Lửa Truyền Giáo

Suốt tuần qua, tôi đi nhiều nơi trong giáo phận, để tham dự cuộc tĩnh tâm hàng tháng dành cho các linh mục tu sĩ.

Ở đâu, tôi cũng được nghe tâm sự về truyền giáo. Tới đâu, tôi cũng được thấy những công trình truyền giáo. Những gặp gỡ này cho tôi cảm tưởng là tôi đang ở trong bầu khí truyền giáo, trong luồng gió truyền giáo, trong dòng nước truyền giáo.

Tôi thao thức hỏi mình: Trong tình hình đang có nhiều chuyển biến này, việc truyền giáo nên cứ như cũ, hay nên thêm bớt? Ý Chúa là thế nào? Tôi suy nghĩ và tìm tòi.

Trưa thứ sáu, ngày 05 tháng 10 vừa qua, tôi kết thúc chuyến đi. Vừa tới nhà, tôi lợi dụng chút thời giờ rảnh, để theo dõi tin tức thời sự và tìm thư giãn. Mở một đài truyền hình địa phương, tôi thấy đài đang chiếu một cảnh sa mạc Bắc Phi, một vùng Hồi giáo. Người thuyết minh giải thích đó là nơi Charles de Foucauld đã từng sống. Nghe vậy, tôi ngỡ ngàng, tưởng mình nghe lầm. Một lát sau, tôi thấy chiếu ảnh cha Charles de Foucauld. Y phục cha mặc là y phục kẻ nghèo. Nhà cha ở là căn nhà nghèo. Dân chúng xung quanh cha là những người nghèo. Ảnh đó không xa lạ gì đối với tôi. Bởi vì đã từ lâu, tôi có hàng trăm ảnh đó trong phòng. Đúng là đài truyền hình đã chiếu một mảnh đời cha Charles de Foucauld. Đối với tôi, đây là một cách chia sẻ Chúa dành cho tôi, đang lúc tôi băn khoăn về truyền giáo. Tôi nghĩ: Tình hình càng phức tạp, càng nên đẩy xa hơn việc truyền giáo.

Để đẩy xa hơn việc truyền giáo, tôi nhìn cha Charles và tôi thấy gương sáng của cha gợi ý cho tôi hiểu: Cần phát triển thêm một yếu tố. Yếu tố đó là lửa yêu mến trong lòng mình.

Khi lửa yêu mến Chúa cháy rực trong lòng ta, ta sẽ chỉ mong muốn sống theo thánh ý Chúa, như lời kinh sau đây của cha Charles: “Lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha và vì mến Cha, nên con thấy cần phải hiến thân con trọn vẹn trong tay Cha… Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha… Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn là ý Cha được trọn vẹn trong con, trong tất cả mọi loài Cha tạo dựng” (trích kinh cha Charles đọc thường ngày).

Nhưng làm thế nào để thắp lên được ngọn lửa mến Chúa trong lòng ta, để rồi ta dám hiến thân trọn vẹn cho Chúa và thực sự sẵn sàng làm bất cứ sự gì Chúa muốn ta làm?

Thưa: Mỗi người có thể nhận được lửa mến Chúa một cách riêng biệt. Phần tôi, tôi xin phép giãi bày: Tôi nhận được lửa mến Chúa qua nhiều con đường  khác nhau, nhưng nhất là con đường đơn sơ này, đó là năng cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”.

Tôi càng cầu nguyện với ý thức mình tội lỗi, thì Đức Mẹ càng cầu bầu cho tôi được thêm ơn trở về gắn bó với Chúa. Từ đó, tôi có cảm nghiệm càng ngày càng sâu hơn về tình Chúa xót thương dành cho những kẻ yếu đuối, lầm lạc, tội lỗi. Chính qua con đường này mà lửa yêu mến được thắp lên, một đàng là kính mến Chúa, một đàng là yêu thương những người khốn khổ.

Như vậy, người thắp lên lửa mến trong tôi là chính Đức Mẹ. Mẹ đốt lửa, khi lòng tôi cầu nguyện. Cầu nguyện với tâm tình nghèo khó, từ bỏ ý riêng. Từ đó, Mẹ đưa tôi  trở về con đường sống theo ý Chúa  Cha.

Ý Chúa Cha, mà tôi thấy rất rõ hiện nay là muốn chúng ta làm chứng cho Ngài bằng cách bắt chước Đức Kitô, nhất là ở điểm này: Hội nhập vào thân phận những kẻ nghèo.

Thực vậy, Đức Kitô đã sống nghèo, giữa dân nghèo. Ngài sống gần gũi họ, để phục vụ yêu thương họ, chia sẻ hy vọng với họ, khám phá ra nơi họ những tiềm năng cứu độ.

Hôm nay, lớp dân nghèo nhiều nơi trên thế giới vẫn còn bị ba nguy cơ đe doạ: Bị khai thác, bị loại trừ, bị huỷ diệt. Đang khi đó, tội ác lại thường không ở phía họ, mà ở phía những quyền lực tăm tối. Một thí dụ: Mỗi ngày có từng trăm thai nhi bị giết. Đó là những cuộc khủng bố xảy ra ở nhiều nước văn minh giàu có.

Trước tình hình này, Chúa Cha sai chúng ta đi. Nhiều người đã nhận ra được tiếng Chúa sai đi. Họ đã ra đi. Họ đã gặp được Đức Kitô đang đau khổ cùng với đám dân nghèo khổ, bất kể là công giáo hay ngoài công giáo. Với những phương tiện nghèo, họ đã cùng với Chúa dần dần đem Tin Mừng vào lòng những người nghèo. Để rồi, những người nghèo sẽ đóng một vai trò đáng kể trong việc làm mới lại bộ mặt địa cầu. Ngay bây giờ, bao người nghèo đang dạy chúng ta nhiều bài học đạo đức quí báu.

Đến lượt những người nghèo này, họ lại ra đi, mang theo lửa thiêng của Chúa. Nhưng lửa đó cần được thêm nhiều hơn nữa, cả nơi họ, cả nơi chúng ta.

Thêm lửa mến Chúa. Thêm lửa xót thương kẻ nghèo. Thêm lửa thiêng này không phải do thêm tư tưởng tự tôn và hoạt động ồn ào. Nhưng thêm một cách âm thầm, bằng cầu nguyện chiêm niệm từ Lời Chúa, phép Thánh Thể, Đức Mẹ dưới chân thập giá, và từ cuộc sống quên mình, trong bình an vui vẻ, phó thác.

Lửa mến nồng nàn này sẽ đổi mới con người đến tận những cõi thẳm sâu của chính mình. Để rồi, truyền giáo sẽ không chỉ là đưa ra các giáo lý, nhưng sẽ còn là giới thiệu những chứng từ sống động nơi những người được Lửa thiêng đổi mới.

Thiết tưởng tất cả những điều trên đây có thể gợi ý cho việc tân Phúc Âm hoá. Đây sẽ là những vẻ đẹp thiêng liêng rất thích hợp, để đáp ứng nhu cầu truyền giáo trong giai đoạn lịch sử đang hình thành với nhiều nét mới mẻ.

Trích tập sách ĐƯỢC CHỌN và SAI ĐI của Đức Cha G.B. BÙI TUẦN, LONG XUYÊN năm 2003