Lòng Thương Xót Là Lương Thực Hằng Ngày

 Kinh “Lạy Cha” có câu: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Câu đó tôi thuộc lòng từ nhỏ. Có thể nói: Chính lời cầu đó đã trở thành lương thực hằng ngày của tôi.

Thông thường, tôi dùng lời cầu đó, để xin Chúa ban cho tôi và mọi người được những sự cần thiết, đủ nuôi dưỡng phần xác phần hồn cho từng ngày suốt đời sống trần gian.

Nhưng, từ lâu, tôi có thói quen cũng dùng lời cầu đó, để xin Chúa ban cho tôi ơn biết thi hành thánh ý Chúa. Sở dĩ tôi chuyển ý sang hướng đó, là vì tôi đọc Phúc Âm thánh Gioan, thấy có chỗ ghi lời Chúa Giêsu quả quyết: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Càng cầu nguyện theo hướng đó, khi đời mình càng lênh đênh chìm nổi giữa trùng dương khổ ải, tôi càng nhận ra lương thực thánh ý Chúa mà tôi rất cần, chính là lòng thương xót Chúa.

    Nhận ra lòng thương xót Chúa,

    đón nhận lòng thương xót Chúa,

    làm chứng cho lòng thương xót Chúa,

tôi nghĩ đó là những việc Chúa muốn tôi thực hiện như lương thực hằng ngày của tôi.

Tôi đã và đang thực hiện điều tôi cho là Chúa muốn. Nên, cũng dễ làm chứng cho lòng thương xót Chúa, tôi xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm.

1/ Nhận ra lòng thương xót Chúa

Chúa đã thương xót tôi, khi tôi còn trong lòng mẹ. Lòng Chúa xót thương được tôi nhận ra tuỳ theo tuổi và tuỳ theo từng hoàn cảnh đời mình. Còn bé, tôi nhận thức theo tầm cỡ nhỏ. Trưởng thành, tôi nhận thức theo một hướng rộng. Về già, tôi nhận thức theo một chiều sâu nào đó.

Trong hoàn cảnh vui, mọi sự được như ý, tôi cảm nhận lòng Chúa xót thương một cách đôi khi nông nổi. Trong hoàn cảnh đớn đau, mọi sự xảy ra trái ý, tôi cảm nhận lòng Chúa xót thương với đức tin giàn giụa nước mắt.

Nhìn lại cuộc đời dài đã qua, tôi thấy sự nhận ra lòng Chúa xót thương là một hành trình. Chuyến đi này vất vả hơn là nhẹ nhõm, dễ dàng, thoải mái. Chuyến đi này là một chuỗi dài những khám phá. Khám phá của một người đi tìm. Đi tìm, rồi gặp những bất ngờ. Bất ngờ nhất là gặp được Chúa giàu lòng thương xót đàng sau những thất bại, đau đớn, tối tăm và thất vọng.

Chúa mời gọi. Chúa đợi chờ. Nhưng chỉ trong những khoảnh khắc thinh lặng, chiêm niệm và nguyện cầu, tôi mới nhận ra tiếng Người.

2/ Đón nhận lòng thương xót Chúa

Khi đã nhận ra tiếng Chúa yêu tôi, tôi sẽ đón nhận Người vào đời tôi.

Khi đón nhận Người, tôi mới thấy rõ hơn Người xót thương tôi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Có thể là dưới hình thức thánh giá.

Hiện nay, hình thức thánh giá của Người, mà tôi nhận ra rõ nhất, chính là: “Thầy hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15), “Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,5).

Với việc biết mình là một thành phần của Thầy Giêsu tự nguyện “hy sinh vì đoàn chiên”, tôi nhận ra dễ dàng ý nghĩa của lời thánh Phaolô đã nói: “Tôi bổ khuyến nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội Thánh là thân xác của Người được nhờ” (Cl 1,24).

Thánh Phaolô đã nói thế nào, thì tôi cũng nói như vậy. Khi lời tôi nói đó là một đón nhận sự thương khó của Chúa Giêsu, tôi cảm nhận được tôi đang đau đớn trong Chúa Giêsu, và Người đang cùng đau đớn trong tôi, cho một kế hoạch chung là cứu độ loài người. Tất cả đều do lòng thương xót.

Sau hình thức thánh giá, lòng thương xót Chúa đã đến với tôi dưới hình thức ủi an dịu dàng. Tất nhiên hình thức này sẽ dễ được đón nhận, đôi khi nó cũng hữu ích để đỡ nâng một tâm hồn đang vật vã với bệnh nạn.

Mới rồi, dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của tôi, tôi nhận được thư chúc mừng của Bộ Truyền Giáo. Nội dung thư đó đã mang lại cho tôi nhiều an ủi. Và cũng vừa rồi, tôi lại nhận thêm một an ủi khác từ Toà Thánh. Lần này là những dòng mừng chúc của chính Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI. Điều làm tôi rất ngạc nhiên là chữ ký của Ngài. Ký như viết. Với những nét nhỏ, khiêm tốn, đơn sơ.

Nội dung Ngài gởi, nhất là cử chỉ Ngài bày tỏ, đã là một dấu chỉ của lòng thương xót Chúa dành cho một tâm hồn bé nhỏ cần được đỡ nâng.

Những việc xót thương tế nhị đó càng làm cho tôi xác tín rằng: Làm chứng cho lòng Chúa xót thương bằng những việc bác ái sống động và đời sống chia sẻ của mình chính là cách rất tốt của việc rao giảng Tin Mừng.

3/ Làm chứng cho lòng thương xót Chúa

Có nhiều cách làm chứng cho Chúa và cho đạo của Chúa. Như dạy giáo lý, tổ chức hội đoàn, xây dựng đền thờ, quy tụ quần chúng để biểu dương đức tin, đi lễ đọc kinh, công đức của cải vào các tổ chức lễ vv… Nhưng một loại việc được coi là có sức truyền cảm nhất, chính là bác ái.

Bác ái được thực hiện dưới nhiều hình thức. Trong những hình thức ấy, việc xót thương con người được coi là có giá trị nhất. Xót thương là đồng cảm với mọi người khổ đau, là chia sẻ nỗi khổ của người cùng khổ.

Gương mẫu xót thương là Chúa Giêsu. Người chia sẻ thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi. Người gánh tội cho nhân loại, đền tội cho nhân loại.

Tác giả thư Do Thái viết: “Vị thượng tế của chúng ta không phải là sống không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta. Người đã chịu thử thách về mọi phơng diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Vì thế, từ  thánh giá, Đức Kitô luôn gởi tới chúng ta lời kêu gọi:

Hãy nhận ra lòng Chúa xót thương,

hãy đón nhận lòng Chúa xót thương,

hãy làm chứng lòng Chúa xót thương.

Những lời kêu gọi đó đang trở nên khẩn thiết tại Việt Nam hôm nay.

Mỗi lần, tôi cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, tôi lại được nghe Chúa Giêsu trả lời:

Chúa xót thương con,

Con hãy biết xót thương người khác như Chúa xót thương con.

Đó là lời kêu gọi đặc biệt cần được thực hiện trong thời điểm này. Thực hiện hằng ngày như lương thực hằng ngày.

+ Gm. GB. BÙI TUẦN