Hãy mang lấy ách của Tôi & Hãy học cùng Tôi

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN A
Zacaria 9: 9-10; Roma 8: 9, 11-13; Matthêu11:25-30

Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng bài trích sách Dacaria nên đọc vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Thực ra, bài này đã được thánh Mathêu trích dẫn (Mt 21,1-11) và được đọc ngay khi bắt đầu cuộc rước. “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”

Dacaria không chỉ nói mơ hồ. Ông cho biết rõ ràng Đấng Messia thuộc Dòng Đavit sẽ như thế nào. Dacaria đã mong một Đấng Mesia như một thủ lãnh không dùng bạo lực. Chỉ cần liếc qua những đầu báo hôm nay cũng thấy những đàn áp vũ lực đối với các cuộc biểu tình ở Syri và Liby. Nhưng ngay cả các nước dân chủ cũng chưa chắc không dính đến bạo lực. Ngược với những kinh nghiệm thông thường của chúng ta. Dacaria mời gọi thính giả của mình chiêm ngưỡng một đấng cứu thế hiền lành, cưỡi trên lưng một con lừa, loài súc vật chở đồ cho người nghèo, chứ không phải chiến mã của các bậc đế vương.

Dacaria chờ mong đấng Messia sẽ chấm dứt các quốc gia hùng mạnh tự mãn về chính mình. Ngài sẽ không phải là một chiến binh, nhưng dẹp qua một bên những vũ khí, chiến xa, chiến mã, cung tên để loan báo hòa bình. Được một người không có đất đai, chư hầu, Đấng không muốn làm người điều khiển cỗ máy chiến tranh đứng ra lãnh đạo – đối với ngày nay có lẽ đó là kiểu lãnh đạo hoàn toàn khác biệt! Chúng ta đã từng nghe những bài phát biểu của các ứng cử viên tổng thống tiềm năng sẵn sàng cho cuộc đua đến chức tổng thống. Cái nhìn của Dacaria chắc chắn thách thức công tác lãnh đạo hiện nay và tiềm năng của đất nước chúng ta, cũng như nhận thức của chúng ta về việc lãnh đạo.

Nơi Đức Giêsu, chúng ta bắt gặp một Đấng cứu thế mà Dacaria đã tiên đoán, trong Bài Giảng Trên Núi, chúng ta nghe Người công bố luật của sự sống cho những ai đón nhận Người. Hôm nay, chúng ta được mời gọi đi vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu, tạ ơn Chúa Cha vì đã ban cho Người các môn đệ, những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường.

Thế giới của chúng ta không xem hiền lành và hèn mọn như những lối sống. Thực ra, đó chính là “những kẻ bé nhỏ” bị thế giới quyền lực gạt qua một bên. Người hiền lành không chỉ bị hãm hại, họ còn bị miệt thị, lợi dụng và thậm chí bị giết. Vì thế, sức mạnh và sự quả quyết thì cần thiết để chống lại sự bóc lột những kẻ cô thế cô thân để họ có thể sống trọn vẹn cuộc sống nhân loại. Làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa việc làm “những kẻ bé mọn” như Đức Giêsu tán dương với Chúa Cha với nhu cầu của chúng ta hiện nay phải dùng sức mạnh để giúp con người thôi bị áp bức? Đó là một vấn đề nan giải. Làm thế nào kẻ mạnh mẽ cũng có thể hiền lành và nhẹ nhàng, thành một trong những “kẻ bé mọn” của Đức Giêsu? Sức mạnh và quyền lực không xóa bỏ sự ôn hòa, hiền lành và phó thác nơi Thiên Chúa.

Ngay trong đoạn trước của bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu bị các Pharisêu cũng như những người trong các thành Người đến rao giảng tẩy chay Người (11,20-24). Ngay cả lúc bị loại trừ, Đức Giêsu vẫn tạ ơn Thiên Chúa vì đã mạc khải sự khôn ngoan cho “những kẻ bé nhỏ”. Trong bài đọc hôm nay, một lần nữa Người trình bày cho các môn đệ biết những phẩm cách của những ai là thành viên của Thiên Quốc.

Cái “ách” của luật Dothái được xem như đặc quyền của những người Dothái nhiệt thành, vì nó cho thấy hồng ân của sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏ ra trong sống hàng ngày. Giờ đây, Đức Giêsu xem mình như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và ban tặng những cái ách ấy cho ai đón nhận Người. Con người có thể học từ luật lệ, phong tục và giáo huấn của đạo, nhưng nguồn mạch căn bản giúp chúng ta hiểu đường lối của Thiên Chúa thì không hệ tại nơi những kến thức đó. Nhưng là nơi việc đón nhận Đức Giêsu và sứ điệp của Người. Thực ra, việc tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ có thể khiến cho cho người ta ra tối tăm trước tự do của Thần Khí mà Đức Giêsu ban tặngcho chúng ta. Đức Giêsu cho rằng hiểu biết về Thiên Chúa thì không phải chỉ nhờ vào những theo đuổi của con người – dù là với ý hướng tôn giáo tốt nhất. Người nói, “Cha đã giao phó mọi sự cho tôi”. “Mọi sự” – mạc khải trọn vẹn về Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy nơi Đức Giêsu. Người sẵn sàng bày tỏ “mọi sự” về Thiên Chúa cho chúng ta.

Đức Giêsu nói cho những người nghèo, kẻ dốt nát và những ai bị áp bức. Họ phải lo lắng, vật lộn để sống qua ngày. Họ không có nhiều thời gian và cũng chẳng được đi học để mà nghiên cứu những luật lệ, truyền thống về niềm tin của họ như cách các Pharisêu thường làm. Đức Giêsu kết án các Pharisêu chất những gánh nặng lên vai người nghèo còn bản thân họ lại chẳng buồn đưa lấy một ngón tay để nhấc những gánh nặng ấy. Những người phải bươn trải kiếm sống không thể đọc hay nghiên cứu luật, vì thế họ vô tình phạm luật, và kết quả là bị những kẻ thông luật kết án.

Đức Giêsu mời gọi những người bị xem như “kẻ phạm luật”, “hãy theo Tôi”. Người ban cho họ một cái ách, là sự đón nhận tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa mà Người ra giảng. Chẳng phải họ thấy nhẹ hơn khi biết rằng mình không phải là những tội nhân, những kẻ bên ngoài như họ từng bị cáo buộc sao? Nay, qua Đức Giêsu, họ cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa và lối sống của Đức Giêsu. Chúng ta cũng nên tắc mắc: chẳng phải sứ điệp của Đức Giêsu về tình yêu của Thiên Chúa và sự sẵn sàng tha thứ mang lại cho chúng ta một gánh nhẹ nhàng hơn và cảm nhận đến gần Thiên Chúa khi chúng ta cần đó sao?

Trong đoạn văn này của Mathêu, chúng ta có hai chọn lựa – tin hay không tin. Nhưng việc tin tưởng vào Thiên Chúa thì không hê tại ở nỗ lực của chúng ta. Nhưng, tin là hồng ân của Thiên Chúa và không tin là vì sự ngạo mạn và kiêu hãnh của những người từ chối tặng phẩm của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Hôm nay, Đức Giêsu nói cho chúng ta biết Người chính là mặc khải về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa cho chúng ta. Người mời gọi những ai bị áp bức hãy tin vào người. Vì họ, “những kẻ bé mọn”, sẽ không phải mang những gánh nặng hay trói buộc tôn giáo nào. Những “kẻ bé mọn” là những người xuất hiện trong toàn bộ Tin mừng, chẳng hạn như những người thu thuế, gái điếm và những người tội lỗi, những người đã lắng nghe và đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu. Giờ đây, Đức Giêsu mang lại sự nghỉ ngơi lâu dài và mãi mãi của thời đại Messia, là thành quả của việc Người đến thế gian.

Chẳng phải lạ lắm sao khi mà vừa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi lại vừa nghĩ đến chuyện mang ách?Ách là một công cụ để làm việc, cho cả con người và súc vật. Cái ách là để thi hành một tác vụ. Đối với chúng ta, đó là để phục vụ Đức Kitô. Chúng ta có đón nhận cái ách mà Đức Giêsu ban cho hay không? Một điều chúng ta thấy được từ Đức Giêsu là cái ách của Người không phải là gánh nặng; thánh Phaolô nói cái ách đó dẫn chúng ta đến tự do. Khi chúng ta đón nhận cái ách của Đức Giêsu thì chúng ta cũng đón nhận Ngài như người luôn trợ giúp chúng ta, một người “cùng mang ách” với chúng ta. Điều đó giải thích việc làm thế nào người Kitô hữu có thể hoàn thành được những nhiệm vụ hết sức khó khăn và thậm chí bất khả thi, cho dù là tử đạo, nhờ Danh Đức Giêsu.

Chúng ta đã cố hết sức để có được nền giáo dục đào tạo mà chúng ta cần để sống nốt cuộc đời này. Chúng ta muốn sự yên ổn cho chính chúng ta và gia đình mình. Chúng ta có lẽ cũng đã tăng cường vốn kiến thức và kỹ năng cho mình bằng những khóa học thêm, cố gắng hơn và tốn kém hơn. Chúng ta có lý do chính đáng để thu thập được càng nhiều kiến tthức càng tốt. Đó không phải là những gì Đức Giêsu phê phán khi người đề cập đến những kẻ “khôn ngoan và thông thái” – trừ khi việc “khôn ngoan và thông thái” ấy che đậy bản chất mỏng dòn của chúng ta và cho chúng ta cảm giác sai lầm về sự an toàn ở ngoài Thiên Chúa. Chúng ta có thể vừa “khôn ngoan và thông thái” vừa ở trong số “những kẻ bé mọn” mà hôm nay Đức Giêsu đã dâng lời cầu nguyện và tạ ơn cho.

Ở đoạn trước trong Tin mừng Mathêu, Đức Giêsu chúc phúc cho những ai “có tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3) như thể đã có được nước trời làm sản nghiệp. Những người đọc Sách Thánh sẽ nhận ra rằng khi Đức Giêsu nói đến “những kẻ bé mọn” là người đang lấy lại hình ảnh của Kinh Thánh bản Hippri, từ “anawim” – có nghĩa là những người hèn mọn và khiêm nhường. Họ là những người không có uy thế, quyền lực, địa vị hay chức vụ cao sang. Họ chẳng có gì để có thể khoe khoang thế giới. Vì thế, họ chấp nhận phó thác nơi Thiên Chúa mà không chút do dự hay kiêu hãnh giả tạo nào.

Trong Thánh lễ này, giống như những “anawin”, chúng ta đón nhận sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta và khiêm tốn nài xin: “Con chẳng có gì để kiêu hãnh trước mặt Chúa, lạy Thiên Chúa Chí Thánh. Con hoàn toàn phụ thuộc vào ân sủng của Người”. Thiên Chúa thấy được sự trống trải của chúng ta và đổ đầy trong chúng ta nguồn lương thực tốt nhất, là Mình và Máu của Đấng đang mời gọi chúng ta hôm nay, “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Chuyển ngữ: Anh Em HV Đaminh Gò-Vấp