Hãy Chèo Ra Chỗ Nước Sâu

Chúa Nhật 5 Thường Niên C (Lc 5, 1- 10)

Tại sao Chúa Giê-su chọn bốn môn đệ đầu tiên trong hàng ngũ những người đánh cá? Đâu là dụng ý của Người? Phải chăng tiêu chí đầu tiên cần cứu xét để tuyển chọn vào đời sống tông đồ là phải dạn dày sương gió, phải sẵn sàng xông xáo giữa biển đời đầy bão tố cuồng phong?

Có lẽ chính vì đã quen chịu nhọc nhằn trên biển cả, nhiều phen đối đầu với bão táp, thách thức với cuồng phong mà Si-mon và các bạn chài của anh đã “lọt vào mắt xanh” của Chúa Giê-su.

Nhưng trước khi kêu gọi Phê-rô và các bạn chài dấn bước vào công cuộc loan báo Tin Mừng đầy gian khổ, Chúa Giê-su muốn dạy cho các anh bài học vỡ lòng. Người truyền cho các anh “hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” cho dù các anh đang ở trong tâm trạng mệt mỏi chán chường vì phải lao nhọc suốt cả đêm qua mà chẳng bắt được con cá nào.

Dù vậy, Phê-rô và các bạn chài vẫn vâng lời ra khơi buông lưới. Thành quả hôm đó đem lại ngạc nhiên đến sững sờ: cá nhiều đến nỗi gần rách cả lưới và chồng chất đến hai thuyền đầy! Thế là các anh đã học được bài học đầu tiên: Muốn bắt được nhiều ‘tôm cá’, thì hãy vâng lời Chúa chèo thuyền ra khơi. Về sau nầy, nhờ liên tục “ra khơi” đương đầu với nhiều sóng gió, các tông đồ đã mở rộng Hội Thánh Chúa trên nhiều nước nhiều miền.

Cuộc ra khơi của Chúa Giê-su.

Ngự trên ngai trời mà cứu thế, mà phán dạy loài người, hãy ít ra, dùng các ngôn sứ mà phán dạy, thì ‘đỡ khổ’ hơn nhiều. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm như thế. Người đã rời bỏ bờ bến an toàn chốn thiên cung, bỏ hết mọi sự lại đằng sau để ra khơi. “Người vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…” (Philíp 2, 6-7)

Và rồi thay vì yên vị trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mà giảng dạy hoặc ngồi giảng trong các hội đường vào các ngày sa bát như các Ráp-bi Do Thái, Chúa Giê-su đã xông xáo vào khắp hang cùng ngõ hẻm để loan Tin Mừng: trên triền núi, giữa đồng hoang, bên bờ giếng, bên bờ biển, bờ hồ…

Người đã mạo hiểm đến chỗ nước sâu nhất: sinh ra trong máng cỏ thấp hèn, đến ngụ nhờ nhà người tội lỗi, hoà mình với những người tội lỗi để xin nhận phép rửa bên bờ sông Gio-đan, chịu chết đau thương tủi nhục giữa những tên gian phi trên thập giá, chịu mai táng trong mồ…

Hội Thánh mời gọi ra khơi.

Trong tông thư “Tiến về thiên niên kỷ mới”, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II khẩn thiết kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trên khắp thế giới hãy ‘chèo ra chỗ sâu’ (Lc 5, 4) để thả lưới, vì ‘một thiên niên kỷ mới đang mở ra trước mặt Hội Thánh như là một biển cả mà chúng ta sẽ mạo hiểm trong đó…’ (số 58)

Trong dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triều yết Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nhân chuyến đi viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô vào ngày 22-1-2002, vị Cha chung của Hội Thánh cũng mời gọi Giáo Hội Việt Nam hãy ra khơi. Ngài ngỏ lời với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: ‘Giáo Hội Việt Nam được mời gọi ra khơi: Tôi muốn khích lệ anh em hãy hết sức quan tâm rao giảng Tin Mừng và truyền giáo. ..’

Mới đây, trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 44, Đức Thánh Cha Benedicto XVI kêu gọi các linh mục hãy mạnh dạn sử dụng internet (website, blog, các mạng xã hội…) như một mạng lưới thần kỳ bủa khắp không gian truyền thông để thu phục các tâm hồn về với Chúa Ki-tô.

Trước những thao thức của Chúa Giê-su và của Hội Thánh như thế, chúng ta đã làm gì và phải làm gì đây?

Lạy Chúa, con xin thú lỗi với Chúa là con chỉ muốn bám chặt đất bằng cho yên ổn và chẳng hề muốn ra khơi, vì ra khơi thì quá nhọc nhằn, đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng mà đời sống lại rất đỗi bấp bênh và dẫy đầy nguy hiểm.

Thậm chí con cũng không tha thiết “bắt cá” khi “cá” lội đến nhà: Khi có những người tân tòng đến học đạo, con đã hẹn rày hẹn mai mà không sẵn sàng giảng Tin Mừng ngay cho họ. Loan Tin Mừng cho những bản làng gần bên còn chưa được quan tâm thì nói gì đến chuyện ra khơi thả lưới.

Ước gì đời sống ra khơi của Chúa sẽ là một nhắc nhở không ngừng để con noi theo mà dấn bước.

Ước gì tấm gương chèo ra chỗ nước sâu đầy hiểm nguy sóng gió của Đức Thánh Cha và lời mời gọi của Hội Thánh là một thôi thúc liên tục, thúc giục con lên đường đến với anh em con.

LM Inhaxiô Trần Ngà