quanh vấn đề này như thế nào.

Trước hết, chúng ta cùng xem quan điểm của Đệ nhị luật và của người Pharisêu về vấn đề ly dị ra sao. Một khoản luật về vấn đề ly dị được lưu truyền rất lâu trong dân Dothái có từ thời Môsê và được ghi lại trong sách Đệ nhị luật với đại ý là một người đàn ông đã lấy vợ, đã ăn ở với vợ rồi nhưng vì trong quá trình chung sống, xét thấy người vợ sống không tốt với mình hoặc thấy có điều gì không hay ở nơi nàng, thì người chồng được phép viết chứng thư ly dị, trao tận tay người vợ và đuổi nàng ra khỏi nhà (x. Đnl 24, 1-4). Người Dothái căn cứ vào đây để có thể tha hồ đối xử tệ bạc với người vợ của mình. Lý do là vì… đã có luật rồi nên cứ thế mà làm!

Đàng khác, vào thời Chúa Giêsu vẫn lưu truyền hai trường phái quan niệm khác nhau về vấn đề ly dị, một của trường phái Hillel và một của trường phái Shammai.

Trường phái Hillel là trường phái chủ trương tự do, cấp tiến. Họ chủ trương rằng được phép rẫy vợ với bất cứ lý do nào, cho dù chỉ một việc rất nhỏ – điều này rất hay xảy ra trong gia đình- làm chướng tai gai mắt “đức ông chồng” là có thể nhận được chứng thư ly dị và bị đuổi ra khỏi nhà ngay lập tức.

Trường phái Shammai, trái lại, chủ trương bênh vực quyền lợi của người phụ nữ đang bị xã hội của những người đàn ông thống trị. Trường phái này chỉ chấp nhận cho phép rẫy vợ trong trường hợp người vợ “mèo mỡ” hay nghi ngờ về lòng thuỷ chung.

Dù ở trường phái nào đi nữa, chúng ta thấy thân phận người phụ nữ, người vợ trong xã hội Dothái lúc bấy giờ rất hẩm hiu. Họ có thể bị đuổi ra khỏi nhà không biết lúc nào, đôi khi chỉ vì một bóng hồng nào đó lưới qua trong trái tim của đức lang quân cũng đủ để gây cớ cho nàng mất vai trò làm vợ, làm mẹ.

Người Pharisêu rõ ràng đã có đầy đủ lý chứng về vấn đề ly dị, nên khi đưa vấn đề này trình bày với Chúa Giêsu, họ tin chắc rằng Người sẽ sập bẫy. Bởi có chọn trường phái nào thì Chúa Giêsu cũng là người hoặc theo cấp tiến hoặc theo bảo thủ đối với lề luật thánh. Và như thế ai còn có thể tin, để rồi tuôn đến học hỏi nơi Ngài nữa.

Chúa Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi: “Thế ông Môsê đã dạy các ông điều gì?”. Hỏi câu hỏi này, Chúa Giêsu biết chắc rằng họ sẽ trả lời dựa vào lệnh truyền của Môsê đã được ghi trong Đệ nhị luật. Thế như đó chỉ là cái cớ để dựa vào đó, Ngài nại đến một thế lực cao trọng hơn luật Môsê để giải thích lề luật. Ở đây, Chúa Giêsu nại đến ý định ban đầu của Thiên Chúa được trích trong sách Sáng thế, đó là “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (St 1, 24) để từ đó, Ngài đưa đến kết luận : “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Như thế, người nam và người nữ phối hợp với nhau nên vợ nên chồng có một nền tảng vững chắc từ trong ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa. Đây là một nền tảng vững chắc nhất về hôn nhân của nhân loại. Từ nay dựa vào nền tảng này, có thể thấy được rằng hôn nhân của con người là cuộc hôn nhân mà ở đó khi đã kết hợp, người nam và người nữ sẽ trở thành “một xương một thịt”, làm thành một tế bào sống xuất phát trong tương quan tình yêu, giới tính và trách nhiệm.

Chính vì thế, chúng ta thấy rằng việc rẫy vợ dù có tạo ra bất cứ lý do gì vẫn không huỷ bỏ ý định ban đầu của Thiên Chúa cũng như tính cánh vĩnh viễn của mối dây hôn nhân. Nguyên tắc ở đây là sự miễn chuẩn (hôn nhân) không bao giờ huỷ bỏ luật căn bản- luật phát xuất từ thánh ý Thiên Chúa. Trong một xã hội mà ở đó gia đình luôn phải đương đầu với bao nhiêu thách đố: ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái,

Lời Chúa hôm nay – hơn bao giờ hết- đặt ra cho mỗi người Kytô hữu chúng ta một sự lựa chọn. Vẫn biết rằng gia đình- tự bản chất- là thánh thiêng nhưng đồng thời cũng rất mỏng giòn dễ đổ vỡ nên cũng rất cần được quan tâm chăm sóc và hướng dẫn của hết mọi người. Thiết nghĩ mục vụ về gia đình ngày hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta không chỉ chú trọng đến giáo lý về hôn nhân mà còn cần phải hướng dẫn cho những thanh niên thiếu nữ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình có được một kiến thức khả dĩ bao có thể, giúp họ vững tin hơn bước vào đời sống hôn nhân và ra sức xây dựng gia đình theo giáo huấn của Chúa và Giáo hội.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb