Những Lịch Sử và Ý Nghĩa Thứ Tư Lễ Tro

Lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ

 Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

 

1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro

 

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thư Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay” (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

 

Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, Ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thề vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay” (Caput ieiunii), hay ” Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày” (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).

 

Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đưổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô ngoại thành, thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.

 

Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.

 

Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, Xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵng sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội (Sứ điệp Mùa Chay năm 2002 mang tựa đề: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không [Mt 10,8]).

 

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: “Ta là thân cát bụi sẽ trỏ về cát bụi” (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc âm: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu “tro” đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: “Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời” (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).

 

2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro

 

Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).

 

Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.

 

Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tồ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, ttốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.

 

Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.

 

Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.

 

Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv… không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.

 

Rôma ngày 9-2-2002.

 

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

Từ ngữ tiếng Việt Mùa Chay, lấy từ tiếng La tinh Quadragesima, chỉ định thời gian Phụng vụ trước Mùa Phục Sinh, có nghĩa là 40, một từ khóa bao gồm nhiều biến cố quan trọng, được Kinh Thánh nói tới nhiều lần. Bốn mươi ngày của Mùa Chay gợi nhắc đến bốn mươi ngày Chúa Giê-su chay tịnh và chịu cám dỗ trong sa mạc (Mt 4, 1 – 11; Mc 1, 12 – 13; Lc 4, 1 – 13). Nhưng khi chúng ta đọc những bản tường thuật của Phúc Aâm về các cơn cám dỗ của Chúa, luôn được đặt vào Chúa Nhật đầu Mùa Chay, nó lại hướng chúng ta về nhiều chủ đề khác. Những cám dỗ Chúa chịu cũng còn gợi lại 40 năm dân Israel chịu thử thách trên đường tiến về Đất Hứa…

Nối tiếp con số 40 này chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm những chủ đề khác.

Bốn Mươi

Bốn mươi là con số khá quen thuộc trong Kinh Thánh. Trong câu chuyện về Nô-e và nạn Hồng Thuỷ, trời mưa 40 ngày và 40 đêm (St 7, 4, 12, 17; 8, 6). Sau khi kí kết Giao Ước tại núi Si-nai, ông Mô-sê đã ở trên núi với Thiên Chúa 40 ngày và 40 đêm (Xh 24, 18). Khi tiên tri Eâlia bị Hoàng Hậu Giê-sa-ben rượt đuổi, ông đã phải trốn chạy thục mạng và trải qua 40 ngày và 40 đêm cho tới khi đến được núi của Thiên Chúa tại Hô-rép (Si-nai) (1V 19, 8). Chúa Giê-su lên trời sau 40 ngày Người sống lại (Cv. 1, 3).

Một đoạn văn khác thuật lại cảnh dân Israel đóng trại tại sa mạc phía nam, rất gần với Đất Hứa. Những người do thám đi trước để thị sát vùng đất, họ đã đi trong thời gian 40 ngày (Ds 13, 25). Họ đã đem lại những tin tức sáng sủa về miền đất mới, nhưng cũng cho biết rằng cư dân tại đó đều là những con người cao lớn và hùng mạnh. Dù Giô-suê và Ca-lép ra sức trấn an dân chúng, họ đều ngao ngán và khiếp sợ khi tiến về vùng đất. Sự khiếp nhược cùng những lời chê bai của dân là một thất bại thảm hại của niềm tin vào lời hứa Gia-vê ban đất riêng cho họ. Như một sự trừng phạt, họ phải lang thang trên hành trình ròng rã 40 năm, mỗi năm được kể là một ngày theo số ngày những người do thám đã đi (Ds 34, 14).

Các con số trong Kinh Thánh không được hiểu theo nghĩa đen, nó chỉ mang tính cách biểu tượng. Nhưng lòng hiếu kì và sự ngờ vực lại thường khơi dậy trong chúng ta nhiều câu hỏi về con số 40 . Đâu là ý nghĩa biểu trưng của con số 40? Xét theo một khía cạnh thì nó biểu thị một thời gian lâu dài và cùng với thời gian ấy nó hàm chứa bao sự việc khác: đó là thời gian của những đòi hỏi, của phấn đấu và thử thách. Đúng ra đó là ý nghĩa ngoại vi của cách dùng chữ số trong Kinh Thánh. Lại còn có một ý nghĩa khác, có thể gọi là ý nghĩa thứ ba: Bốn mươi biểu thị một thời gian chuẩn bị cho một hành động đặc biệt nào đó của Thiên Chúa: đó là thời gian của ân sủng. Sau Hồng Thuỷ là bắt đầu một tạo vật mới. Sau khi ông Mô-sê đàm đạo với Thiên Chúa, giao ước được kí kết. Sau hành trình gian khổ trong sa mạc, dân Israel tiến vào Đất Hứa. Sau khi trốn chạy, ông Eâlia được Thiên Chúa gia tăng sức mạnh và tiếp tục sứ mệnh tiên tri. Sau khi chịu cám dỗ, Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai. Sau biến cố Thăng Thiên, chúng ta bắt đầâu kỉ nguyên của Giáo Hội. Và sau khi kết thúc Mùa Chay, chúng ta cử hành Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh.

Sa Mạc

Như đã nói, con số thời gian chỉ là biểu trưng. Vậy còn nơi chốn? Dân Israel biết rõ sa mạc ở đâu, bởi vì bản văn chỉ rõ hướng nam, vùng tây nam và đông, xuyên qua sông Gióc-đan. Sa mạc là nơi thiếu nước, thiếu thực phẩm, cây cỏ rất ít, và cũng là nơi cư trú của nhiều loài vật nguy hiểm. Như vậy, sa mạc là nơi khắc nghiệt, là nơi thách thức sự sống còn.
Sa mạc nói tới ở đây cũng mang ý nghĩa biểu trưng. Trong tôn giáo của dân Ca-na-an, có một vị thần đặc biệt tên là Mot (một từ có nghĩa là sự chết) cai quản chỗ nóng, khô, đất hoang là sa mạc, và thời gian của mùa hạ nóng bức, khô hạn và cằn cỗi. Khi ngừng mưa, cây cỏ nơi đây khô héo rồi tàn tạ chết. Sa mạc là nơi phủ định, là nơi ngự trị của Thần Chết- Mot-, là nơi phải đối diện với những vấn đề cốt thiết nhất. Trong Phúc Aâm, Chúa Giê-su chịu thử thách trong sa mạc để trở thành một Đấng Mê-si-a khác, một Đấng chọn đi theo vinh quang và quyền lực thay vì chọn hi sinh phục vụ trong khiêm hạ. Cám dỗ này vẫn bám theo Người suốt hành trình sứ vụ cho đến lúc chết, nhất là khi Người bị khiêu khích bước xuống khỏi thập giá.

Nhiều nhà tu đức hôm nay nói về những “ trải nghiệm trong sa mạc”. Đây là những kinh nghiệm tĩnh tâm, một thời gian dành riêng ra để hồi tâm, để tra vấn, để xem xét, để trả lời cho những vấn đề nền tảng của đời sống thiêng liêng. Dĩ nhiên không nhất thiết cần có “ một nơi chốn sa mạc” hiểu theo nghĩa đen, nhưng vẫn cần đến một không gian thích hợp. Mùa Chay là thời gian Giáo Hội sống “ kinh nghiệm sa mạc ” hằng năm để tự vấn về những vấn đề nền tảng trong sứ vụ của mình.

Hành Trình

Thời gian Israel đi trong sa mạc còn là một thời gian lang thang vô định, một chuyển hành không định hướng. Thật ra họ đã khởi đầu từ Ai Cập và kết thúc tại bình nguyên Mô-áp, từ đó họ có thể gần như tiến vào đất được hứa ban tại Ca-na-an. Hành trình lúc đầu diễn tiến tốt đẹp, từ Ai Cập tới Si-nai và ở đó khoảng một năm, rồi tiếp tục từ đó tới Mô-áp.

Có hai cám dỗ xảy ra chống lại cuộc hành trình và chúng ta cần tìm hiểu. Cám dỗ thứ nhất là họ muốn dừng lại, muốn ổn định. Họ nói: “ Thôi đủ rồi! Chúng ta hãy ở lại đây thôi!” Vẫn có những nơi tạm dừng trên lộ trình, chẳng hạn tại ốc đảo Kadesh Barnea (Ds 13, 26; 20, 1), nhưng thời gian trôi qua mau, họ được lệnh phải nhổ trại tiếp tục lên đường, và họ bước đi “ theo lệnh của Đức Chúa” (Ds 9, 17 – 18; 10, 11 – 13). Trong sách Đệ Nhi Luật, Mô-sê nhớ lại cuộc khởi hành từ núi Si-nai: Chúa phán, “ Các ngươi ở núi này đã lâu rồi… Hãy chuyển hướng và lên đường…” (Đnl 1, 6 – 7). Cộng đoàn được lệnh không dừng lại chỗ nào quá lâu. Một chuyện tương tự cũng được sách Phúc Aâm ghi nhận trong trình thuật về cuộc biến hình của Chúa Giê-su (Bài Phúc Aâm Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay). “ Thưa Thầy, chúng con ở lại đây thì thật là hay. Nếu Thầy muốn, chúng con sẽ dựng ba lều ” (Mt 17, 4). Nhưng rồi họ phải xuống núi. Có phải đây cũng là một cám dỗ mà Giáo Hội và mỗi người Kitô hữu chúng ta phải đối diện? Thiên Chúa của Kinh Thánh là một vị Thiên Chúa luôn kêu gọi chúng ta đi ra khỏi chỗ an toàn, chỗ tiện nghi để đi vào miền tương lai vô định, có ý nghĩa liều lĩnh.

Cám dỗ thứ hai còn bi đát hơn. “ Và họ than trách Mô-sê… Tại sao ông đưa chúng tôi đi khỏi Ai Cập?” (Xh 14, 11). Họ không chỉ muốn dừng lại mà còn muốn quay ngược trở lại. Họ muốn “ quy cố hương”. Dù được chứng kiến những dấu chỉ và phép lạ Thiên Chúa thực hiện cho họ, họ cũng không màng. Họ chỉ muốn trở lại Ai Cập! Cám dỗ thứ hai về ngẫu tượng, về ham muốn và nó rất bình thường. Đó là nỗi nhớ về quá khứ. Quá khứ xem ra hấp dẫn hơn, an toàn hơn, bảo đảm hơn. Do đó nó trở thành một chỗ dựa an ủi, nhưng cũng có thể là một trở ngại cho bước chân đi tới. 

Chúng ta không ngạc nhiên lắm bởi vì chúng ta cũng đều sống như vậy. Điều làm cho quá khứ trở nên hấp dẫn hơn chính vì nó là qúa khứ, đã lùi xa hiện tại. Nỗi lưu luyến quá khứ tuỳ thuộc vào khoảng cách thời gian và một sự quên lãng có chọn lọc. Chúng ta nhớ lại quá khứ, điều đó là cần thiết. Nhưng hồi tưởng quá khứ phải đưa chúng ta về hiện thực và giúp chúng ta hướng về tương lai. Ngược lại, trong nỗi nhớ về quá khứ, chúng ta lại muốn đưa hiện tại trở ngược về quá khứ để trốn tránh tương lai.

Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đều có những “ lâu đài vang bóng một thời”, chúng ta muốn trở về đó để gặm nhấm thời vàng son và tiếc nuối một tự ảnh đầy oai hùng, nhưng chúng ta lại biếng trễ trong giây phút hiện tại và bỏ quên những lời mời gọi đầy thúc bách của ngày mai. Trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy một Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta, luôn kêu gọi chúng ta đi về nơi bất định, bước vào tương lai xa thẳm. Có phải đây cũng là một cám dỗ mà chúng ta luôn phải đối diện trên hành trình của đời sống Kitô hữu?

Chúng ta đã nói tới một vài điểm trong kinh nghiệm sa mạc của dân Israel. Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu những gì đã xảy ra trong sa mạc. Đó là Giao Ước, sự Thử thách và sự Hiện diện.

Giao Ước

Điều chính yếu xảy ra trong sa mạc đối với dân Israel đó là giao ước kí kết với Gia-vê tại núi Si-nai. Nhưng trước tiên chúng ta có thể tự hỏi: “ Tại sao Chúa không dẫn Dân đi thẳng từ lúc vượt qua Biển Đỏ về đất Ca-na-an? ” Đây là mục tiêu cuối cùng, nhưng có nhiều mục đích trung gian khác có tầm mức quan trọng đặc biệt. Ông Mô-sê đã lặp lại nhiều lần với Pha-ra-ô: “ Đức Chúa, Thiên Chúa của người Híp-ri đã sai tôi nói với bệ hạ: Hãy thả dân ta ra, để chúng đi thờ phượng ta trong sa mạc” (Xh 7, 16). Dân của Gia-vê đến núi Si-nai để học biết thờ phượng Gia-vê.
Nhưng chúng ta cần đi xa hơn một chút. Trong hoàn cảnh bị thống trị, một vấn đề hai mặt xuất hiện: người ta chịu thống trị vì bị người khác thống trị. Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn rằng khi người ta được giải phóng khỏi ách thống trị, họ lại mau chóng trở thành kẻ thống trị người khác. Hôm nay là kẻ bị trị, ngày mai trở thành kẻ thống trị. Vấn đề ở chỗ là cả hai cùng chia sẻ một số giá trị chung, cùng thống nhất một số vấn đề nền tảng nào đó. Nếu có một sự bất đồng nhỏ nhoi nào thì đó chỉ là cách sắp đặt các sự vật hiện hữu mà thôi. Do đó, cái xâu chuỗi của ách thống trị vẫn cứ dài thêm mắt nối. Chế độ nô lệ vẫn cứ tiếp diễn.

Nếu dân Israel mới được giải phóng khỏi Ai Cập đi thẳng đến Ca-na-an để thiết lập quyền lực tại đó, họ cũng không đi khác vết rãnh này. Thay vì đến thẳng Ca-na-an, họ phải tiến về Sinai để chịu một thời gian “ chỉnh huấn”. Thiết lập giao ước với Gia-vê, Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ, họ được chỉ dạy để có một cái nhìn khác hẳn về thực tại, đón nhận một hệ thống các giá trị mới, và điều chỉnh một lối sống hoàn toàn khác. Sống giao ước một cách đích thực là tôn thờ Thiên Chúa và quan tâm đến quyền lợi và nhu cầu của người khác. Cách duy nhất để bẻ gẫy xiềng xích nô lệ là trở thành người phụng sự Gia-vê.

Trong các cám dỗ nơi sa mạc, Chúa Giê-su cũng chịu đưa dẫn để đi tìm các giá trị hoàn toàn khác với ý Chúa Cha. Người sẽ là một vị Mê-si-a được Thiên Chúa kêu gọi, hay trở thành một người quyền thế, vinh quang và oai hùng? Chúng ta đều đã biết.

Trong Mùa Chay chúng ta được mời gọi kiểm điểm đời sống trong ánh sáng của sự tham dự vào giao ước của Chúa Kitô. Chúng ta được hướng dẫn để nhận ra một thực tại mới, để sống các giá trị có khi khác xa với bối cảnh văn hoá hiện tại. Chúng ta có thực sự đón nhận và thể hiện trong đời sống chúng ta không?

Thử Thách

Sa mạc cũng là nơi Israel phải chịu thử thách về lòng trung thành với Gia-vê và họ đã thường xuyên sa ngã. Điều gì thử thách lòng trung thành? Họ không có nước uống, Chúa đã ban cho họ nước kì diệu từ tảng đá (Xh 17, 2 – 7). Họ không có lương thực, Chúa ban cho họ manna (Xh 16). Họ bị kẻ thù đe doạ tứ phía, hết quân Ai Cập lại đến quân A-ma-lếch (Xh 17, 8 – 15), và nhiều dân khác (Ds 21, 1 -3 ; 21 – 35; 25, 16 – 18). Thêm vào đó là những tranh giành quyền lực nội bộ. Nhất là những phản kháng nhắm vào sự lãnh đạo của ông Mô-sê và ông A-a-ron (Ds 12, 1 – 16; 14, 1 – 4; 16, 1 – 35).

Sa mạc vẫn là nơi đầy khắc nghiệt, các quyết định phải dứt khoát. Thực phẩm và nước uống là cần thiết cho sự sinh tồn. An toàn khỏi những đe doạ bên ngoài và ổn định nội bộ cũng thật cần thiết cho đời sống xã hội. Đó là những nhu cầu chính đáng, nhưng trong sa mạc nó trở thành “ những điều thử thách” đối với lòng tin của Israel. Họ có còn trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã đưa họ an toàn khỏi Ai Cập nhưng lại dẫn họ vào chốn sa mạc đầy chết chóc? Và họ đã sa ngã. Họ không thể cởi bỏ quá nhanh và qúa dễ dàng đối với các giá trị và lề lối của nếp cũ.

Chúa Giê-su trong sa mạc cũng chịu thử thách về bánh ăn, nhưng khác với Israel, Người hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa. Người mạnh mẽ và quyết tâm đi theo đường lối của Thiên Chúa. Còn chúng ta, những người chịu biết bao lực đẩy và thúc ép để hướng về các ngẫu tượng hôm nay. Đó luôn là những nhu cầu chính đáng – đồ ăn thức uống, sự an toàn, chất lượng cuộc sống vật chất, sự ổn định…- và nó có thể trở thành những ngẫu tượng hấp dẫn nhất. Lòng trung thành phục vụ Thiên Chúa có phải là nền tảng đích thực của đời sống chúng ta?

Hiện Diện

Sa mạc là nơi gây ra bao sợ hãi cho sự sống và sự chết. Israel chịu thử thách để biết xem họ có thật sự tin rằng Thiên Chúa của họ, Thiên Chúa của sự sống, có ở cùng họ không.
Lúc khởi đầu xuất hành, Thiên Chúa đã kêu gọi ông Mô-sê từ bụi gai bốc cháy và sai ông lãnh đạo dân ra khỏi Ai Cập. Mô-sê đáp lại “ Khi con đến với con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? ” Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “ Ta là Đấng hiện hữu” (Xh 3, 13 – 14). Câu trả trời bí ẩn của Thiên Chúa hàm ý rằng “ Ta ở với con, Ta hiện hữu bên con” (x. Xh 3, 12, 16 – 17).

Dấu chứng cụ thể cho sựï bảo đảm về sự hiện diện của Thiên Chúa, đó là Hòm Bia và Lều . Lều là một đền thánh di động có thể tháo dỡ và mang theo suốt hành trình; Hòm Bia là “ tòa”ø của Thiên Chúa, nơi đặt bia luật, được lưu giữ trong Lều. Đây là những vật khả giác nhắc nhớ sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa ở giữa dân. Dù đóng trại hay di chuyển, họ không phải sợ hãi vì Gia-vê ở với họ.

Chúa Giê-su không bao giờ cảm thấy giao động trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Chúng ta, những Kitô hữu được bảo đảm rằng Chúa Giê-su đích thật là “ Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). Người cũng nói với chúng ta rằng: “ Này đây Thầy ở với các con luôn mãi, cho đến tận thế.” (Mt 28, 20). Giữa bao cám dỗ, thử thách, và lo âu chúng ta có thật sự tin rằng Chúa luôn ở với chúng ta không? Sa mạc là nơi nuôi dưỡng niềm tin tưởng rằng Chúa luôn ở với chúng ta. 

*

Suốt 40 ngày Mùa Chay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội sống lại “ trải nghiệm sa mạc” hằng năm. Những vấn đề mà hôm nay chúng ta phải đối diện một cách gay gắt nhất cũng chính là những vấn đề đã xảy ra trong Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước. Đây là những chủ đề rất thiết thực để chúng ta sống Mùa Chay, qua đó chúng ta cũng nhận ra giá trị những cách thực hành đã trở thành truyền thống trong Giáo Hội, đó là cầu nguyện, ăn chay và bố thí.
Kinh Thánh cho thấy rằng chúng ta có thể không biết trước những dữ kiện của tương lai. Nhưng chúng ta cần biết điều quan trọng nhất liên hệ tới nó, đó là chúng ta không đơn độc lẻ loi: “ Thiên Chúa luôn ở với ta!” Câu này được nói với dân Israel, cũng được nói với chúng ta hôm nay: “ Đừng sợ vì Ta luôn ở với con ” (x. St 28, 15; Xh 3, 12). Bất cứ điều gì xảy đến cho ngày mai chúng ta sẵn sàng đón nhận và cứ kiên tâm trung thành trên đường vác thập giá theo Chúa, cho dù phải chịu nhiều hi sinh thiệt thòi. Bởi vì, cuối cùng, đau khổ dẫn ta bước vào Vinh Quang, Thập Giá dẫn ta đến Sự Sống trường cửu!

Michael D. Guinan, OFM
Lm Giuse Ngô Quang Trung