Giờ Chiến Thắng Vinh Quang

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

PalmSunday4

Đức Giê-su gọi giờ tử nạn là giờ Người được tôn vinh: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh (Gioan 13, 31)

Vinh quang ở đâu mà chỉ thấy bị bắt bớ, xét xử, bị vu cáo đủ điều, rồi lại bị kết án, bị đòn vọt, bị vác thập giá và cuối cùng là cái chết thảm thương ô nhục trên đồi Can-vê!

Vậy vinh quang của Chúa Giê-su ở đâu? Vì sao Chúa Giê-su gọi đây là giờ Người được tôn vinh?

Đối với người không am hiểu, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là một thất bại não nề; nhưng suy cho kỹ, cái chết đó là một chiến thắng rất oanh liệt và vinh quang.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung.

Đối diện với cuộc kết án bất công, đứng trước những thượng tế, kỳ mục muốn huỷ diệt mình cho bằng được, đối diện với đám đông cuồng nộ đòi đóng đinh kết liễu đời mình, trước những kẻ chế giễu nhạo cười với bao lời thách thức, đứng trước đội quân hành quyết dã man tàn bạo… Chúa Giê-su vẫn không may may oán hận! Người chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Người nhìn họ với ánh mắt thương xót, vẫn yêu họ bằng trái tim khoan nhân… Rồi vì sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của họ, Người tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23, 34). Đó là tâm tình đẹp nhất, cao thượng nhất trên cõi đời nầy.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng tính khiếp nhược và lòng tham sinh uý tử bằng sự dũng cảm rất cao cường.

Là người ai không sợ chết. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Người không bị khuất phục bởi cái chết. Người đã chổi dậy để dũng cảm đương đầu với nó. Người đã chấp nhận chết cách can trường và đã huỷ diệt sự chết để hồi sinh.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần.

Là người ai cũng sợ khổ và tìm cách lánh thoát khổ đau. Nhưng Chúa Giê-su đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp nhất cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng tính khiếp nhược của phận người.

***

Qua cách thức Chúa Giê-su đương đầu với cuộc khổ nạn, ta thấy không một thách thức nào làm cho Người lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Người khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Người nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Người. ..

Người thắng được bản năng tham sinh úy tử; Người vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Người thắng được lòng hận thù có thể bùng lên khi bản thân mình bị sỉ nhục và bị đối xử rất dã man và tàn ác… Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giê-su chiến thắng hoàn toàn bản thân mình, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.

Chiến thắng cả thiên hạ không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Chúa Giê-su đã thực sự chiến thắng bản thân mình, hoàn toàn làm chủ con người mình, bắt thân xác phải vâng phục tinh thần như chiên ngoan. Oai hùng thay! Vinh quang thay!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa vô cùng dũng cảm và hùng mạnh nên đã chiến thắng tử thần và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của nó, xin nâng đỡ chúng con là những kẻ đớn hèn khiếp nhược, đừng để chúng con chào thua trước tội lỗi cách dễ dàng nhưng giúp chúng con kiên cường chiến đấu chống lại tội lỗi và thói hư, để mai ngày được khải hoàn vinh quang như Chúa.

LM Inhaxiô Trần Ngà

Xin Làm Tiếng Gà Gáy Để Ủi An

Xin làm tiếng gà gáy để ủi an

Chúa nhật Lễ Lá

Mc 14, 1-15,47

Với Chúa nhật lễ lá, toàn thể Giáo hội bước vào tuần lễ Thánh- kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem, khai mở mầu nhiệm Vượt Qua, mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

“Hôsanna, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Giavê Thiên Chúa”- tiếng tung hô vang dội, những chiếc áo được trải ra để lót đường, những cành ôliu rung rinh trên tay của dân chúng trong ngày Chúa tiến vào thành thánh Giêrusalem,… tất cả trông giống như mừng cuộc chiến thắng khải hoàn của vị tướng và đoàn quân thắng trận. Nhưng không! Mỉa mai thay, đó lại là một khởi đầu cho cuộc khổ nạn đầy máu và nước mắt, một cuộc khổ nạn bi hùng nhất trong lịch sử nhân loại.

Xuyên suốt cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta thấy bao trùm lên đó là sự thinh lặng và cô đơn gần như tuyệt vọng của Chúa Giêsu. Nó hoàn toàn đối nghịch với những lời cáo tội “ngậm máu phun người” của hàng lãnh đạo Dothái giáo; tiếng hò la đả đảo của dân chúng; lời nhạo báng đầy mỉa mai của binh lính cùng với tiếng va chạm của gươm giáo trong vụ án kinh thiên động địa này. Thật thế, nổi cô đơn cùng tận của kiếp người, cô đơn đến tê tái cõi lòng trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dường như dưới gầm trời này, không gì sánh nổi.

Nổi cô đơn ấy được đánh dấu trước tiên bằng sự trống vắng đến tột cùng trong lúc chỉ có một mình Chúa Giêsu cầu nguyện, còn xung quanh là đêm tối dày đặc bao trùm bởi những âm thanh nỉ non của loài côn trùng cộng với tiếng gáy ngủ say mê của các môn đệ! Chúng ta thấy, Chúa Giêsu – hơn bao giờ hết, cần các môn đệ bên cạnh, canh thức và sẻ chia nổi đớn đau xé lòng mà Người sắp chịu, thì các ông lại lăn đùng ra ngủ dù có đến ba lần thầy các ông nhắc nhở! Trước sự vô tư của các môn đệ, nổi đau ấy, vì thế, càng khủng khiếp hơn.

Đó còn là nổi cô đơn phát xuất từ sự chạy trốn cách phủ phàng từ phía người thân cận của Chúa Giêsu, cách đặc biệt là các môn đệ thân yêu của Người. Thật phủ phàng làm sao, những người mà chỉ mới đây thôi, họ cùng với thầy mình ngẩng cao đầu tiến vào Giêrusalem trước sự tung hô của dân chúng, thì giờ đây, trong vườn Ghệtsêmani, họ đã bỏ thầy để chạy thoát thân. Họ hốt hoảng bỏ chạy đến độ một trong số các ông thoát thân trong cảnh trần truồng (x. Mc 14, 52).

Cô đơn nối tiếp cô đơn. Chúa Giêsu dù phải chứng kiến lời kết án dối trá cách trắng trợn của thượng tế và thượng hội đồng Dothái; lời nhạo báng, phỉ nhổ và đánh đập của binh lính;… cũng không xót xa và đớn đau khi chứng kiến người học trò ưu tú của mình lên tiếng chối Thầy! Chúng ta biết Phêrô là môn đệ được Chúa Giêsu hết sức tín nhiệm, được tham dự hầu hết các biến cố quan trọng trong cuộc đời của Thầy. Trước khi Thầy bị bắt không lâu, ông còn hùng hổ trước mặt Thầy và anh em : “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Vậy mà trước lời nói vô thưởng vô phạt của tên tớ gái, ông đã quên mất lời hứa với Thầy, chối đây đẩy rằng : “Tôi thề là không biết người đó”! Thế mới biết, cậy vào sức riêng mình thật nguy hiểm. Bởi đôi khi gặp phải một “cú hích” nhẹ dù chẳng đáng là gì cũng đủ đánh gục kẻ dựa vào sức riêng mình.

Thế rồi trên thập giá, đó là đỉnh điểm của sự thinh lặng và cô đơn mà Chúa Giêsu phải gánh chịu. Chúa Giêsu có cảm giác rằng dường như Chúa Cha cũng bỏ rơi Người, để Người một mình với nổi khổ đau tột cùng. “Êlôi, Êlôi, lama xabacthani – Lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ rơi con?”. Trong sự thinh lặng và cô đơn ấy, thánh sử Máccô muốn cho chúng ta thấy, sự thinh lặng tuyệt đối minh chứng rằng Chúa Giêsu tuy có đớn đau và cô đơn thật đấy, nhưng Người vẫn luôn tín thác vào tình yêu của Chúa Cha, trung tín với sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao ban, đồng thời Người hiểu rất rõ con đường mà Người đang đi: đường thập giá dẫn đến vinh quang.

Bước vào Tuần Thánh, mỗi người chúng ta hãy tự soi mình dưới đường khổ giá mà Chúa chúng ta đã đi để thấy rằng, đó đây trên mỗi chặng Thánh Giá, có sự hiện diện của con người tội lỗi chúng ta: bất công, phản bội, vu khống, a dua xu nịnh, kéo bè kéo phái, hèn nhát, … Xin Chúa thứ tha, đồng thời xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết trở nên nguồn an ủi cho hết những ai đang đau khổ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trở nên tiếng gáy của chú gà trống trong đêm vắng cô độc để đem lại niềm an ủi- dù nhỏ nhoi- cho Chúa trong suốt Tuần Thánh này cũng như cho anh em đồng loại đang gánh chịu những khổ đau trong cuộc sống lữ hành.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb