Đức Giêsu Giáo Huấn về Của Cải

Chúa Nhật XXVIII Thường niên B (Máccô 10,17-30)

1.- Ngữ cảnh

Trong chuỗi các sự cố xảy ra liên can đến dân chúng và giáo huấn ban cho các môn đệ, phân đoạn này phù hợp với Mc 10,1-12. Cũng như trong trường hợp ấy, ở đây, phần giáo huấn cho các môn đệ đã được thêm vào sau, bởi vì ta thấy truyện Người giàu có (cc. 17-22) tự nó đã kết thúc và được khoanh vùng rõ ràng.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành ba phần:

1) Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có (10,17-22);
2) Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ (10,23-27);
3) Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ (10,28-30).

3.- Vài điểm chú giải

– Đức Giêsu vừa lên đường (17): Ekporeuomenon autou eis hodon, ở dạng “thuộc-cách tuyệt đối” (absolute genitive), một lối hành văn rất quen thuộc của Mc.

– có một người chạy đến: Chỉ khi đến cuối câu truyện, ta mới biết anh này là một người giàu (10,22). Không có một ghi chú nào về tuổi của anh (x. Mt 19,20).

– quỳ xuống: Cử chỉ này cho thấy người này hết sức kính trọng Đức Giêsu (x. 1,40).

– Thưa Thầy nhân lành: Lời xưng hô kiểu này rất hiếm trong Do-thái giáo thời Đức Giêsu, cho dù từ “nhân lành” thường được áp dụng cho Thiên Chúa ở trong Cựu Ước (x. Tv 117/118,1; 1 Sb 16,34; 2 Sb 5,13). Nói chung, người Do-thái cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được coi là “nhân lành”, còn không ai khác là “tốt” cả (x. Rm 7,18). Tuy vậy, khẳng định này cũng không tuyệt đối, bởi vì thọ tạo cũng được mô tả là “tốt” (St 1,31). Phaolô cũng nói như thế về Lề Luật trong Rm 7,12.16. Đức Giêsu cũng có nói đến người “tốt” và kẻ “xấu”.

– tôi phải làm gì: Người này lấy mình làm điểm chuẩn: “tôi cần làm gì để thủ đắc sự sống đời đời”.

– sự sống đời đời (x. 10,30): Đây là công thức của Đn 12,2 (LXX), có thể hiểu là sự sống sau khi sống lại, không nhất thiết hàm ý “bất tử”. Có thể coi như đồng nghĩa với “Nước Thiên Chúa” (x. 9,43-47).

– Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa (18): Không thể giải thích là có một vực thẳm giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa, vì như thế thì quá mâu thuẫn với truyền thống Tin Mừng. Có thể coi đây là một phản ứng của Đức Giêsu nhằm trắc nghiệm người ấy hoặc một phương thức sư phạm nhằm gián tiếp giới thiệu về mình như là Con Người.

– anh biết các điều răn (19): Loạt các điều răn trong bài phần lớn được rút từ phần hai của Thập Điều (Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21), là phần nói về những quan hệ giữa người với người.

– đem lòng yêu mến (21; thì quá khứ aorist của agapaô): Hẳn là Đức Giêsu thấy anh này đơn sơ chân thành nỗ lực tìm cách quan hệ với Thiên Chúa nên đã tận tình giữ các điều răn; Người “đem lòng yêu mến” anh. Tình thương này đi đến chỗ gọi anh làm môn đệ.

– Anh chỉ thiếu có một điều: Dù anh đã cam đoan là giữ tất cả các điều răn từ thuở bé, Đức Giêsu bảo rằng anh vẫn “còn thiếu” (hystereô, manquer, to fail).

– hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo: Câu này nên hiểu như một thách đố Đức Giêsu đề ra cho anh này hơn là một nguyên tắc chung của đời sống ki-tô hữu hoặc thậm chí, nền tảng của một bậc sống đạo cao hơn. Người ấy không được hiểu rằng mình chỉ cần làm một điều tốt hơn, là được thừa hưởng sự sống đời đời! Đức Giêsu yêu cầu anh bỏ hết mọi điểm tựa an toàn để tín nhiệm vào bản thân và sứ vụ của Người: “Rồi hãy đến theo tôi”.

– anh ta có quá nhiều của cải (22): Anh đã hỏi, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu thật quá khó đối với anh.

– các môn đệ sững sờ (24): Các ông sững sờ kinh ngạc bởi vì Đức Giêsu vừa nhận định rất tiêu cực về của cải, trong khi các ông trung thành với truyền thống Do-thái giáo, coi của cải là một dấu chỉ về phúc lành của Thiên Chúa, với điều kiện là bố thí cho người nghèo. Thật ra, cái khó không nằm ở chính của cải, nhưng những cám dỗ chúng gây ra.

– con lạc đà …. lỗ kim (25): Mặc dù trong quá khứ, các nhà giảng thuyết và chú giải đã tìm ra một cái cửa nhỏ bên cạnh một cái cổng lớn ở tường thành Giêrusalem, mà một con lạc đà không thể đi qua, và mặc dù có một vài thủ bản nhỏ đọc là kamilos (sợi dây thừng) thay vì kamêlos (con lạc đà), chúng ta phải kết luận rằng đây là một ví dụ về lối nói ngoa, thậm xưng (x. Mt 23,24; Lc 6,41-42).

– đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được (27): Trước khi nói câu này, Đức Giêsu “nhìn thẳng vào các ông”, một công thức riêng của Mc để nêu bật tầm quan trọng của câu nói sau. Đức Giêsu nhấn mạnh tới quyền năng của Thiên Chúa và sự ký thác cậy dựa vào Thiên Chúa để được cứu độ.

– chúng con đã lìa bỏ mọi sự mà theo Thầy (28): “Lìa bỏ” (aphêkamen) ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi đã hoàn tất, còn “theo” (ekolouthêkamen) ở thì vị hoàn, để diễn tả một hành vi còn đang thực hiện.

– vì Tin Mừng (29): Chi tiết của riêng Mc, nhằm đồng hoá Đức Giêsu với Tin Mừng.

– sự ngược đãi (“bách hại”, 30): Đây cũng là một xác định riêng của Mc, để nói rằng bước theo Đức Kitô, là phải chấp nhận bị bách hại như Thầy mình đã từng bị bách hại.

– mà bây giờ, ngay ở đời này… và sự sống đời đời ở đời sau (30): Đức Giêsu hứa ban phần thưởng không chỉ vào đời sau nhưng ngay vào lúc này, khi các môn đệ được hưởng một tình bằng hữu phong phú về mặt xã hội và về mặt tôn giáo.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có (17-22)

Điều gì thật sự có giá trị? Điều gì thạt sự có ý nghĩa? Cuộc sống hiện tại kết thúc với cái chết. Người giàu đến găp Đức Giêsu xác tín rằng có một sự sống đời đời. Anh có nhiều của cải, anh biết cách lo liệu cho cuộc sống trần thế, nhưng cảm thấy có trách nhiệm đối với cuộc sống tương lai. Anh muốn sống cuộc sống trần gian thế nào để không mất chỗ trong cuộc sống vĩnh cửu. Anh rất tin tưởng đến gặp Đức Giêsu, và chờ đợi nhận được những lời khuyên tốt. Đức Giêsu chỉ cho anh các điều răn: ai muốn tôn trọng ý muốn của Thiên Chúa, thì đang ở trên đường dẫn tới sự sống đời đời. Người đến gặp Đức Giêsu đây đang đi đúng đường: anh đã giữ các điều răn từ thuở nhỏ. Lạ lùng là Đức Giêsu không cổ võ cách sống của anh mà bảo anh về, Người lại bảo anh tự giải thoát khỏi mọi của cải và đến đi theo Người. Người chỉ cho anh thấy một nôi dung và một lối sống hoàn toàn mới: anh phải đi theo Người mãi mãi, lắng nghe lời Người nói, nhìn xem các công việc Người làm, có đầy Thần Khí của Người, ở lại mãi mãi với Người, chia sẻ lối sống của Người. Sự hiệp thông liên tục với Người đưa anh đến chỗ hiểu thế giới và đời sống của Đức Giêsu và chuẩn bị cho anh đi vào trong cuộc sống đời đời, nghĩa là cuộc sống trong Nước Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Ở đây Đức Giêsu khẳng định rằng con đường mà Người đang theo được hướng dẫn bởi thánh ý Thiên Chúa cũng một cách trực tiếp và đảm bảo như các điều răn. Và Người cũng khẳng định rằng chính Người có khả năng dẫn đưa tuyệt đối chắc chắn đến sự sống đời đời. Và Đức Giêsu mời gọi anh làm cử chỉ như các môn đệ đầu tiên (x. 1,16-20; 10,28-30). Nhưng người giàu đã không hiểu lời mời gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng; anh muốn vừa bám vào của cải vừa đi theo Đức Giêsu. Sự kiện phải chọn lựa làm cho anh buồn rầu.

* Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ (23-27)

Đức Giêsu không nói ỡm ờ về sự khó khăn trong việc từ bỏ của cải. Thái độ sửng sốt của các môn đệ là dịp để Người nhắc lại giáo huấn: đến được Nước Thiên Chúa là chuyện khó khăn. Sự kiện các môn đệ được gọi là “con” (chỉ có ở đây trong TM Mc) cho hiểu rằng lời khẳng định được nhắm trực tiếp cho họ. Nhưng Đức Giêsu cất đi cho họ nỗi lo âu về tương lai khi quy hướng họ về Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, có những câu với nọi dung như thế: G 42,2; x. St 18,14; Dcr 18,6.

* Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ (28-30)

Trong câu trả lời cho Phêrô, Đức Giêsu cho thấy là người ta có thể đạt được sự sống này nếu liên kết với bản thân Người. Người nào siêu thoát với những liên hệ với của cải và với gia đình mình, mà gắn bó với Đức Giêsu, thì sẽ thấy mở ra trước mắt một chân trời các quan hệ bao la hơn. Một người đi vào trong gia đình những người đã liên kết với Đức Giêsu, thì gặp lại những của cải và các người thân thuộc của mình, nhờ đó đạt được một cuộc sống mới mẻ và phong phú hơn; đồng thời người ấy lại đang ở trên con đường chắc chắn đưa tới sự sống đời đời. Câu trả lời của Đức Giêsu hàm chứa Tin Mừng. Người cho thấy rằng nhờ trung gian là bản thân Người, người ta có thể đạt được sự sống hoàn toàn mới mẻ, một sự sống có giá trị không thể triệt tiêu.

+ Kết luận

Khuôn khổ trong đó bản văn hôm nay được đặt vào khiến chúng ta phải lưu ý: đây là những điều xảy ra trong cuộc hành trình Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để ở đó, Người cảm nhận sự từ bỏ đau đớn nhất, tức là cái chết. Giữa lần loan báo Thương Khó lần hai (9,30-31) và lần ba (10,32-34), chủ đề “Con đường” thúc bách chúng ta xem xét những điều kiện để theo Đức Giêsu và để được vào Nước Thiên Chúa: đó là sẵn sàng mở lòng ra đón tiếp, đồng thời sẵn lòng siêu thoát mọi sự để đi theo Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa có thể đưa đến những thiệt thòi trong cuộc sống hiện tại, nhưng nối kết chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, tức là với chính Thiên Chúa. Như thế, nền móng của sự sống vĩnh cửu đã được củng cố. Quả thật, chỉ từ sự kết hợp với Thiên Chúa, là Đấng Sống vĩnh cửu và tuyệt đối, mới trào vọt ra sự sống đời đời.

2. Mọi người được yêu cầu đặt việc bước theo Đức Giêsu, vì Người và vì Tin Mừng, trước tất cả mọi sự, thậm chí trước chính bản thân mình và sự trọng kính của người đương thời (x. 8,34-38). Tính mới mẻ triệt để của lời Đức Giêsu kêu gọi đi theo Người không hệ tại lời mời từ bỏ, nhưng hệ tại khả năng kết dệt một liên hệ mới, có được một nội dung mới cho cuộc sống.

3. Lời kêu gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng và thật ra là một đặc quyền cao cả: bởi vì, chẳng hạn, đặc quyền này đã không được ban cho người ở Ghêrasa sau khi đã được giải thoát khỏi ma quỉ (5,18t). Đức Giêsu mời gọi chúng ta tách mình khỏi của cải không phải để rồi chỉ còn hai bàn tay trắng, nhưng để chúng ta trở nên tự do và có khả năng liên kết với Người.

4. Ta chỉ có thể đạt tới sự sống đời đời nhờ đức tin, nhờ liên kết vô điều kiện và đầy tin tưởng vào Người. Nhờ hiệp thông với Đức Giêsu và với gia đình Người, ta nhận được sự sống đời đời như một ân huệ. Dây liên kết với Đức Giêsu không bị hủy diệt bởi cái chết.

Lm PX Vũ Phan Long,ofm