Kinh Lạy Cha – Lời Kinh Huyền Nhiệm

Chúa Nhật 17 Thường Niên C

Lc 11, 1-13

Kinh Lạy Cha- một lời kinh tuyệt vời và phong phú vì chất chứa bao điều huyền nhiệm- được thánh sử Luca đặt trong bối cảnh hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ, nơi mà ở đó, chính Người sẽ trút hơi thở sau hết cùng với lời nguyện cầu dâng lên Chúa Cha. Chúng ta cùng nhau suy chiêm về lời kinh nhiệm mầu này.

Không phải đến thời Chúa Giêsu, việc cầu nguyện mới hình thành mà nó đã có từ rất lâu trong truyền thống Dothái giáo. Ngoài những lời nguyện xuất phát trong truyền thống Dothái, chúng ta còn thấy có những nhóm, những thầy dạy cũng soạn ra những lời nguyện để hướng dẫn cho cộng đoàn cũng như cho các môn sinh, như Luca đã đề cập về trường hợp của Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ. Có điều ở đây chúng ta thấy, các môn đệ khi theo Người chắc chắn đã nhiều lần chứng kiến Thầy mình cầu nguyện. Thế nhưng cách thức cầu nguyện thế nào thì các ông chưa đuợc biết ngoại trừ những cách thức sẵn có trong Dothái giáo. Vì muốn biết rõ nét đặc trưng lời cầu nguyện của nhóm mình, mà một môn đệ đến xin Chúa Giêsu dạy cho các ông biết cách thức phải cầu nguyện thế nào. Kinh Lạy Cha ra đời từ đây và là một lời kinh kiểu mẫu mà từ đó tất cả các lời nguyện Kytô giáo sẽ phải quy chiếu cách này hay cách khác.

Không giống như Tin mừng Mátthêu, kinh Lạy Cha trong Tin mừng Luca ngắn hơn, rõ ràng, bao gồm một lời thân thưa, hai lời nguyện ước và ba lời cầu xin.

Lời thân thưa mở đầu “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ vốn là từ ngữ riêng mà Người hay dùng để trò chuyện cùng với Chúa Cha trong những giờ cầu nguyện. Lời đó không chỉ mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, mà còn diễn tả một chiều kích duy nhất mà ở đó các môn đệ sẽ được đi vào đời sống thân mật, liên kết với Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người lấy lại lời thân thưa này, biến nó trở thành mối liên hệ duy nhất nối kết tất cả các tín hữu với Thiên Chúa. Từ đây, lời mở đầu thân thương này luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kytô hữu, gắn kết họ với Thiên Chúa, giúp họ khám phá ra mối quan hệ cha-con không gì có thể thay đổi trong cuộc sống của mình. Đây chính là một hồng ân cao quý mà Chúa muốn ban cho nhân loại. Bởi theo thánh Síprianô, “không ai trong chúng ta dám động đến danh xưng Thiên Chúa là Cha nếu chính Chúa Kytô không cho phép cầu nguyện như thế”.

“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” và “Triều đại Cha mau đến” là hai lời nguyện ước của những người con thảo hướng về Cha mình. Khi cầu nguyện như thế, không phải Thiên Chúa cần đến lời chúng ta cầu nguyện để nhờ đó danh Người và triều đại Người mới được hiển thánh, được tôn vinh. Vì thật ra, tự bản chất, Thiên Chúa không cần đến những lời cầu xin của chúng ta, có hay không, danh Người mãi mãi vẫn rạng ngời vinh hiển. Vậy thì chúng ta cầu nguyện như thế để làm gì? Chắc một điều đó là vì phần ơn ích cho chúng ta. Thật thế, hai lời nguyện ước mà Chúa Giêsu muốn chúng ta dâng lên Thiên Chúa không gì khác hơn là xin cho danh Thiên Chúa được hiển thánh nơi chính con người chúng ta. Điều này không có gì xa lạ trong truyền thống Dothái giáo và nay, được Chúa Giêsu thổi thêm luồng sinh khí mới. Thiên Chúa là Đấng Thánh, điều đó thật hiển nhiên. Phần chúng ta, chúng ta là con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, và vì thế, để xứng đáng thân thưa với Chúa, không gì thích hợp hơn là xin Cha thánh hoá, xin Cha kiện toàn mỗi ngày để chúng ta cũng được nên thánh, tham dự vào cuộc sống thần linh với Thiên Chúa.

Ba lời cầu xin liên quan đến lương thực hằng ngày, xin tha thứ và ơn trợ giúp trong cơn cám dỗ vốn được xem là những lời cầu xin rất thiết thực đối với sự sống còn của nhân loại. Lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày đều rất thiết thực và hữu ích cả trên bình diện thiêng liêng lẫn cuộc sống đời thường. Bởi ngoài nhu cầu thiết yếu của con người là cơm bánh ra, người môn đệ Chúa Kytô cần đến một thứ thần lương tuyệt vời khác chính là Đức kytô, chính thân thể Người là lương thực cho hết những ai thuộc về Thiên Chúa.

Ơn tha thứ cần thiết cho chúng ta, vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta là những con nợ không có gì để trả. Vì thế, điều Chúa muốn là đến lượt chúng ta, cũng hãy tha thứ cho anh em mình, vì nếu không, chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta.

Trong cuộc sống nhân sinh, chúng ta khó thoát khỏi cạm bẫy cám dỗ và những hệ lụy của tội lỗi. Chính Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà còn phải chịu cơn cám dỗ, huống nữa là chúng ta, là môn đệ của Người. Vấn đề ở chỗ chúng ta có tỉnh thức hay không trước mọi cơn cám dỗ mà ma quỷ giăng ra hòng tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Trong mọi thử thách, điều chúng ta muốn là làm sao những cạm bẫy, những mưu mô của thế lực ác thần không làm cho chúng ta sa ngã, không làm cho chúng ta rơi vào tay của chúng. Để được thế, chúng ta không ngừng chạy đến với Chúa để xin ơn trợ lực, giúp chúng ta vượt qua.

Kinh lạy Cha là lời kinh tuyệt vời và huyền nhiệm nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Chính vì thế, Thiên Chúa ưa thích và không ngừng ban muôn ơn cho con người thông qua lời kinh thân thương, đơn giản và dễ hiểu này. Ước mong mỗi người chúng ta biết tận dụng món quà quý giá này, để không ngừng chạy đến với Chúa, trò chuyện, chia sẻ với Người. Chắc một điều, Chúa sẽ không quên chúng ta và không ngừng thi ân giáng phúc cho hết những ai chạy đến với Người.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb