Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Isaiah 50:4-7

Bài đọc I được trích từ tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Vị ngôn sứ hé mở cho chúng ta Người Công Chính đau khổ, dưới dung mạo của Người Tôi Trung của Đức Chúa, dù bị nhạo báng, bị lăng nhục, nhưng không hề đả kích mà lại đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.

Pl 2: 6-11

 Tiếp đó, chúng ta suy niệm mầu nhiệm tự hạ và tôn vinh của Đức Giê-su mà thánh Phao-lô họa lại trong thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê dưới hình thức một bài thánh thi Ki-tô học. Đây là bằng chứng quý báu của Giáo Hội tiên khởi.

Mc 14: 1-15: 47

Sau cùng, chúng ta sống lại cuộc thương khó Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô. Thánh ký nhắc cho chúng ta nhớ rằng qua con đường thương khó và tử nạn Đức Giê-su dẫn chúng ta đến sự sống.

      BÀI ĐỌC I (Isaiah 50:4-7)

      Với đoạn trích nầy, chúng ta dự phần vào những xác tín của vị ngôn sứ. Chính vì thường hằng chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa, hằng này suy niệm Lời Chúa, nên ông chẳng những không tránh né sứ mạng của mình mà còn “biết lựa lời mà nâng đỡ ai mệt mỏi chán chường”. Vị ngôn sứ đã không nhận được bất cứ lòng biết ơn nào, nhưng trái lại chỉ toàn những lời lăng mạ và sỉ nhục. Ông bị đánh đòn, tra tấn (giật râu là một hình phạt rất nhục nhã), chịu những lời mắng nhiếc, phỉ nhổ vào mặt, khinh bĩ đến tột cùng.

1. Chân dung của “Người Tôi Tớ chịu đạu khổ”:

      Nhưng “người tôi trung” đặt niềm tin tưởng của mình vào Đức Chúa; ông “trơ mặt ra”, nghĩa là “kiên vững không hề nao núng”. Thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng “Đức Giê-su đã trơ mặt ra” khi Ngài lên Giê-ru-sa-lem để chịu cuộc Tử Nạn của Ngài, nghĩa là Ngài thu hết mọi can đảm và khẳng định ý muốn của Ngài.

      Đoạn trích này thuộc bài ca thứ ba trong số bốn bài ca “Người Tôi Trung chịu đau khổ”, trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thời lưu đày Ba-by-lon, vào giữa thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.

      Chân dung của “Người Tôi Trung” nầy gợi lên lúc thì dân Ít-ra-en (ngôn sứ I-sai-a đệ nhị thường gọi dân Ít-ra-en “người tôi trung của Đức Chúa”) lúc thì một cá nhân biệt phân đón nhận một sứ mạng đặc biệt. Vả lại, cách giải thích theo chiều kích tập thể và cách giải thích theo chiều kích cá nhân không loại trừ nhau; cả hai đều chồng chéo lên nhau trong nhiều đoạn văn.

      Người tôi trung nầy xử sự với một cung cách dịu dàng và khiêm tốn (bài ca thứ nhất). Ông được giao phó sứ mạng giải phóng dân Ít-ra-en và hoán cải muôn dân (bài ca thứ hai). Ông phải chịu những bách hại và những lăng nhục (bài ca thứ ba). Ông bằng lòng chịu chết một cách ô nhục, đoạn được tôn vinh (bài ca thứ tư).

2. Một sứ điệp mới:

 Ở đây chúng ta ở một khúc quanh rất quan trọng của Mặc Khải. Cho đến lúc đó những viễn cảnh Mê-si-a nhắm đến dung mạo của một vị vua vinh quang, thuộc dòng dõi Đa-vít, Đấng sẽ thiết lập triều đại công lý và hòa bình. Ấy vậy, vào lúc nầy không còn vua; vương triều Đa-vít đã bị nhận chìm vào trong phong ba bảo táp; Đền Thờ Sa-lô-mon bị thiêu hủy, dân thành Giê-ru-sa-lem phải chịu cảnh đời tôi mọi và một phần lớn dân thành bị lưu đày. Đây là thời điểm thuận tiện để loan báo một sứ điệp mới. Qua trực giác của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa tiến một bước vĩ đại. Những sấm ngôn thuở xưa không hề bị hủy bỏ (Đấng Mê-si-a vẫn sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít), nhưng điều mà những viễn cảnh mới hé mở, chính là sự can thiệp của “một người Thiên Chúa tuyển chọn”, của “một người Đức Chúa xức dầu tấn phong”, Đấng nầy sẽ âm thầm hành động, bên ngoài trông có vẻ thất bại, chịu nhiều đau khổ và bị giết chết, sau đó được tôn vinh.

      3. Vị ngôn sứ bị lăng nhục:

     Ở nơi nhân vật nhục nhã ê chề nầy phải nhận ra chính vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Được Thiên Chúa trao phó sứ mạng an ủi những người lưu đày bất hạnh, mệt mỏi chán chường, ông không lẫn tránh công việc phụ bạc nầy; ông cố giúp cho họ hiểu ý nghĩa của sự thử thách mà họ đang phải chịu, kêu mời họ hoán cải, hứa với họ một cuộc cứu thoát. Ấy vậy, ông vấp phải sự vô tri, ngờ vực và giận dữ của những người đã nếm mùi đắng cay của một cuộc lưu đày dài lâu.

      4. Người Công Chính bị bách hại:

      Bên kia dung mạo của một vị ngôn sứ hiện hình dung mạo của Người Công Chính thập toàn. Bản văn vang lên cung giọng Mê-si-a. Cũng chính Đức Giê-su sẽ thực hiện sứ mạng được giao phó cho Ngài trong một thái độ hoàn toàn vâng phục. Cũng chính Ngài sẽ đem Tin Mừng đến cho những người nghèo hèn khốn khổ. Như vị ngôn sứ vô tội, thay vì lòng biết ơn, Ngài sẽ bị đánh đập, nhục mạ, khổ hình mà “chẳng hổ ngươi và trơ mặt ra như đá vì biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.

      Bài ca thứ ba nầy cho chúng ta cảm thấy trước bài ca thứ tư bi thương về Người Tôi Trung sẽ được đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

      BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)

      Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê là một bài thơ sáu khổ, theo thể văn xuôi có vần có điệu. Ba khổ thơ đầu tiên họa lại việc Đức Giê-su tự nguyện hạ mình, và ba khổ thơ còn lại, theo một chiều hướng ngược lại, thuật lại ba giai đoạn Thiên Chúa Cha tôn vinh Ngài.

      Trong bức thư chất chứa giọng nói nồng nàn rất thân quen nầy, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi chúng ta gặp thấy những câu thơ khôn sánh như tuôn trào từ ngòi bút nầy. Người ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay thánh nhân chỉ trích dẫn bài thánh thi giàu hình tượng nầy. Dù sao chúng ta cũng vẫn có một chứng liệu đáng chú ý, một trong những bản văn cổ xưa nhất về thần học Đức Ki-tô; nhất là bài thơ nầy mang đến một lời chứng quý báu đầu tiên (trước cả Tựa Ngôn của Tin Mừng Gio-an) về niềm tin nguyên thủy vào cuộc sống tiền hữu của Đức Giê-su.

      1. Ba giai đoạn tự hạ:

      1- Đức Giê-su, tuy vẫn là Thiên Chúa, từ bỏ không chỉ Thiên Tính nhưng còn cả vinh quang vốn dĩ nội tại ở nơi Ngài.

      2- Ngài tự hủy mình ra hư không, mặc lấy thân nô lệ thấp hèn, sống kiếp phàm nhân, để chia sẻ tận cùng những cảnh đời cơ cực yếu hèn của con người (ngoại trừ tội lỗi).

      3- Ngài còn tự hạ hơn nữa khi vâng lời chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá.

      2- Ba giai đoạn vinh quang:

      1- Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu. Danh ở đây mang lấy một ý nghĩa tuyệt đối, nghĩa là chỉ dành riêng cho một mình Ngài. Đây là Danh của Đức Chúa, Danh mà trong truyền thống Do thái dành riêng để chỉ danh khôn tả của Thiên Chúa như phần tiếp theo chỉ cho thấy: “trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”, vì thế, “vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”.

      2- Diễn ngữ “cả trên trời dưới đất và trong cõi âm ty” chỉ toàn thể vũ trụ. Điều nầy muốn nói rằng không chỉ nhân loại, nhưng ngay cả toàn thể mọi loài thọ tạo đều phải cung kính thờ lạy Ngài. Đó cũng là chủ đề được gặp thấy trong sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi tạo vật trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên  lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời” (Kh 5: 13).

      3- Sau cùng, người Ki-tô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Giê-su Ki-tô tước hiệu “Đức Chúa” mà Cựu Ước dành riêng cho Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Đây là nét đặc trưng của lời tuyên xưng đức tin nguyên thủy. Cũng như thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phao-lô nhiều lần nhấn mạnh Thiên Tính của Đức Giê-su.

      3. Mẫu gương của Đức Giê-su:

      Thánh Phao-lô rất mực yêu mến Giáo Đoàn Phi-líp-phê mà thánh nhân đã thiết lập vào năm 49-50 và là cộng đồng Ki tô hữu đầu tiên trên vùng đất Châu Âu. Phi-líp-phê là một thành phố quan trọng của miền Ma-xê-đoan; thành phố mang tên vua Phi-líp-phê, thân phụ của đại đế Alexandre, người đã xâm chiếm thành nầy vào năm 360 trước Công Nguyên.

      Khi viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đang bị giam cầm có thể ở Ê-phê-sô. Thánh nhân mong ước các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài sống trong sự hiệp nhất và nhất là trong sự khiêm hạ sâu xa. Thánh nhân lấy Đức Ki-tô làm mẫu gương cho họ noi theo.

      TIN MỪNG (Mc 14: 1-15, 47)

      BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ THEO THÁNH MÁC-CÔ (14: 1-15: 47)

Như các thánh ký khác, thánh Mác-cô dành một vị thế quan trọng cho bài trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Như vậy chúng ta có bằng chứng cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã hiểu: biến cố đồi Can-vê không là một tình tiết xấu hổ và nhục nhã mà biến cố Phục Sinh đến để tẩy xóa đi, nhưng trái lại là tuyệt đỉnh công trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, là nơi Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng cứu độ. Các Ki tô hữu tiên khởi đảm nhận sự thách đố của Thập Giá, bất chấp Thập Giá gây nên sự kỳ chướng đối với dân ngoại.

      Thánh Mác-cô đặc biệt dọi chiếu sự mâu thuẩn của những hoàn cảnh: dù bị nhạo báng, nhục mạ, bị kết án khổ hình ô nhục, nhưng Đức Giê-su vẫn khẳng định quyền năng và tính siêu việt của Ngài với một phẩm chất cao vời.

I. KHÚC DẠO ĐẦU (14: 1-31)

Khúc dạo đầu của bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô gồm có hai phần: phần thứ nhất (14: 1-11) nêu bật câu chuyện người phụ nữ vô danh xức dầu thơm cho Đức Giê-su ở Bê-ta-ni-a và phần thứ hai (14: 12-31) nêu bật việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. 

1. ÂM MƯU VÀ XỨC DẦU Ở BÊ-TA-NI-A (14: 1-11).

Phân đoạn này được dàn dựng theo kiểu văn chương: “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”, nghĩa là, câu chuyện “các nhà lãnh đạo Do thái bài mưu tính kế hãm hại Đức Giê-su được một người môn đệ thân tín của Ngài là ông Giu-đa cộng tác bằng việc phản bội Ngài” (14: 1-2 và 10-11) được chen vào giữa bởi câu chuyện “người phụ nữ vô danh xức dầu cho Đức Giê-su” (14: 3-9). Câu chuyện này vừa tỏ lộ tấm lòng quảng đại của cô tương phản với sự mù quáng của các nhà lãnh đạo Do thái (14: 1-2) và sự phản bội của ông Giu-đa (14: 10-11), đồng thời cũng nhắm đến tước vị của Ngài là Đấng Mê-si-a, “Đấng được xức dầu” (“Đức Ki tô”) và hướng đến cuộc mai táng của Ngài. Phân đoạn này được cấu trúc như sau:

A. Âm mưu (14: 1-2)

     B. Việc xức dầu và ý nghĩa (14: 3-9).

A’. Giu-đa phản bội Thầy (14: 10-11).

A. Âm mưu (14: 1-2):

1. “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men”: Trước đây, lễ Vượt Qua là một dịp lễ hội lễ của các dân du mục. Vào mùa xuân, khi gia súc đã qua mùa sinh sản, người ta dâng cúng cho các vị thần thánh các con chiên sinh ra đầu tiên (x. Xh 12: 1-11). Đến khi dân Ít-ra-en đã định cư, họ tổ chức một lễ hội khác, gọi là lễ Bánh Không Men, lễ hội nông nghiệp vào mùa xuân. Họ mừng mùa gặt mới. Hai lễ hội này: Vượt Qua và Bánh Không Men, nhanh chóng được làm một với nhau. Thay vì tổ chức mừng đón thiên nhiên đâm chồi nẩy lộc khi xuân về, họ lại tưởng nhớ việc được giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập (x. Xh 12: 15-20; 34: 18-20) và thiết lập dân Thiên Chúa (Đnl 16: 1-8). Ở Ít-ra-en, lễ Vượt Qua đã trở thành lễ hội quan trọng và lớn nhất của dân Do thái. Lễ bắt đầu vào đêm 15 trăng tròn của tháng Ni-san (tháng Ba-tháng Tư) và kéo dài trong tám ngày, trong thời gian đó, tất cả men phải cất khỏi nhà, và cấm dùng bánh không men (Xh 12: 15-20). Khi tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, dân Ít-ra-en không chỉ kỷ niệm về một quá khứ nhưng còn hiện tại hóa những ơn lành Thiên Chúa thương ban vf ngưỡng vọng Đấng Mê-si-a Cứu Độ. Do đó không phải ngẫu nhiên mà bản tường thuật Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giê-su được đặt vào khung cảnh của lễ hội này. Nó tạo nên một bầu khí phụng vụ rõ nét.

“Các thượng tế và kinh sư”: Trước đây chúng ta thấy đã có một âm mưu chống lại Chúa Giê-su, dù mới chỉ là nét phác họa sơ sài chỉ liên quan đến nhóm Biệt Phái và các kẻ thuộc phe Hê-rô-đê 3: 6). Nhưng khi Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, nhất là khi Ngài xua đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ, thì các thượng tế và kinh sư vạch ra kế hoạch bắt Ngài một cách chính xác hơn (11: 18; 12: 12). Đến bây giờ, họ đang cố nghĩ ra cách thức cụ thể để bắt Chúa Giê-su.

2. “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động”: Họ tìm cách bắt Ngài như thế nào đừng làm kích động dân chúng. Lễ Vượt Qua là ngày đại lễ hành hương lôi kéo dân chúng rất đông từ khắp mọi miền đến thành thánh Giê-ru-sa-lem để mừng lễ. Việc bắt và hành hình Đức Giê-su công khai có nguy cơ gây ra một cuộc náo động. Điều này cho thấy Ngài rất được lòng dân chúng. Vì thế tốt hơn nên đợi khi kỳ lễ chấm dứt, lúc đó mới ra tay hành động. Tuy nhiên, những biến cố xảy đến nhanh hơn họ mong muốn, nhất là khi một trong các môn đệ thân tín của Ngài là ông Giu-đa, tên phản bội, sẵn sàng hợp tác với họ.

B. Xức dầu và ý nghĩa (14: 3-9):

3. “Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi”: Câu chuyện xảy ra ở Bê-ta-ni-a, một làng nhỏ gần Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa Giê-su thường ghé lại nghỉ ngơi khi rời thành Giê-ru-sa-lem (11: 11). Người tiếp đón Ngài được gọi là Si-mon Cùi. Chúng ta không biết ông này là ai, nhưng chắc chắn ông không còn bệnh cùi nữa, bởi vì ông đón tiếp khách vào nhà của mình. Vì thế, thánh Giê-rô-ni-mô giả thiết rằng ông đã được Chúa Giê-su chữa lành bệnh, vì thế Ngài là vị ân nhân của ông.

“Giữa lúc Người đang dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền”: Chỉ một mình Mác-cô ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và một người phụ nữ đang khi Ngài ngồi ăn ở nhà một người bạn. Thánh ký không cho chúng ta biết tên của người phụ nữ ấy. Tác giả Tin Mừng không chú trọng đến con người, mà là hành động của cô ta. Cô mang một bình dầu thơm quí giá được đánh giá là ba trăm quan tiền (14: 5), quả thật đây là thứ dầu thơm hảo hạng rất đắt (x. Matthew 20:2).

“Đổ dầu thơm trên đầu Người”: Người phụ nữ không ngần ngại đập bể bình để có thể đổ dầu thơm trên đầu Ngài thật nhiều và thật nhanh. Chuyện đổ dầu thơm lên đầu Chúa Giê-su là việc quá dể dàng: Chúa Giê-su ngồi vào bàn theo lối xưa, nghĩa là Ngài nằm duỗi dài nghiêng qua một bên, tựa đầu vào bàn tay chống cạnh bàn tiệc. Cử chỉ bất ngờ của cô mang ý nghĩa gì? Trong số những nghi thức tỏ lòng hiếu khách, việc thức dầu thơm trên đầu khách là dấu hiệu gia chủ tỏ lòng kính trọng và vinh hạnh. Về phía người phụ nữ, chắc chắn đó là một cử chỉ tỏ lòng tôn kính Ngài. Theo văn hóa Do thái, khi xức dầu lên đầu cho ai, người ta xác định kẻ ấy là vua (x. 2V 9: 6). Hơn nữa, Đấng Mê-si-a mà mọi người đang mong đợi có nghĩa là “Đấng được xức dầu” (x. Isaiah 61:1). Việc người phụ nữ đổ dầu thơm trên đầu của Đức Giê-su đã chỉ rõ Ngài là Đấng Mê-si-a. Vì thế, trong đám thực khách, chỉ duy mình chị nhận biết chân tính của Ngài và sự hiện diện đặc biệt của Ngài, tương phản với các thượng tế, các kinh sư và thậm chí cả ông Giu-đa.

 4. “Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: ‘Phí dầu thơm như thế để làm gì?”: Người ta quên rằng ngoài ông Si-mon, Chúa Giê-su và người phụ nữ còn có nhóm Mười Hai nữa chứ. Vài người môn đệ (trong số đó có ông Giu-đa, theo Tin Mừng Gioan) chỉ thấy việc làm của cô là quá phí phạm.

5. “Dầu có thể đem bán lấy ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”: Họ ước tính bình dầu thơm đó phải hơn 300 đồng: tương đương với 300 ngày công vất vả của một người lao động chứ đâu phải gì! Thà ràng đem bán lấy tiền mà bố thí cho kẻ khó còn hơn. Lời phê bình này cũng thấu tình đạt lý đấy chứ.

6. “Cứ để cho cô ấy làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa”: Lời này giải thích thái độ khoan dung của Đức Giê-su và việc Ngài mô tả hành vi của người phụ nữ là một việc nghĩa.

7. “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình…Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!”: Người ta chẳng thiếu gì người nghèo để mà giúp đỡ. Hẳn thực là theo luật Mô-sê thì Thiên Chúa đã đòi hỏi dân Ngài phải ra tay cứu giúp kẻ bần hàn, xóa bỏ bất công: “Ước chi kẻ nghèo khó sẽ không có nơi ngươi” (Đnl 15: 4). Nhưng cũng không nên quá nhiều ảo tưởng. “Vì sẽ không hề thiếu người nghèo khó trong xứ đâu. Bởi thế, Ta truyền dạy rằng: ngươi phải mở rộng tay ngươi cho anh em ngươi, cho kẻ bần cùng và nghèo hèn trên đất ngươi” (Đnl 15: 11). Chúa Giê-su không hề phủ nhận ra tay giúp đỡ người nghèo. Ngoài ra, ngay chính trong đám môn đệ, vẫn có một người đặc trách việc bố thí. Theo Gioan, đó chính là phận vụ của Giu-đa, thủ quỷ của nhóm Mười Hai (Ga 12: 4-6). Vậy rõ ràng là ông Giu-đa, một trong vài môn đệ, đã phê bình chỉ trích việc làm của cô là quá phí phạm. 

8. “Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng”: Chúa Giê-su bất ngờ mặc cho hành động của cô ta một ý nghĩa cao cả hơn thế nữa. Chúa Giê-su muốn nói đến hành động mang tính ngôn sứ của cô. Thân thể mà cô xức dầu thơm chẳng bao lâu sẽ bị giết chết, đoạn được mai táng vội vàng nên không đón nhận những vinh dự khâm liệm như tập tục dành cho những người qua đời. Cô đã tham dự trước nghi thức mai táng của Ngài. Đây là cách thức mới Chúa Giê-su loan báo cuộc Tử Nạn sắp đến của Ngài. Như vậy, Chúa Giê-su đã không ngần ngại liên kết hành động của người phụ nữ vô danh đó với thảm kịch Ngài sắp phải chịu.

9. “Hễ Tin Mừng được loan báo đến đau trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”: Thánh Mác-cô cũng không bỏ qua việc kết thúc bài tường thuật bằng cách ghi nhận lời tuyên bố long trọng của Thầy mình là: Khắp cả thế giới hễ nơi nào được loan báo Tin Mừng, thì biến cố này cũng sẽ được biết đến. Khi ghi lại cảnh tượng này, thánh ký biết rằng việc xức dầu ở Bê-ta-ni-a hẳn sẽ được nối kết với lời rao truyền “Tin Mừng” loan báo cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su. Ta nhận thấy Mác-cô rất quan tâm đến việc thông truyền Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho cả thế giới (1: 1; 8: 35; 10: 29; 13: 10). Tâm điểm của Tin Mừng này là cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đấng Mê-si-a, và dĩ nhiên, cử chỉ khiêm hạ của người phụ nữ kia phải chiếm một vị trí thích hợp ở đó.

A’. Giu-đa phản bội (14: 10-11):

10. “Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong nhóm Mười Hai”: Qua những từ ngữ giản dị này: “Một người trong nhóm Mười Hai”, thánh ký nêu bật sự ghê tởm của hành động phản bội. Đây là một trong những đau khổ thấm thía nhất của Đức Giê-su, vào đêm bi thảm này: một trong số các môn đệ thân tín của Ngài, một trong những người đồng hành mà Ngài đã chọn, đã nộp Ngài. Nhiều lần Ngài đã để lộ những nỗi khổ tâm này và cũng nhiều lần Ngài nhắc khéo ông để ông biết hối lỗi mà từ bỏ ý định gian ác ấy, như vào lúc rửa chân và vào lúc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể.

Ông Giu-đa toan tính gặp các thượng tế để tính chuyện nộp Chúa Giê-su cho họ. Ông tìm đúng người đúng chỗ. Chính ở nơi nhóm người này mà lòng căm thù sôi sục trong họ. Chính xác là họ vừa mới quyết định là thủ tiêu Đức Giê-su làm cách nào không làm kinh động đến dân chúng.

Như đã nói trên, trong số các môn đệ chống đối việc người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa Giê-su, chắc chắn có “Giu-đa Ít-ca-ri-ô, một trong nhóm Mười Hai. Nhờ vào Tin Mừng Gioan, chúng ta biết thêm rằng chính y là ngươi quản lý tiền bạc cho nhóm tông đồ. Ngoài việc lo lắng chi tiêu cho cả nhóm, y còn đảm trách luôn việc bố thí cho người nghèo. Vậy mà y chẳng bận tâm gì đến nhiệm vụ ấy, bởi lẽ “y là một tên trộm cướp…y ăn cắp” hết thảy những gì người ta cho cho vào trong túi y (Ga 12: 4-6). Thực tế cho thấy rằng chính y là kẻ “đã đi gặp các thượng tế, để tính chuyện nộp Chúa Giê-su cho họ”. Bù lại, y sẽ nhận được tiền. Các thánh ký khác làm rõ những động cơ phản bội của Giu-đa, đối với Mát-thêu là tham tiền (Matthew 26:15), còn đối với Lu-ca là do Xa-tan (Lc 22: 3).

11. “Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền”: Những kẻ bày mưu tính kế hãm hại Ngài gặp thấy ông Giu-đa là một kẻ cộng tác bất ngờ, vfi thế hứa cho ông tiền. Như thế mưu mô mà họ đã âm thầm nuôi dưỡng (14: 1b) nay có thể thực hiện được. Tiền làm sáng mắt tên phản bội, kẻ hám lợi. Với vài hàng đơn sơ, thánh Mác-cô đã cho thấy rằng chỉ vì một lợi lộc bẩn thỉu một tên phản bội đã len lỏi vào hàng ngũ bạn hữu của Chúa Giê-su. Các tác giả Tin Mừng khác làm rõ động cơ phản bội của Giu-đa, đối với thánh Gioan, y “tên ăn cắp” (Ga 12: 6), đối với thánh Mát-thêu, y là “kẻ tham tiền” (Matthew 26:15), còn đối với thánh Lu-ca, “y do Xa-tan xúi dục” (Lc 22: 3). Cần ghi nhớ rằng một trong những nguyên nhân dẫn Chúa Giê-su đến cái chết lại đến từ một trong các kẻ thân cận với Ngài. Sự phản bội của ông tương phản với sự trung tín của người phụ nữ. Sáng kiến của ông cho phép các thượng tế và kinh sư thực hiện mưu đồ của họ.

“Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện”: Bây giờ Giu-đa chỉ còn việc tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giê-su. Dịp này sẽ xảy ra trong vài giờ nữa, không cần phải chờ đến hết ngày.

2. BỮA ĂN VƯỢT QUA VÀ BÀN TIỆC THÁNH THỂ (14: 12-31).

2.1. Chuẩn bị (14: 12-16)

Bản văn này được tường thuật với văn phong gần như kiểu chuyện “thần kỳ”. Các môn đệ hỏi Chúa Giế-u về địa điểm dọn tiệc, Chúa Giê-su trả lời khá kỳ lạ. Có hai điểm nổi bật trong đoạn này. Điểm thứ nhất là các môn đệ sẽ gặp một người đội vò nước. Lẽ thường thì chỉ có phụ nữ mới đi lấy nước. Như vậy, Chúa Giê-su đã mặc cho đặc điểm kỳ lạ này một dấu chỉ trù định trước. Điều kỳ lạ thứ hai, đó là việc tìm được một căn phòng “đã sắp sẳn” cho bữa tiệc. Hình như Thiên Chúa đã Quan Phòng hết mọi sự, và Chúa Giê-su được coi như là một ngôn sứ biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra, biết từng chi tiết một. Làm sao giải thích điều này? chắc hẳn là thánh Mác-cô đã được linh hứng khi viết những trang này, theo kiểu viết Kinh Thánh thông thường hồi đó. Trong sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, ngôn sứ Sa-mu-en đã thấy trước được những lần gặp gỡ (theo thánh ý Thiên Chúa) với chàng trai trẻ Sa-un. Những cuộc gặp gỡ này phải chứng tỏ được rằng Thiên Chúa đã chọn chàng trai này để làm vua Ít-ra-en (1Sm 10: 1-10). Cũng tương tự như thế, cuộc gặp gỡ được báo trước hai người môn đệ với người đàn ông đội vò nước sẽ là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã chọn Chúa Giê-su làm Vua-Mê-si-a. Đoạn này còn được xác quyết chắc chắn bằng đoạn khác của Mác-cô: chuyện kể về việc Chúa Giê-su khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem (11: 1-11), theo đó, Chúa Giê-su cũng phái hai môn đệ đi trước để tìm gặp con lừa con. Biến cố này rõ rệt là mang tính chất Mê-si-a. Trong cả hai lần, sự việc cũng xảy ra y như những lời dặn dò trước của Chúa Giê-su. Mọi sự đều diễn ra phù hợp với nhận định ngôn sứ của Thầy.

12. “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua”: Hai ngày lễ này tự nguồn gốc thì khác nhau: lễ Vượt Qua, lễ của những người chăn nuôi; vào ngày lễ này, người ta sát tế một con chiên non để mừng lễ. Còn vào ngày lễ Bánh Không Men, lễ của những người trồng trọt, người ta dâng hiến những sản phẩm đầu mùa và ăn bánh không men từ những lúa mạch đầu mùa. Từ lâu, hai lễ này  được cử hành thành một đại lễ, bắt đầu với lễ Vượt Qua và kéo dài suốt một tuần lễ (Đnl 16: 1-8). Việc hiệp nhất hai lễ này trở nên dể dàng hơn vì bữa ăn Vượt Qua cũng bao gồm bánh không men. Việc sát tế xảy ra vào buổi chiều ngày 14 tháng Ni-san trước khi ngày thứ nhất bắt đầu lúc mặt trời lặn. Quả thật, các môn đệ được sai đi ra ngoài để chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua được cử hành vào đêm 15 trăng tròn của tháng Ni-san (theo cách tính ngày của người Do thái, một ngày mới bắt đầu vào buổi chiều).

“Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”: Theo luật, lễ Vượt Qua phải được mừng ở Giê-ru-sa-lem. Vì thế, con chiên bị sát tế trong khuôn viên Đền Thờ và bữa ăn Vượt Qua được tổ chức ở trong thành. Điều này khiến các môn đệ bận tâm. Đức Giê-su là một nhà giảng thuyết lưu động; thêm nữa, các môn đệ và Thầy đều là người Ga-li-lê-a.

13. “Sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh”: Hoạt cảnh ở đây giống đến kỳ lạ với hoạt cảnh xảy ra trước đó khi chuẩn bị cho việc Chúa Giê-su tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a. Trong cả hai hoạt cảnh, Chúa Giê-su sai hai môn đệ đi thi hành sứ mạng trong đó họ sẽ gặp thấy mọi việc như Ngài đã mô tả. Trong trường hợp thứ nhất: một con lừa đang cột sẵn ở đó; còn ở đây: một người mang vò nước đến gặp hai ông.

15. “Một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng”: Trong cả hai lần, những sự cố xảy ra đúng như Chúa Giê-su định liệu: trong trường hợp trước, người ta để cho hai ông dắt con lừa đi; trong trường hợp này, người mang vò nước dẫn hai ông vào nhà và chỉ cho hai ông một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng cho Ngài và các môn đệ cử hành bữa ăn Vượt Qua.

Qua những điều này, thánh Mác-cô muốn nói rằng Đức Giê-su đã dự liệu tất cả. Chính Đức Giê-su tổ chức lễ Vượt Qua sau cùng này với các môn đệ như trước đây Ngài đã tổ chức cuộc tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Thánh Mác-cô đồng hóa bữa cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ Ngài với bữa ăn Vượt Qua theo nghĩa nhặt, nghĩa là xảy ra vào đúng buổi chiều ngày 15 tháng Ni-san. Hai thánh ký Nhất Lãm khác đã theo niên biểu của Mác-cô. Tuy nhiên, Ga 19: 14 đặt cuộc Tử Nạn của Chúa Giê-su vào buổi chiều ngày 14 tháng Ni-san, vì thế, bữa ăn sau cùng của Chúa Giê-su là bữa Tiệc Ly, bữa tiệc áp lễ Vượt Qua. Niên biểu của Gioan xem ra cụ thể hơn, vì việc các thượng tế và kinh sư đã ra tay hành động vào ngày thứ nhất lễ Vượt Qua thì thật đáng ngờ. Bởi lẽ theo luật lệ tòa án vào thời đó, người ta không thể kêu án và xử tử bất kỳ ai một khi lễ Vượt Qua đã bắt đầu. Về phương diện lịch sử, trình tự thời gian mà Gioan ghi lại có lẽ hợp lý hơn. Năm ấy, lễ Vượt Qua Do thái xảy ra vào ngày thứ bảy, tức ngày Sa-bát (Ga 19: 31). Chúa Giê-su đã bị đóng đinh vào hôm trước đó, vào ngày thứ Sáu, vào giờ  mà người ta cắt tiết chiên để ăn mừng lễ (Ga 18: 28). Như thế Chúa Giê-su dùng bữa tiệc ly cùng với các môn đệ vào ngày thứ Năm. Sở dĩ các thánh ký Nhất Lãm làm bữa tiệc ly thành bữa ăn Vượt Qua chính là muốn đối chiếu cuộc tử nạn của Chúa Giê-su với những chủ đề hy tế và giải phóng của lễ Vượt Qua. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su gắn liền với lễ “Vượt Qua Mới”: việc giải phóng khỏi ách nô lệ của sự Ác và sự Chết. Thánh Phao-lô là người đầu tiên có thể phát biểu: “Đức Ki-tô, chiên Vượt Qua của tá, đã bị sát tế. Ta hãy mừng lễ, đừng với mem cũ…nhưng với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5: 7-8).

Trong đoạn văn này, chúng ta lưu ý đến việc lập lại đến hai lần tỉnh từ “Vượt Qua” (14: 12b và 12d) và danh từ “Vượt Qua” (14: 14, 16), là nhằm mục đích kêu mời độc giả chú ý đến ý nghĩa tối hậu của bữa ăn Chúa Giê-su sắp đồng bàn với các môn đệ. Bữa ăn này là dịp lễ tưởng niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai-cập, đồng thời chính là dịp loan báo sự chết và sống lại của Đấng Mê-si-a Cứu Thế.

2.2. Thắp sáng việc tự hiến của Đức Giê-su (14: 17-31).

Toàn bộ bản văn này được dàn dựng theo kỷ thuật “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”, nghĩa là câu chuyện “Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể” được xen vào giữa câu chuyện Chúa Giê-su loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy (14: 17-21) và ông Phê-rô chối Thầy (14: 26-31). Nhờ Kỷ thuật văn chương này, thánh Mác-cô thắp sáng việc Đức Giê-su hiến dâng mạng sống, tương phản với thái độ của hai ông Giu-đa và Phê-rô.

A. Loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy (14: 17-21)

      B. Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể (14: 22-25)

A’. Loan báo ông Phê-rô chối Thầy (14: 26-31).

A. Loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy (14: 17-21):

17. “Chiều đến, Đức Giê-su tới cùng với nhóm Mười Hai”: Khi màn đêm buông xuống, người Do thái mới cử hành bữa ăn Vượt Qua. Từ trước cho đến nay, thánh Mác-cô vẫn dùng từ “các môn đệ”, nhưng bây giờ, vào lúc trang trọng này, ông gọi họ chính xác là “nhóm Mười Hai”. Hiển nhiên là muốn nói đến các Tông Đồ, những kẻ đã gắn bó với Chúa Giê-su và với sứ vụ của Ngài. Nhóm người đang quây quần dự tiệc với Chúa Giê-su là hình ảnh tượng trưng cho toàn thể dân Thiên Chúa Mới (12 chi tộc Ít-ra-en).

18. “Có người trong anh em sẽ nộp thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy”: Họ được coi là một cộng đoàn thống nhất, tuy nhiên ở đây từ trong nội bộ đã xuất hiện sự chia rẽ. Chúa Giê-su đã loan báo rất rõ ràng rằng Giu-đa sẽ phản bội, tuy nhiên Ngài không nêu đích danh. Ngài nói đến đề tài có trong Kinh Thánh nói về người công chính bị bách hại, về kẻ bị người thân cận nhất phản bội: “Cả người bạn hữu tín cẩn của tôi, kẻ tôi thường san sẻ cơm bánh, cũng đã vùng lên chống lại tôi” (Tv 41: 10).

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại sự kiện này và đều nhấn mạnh Giu-đa “đang cùng ăn với Thầy” (thánh Gioan xác định “chia sẻ cùng một miêng bánh”). Theo quan niệm xưa, “đồng bàn” đồng nghĩa “đồng hội đồng thuyền”, tức “đồng sinh đồng tử”, sống chết có nhau. Như vậy, hành vi phản bội nêu bật nhân cách vô liêm sĩ của ông Giu-đa.

19. “Các môn đệ đâm ra buồn rầu”: Bầu khí trang trọng thân tình giữa Thầy trò bổng trở nên ngột ngạt. Lời loan báo của Chúa Giê-su khiến các ông sửng sờ.

 “Lần lượt hỏi Người: ‘Chẳng lẽ con sao?”: Bởi lẽ Chúa Giê-su không thẳng thừng lột mặt nạ kẻ phản bội nên các tông đồ dồn dập hỏi nhau cho biết ai là kẻ phản bội. Chắc chắn Mác-cô muốn hết thảy mọi Ki-tô hữu cũng phải tự đặt câu hỏi này mỗi lần họ tham dự bữa ăn của Chúa.

20. “Chính là một trong trong nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy”: Câu trả lời này cũng thật mơ hồ, vì theo tập quán, mọi người đều cùng chấm chung một đĩa. Lại một lần nữa, Chúa Giê-su vẫn chưa chịu nêu đích danh kẻ phản bội, chỉ xác nhận đó là một người trong họ. Ngài cứ để cho các ông thắc mắc.

21. “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người”: Trong những hoàn cảnh nghiêm trọng như thế, Chúa Giê-su thường gợi lên tước hiệu “Con Người” để nói về sứ mạng của mình. Dưới tước hiệu này, Ngài ẩn dấu mầu nhiệm của Ngài.

Rồi, Chúa đã nêu rõ rằng đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Dù việc ứng nghiệm Cựu Ước là chủ đề chính trong câu chuyện Thương Khó của Mác-cô, nhưng không có đoạn văn nào nói về những đau khổ của “Con Người”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su viện đến Kinh Thánh để làm cơ sở cuối cùng hầu giải thích cho các môn đệ những điều sắp xảy đến với Ngài. Chỉ vì kế hoạch của Thiên Chúa đang làm việc ở nơi cuộc tử nạn của Đức Giê-su. Chúng ta rất thường gặp các lý do tâm lý trong biến cố Khổ Nạn. Điều gì thúc đẩy Giu-đa phản bội Thầy mình? Các Ki-tô hữu sơ khai không hề quan tâm tới câu hỏi này. Đối với họ điều quan trọng là hiểu cho được việc Đấng Mê-si-a bị các môn đệ chối bỏ lại đã hoàn thành chương trình của Thiên Chúa ra sao (x. Isaiah 53:7-9).

“Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”: Chúa Giê-su kết thúc bằng những lời rất dể gây ngộ nhận. Qua những lời này, người ta muốn biết liệu Chúa Giê-su có rõ ràng xác quyết rằng Giu-đa có bị kết án đời đời hay không. Chúng ta không thể nào nghĩ đây là lời nguyền rủa thốt ra từ miệng Đức Giê-su vào giờ Ngài ý thức rất rõ là Ngài sắp đổ máu mình để xóa tội nhân loại. Đúng hơn là lời ghi nhận đượm nỗi buồn phiền. Giả như hắn đừng sinh ra, thì không phạm một tội ác tày trời như vậy. Đừng quên rằng Chúa Giê-su đã phát biểu theo lối than vãn thường gặp trong văn phong Kinh Thánh. Ngài không xét xử kẻ phản bội, cũng không kết án y. Ngài chỉ thương hại y theo cách các ngôn sứ thường than vãn về sự bất trung của toàn thể dân Chúa: “Khốn nạn! Dân tội lỗi! Dân chất đầy tội vạ! Nòi giống ác độc! Phường con hư đốn!” (Isaiah 1:4). Chúng ta cũng đã thấy Chúa Giê-su đã có lần sử dụng lối nói này để quát đuổi quỷ ma (x. Mc 9: 19). Thực vậy, chúng ta không thể nào kết luận được rằng Chúa Giê-su than van như thế là Ngài đã đày Giu-đa xuống hỏa ngục. .

Sự cố đầu tiên ở bài trình thuật Tiệc Ly nhấn mạnh Đức Giê-su biết trước Giu-đa âm mưu phản bội Ngài và Đức Giê-su sẵn sàng vâng phục ý muốn Chúa Cha chấp nhận cuộc thương khó và tử nạn.

B. Thiết lập bí tích Thánh Thể (14: 22-26):

Bản văn Mác-cô nối kết bánh và rượu của bữa ăn sau cùng của Đức Giê-su với cuộc Tử Nạn ngay liền sau đó của Ngài (x. Matthew 26:26-29; cf. 1Cr 11: 23-25; Lc 22: 15-20), và giải thích chúng trong ánh sáng của các truyền thống hy tế Cựu Ước (x. Xh 24: 8; Isaiah 53:12) và niềm hy vọng bàn tiệc Mê-si-a trong Nước Thiên Chúa.

22. “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông”: Chúa Giê-su đã làm một cử điệu mang tính nghi thức rất quen thuộc đối với người Do thái khi tham dự bữa ăn Vượt Qua với nhau trong gia đình hay trong nhóm. Như người cha chủ toạ bữa ăn trong gia đình, Ngài cầm lấy bánh và chúc tụng thiên Chúa về những ơn phúc Người đã ban cho. Lời kinh “Chúc Tụng” của người Do thái không phải là một lời nguyện chiếu lệ, trái lại rất trang trọng, bởi vì qua đó dân Ít-ra-en dâng lên Thiên Chúa lời “ca ngợi và tạ ơn” Thiên Chúa vì đã giải thoát không chỉ ông bà tổ tiên xa xưa của họ nhưng cả chính họ ngày hôm nay. Trong kinh Haggada mừng lễ Vượt Qua (nghi thức ăn mừng đại lễ Vượt Qua), người ta cũng đọc thấy “Ta mắc nợ này: là phải cảm tạ, ngợi khen…chúc tụng Đấng đã ban cho cha ông chúng ta và cả cho chúng ta hằng hà dấu chỉ. Ngài đã kéo ta ra khỏi ách nô lệ đến nơi tự do, từ cõi u sầu đến miền hoang lạc, từ chốn tan tác vào nơi vui vẻ, từ tối tăm ra ánh sáng và từ chỗ bị áp bức tới nơi giải phóng. Và trước nhan Người ta hãy hát lên bài ca mới Alleluia”. Sau khi đã hát xong lời nguyện, Chúa Giê-su bẻ bánh. Ngài phát cho các vị đồng bàn mỗi người một miếng. Vừa trao ban cho từng người, Ngài vừa nói:

“Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”: Trong tiếng A-ram, ngôn ngữ Chúa Giê-su dùng, tiếng “mình” không phải chỉ nói riêng đến phần thân xác, mà là đến “con người”, nghĩa là toàn bộ cuộc sống của Ngài. Như thế, Chúa Giê-su không chỉ ban ban phát thân xác của Ngài làm của ăn cho chúng ta, như kiểu giải thích duy vật của Tây Phương, nhưng toàn bộ cuộc sống của Ngài. Ngài loan báo rằng toàn bộ cuộc sống của Ngài sẽ được giải thoát khỏi sự chết và chúng ta sẽ được dự phần vào cuộc sống được giải thoát này.

23. “Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông”: Ý nghĩa của món quà tặng này còn được Ngài làm rõ hơn ngay sau đó, qua cử chỉ và lời nói của Ngài khi cầm lấy chén rượu. Mọi lời nói ở đây đều cô động lạ thường. Chúa Giê-su cầm chén rượu nho lên cao, rồi dâng lời “tạ ơn” Thiên Chúa một lần nữa. Chính từ ngữ Hy-lạp này đã phát sinh ra từ “Eucharistie” (“hành vi tạ ơn”) trong tiếng Pháp, rồi từ đó người ta dùng thuật ngữ này để chỉ về toàn bộ các nghi thức liên quan đến bàn tiệc Thánh Thể.

24. “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì mọi người”: Ngài trịnh trọng tuyên bố. Kiểu nói: “máu Thầy” trong ngôn ngữ Do thái có nghĩa là “cuộc đời Thầy” (Leviticus 17:14). Khi uống rượu đã được thánh hiến, các môn đệ không phải là đã uống máu người. Họ đâu có phải là những kẻ ăn thịt người. Họ thông phần với con người Đức Ki-tô, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình trên thập giá (1Cr 11: 17-34).

Những lời Chúa Giê-su nói tiếp theo sau đó đã giải thích rất minh bạch ý nghĩa cái chết của Ngài. Máu Ngài đổ ra sẽ là “Máu Giao Ước”. Thuở xưa trên núi Xi-nai, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với dân Ít-ra-en, dân được tuyển chọn. Sau khi đọc lề luật Thiên Chúa cho dân Ít-ra-en nghe xong, ông Mô-sê đã ghi dấu giao ước đầu tiên này bằng máu của những tế vật (Xh 24: 3-8). Lúc này đây, qua cái chết của mình, Chúa Giê-su sẽ thiết lập điều mà Phao-lô (1Cr 11: 25) và Lu-ca (22: 20) gọi rất chính xác là “Giao Ước Mới” giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại. Thực vậy, việc Chúa Giê-su hiến mình chịu chết đã đem lại một ý nghĩa “cứu độ” và phổ quát. Máu Ngài “đổ ra cho nhiều người”. “Nhiều người” là một lối nói trong tiếng Do thái để chỉ toàn thể nhân loại và kiểu nói này đã ám chỉ chắc chắn đến “Người Tôi Tớ đau khổ” sắp lãnh nhận cái chết để hòa giải các dân thiên hạ với Thiên Chúa như các ngôn sứ đã loan báo trước đó (Isaiah 53:12). Như thế, Chúa Giê-su đã nâng sự chết Ngài sắp phải chịu lên một tầm mức cứu độ phổ quát. Ngài hiến thân mình và mạng sống của mình để cứu chuộc thế giới.

25. “Cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”: Rồi khi kết thúc bữa ăn, Chúa Giê-su đã mở ra một viễn cảnh cánh chung. Ở đây, Chúa Giê-su loan báo Ngài sẽ chiến thắng sự chết. Ngài hứa hẹn Nước Thiên Chúa sẽ đến qua hình ảnh một bữa tiệc, ở đó rồi mọi người sẽ được ăn no uống đủ. Ở đó, “rượu mới” sẽ tuôn tràn cho mọi người, một khi sự chết đã bị tiêu diệt (chướng ngại tối hậu), hết thảy mọi dân nước trên địa cầu này sẽ thông phần với Thiên Chúa hằng sống (Isaiah 25:6-9).

Lễ Vượt Qua Do thái mà Chúa Giê-su tham dự cùng với các môn đệ, biến thành lễ Vượt Qua Ki-tô giáo bởi việc Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể như một Giao Ước Mới với Dân Thiên Chúa Mới. Như vậy, lễ Vượt Qua Ki-tô giáo vừa nối tiếp, nhưng cũng vừa đoạn tuyệt và mới mẻ tận căn đối với lễ Vượt Qua Do thái.

Nếu khung cảnh bữa ăn Vượt Qua soi sáng sự biến đổi kỳ diệu của bữa ăn Thành Thể như thế nào, thì bữa ăn này, cũng là bữa Tiệc Ly, bữa ăn chia tay, mặc khải tất cả khía cạnh thống thiết của nó như thế. Đức Giê-su sắp từ biệt các môn đệ của mình, những người mà Ngài yêu thương cho đến cùng, những người mà Ngài trao gởi sứ mạng truyền đạt sứ điệp của Ngài cho hậu thế. Trong giờ phút ly biệt kẻ ở người đi này, Chúa Giê-su gặp thấy một phương tiện để ở với họ, bằng cách thiết lập bàn tiệc Thánh Thể như một kỷ vật kỳ diệu này, quà tặng của chính bản thân mình; nhờ đó các Tông Đồ cũng như những người kế nghiệp các ngài có thể lưu truyền mãi mãi sự hiện diện của Ngài. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể vừa ra đi vừa ở lại được.

Các cộng đoàn Ki-tô hữu đều sử dụng các câu trích dẫn từ bản trình thuật trên. Mác-cô cho thấy rằng Chúa Giê-su đã thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Đối với các Ki-tô hữu, bữa tiệc này đã được lặp lại để “tưởng nhớ” cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Cứu Độ. Khi cùng nhau “bẻ bánh”“uống rượu chúc tụng”, người Ki-tô hữu ý thức được họ phải loan truyền cho anh em biết đến các biến cố cứu độ này. Họ biết rằng bí tích này phải thực thi sống động mầu nhiệm Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại. Cũng như các anh em Do thái cử hành lễ Vượt Qua thế nào thì các môn đệ Chúa Giê-su cũng lặp lại những lời nói, nghi lễ này thế ấy, đó là “Từ thời nay tới thời khác, khi con người ra khỏi đất Ai-cập, họ đã mắc nợ. Ta hãy chúc tụng Thiên Chú Chí Thánh, Đấng không chỉ giải thoát cha ông chúng ta mà cả chúng ta nữa. Trong Ngài, chúng ta được cứu thoát!”.

A’. Báo trước việc ông Phê-rô chối Thầy (14: 27-31).

Việc báo trước ông Phê-rô sẽ chối Thầy trở lại với việc loan báo ông Giu-đa phản bội Thầy trước đó (14: 17-21). Thật khó tưởng tượng rằng những Ki-tô hữu tiên khởi sáng tác một câu chuyện Phê-rô chối Thầy một cách gay gắt đến như thế.

26. “Hát thánh vịnh xong…”: Chi tiết quý báu này cho thấy bữa tiệc ly mà Chúa Giê-su đồng bàn với nhóm Mười Hai kết thúc như một bữa ăn Vượt Qua của người Do thái. Đây chính là thánh thi tạ ơn được gọi là “Hallel”, trích từ Tv 115-118, mà người Do thái hát để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Khi hát xong bài ca tán tụng này, người ta hát “Alleluia”: “Hãy ca tụng Thiên Chúa”.

“Chúa Giê-su cùng các môn đệ lên núi Ô-liu”. Đức Giê-su và các môn đệ rời phòng tiệc; họ cùng nhau đi xuống thung lũng Xe-ron nằm giữa thành thánh Giê-ru-sa-lem và núi Ô-liu. Đây là nơi Thầy trò dể dàng tìm được nơi nương náu an toàn, tránh được mối đe dọa đang rình rập họ ở trong thành.

27. “Tất cả anh em sẽ vấp ngã”: Trên đường đi, Chúa Giê-su báo trước những gì sẽ xảy đến cho họ. Bầu khí hân hoan hội hè nơi bàn tiệc nay nhường chỗ cho bầu khí nặng nề, u uất. Không phải là Ngài không biết đến hậu quả nặng nề sẽ giáng xuống trên các ông một khi Ngài bị bắt đem đi.

“Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác”: Ngài loan báo là các môn đệ sẽ tản mác và sẽ vấp ngã sa ngã nữa bằng cách trích dẫn sấm ngôn Dcr 13: 7-9 này.  Vị ngôn sứ này đã loan báo rằng thời kỳ cứu độ sẽ đi trước bởi một cơn thử thách lớn lao giáng xuống trên một phần dân Thiên Chúa để thanh tẩy họ; nhóm còn sót lại này bất ngờ không có người chăn dắt, vào lúc họ sẵn sàng đón nhận Giao Ước Mới. Như vậy, thử thách đang chờ đợi nhóm Mười Hai xem ra quá ư khốc liệt.

28. “Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”: Để an ủi các ông, Chúa Giê-su loan báo cho các ông rằng Ngài sẽ gặp lại các ông ở Ga-li-lê-a, một cách gián tiếp Ngài báo trước cuộc Phục Sinh của Ngài. Như vậy, Ngài đã cho các ông một cuộc hẹn gặp trước khi bước vào con đường thương khó và tử nạn rồi, nghĩa là, khi “sống lại”, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục qui tụ và dẫn dắt họ. 

29. “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”: Vị thủ lãnh nhóm Mười Hai là Phê-rô, hăm hở đứng ra tuyên xưng lòng trung thành với Thầy mình.

30. “Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần”: Lời tuyên xưng của Phê-rô phát xuất từ tấm lòng quảng đại bộc trực. Nhưng Chúa Giê-su không hề lạ lẫm gì sự yếu đuối của các ông.

31. “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”: Thánh Phê-rô lại càng quả quyết hơn và tất cả mọi người đểu đồng thanh quả quyết như ông. Mãi đến bình minh hôm sau mới ứng nghiệm lời tiên báo của Chúa Giê-su về việc sẽ xảy đến cho Phê-rô (x. 14: 66-72). Lúc này ông vẫn khăng khăng rằng mình và các bạn hữu sẽ một lòng một dạ trung thành với Thầy cho dù phải chết đi nữa. Mác-cô nhấn mạnh đến sự mù quáng của các Tông Đồ trước cái chết sắp đến của Thầy. Tới lúc đó rồi mà họ vẫn hoàn toàn không biết rằng họ sẽ phải làm gì cả.

Để kết luận, ta nên nhớ rằng, Mác-cô đã lồng ghép hai đoạn văn loan báo sự hèn nhát của những kẻ rất thân cận với Chúa Giê-su như bức bình phong để thắp sáng hoạt cảnh Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể (14: 22-25):  đó là tội phản bội của Giu-đa (14: 17-21) và tội chối Thầy của Phê-rô (14: 26-31).

II. CUỘC THƯƠNG KHÓ (14: 32-15: 15)

1. ĐỨC GIÊ-SU CẦU NGUYỆN VÀ BỊ BẮT (14: 32-52).

Hai sự cố dẫn Đức Giê-su đến gần thập giá hơn: Đức Giê-su cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni (14: 32-42) và Ngài bị bắt (14: 43-52). Bài trình thuật này cho thấy Ngài đối mặt với cuộc tử nạn của mình thật lẽ loi đơn độc như thế nào. Ngài không tìm thấy niềm cảm thông chia sẻ ở nơi các môn đệ thân tín nhất của Ngài; chỉ duy mối liên hệ với Chúa Cha và niềm xác tín tuân phục thánh ý Chúa Cha là niềm nâng đỡ độc nhất của Ngài trong nỗi xao xuyến tận mức trước viễn cảnh cuộc Tử Nạn sắp đến.

1.1. Đức Giê-su cầu nguyện (14: 32-42).

Bản văn Mác-cô về cơn hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni trình bày Đức Giê-su là Con Thiên Chúa nhu mì đấu tranh để chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc thương khó của Ngài. Đồng thời, bản văn này cũng phác họa chân dung về các môn đệ, họ chẳng nhận thức một chút nào về những gì đang xảy ra, quả thật như một mẫu gương nên tránh.

32. “Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thuở đất gọi là Ghết-sê-ma-ni”: Đoạn Tin Mừng này, được thánh Lu-ca đánh giá là “thống thiết” (22: 24), mở đầu với địa danh “một thuở đất gọi là Ghết-sê-ma-ni”. Đức Giê-su cùng các môn đệ rút vào trong khu vườn này.

“Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”: Chúa Giê-su có thói quen lánh vào một nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình (1: 35; 6: 46). 

33. “Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đi theo”: Không thể nào chịu đựng nổi một mình, Ngài dẫn theo bên mình ba người môn đệ thân tín nhất của mình: thánh Phê-rô, thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan. Cả ba là những người đã được chứng kiến cuộc phục sinh con gái của ông Gia-ia (5: 37) và cuộc Biến Hình (9: 2). Làm sao họ lại có thể xa Thầy vào thời điểm này được?

“Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng và xao xuyến”: Chúa Giê-su đã tỏ ra rất là “người”. Khi cảm thấy cái chết đang gần kề không thể tránh khỏi, Ngài, cũng như mọi người khác, cảm thấy hãi hùng xao xuyến đến tận đáy lòng.

34. “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”: Mãi cho đến lúc này, Chúa Giê-su vẫn còn giữ được phong thái thanh thản đón chờ những gì sắp xảy đến. Mác-cô chỉ nhắc đến sự buồn rầu nơi các môn đệ (14: 19). Nhưng tới đây, ông nói rõ là ngay cả Chúa Giê-su cũng thú nhận “tâm hồn Thầy buồn đến chết được”. Nếu Ngài buồn phiền đến chết được chính là do nổi cô đơn tuyệt đối mà không biết ngỏ cùng ai và vì thất bại trong sứ mạng của mình (ít là theo vẻ bên ngoài).

“Anh em ở lại đây mà canh thức”: Trong thân phận yếu nhược của một phàm nhân, Chúa Giê-su cần đến sự hiện diện của họ bên cạnh mình như nguồn an ủi nâng đỡ Ngài trong cơn cùng khốn này.

35. “Người đi xa hơn một chút”: Ngài yêu cầu ba người bạn ở bên mình, nhưng vẫn cách xa một khoảng, bởi vì Chúa Giê-su không nghĩ rằng ngay đến những người thân cận nhất này lại có thể chia sẻ tấn thảm kịch của mình.

“ Quỵ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi chính mình, nếu có thể được”: Ngài tách xa họ một quãng và cảm thấy mặt đất như chao đảo dưới bước chân mình. Hoàn toàn kiệt sức, Ngài sấp mình xuống đất. Cử chỉ sấp mình xuống đất cho thấy thân xác yếu nhược, nhưng cũng là thái độ cầu nguyện khiêm tốn và khẩn thiết. Không có nơi nào trong Tin Mừng mô tả Đức Giê-su cầu nguyện như thế. Ngài bắt đầu “bị cám dổ” đây là lúc chính nhân tính lâm cơn khủng hoảng muốn chống lại thiên tính. Ngài cầu mong cho “giờ đó” tránh xa khỏi Ngài, giờ mà Ngài bị mọi người lánh bỏ, giờ bị giao nộp.

36. “Áp-ba, Cha ơi”: Chỉ có Mác-cô là thánh ký duy nhất ghi lại cho chúng ta biết lời cầu nguyện tận thâm tâm của Chúa Giê-su. Ngài kêu lên với Thiên Chúa một lời nguyện xin thật thống thiết. Bằng tiếng A-ram, Ngài gọi Thiên Chúa là “Abba”, tiếng kêu của con trẻ bập bẹ gọi cha mình. Khi cầu nguyện, người Do thái không bao giờ dùng “Abba” để gọi Thiên Chúa, bởi lẽ từ này quá thân mật. Từ chính miệng Chúa Giê-su, tiếng kêu của con trẻ gọi cha mình này diễn tả một ý thức sâu sắc về mối liên hệ độc đáo giữa Ngài và Chúa Cha.

“Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này” : “Chén” là hình ảnh Kinh Thánh để nói lên một sự thử thách, một vận mệnh đau thương, đồng thời cũng gợi lên chén máu của hy tế. Ngài biết rất rõ “Cha có thể làm mọi sự” . Đột nhiên Ngài xin Cha tha cho Ngài khỏi phải uống chén đau khổ mà Ngài phải uống cạn cho đến giọt cuối cùng.

“Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”: Chúa Giê-su đã chiến đấu nội tâm tận lực. Ngài bị cám dỗ (như đã được báo trước ở 1: 12-13) tránh né cái chết đang chờ Ngài. Nhưng Ngài hiểu rằng kế hoạch của Thiên Chúa phải vượt lên trên ý mình. Và Ngài phó thác hoàn toàn. Cuộc chiến đấu thật hết sức cam go. Nhưng rồi nhân tính của Chúa Giê-su đã phục tùng ý Cha. Ngài đã thắng cơn cám dỗ.

37. “Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ”: Sau khi cầu nguyện xong, Chúa Giê-su trở lại với các bạn hữu lần thứ nhất. Và Ngài chỉ thấy họ ngủ say vô tư lự.

“Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?”: Khi gọi Phê-rô bằng tên tục Si-mon, hẳn Ngài đã quở trách kẻ làm đầu nhóm Mười Hai được chọn để ở bên cạnh Ngài chia sẻ với Ngài, đã xao lãng bổn phận, không thể tha thứ được. Qua lời quở trách này, chúng ta nhận thức được những ân hận của thánh Phê-rô. Những lời quở trách của Chúa Giê-su vẫn hằn sâu trong tâm khảm của ông: “Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?”.

38: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện”: Lời khẩn khoản của Chúa Giê-su được diễn đạt theo kiểu nói Do thái thường dể bị hiểu lầm. Ở đây chúng ta thấy rõ rằng các môn đệ mê ngủ là lẽ đương nhiên, chỉ là một hiện tượng sinh lý ngược với hiện tượng tỉnh thức. Nhưng khi liên kết việc tỉnh thức để cầu nguyện, không phải Chúa Giê-su chỉ muốn nói họ đừng ngủ nữa mà là phải tỉnh thức tâm linh. Đó mới là điểm đáng chúng ta lưu ý, tương tự như dụ ngôn người canh cửa phải hết sức tỉnh táo để chờ đón chủ về bất cứ giờ nào trong đêm (13: 34).

“Kẻo sa chước cám dỗ”: Các môn đệ được khuyên răn phải triệt để “không được sa chước cám dỗ”. Lời này rất gần gũi với lời cầu xin: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” trong Kinh “Lạy Cha” mà trong số ba Tin Mừng Nhất Lãm chỉ một mình thánh Mác-cô không ghi lại (x. Matthew 6:13 và Lc 11: 4b). Chước cám dỗ gì đây? Trong những lúc nguy nan khi mà các quan điểm phàm trần không nối kết được với ý Chúa, con người không được quyền đánh mất niềm tin (8: 33).

“Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”: Người ta thường hiểu lời căn dặn này theo quan niệm Hy-lạp, theo đó con người ta gồm hai thực tại đối nghịch nhau: linh hồn thì tốt lành và xác thịt xấu xa. Nhưng trong ngôn ngữ Do thái, “xác thịt”“toàn bộ con người” với những mõng dòn yếu đuối của nó. Nó trở nên tội lỗi khi nào nó không hướng về “tâm linh” cửa ngõ dẫn tới Thiên Chúa.

39-40. “Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ…”: Nói xong thế rồi Chúa Giê-su trở lại nơi cầu nguyện. Sau đó, Ngài trở lại lần nữa với các môn đệ và thấy họ vẫn chưa tỉnh thức. Mác-cô tỏ hết sức khoan dung. Ông chỉ nói họ vẫn li bì nặng giấc, chứ thực ra phải nói họ mê mẩn, lú lẫn mới phải. Và lần thứ hai này khi tình thế đã đến hồi nguy ngập hơn, các môn đệ vẫn không hay biết gì đến tấn thảm kịch Chúa Giê-su sẽ gánh chịu: “Các ông chẳng biết ăn nói làm sao”.

41. “Lần thứ ba, Người trở lại”: Ba lần Chúa Giê-su trở lại với ba người bạn thân tín nhất của mình. Thật cảm động biết bao khi biết rằng vị Thiên Chúa làm người toan tính dựa vào những bạn hữu nhân loại của mình trong nỗi buồn phiền vô hạn của mình. Nhưng thất vọng biết bao! Những người bạn thân nhất của Ngài rốt cuộc không thể cưỡng kháng được cơn mê ngủ. Nhóm Tông Đồ là tượng trưng một cách tuyệt vời thân phận phàm nhân mỏng dòn, yếu đuối và tội lỗi, họ không thể nâng đỡ an ủi Thầy mình trước nỗi bi thương của Thầy. Và rồi Mác-cô lại viết rằng Chúa Giê-su trở lại lần thứ ba (lần cuối cùng) với ba môn đệ thân tín nhất. Lần trở lại cuối cùng này, Chúa Giê-su cũng gặp thấy các bạn hữu của Ngài trong tình trạng chẳng khá gì hơn trước đó: vẫn ngủ say vô tư lự.

“Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi”: Con đường thương khó đã khởi sự rồi. “Giờ” đã đến. Sự phản bội bởi con người sắp xảy ra trong tích tắc mà thôi. Mác-cô là tác giả đầu tiên nhắc đến “giờ” của Con Người. Trong Tin Mừng Gioan, chủ đề “Giờ” được khai triển rất sâu rộng (Ga 12: 23-30; 13: 1; 17: 1-2, vân vân).

“Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao?”: Chúa Giê-su không còn mong chờ sự nâng đỡ nào từ họ. Ngài hoàn toàn cô độc trong cơn hấp hối ở vườn Ghết-sê-ma-ni.

42. “Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”: Mọi sự đã hoàn tất theo như chương trình Chúa Giê-su đã dự định. Ngài vội vã đánh thức họ dậy bằng những lời lẽ như mấy lần trước. Nhờ lời cầu nguyện nâng đỡ Chúa Giê-su đã sẵn sàng giáp mặt với tên phản bội. Các bạn Ngài liệu có thể ra khỏi cơn mê ngủ được chăng?

Qua trình thuật khá cô động này, chắc chắn Mác-cô muốn giải đáp những câu hỏi đặt ra cho cộng đoàn mình: các Ki-tô hữu thành Rô-ma, bị bách hại, hẳn biết rõ Chúa Giê-su đã “chịu cám dỗ”: làm thế nào đón nhận cái chết mà không chối bỏ niềm tin? Mác-cô đã trình bày cho họ thấy Thầy đã phải đấu tranh cận lực mới nhận ra được thánh ý Thiên Chúa. Thánh sử còn ghi nhận sự trái ngược giữa tình trạng mê ngủ đáng tội của các tông đồ với sự tỉnh táo cầu nguyện của Chúa Giê-su. Ba lần Chúa Giê-su tiếp xúc với Chúa Cha rồi với loài người hẳn mang nhiều ý nghĩa. Con số “3” trong Tin Mừng là con số chỉ sự kiên trì. Trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su cũng đã lặp lại ba lần rằng Con Người phải lãnh nhận cái chết (8: 31; 9: 31; 10: 32-34). Mỗi lần loan báo về Cuộc Khổ Nạn là mỗi lần Chúa Giê-su nhấn mạnh đến số phận nghiệt ngã sắp tới của Ngài. Ở đây, ba lần Chúa Giê-su kêu mời tỉnh thức và cầu nguyện còn muốn nhấn nạnh hơn nữa. Quả vậy, Mác-cô kêu gọi các môn đệ Chúa Giê-su phải phải liên lỉ cầu nguyện theo như kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Matthew 6:13; Lc 11: 4). Chúng ta chẳng có gì mà phải xấu hổ cả khi bị chước cám dỗ, bởi lẽ chính Thiên Chúa cũng bị cám dỗ kia mà. Nhưng chính Ngài đặt để con người ta vào tình trạng nguy kịch đó, và con người không nhận ra được hành động khoan nhân của Ngài. Từ lúc ấy đức tin sẽ lâm vào tình trạng nguy nan. Do đó chúng ta phải cầu xin Chúa cho các tín hữu qua được cơn thử thách.

1.2. Đức Giê-su bị bắt (14: 43-52).

Đoạn văn này cốt là nhiều tình tiết ngắn gọn: cuộc bố ráp Đức Giê-su (14: 43-46), chém đức tai tên đầy tớ (14: 47), Đức Giê-su đánh giá (14: 48-49) và các môn đệ trốn chạy (14: 50-52). Đoạn văn này khai triển nhiều chủ đề quen thuộc: Giu-đa phản bội, Đức Giê-su biết trước, ứng nghiệm Kinh Thánh, và các môn đệ không trung thành với Đức Giê-su.

A. Cuộc bố ráp Đức Giê-su (14: 43-46):

43. “Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, xuất hiện…”: Ở vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su vừa nói với các bạn hữu xong thì ngay lúc đó tên phản bội xuất hiện cùng với đoàn lũ quân lính của thầy thượng tế. Một lần nữa, Mác-cô ghi rằng Giu-đa là một người trong nhóm Mười Hai để nêu bật hành vi bỉ ổi của hắn. Tên phản bội biết nơi chốn; hắn biết rằng Đức Giê-su thường đến đây; hắn không lầm khi dẫn đến đây đội cận vệ Thượng Hội Đồng được trang bị gươm giáo, và chắc chắn kéo theo những thành phần vô lại, cầm những gậy gộc nhặt được dọc đường.

44. “Tôi hôn ai, thì chính người đó”: Những người lãnh nhiệm vụ bắt Đức Giê-su lại không biết Ngài tận mặt, dù sao trong đêm tối có nguy cơ bắt nhầm người. Giu-đa ước đinh với họ một ám hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận”. Một môn đệ thường chào thầy mình theo cách thức truyền thống này, nhưng Giu-đa đã cho nụ hôn của tình nghĩa thầy trò này một ý nghĩa khác: dấu hiệu nộp Thầy mình. Điều này càng làm tăng thêm sự khinh tởm đối với hành động của Giu-đa.

45. “Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: ‘Thưa Thầy!’ rồi hôn Người”: Vào thời đó, bất kỳ môn đệ nào cũng chào thầy: “Thưa Thầy” và ôm hôn thầy để biểu lộ tình nghĩa của người môn sinh đối với thầy mình. Nhưng ở đây, lời nói và hành động của Giu-đa mới thật xấu xa, bởi vì chúng trở thành dấu chỉ điểm bắt Thầy mình.

B. Chém đứt tai tên đầy tớ (14: 47):

47. “Một trong những kẻ có mặt tại đó tuốt gươm ra…”: Thánh Mác-cô không cho chúng ta biết tên của người môn đệ này. Nhờ thánh Gioan, chúng ta biết rằng tác giả của hành động này là Phê-rô và tên đầy tớ bị chém đứt tai tên là Man-cô (Ga 18: 10). Và nhờ thánh Lu-ca, chúng ta biết tai bị chém đứt là tai phải và Chúa Giê-su đã chữa lành tai cho y (Lc 22: 50-51). 

C. Chúa Giê-su đánh giá (14: 48-49):

48. “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?”: Ở Mác-cô, chúng ta không thấy nói gì về chuyện Thầy quở trách vị “anh hùng hào hiệp ra tay bảo vệ” mình đã hành động vụng về rồ dại này cả; trái lại, Ngài vẫn giữ được phong thái hoàn toàn bình thản khi lên tiếng phản đối cách thức những kẻ đến bắt mình.  

49. “Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở đền thờ…”: Thực vậy, Chúa đã hành xử như một bậc tôn sư hiền hòa. Những lời dạy công khai của Ngài chứng thực điều đó. Bởi đâu mà người ta gán cho Ngài cái tội kích động quần chúng và liệt Ngài vào hàng ngũ những kẻ gian ác sống ngoài vòng pháp luật?

“Như thế này là để lời Sách Kinh Thánh được ứng nghiệm”: Chúa Giê-su quy chiếu đến bài ca: “Người Tôi Tớ chịu đau khổ” mà Ngài đã nhiều lần áp dụng vào vận mệnh của chính mình. Cách thức bắt Ngài như thế thật vô lý và không thể nào hiểu thấu được. Chỉ có thể dựa vào Kinh Thánh, chấp nhận cho đó là thánh ý của Thiên Chúa mà thôi.

D. Các môn đệ trốn chạy (14: 50-52):

50. “Bấy giờ, các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”: Họ đã từng theo Chúa Giê-su từ xưa cho đến nay, thì dù có yếu đuối tới đâu chăng nữa, cũng không thể “bỏ mặc Thầy mà trốn chạy hết” ngay giữa lúc nguy nan ấy được. Việc họ tháo chạy đã được Chúa Giê-su báo trước: “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (14: 27). Chẳng còn một ông nào dám đứng ra bênh vực Ngài, chẳng còn một ai đứng ra làm chứng cho Ngài, mặc dù trước đó họ đã hăm hở xác quyết lòng trung thành với Thầy dù phải chết đi nữa (14: 31). Nỗi cô đơn của Chúa Giê-su đã quá lớn rồi, nay còn lại triệt để hơn.

51-52. “Trong khi đó có một thanh niên đi theo Người…”: Mác-cô kết thúc đoạn văn buồn thảm này bằng một mẫu chuyện nhỏ khiến độc giả phải nghĩ ngợi. Chân tính của người môn đệ trẻ bỏ chạy mình trần đã lôi kéo nhiều phỏng đoán suốt nhiều thế kỷ. Thoạt đầu người ta cho rằng chàng trai trẻ vô danh đó xuất hiện là để giải cứu Chúa Giê-su, nhưng bởi vì anh ta lại tìm đường tháo chạy, nên hầu chắc đó chính là Mác-cô, thánh ký này đã chứng kiến tường tận cảnh tượng vừa diễn ra và đã xác nhận điều đó qua “dấu chứng” kỷ niệm này. Một số độc giả khác lại cho rằng nhân vật bí hiểm đó chính là hình bóng tượng trưng cho người môn đệ đón nhận cái chết trong cảnh trần trụi như chính Thầy mình. Dù anh ta là ai thì trong mạch văn hiện nay anh là một nhân vật đại diện tập thể: “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (14: 50).

2. CHÚA GIÊ-SU CHỊU XỬ ÁN (14: 53-15: 15).

Mác-cô trình bày hai cuộc xử án: một trước các vị lãnh đạo Do thái và một khác trước tổng trấn Phi-la-tô. Thánh ký xem phiên tòa Do thái là phiên tòa mang tính quyết định hơn, dù từ viễn cảnh luật pháp phiên tòa Rô-ma quan trọng hơn. Suốt hai cuộc xử án, Đức Giê-su vô tội hầu như hoàn toàn thinh lặng (x. Isaiah 53:7).

2.1. Phiên tòa trước Thượng Hội Đồng (14: 53-72).

Lại một lần nữa, thánh ký sử dụng kỷ thuật “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”, nghĩa là câu chuyện Chúa Giê-su bị xử án trước Thượng Hội Đồng (14: 55-65) được chen vào giữa câu chuyện thánh Phê-rô chối Thầy (14: 53-54 và 66-72).  Nhờ kỷ thuật này, thánh Mác-cô nêu bật tinh thần kiên vững của Đức Giê-su và thái độ hèn yếu của ông Phê-rô. Khi viết lại sự kiện này, Mác-cô không hề có ý hạ thấp hình ảnh của vị tông đồ trưởng nơi tâm hồn độc giả. Ông chỉ muốn trình bày hai hình ảnh tương phản xảy ra vào giờ phút thử thách ấy: phong thái can trường dũng khí của Chúa Giê-su khi đối diện với các quan tòa (14: 53-65) và thái độ nhu nhược yếu đuối của người bạn thân tín nhất của Ngài. Các Ki-tô hữu Rô-ma đang bị bách hại hồi ấy được mời gọi suy gẫm về tính yếu đuối của con người: Ở đây, Phê-rô là một điển hình cho một tông đồ đã không dám liều mạng để theo Chúa Giê-su cho tới chân thánh giá (x. 8: 34-35).

Bài trình thuật này được cấu trúc như sau:

A. Thánh Phê-rô theo Thầy xa xa (14: 53-54)

    B. Chúa Giê-su chịu xử án trước Thượng Hội Đồng (14: 55-65)

A’. Thánh Phê-rô chối Thầy (14: 66-72)

A. Ông Phê-rô theo Thầy xa xa (14: 53-54):

53. “Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục  và kinh sư, tất cả đều tựu lại”: Ngay khi bắt được Chúa Giê-su, người ta đưa Ngài ra xét xử liền, không cần đợi chờ. Trong cảnh này, Mác-cô đã đem vào những chức sắc tôn giáo cao nhất của Đạo Do thái. Thầy thượng tế thời đó tên là Cai-pha (Mt 28: 57). Đó là một nhân vật quyền uy lẫm liệt: vị thủ lãnh tối cao của toàn dân tộc. Ông đứng đầu Thượng Hội Đồng. đây chính là toà án tối cao của Đạo Do thái. Thượng Hội Đồng này có 71 thành viên, gồm ba nhóm: nhóm “các thượng tế” đại diện giới tư tế; nhóm “các kỳ mục” đại diện các bậc trưởng lão vị vọng trong dân; và nhóm “các kinh sư” xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội, là những tinh hoa của nhóm Biệt Phái, họ rất tinh thông lề luật.

Việc Mác-cô thuật lại rằng toàn thể Thượng Hội Đồng đều có mặt đông đủ ban đêm để xử án Chúa Giê-su đã khiến nhiều sử gia bối rối. Bởi lẽ luật Do thái bấy giờ cấm chỉ việc triệu tập Thượng Hội Đồng vào ban đêm, như trong trường hợp này chẳng hạn. Hơn nữa, đại hội đồng này không phải tề tựu lại ở dinh thượng tế, mà ở phòng riêng của thượng tế trong nơi thánh ở Đền Thờ. Vì những lý do này và một số lý do khác dựa trên các thủ tục tố tụng được áp dụng hồi đó, người ta có thể cho rằng thực sự Chúa Giê-su khó mà bị đem ra xét xử trước Thượng Hội Đồng vào ban đêm.

Truyền thống theo Tin Mừng Gioan có vẻ đúng hơn. Chúa Giê-su bị điệu tới trước vị thượng tế và các cận thần. Và tại đó, trong đêm, Ngài đã chịu tra tấn khá kỹ càng trước khi bị giao nộp cho tòa án Rô-ma vào sáng hôm sau (Ga 18: 12-24). Như thế Mác-cô, và sau đó đến lượt Mát-thêu (26: 57-68) chắc hẳn đã sửa đổi diễn trình lịch sử đó. Với mục đích nào? Những diễn biến bên ngoài đối với thánh ký không quan trọng cho bằng chính mức độ tôn giáo. Một lần nữa, chúng ta nên nhớ rằng tác giả này nghiêng về ý nghĩa tôn giáo hơn là việc mô tả chính xác các sự kiện xảy ra. Ở đây, Mác-cô đề cao giá trị lời Chúa Giê-su long trọng công bố về chân tính sâu xa của Ngài.

54. “Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế…”: Trước khi kể đến chuyện này, Mác-cô ghi nhận rằng Phê-rô theo Chúa Giê-su từ xa, và mon men đến gần dinh thượng tế. Ở trong sân, ông trà trộn với đám lính canh và cùng họ sưởi ấm quanh đống lửa. Đây chỉ mới chỉ là phần mào đầu câu chuyện về Phê-rô, vị tông đồ trưởng, chối Thầy.

B. Đức Giê-su chịu xử án trước Thượng Hội Đồng (14: 55-65):

  Thánh ký trình bày phiên tòa ở dinh thượng tế vào đêm thứ nhất lễ Vượt Qua như một cuộc xét xử quy mô (dù có vài vấn đề lịch sử nghiêm trọng được nối kết với bức chân dung nầy). Hai tội được nêu lên trong suốt cuộc xử án đó là Đức Giê-su đã đe dọa phá hủy Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và Ngài đã nói phạm thượng vì tự nhận mình là Đấng Mê-si-a có nguồn gốc thiên giới.

55. “Bấy giờ, các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su, nhưng họ không tìm ra”: Đến đây, Mác-cô lại quay về với việc xét xử Chúa Giê-su. Như ta đã thấy, Thượng Hội Đồng tiến hành sự thẩm cứu pháp lý cho qua chuyện, bởi vì bản án đã được ấn định sẳn rồi. Vì thế, họ chỉ quan tâm đến điều duy nhất là tìm cho ra một lý chứng để kết án từ hình Chúa Giê-su.

56. “Vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau”: Thánh Mác-cô nhấn mạnh rằng những lời chứng không ăn khớp với nhau và những nhân chứng không thể đưa ra chứng cớ buộc tội Ngài được. Người ta không tìm ra được một lời cáo buộc nào có giá trị pháp lý để kết tội Ngài cả. Vì thế, Chúa Giê-su vô tội.

58. “Chúng tôi có nghe ông ấy nói rằng Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!”: Trong số các lời cáo gian được đưa ra, thánh Mác-cô lưu ý nhiều nhất đến lời tố cáo này. Sau biến cố Phục Sinh, lời tố cáo này lại quá rõ ràng đối với độc giả, họ hiểu rằng: Đền Thờ sẽ được dựng lại sau ba ngày và không phải do bàn tay con người. đền Thờ đó chính là thân thể Đức Giê-su Phục Sinh (x. Galatians 2:19-22).

59. “Nhưng ngay cả điểm này, chúng cớ của họ không ăn khớp với nhau”: Nhưng ngay cả chuyện này cũng không đủ để kết án Chúa Giê-su. Thực ra trong Tin Mừng của mình, khi đánh đuổi và xua dẹp việc buôn bán trong Đền Thờ (11: 15-18), Chúa Giê-su không công bố Đền Thờ sẽ bị phá hủy. Chính hành động xua đuổi người buôn bán ra khỏi Đền Thờ mới thực sự gây khó chịu cho các thượng tế cũng như cho nhóm bảo vệ truyền thống. Chỉ thánh Gioan ghi lại lời tuyên bố của Chúa Giê-su, nhưng chủ từ không là “tôi” như lời tố cáo của họ mà là “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi…” (Galatians 2:19). Còn Mác-cô chỉ chú trọng đến thời điểm.

60. “Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su”: Vì các lời tố cáo buộc tội đều không phù hợp với nhau, nên vị thượng tế phải đích thân can thiệp.

“Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng”: Đối mặt với họ, Chúa Giê-su giữ được phẩm giá cao cả. Khi bị cáo gian và cả khi bị quan tòa tối cao tra vấn, Ngài cũng vẫn giữ phong cách trầm tỉnh và uy nghi. Thái độ im lặng của Ngài nói lên nhiều. Đấng Công Chính biết rằng mình vô tội, vẫn lặng thinh trước những lời cáo gian của kẻ âm mưu giết hại mình (Isaiah 53:7; Tv 38: 13-15).

61. “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?”: Thế rồi, thời điểm quyết định cho hồi diễn này là đây: vị thượng tế hỏi Chúa Giê-su về chân tính cao trọng của Ngài. Câu hỏi được nêu thẳng ra. Đối với người Do thái thì kiểu gọi “Con Thiên Chúa nhân lành” không cao cả bằng kiểu gọi “Đấng Ki-tô”. Người Do thái không thể nào hình dung được rằng đặc phái viên được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Vương Quốc của Ngài lại chỉ là một con người phàm trần.

62. “Phải chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”: Đáp lại lời tra vấn kỹ càng này, bị cáo phá tan sự im lặng cố hữu bằng một mặc khải gây bàng hoàng sửng sốt. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Mác-cô, Chúa Giê-su công khai xác nhận tước hiệu của chính mình: Đấng Ki-tô siêu việt. Từ trước tới lúc bây giờ, Ngài vẫn mập mờ giữ kín chân tính này. Giờ đây, Chúa Giê-su là tù nhân: đứng trước một cái chết không tránh khỏi được vào ngày hôm sau, Ngài vẫn không hề nhụt chí mà giải bày công khai cho mọi người biết rõ chân tính huyền nhiệm của mình. Ngài dùng lại tước hiệu “Con Người” mà Ngài vẫn dùng để xưng mình. Nhưng lần này, nhờ hai đoạn Kinh Thánh kèm theo, Ngài xác định rõ ràng tầm vóc của tước hiệu ấy. “Ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” không phải là ngồi vào vị trí danh dự bên cạnh Chúa Tể Càn Khôn như Đấng Mê-si-a đã được loan báo trong Tv 110: 1, mà còn được dự phần vào quyền năng tối thượng của Thiên Chúa (x. 12: 35-37); và “ngự giá mây trời mà đến”, dựa vào hình ảnh trong Đn 7: 13-14, nghĩa là lãnh nhận trọn vẹn quyền năng của Thiên Chúa để xét xử và giải thoát vũ trụ vào thời buổi cuối cùng. Khi trích dẫn hai câu Kinh Thánh này, Chúa Giê-su đã xác nhận rõ đặc quyền Thiên Chúa của Ngài. Ngài là Đấng Mê-si-a ư? Phải, nhưng còn hơn cả điều mà những kẻ cùng thời vẫn hằng tưởng nghĩ nữa. Lời tuyên bố đầy tự tín này lập tức gây ra một phản ứng căm thù dữ dội.

Như vậy cho đến lúc đó, Đức Giê-su bao phủ chung quanh con người của Ngài một mầu nhiệm bát khả xua tan đi được, dù hiện giờ bị bắt, bị xiềng xích và bị xử án như một tên tội phạm nguy hiểm, Ngài vẫn lớn tiếng công bố phẩm tính siêu việt của Ngài.

63. “Vị thượng tế liền xé áo mình ra”: Vị thượng tế diễn trò xé áo mình. Theo phong tục chung, việc xé áo là dấu chỉ tang chế. Người ta gặp thấy nghi thức này tại dân Ba-by-lon cũng như tại dân Do thái. Nhưng theo luật Do thái, vị thượng tế không được phép xé áo để bày tỏ tang chế riêng tư (Leviticus 21:10). Ông dành riêng hành động này cho những hoàn cảnh nghiêm trọng mang chiều kích công chúng; nhất là khi thi hành chức vụ thẩm phán của mình, như trường hợp này, ông xé áo (dù chỉ vài phần) để bày tỏ sự phẩn nộ của mình. 

“Chúng ta cần gì nhân chứng nữa”: Theo luật Do thái, Cần phải có tối thiểu hai nhân chứng có đủ chứng cớ buộc tội thì mới có thể công bố bản án (Đnl 19: 15). Luật này được kịch tính hóa ở nơi câu chuyện của bà Su-za-na, một phần bản văn Hy lạp của sách Đa-ni-en. Vị thượng tế kêu mời tất cả thành viên làm chứng. Chẳng cần nhân chứng nào nữa: tất cả họ vừa mới nghe lời tuyên bố phạm thượng và làm chứng đều này.

64. “Quý vị vừa nghe hắn nói phạm thượng”: Thật vậy, vị thượng tế đã la lên là phạm thượng. Ông cho rằng Chúa Giê-su đã nói những lời xúc phạm đến Thiên Chúa. Theo luật Do thái, kẻ nào phạm thượng sẽ bị khép vào tội chết (Leviticus 24:16). Chứng cớ vậy quá rõ rồi.

“Tất cả đều kết án Người đáng phải chết”: Toàn thể Thượng Hội Đồng không còn chần chờ gì nữa, họ kết án từ hình Chúa Giê-su. Theo Leviticus 24:10-23, tội phạm thượng liên quan đến Danh Thiên Chúa là phải bị ném đá. Các sử gia vẫn còn tranh luận là vào thời Chúa Giê-su, khi bị quân Rô-ma chiếm đóng, liệu các thủ lãnh Do thái có được quyền kết án tử hình hay không? Đối với trường hợp Chúa Giê-su, điều đó xảy ra đúng như thế. Người ta không lập ra một tòa án tôn giáo thực sự, chỉ là một trò bịp bợm công lý, hầu chỉ nhằm lên án tử cho vị Ngôn Sứ người xứ Ga-li-lê này.

Làm thế nào người ta có thể biết được những chi tiết và những diễn biến của phiên họp Thượng Hội Đồng này? Câu trả lời thật đơn giản. Trong số các thành viên Thượng Hội Đồng có những cảm tình viên của Đức Giê-su, như ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê và có lẽ cả ông Ni-cô-đê-mô. Vả lại sau này, theo lời chứng của sách Công Vụ, có rất đông tư tế đón nhận đức tin (Cv 6: 7).

65. “Hãy nói tiên tri đi”: Trình thuật kết thúc bằng một cảnh tượng thương tâm. Những việc đối xử đầy lăng nhục này đối với Chúa Giê-su là do các thành viên của Tòa Án tối cao bày ra. Chắc chắn chính các lính canh và đầy tớ là những kẻ đã tiến hành các trò lăng nhục này. Ngay từ phiên xử đầu tiên, Đức Giê-su chịu những nhục nhã ê chề: khạc nhổ vào mặt, lăng mạ, đánh đập…Thánh Mác-cô không bỏ qua những chi tiết tàn bạo nào, bởi vì cách hành xử dã man phi nhân tính này lại ứng nghiệm những sấm ngôn Cựu Ước về “Người Tôi Trung chịu Đau Khổ” (x. Isaiah 50:4-6; 53:3-5).

Qua cả một đoạn văn dài, nhưng ta vẫn thấy Mác-cô không hề loan báo chính xác “giây phút” Chúa Giê-su bị xét xử. Quả Mác-cô còn có một ý khác, ông muốn chỉ cho cộng đoàn Ki-tô hữu của mình thấy rằng các chức sắc Do thái giáo phải chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc gây ra cái chết của Chúa Giê-su. Còn Ngài dù bị tố cáo và lăng nhục nhưng vẫn tỏ ra là Đấng Công Chính tuyệt hảo. Cũng có thể là Mác-cô muốn gán cho hành động xé áo của vị thượng tế một ý nghĩa tượng trưng. Thực vậy, ta nên nhớ rằng vị thượng tế bị cấm không được làm như thế (Leviticus 21:10). Nếu ông đã làm như thế, vào đúng thời điểm Chúa Giê-su tuyên bố hùng hồn tước vị Mê-si-a siêu việt của Ngài, đó chẳng qua là một sự “xé áo” sâu sắc phải xảy đến mà thôi (tựa như việc màn Đền Thờ xé làm đôi: 15: 38): lề luật Do thái đã cáo chung. Và giờ đây ta phải coi Chúa Giê-su là vị thượng tế thực sự cho thời đại mới (Dt 9: 11-12).

A’. Ông Phê-rô chối Thầy (14: 66-72):

Bây giờ, thánh ký mời gọi độc giả quay trở lại câu chuyện về thánh Phê-rô còn dang dỡ khi tác giả dừng lại để kể cho chúng ta phiên toà Thượng Hội Đồng xét xử Chúa Giê-su.

66. “Ông Phê-rô đang ở dưới sân”: Mác-cô đã ngắt quãng câu chuyện thánh Phê-rô để kể phiên toà xét xử nhằm nhấn mạnh đến nỗi cô đơn kinh khủng đè nặng lên Chúa Giê-su khi Ngài lẽ loi một mình đối mặt với những kẻ xét xử mình: không một bạn hữu nào bên cạnh. Nhiều tiền cảnh đã được mô tả nhằm chuẩn bị cho thời điểm này. Vào bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, khi Chúa Giê-su báo trước một trong số họ sẽ phản bội Thầy, tất cả họ đều hỏi nhau: “Có phải con không?” (14: 19) và Chúa Giê-su đã nghe lời tuyên thệ trung thành của Phê-rô và của các ông (14: 31). Một lúc sau đó, tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su đã nhận thức rõ bản tính yếu nhược của nhóm Tông Đồ (14: 27). Quả thật, khi Thầy bị bắt, các ông bỏ chạy hết cả, không một ai ở lại (14: 50). Tuy nhiên, có lẽ Phê-rô ý thức được trách nhiệm của mình, nên ông đã trấn tỉnh lại mà bám theo Chúa Giê-su “từ xa”, tìm cách vào tận dinh thượng tế để dò la tin tức của Thầy (14: 66).

67. “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì!”: Hiện nay, chúng ta thấy ông đang ngồi sưởi ấm quanh một lò lửa cùng với đám người trong dinh. Một đầy tớ gái nghĩ rằng mình nhận ra ông này, và lên tiếng tố giác ông là môn đệ Chúa Giê-su. Ông đã kịch liệt bác bỏ:

68. “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!”. Ông đã kịch liệt bác bỏ. Đây là lần nói dối thứ nhất. Bị sa vào bẫy, người môn đệ cắt đứt với Thầy và tìm cách lẫn tránh: “Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh” .

69. “Bác này cũng thuộc bọn ấy”: Người tớ gái gặp lại ông, cô liền tố cáo ông với những người đứng đó. Vị tông đồ lại chối tiếp.

70. “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê!”: Gọng kìm càng lúc càng siết chặt hơn. Bây giờ ông lại bị nhận diện bởi giọng nói miền tỉnh lẽ (như Matthew 26:73 nói rõ).

71. “Tôi thề là không người mà các ông nói đó”: Gọng kìm càng lúc càng xiết chặc. Liệu lần này, ông còn chối được nữa không nhỉ? Quá rõ rồi mà. Nhưng ông lại ngoan cố chối phăng. Mác-cô rất tinh vi trong việc mô tả lại diễn tiến việc tông đồ này phản bội Thầy. Thoạt đầu ông làm như không biết gì cả. Câu “tôi chẳng biết” lặp lại đúng như khi ông không hiểu được rằng Đấng Mê-si-a sẽ phải chịu đau khổ (8: 31-32). Nhưng ở đây sự hèn nhát nằm ở chỗ là ông thề độc rằng mình chẳng hề có liên hệ gì đến người mà các ông nói đó”.

72. “Ngay lúc đó, tiếng gà gáy lần thứ hai”: Tiếng gà gáy báo hiệu ánh bình mình sắp đến khiến vị tông đồ trưởng chợt nhớ lại lời báo trước của Thầy: “Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần” (14: 30) và nhận thức một cách sâu sắc sự yếu đuối của mình.

“Ông òa lên khóc” : Đã đến lúc Phê-rô ý thức được sự phản bội của mình. Những tiếng khóc nức nở này chính là thái độ hối hận của một kẻ phạm tội vì hèn nhát.

Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật hoạt cảnh thánh Phê-rô, vị tông đồ trưởng, chối Thầy. Đáng lưu ý là vị lãnh tụ Giáo Hội đã để lưu truyền  cho các thế hệ sau tình tiết dádn xấu hổ làm mất thể diện của ông và chỉ mình ông mới có thể cung cấp tình tiết câu chuyện này. Thánh Mác-cô là là cộng tác viên thân cận của thánh nhân, chính xác là một trong các tác giả Tin Mừng nhấn mạnh nhất khuyết điểm của vị tông đồ trưởng này. Trong câu chuyện này, thánh Mác-cô muốn nêu bật đức tính khiêm hạ của vị thủ lãnh các Tông Đồ, những hối hận sâu xa của thánh nhân qua những dòng nước mắt đầm đìa ăn năn của ông. Mẫu gương của thánh nhân không phải là một bài học cho các Ki-tô hữu trong cơn bách hại vào thời điểm thánh Mác-cô viét Tin Mừng sao? Thánh Phê-rô làm cho chúng ta xúc động vì ngài là “một vị thánh rất người”.

2.2. Chúa Giê-su chịu xét xử trước tổng trấn Phi-la-tô (15: 1-15).

Câu chuyện Chúa Giê-su chịu xét xử trước tổng trấn Phi-la-tô (15: 2-5) được đặt vào trong câu chuyện các thượng tế dùng hết mọi thủ đoạn để giết Chúa Giê-su (15: 1 và 6-15). Một lần nữa, nhờ kỷ thuật “hai câu chuyện trong một bài trình thuật”, thánh Mác-cô nêu bật trách nhiệm của các giai cấp lãnh đạo Do thái về cái chết của Đức Giê-su. 

Về phương diện pháp lý, quan tổng trấn Rô-ma, ông Phi-la-tô, chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giê-su trên thập giá với tội danh là “vua dân Do thái”, một tước hiệu mặc lấy một gợi ý phản động chống chính quyền Rô-ma. Tuy nhiên, việc kết án đóng đinh vào thập giá là do các thượng tế tố cáo Đức Giê-su là “vua dân Do thái”, (như Lc 23: 2 nói rõ). Mác-cô và các thánh ký khác trình bày các vị lãnh đạo Do thái là những người sách động hàng đầu và ông Phi-la-tô đành phải nhượng bộ trước chiến thuật gây áp lực của họ. Bức chân dung này có thể phản ảnh khuynh hướng của các Ki tô hữu tiên khởi nhằm giảm bớt sự dính líu của chính quyền Rô-ma và tăng lên trách nhiệm của người Do thái về cuộc tử nạn của Đức Giê-su. Bài trình thuật của Mác-cô về phiên tòa trước tổng trấn Phi-la-tô thực tế thông qua lời phán quyết. Đức Giê-su hành xử như Người Tôi Trung Đau Khổ của Isaiah 53:7.

Bài trình thuật này được cấu trúc như sau:

A. Các thượng tế nộp Chúa Giê-su cho chính quyền Rô-ma (15: 1).

     B. Chúa Giê-su chịu xét xử trước tổng trấn Phi-la-tô (15: 2-5)

A’. Các thượng tế sách động quần chúng (15: 6-15).

A. Các thượng tế nộp Chúa Giê-su cho chính quyền Rô-ma (15: 1).

Sau đoạn xen kẽ nói về Phê-rô chối Chúa (14: 66-72), thánh Mác-cô viết tiếp việc xử án Chúa Giê-su.

1. “Vừa tảng sáng…”: Sau khi đã xét xử Chúa Giê-su lần thứ nhất vào ban đêm, đây là lần thứ hai Chúa Giê-su bị đem ra trước Thượng Hội Đồng vào ban sáng. Theo luật, phiên toà lần thứ hai này cần phải có. Trong phiên toà lần thứ nhất, sau khi công bố một bản án nghiêm trọng, các thành viên Thượng Hội Đồng cần một kỳ hạn để suy nghĩ. Theo luật qui định, kỳ hạn phải là hai mươi bốn tiếng, thì một phiên toà thứ hai phải xác nhận hay hủy bỏ bản án trước đó. Thánh Mác-cô không tiết lộ nội dung của phiên xử án lần thứ hai này. Thật ra, Thượng Hội Đồng đã công bố bản án rồi: “Tất cả đều kết án Người đáng chết” (14: 64).

“Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô”: Kể từ thời Rô-ma chiếm đóng, người Do thái không còn quyền tuyên án xử tử ai. Vì thế, họ giao nộp Chúa Giê-su cho quan tổng trấn Phi-la-tô. Mác-cô nhấn mạnh là nhóm thượng tế khơi mào việc triệu tập công nghị và cũng chính họ chuyển giao Chúa Giê-su cho chính quyền dân sự. Chúa Giê-su bị trói như một tên tội phạm nguy hiểm và “giải đi nộp” cho ông Phi-la-tô. Việc dẫn độ này thực ra là nhằm để cho các chức sắc Do thái có được quyền lên án tử cho Chúa Giê-su từ phía ông Phi-la-tô, vị đại diện chính quyền dân sự.

Đây là lần đầu tiên Phi-la-tô xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô. Đó là một nhân vật quá nổi tiếng, thánh Mác-cô thấy là cần phải giới thiệu cho các Ki-tô hữu Rô-ma biết. Nhưng ông ta là ai? Là vị đại diện chính thức cho đế quốc Rô-ma. Là vị tổng trấn cai quản miền được gọi là “địa hạt Giu-đê”, ông nắm giữ quyền lực hành pháp của tỉnh đó. Ông lưu trú ở vùng biển Địa Trung Hải; nhưng vào dịp lễ hội của người Do thái năm ấy ông lên Giê-ru-sa-lem bởi ông e rằng sẽ có một cuộc nổi dậy của dân chúng ở đó. Và thế là “vụ án Giê-su” được đem ra cho nhà cầm quyền chính trị tối cao này xem xét.

B. Chúa Giê-su chịu xét xử trước tổng trấn Phi-la-tô (15: 2-5).

Kể từ bây giờ, phiên toà từ bình diện tôn giáo được chuyển sang bình diện chính trị. Tội phản nghịch Thiên Chúa Ít-ra-en chuyển sang tội phản loạn chống lại cuộc chiếm đóng của đế quốc Rô-ma.

2. “Ông là vua dân Do thái sao?”: Một lần nữa, Mác-cô không hề tỏ ra mình có tham vọng tường thuật cặn kẽ cuộc gặp gỡ này. Thánh ký chỉ tóm lược cuộc chất vấn bằng một câu hỏi tối hậu này của tổng trấn. Câu hỏi của Phi-la-tô hoàn toàn đột xuất, không cần phải thăm dò dài dòng gì cả. Chúng ta thấy rằng chủ điểm tố cáo đã lập tức thay đổi. Trước vị thượng tế, Chúa Giê-su bị tố cáo là đã xưng mình là Đấng Mê-si-a thay mặt cho Thiên Chúa. Vị cầm quyền Rô-ma hoàn toàn không lưu tâm gì đến tước hiệu tôn giáo này của Chúa Giê-su; trái lại, tước hiệu “vua dân Do thái” mới là điểm ông lưu tâm hơn cả. Khi nói đến tước hiệu này, điều ông muốn nhắm đến là sắc thái chính trị của nó. Đối với nhiều người Do thái vào thời ấy thì công việc đầu tiên mà Đấng Mê-si-a phải thực hiện khi Ngài đến há chẳng phải là đánh đuổi bọn xâm lược Rô-ma ra khỏi toàn bộ lãnh thổ đất nước và tái lập vương triều Đa-vít đó sao? Chính vì thế Chúa Giê-su không bao giờ tự nhận cho mình tược hiệu “Vua-Mêsia”.

“Chính ngài nói đó”: Ngay lúc này, dù Chúa Giê-su không trả lời Phi-la-tô như Ngài đã trả lời vị thượng tế: “Phải, đúng vậy”, thì câu trả lời của Ngài cũng rõ ràng, bởi vì đó cũng chính là câu trả lời của Ngài: “Chính anh nói đó” khi ông Giu-đa hỏi Ngài: “Thưa Thày, chẳng lẽ con sao?” (Matthew 26:25).

3-4. “Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội”: Tuy thế, các thượng tế vẫn ra sức “tố cáo” thêm. Mác-cô không nêu nội dung của những lời tố cáo này. Sau này, thánh Lu-ca xác định rõ những lời tố cáo này: “Chúng tôi nhận ra chính tên này kích động dân chúng nổi loạn; hắn ngăn cản việc đóng thuế cho Xê-da và xưng mình là Vua Mê-si-a” (Lc 23: 2). Đó quả là điều mà chính quyền Rô-ma quan ngại nhất.

5. “Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô ngạc nhiên”: Những lời tố cáo liên tục của họ tương phản với sự thinh lặng của Đức Giê-su. Một lần nữa Mác-cô nhấn mạnh rằng Đấng Công Chính giữ thái độ im lặng trước những kẻ vu khống mình (14: 60-61). Ngay cả viên tổng trấn cũng không có thêm được câu trả lời nào của bị cáo nữa. Thái độ hoàn toàn im lặng của Chúa Giê-su ở vào thời điểm quyết liệt của cuộc đời hẳn gợi lên nơi Mác-cô thái độ của Người Tôi Trung chịu đau khổ trong Kinh Thánh: “Bị ngược đãi, Ngài vẫn nhẫn nhục, không hề mở miệng, như thể con cừu bị đem đi xén lông” (Isaiah 53:7).

A’. Các thượng tế sách động quần chúng (15: 6-15).

6. “Vào dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tùy họ xin”: Theo phong tục Do thái, vào mỗi dịp lễ Vượt Qua, nguwofi ta phóng thích một tù nhân, chắc chắn để kỷ niệm cuộc giải phóng dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập. Quan tổng trấn Phi-la-tô biết tập tục này, nên để lấy lòng dân Do thái, cứ vào dịp đại lễ này, ông ân xá một tội phạm.

8. “Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ”: Đây là lần đầu tiên một diễn viên mới mẻ tham gia vào bi kịch của Đức Giê-su, đó là đám đông dân chúng.

9. “Các ông muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do thái không?”: Bằng đường lối ngoại giao đầy tế nhị, Phi-la-tô đề nghị cho dân chúng chọn ân xá cho tên cướp Ba-ra-ba hay Đức Giê-su. Thực tâm quan tổng trấn muốn tha Chúa Giê-su vì ông biết Ngài vô tội. Vì thế, ông nghĩ chắc hẳn dân chúng chọn Đức Giê-su hơn là tên cướp khét tiếng có tiền án giết người. Đó là sách lược khôn khéo của một nhà chính trị từng trải. Thánh Mác-cô có nêu rõ lý do: Phi-la-tô không hề lạ gì các thủ lãnh Do thái tâm địa hẹp hòi chỉ vì ghen ghét Chúa Giê-su có ảnh hưởng sâu rộng nơi quần chúng, mà muốn giết Ngài mà thôi (15: 10).

11. “Nhưng các thượng tế sách động đám đông…”: Mác-cô nêu bật thủ đoạn của các thượng tế gây sức ép lên dân chúng yêu cầu tha cho Ba-ra-ba.

12. “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do thái?”: Phi-la-tô càng bối rối vì sự việc xảy ra ngoài dự liệu của ông. Nhưng ông giả tảng như không đồng tình với họ. Nếu vậy thì theo họ ông phải xử trí như thế nào với người mà họ gọi vua dân Do thái đây?

13. “Đóng đinh nó vào thập giá”: Thế là đoàn lũ đám đông gào lên. Thập giá là bản án của chính quyền Rô-ma được quân lính Rô-ma thi hành. Bài trình thuật chỉ cho thấy ông Phi-la-tô ra lệnh đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá không vì Ngài có tội nhưng vì các thượng tế xúi dục đám đông áp lực trên ông.

15. “Truyền đánh đòn Đức Giê-su”: Câu chuyện Chúa Giê-su chịu xét xử trước tổng trấn Phi-la-tô kết thúc với hình phạt đánh đòn như chuẩn bị cho việc đóng đinh vào thập giá. Đánh đòn tự nó là một khổ hình. Án phạt này cũng là một biện pháp mở đầu cho khổ hình thập giá; nó làm cho tội nhân kiệt quệ vì mất nhiều máu và như vậy rút ngắn cơn hấp hối rất đau đớn của tội nhân trên thập giá. Có nhiều loại hình phạt đánh đòn: người ta dùng gậy đối với tội nhân là công dân Rô-ma hoặc dây da có gắn những hạt chì đối với tội nhân có địa vị thấp kém. Chắc chắn đay là loại đánh đòn mà Chúa Giê-su phải chịu.

Cuộc xử án Chúa Giê-su kết thúc như thế đấy. Rõ ràng Mác-cô đã đơn giản hóa tiến trình xử án để nhấn mạnh vào chiều kích tôn giáo. Ngay các sử gia cũng đồng ý cho rằng tiến trình xử án đó quả là sơ sài và cẩu thả. Các lãnh tụ Do thái muốn làm cho xong trước lễ Vượt Qua. Việc đem Chúa Giê-su ra trước tòa Phi-la-tô chẳng qua chỉ là một cuộc bêu diễu. Chúa Giê-su không phải là một công dân Rô-ma, do đó Ngài sẽ không được hưởng sự đảm bảo về mặt luật pháp áp dụng cho công dân Rô-ma. Ngoài ra, ta thấy rằng lời cáo buộc cốt lõi chống lại Ngài thay đổi theo từng lần thẩm vấn. Khởi đầu trước tòa án Do thái, đó chỉ mang tính cách tôn giáo, nhưng khi đến trước tòa án Rô-ma thì nó lại mang tính chất thuần túy chính trị. Phi-la-tô đã ba lần gặp lại tước hiệu “vua dân Do thái” như thể đó là chủ đề cốt lõi vậy (15: 2, 9, 12).

Thánh Mác-cô nêu bật những trách nhiệm khác nhau về cái chết của Đức Giê-su. Trước tiên trách nhiệm của các thành viên Thượng Hội Đồng, họ sách động dân chúng chống lại Đức Giê-su; rồi đến trách nhiệm của dân chúng, họ để cho mình bị xúi dục; sau cùng, trách nhiệm của Phi-la-tô, ông đã tính sai một nước cờ khi nghĩ rằng dân chúng sẽ ủng hộ Đức Giê-su. Ông thích được thấy cuộc vận động của các thượng tế thất bại, bởi vì ông chẳng ưa gì tâm điạ hẹp hòi của các vị thượng tế này. Nhưng dù biết Đức Giê-su vô tội, ông đành nhượng bộ đám đông. Với tư cách một nhà chính trị khôn ngoan, ông vừa muốn vừa lòng dân chúng, đồng thời cũng muốn tránh bị tố cáo ở Rô-ma và bị coi là nhu nhược trước một kẻ tự xưng mình là “vua dân Do thái”.

III. CUỘC TỬ NẠN VÀ MAI TÁNG (15: 16-47)

Đây là phần cao điểm của bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Trong phần này, thánh Mác-cô kể cho chúng ta bốn sự cố: Đức Giê-su chịu sỉ nhục (15: 16-20), Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (15: 21-32), Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá (15: 33- 41) và sau cùng, Chúa Giê-su chịu mai táng (15: 42-47).

1. ĐỨC GIÊ-SU CHỊU SỈ NHỤC (15: 16-20).

 Trong thời gian chờ đợi thành lập đội hành quyết, Chúa Giê-su bị giao cho bọn lính tráng làm trò tiêu khiển (15: 16-17). Quả là một hội hóa trang thảm thương! Phán quyết của Phi-la-tô có nói đến vương quyền của Chúa Giê-su. Bởi vậy bọn họ chụp lên đầu Chúa Giê-su những biểu hiệu vương quyền: áo khoắc đỏ, chắc chắn đây là tấm áo khoắc của quân đội Rô-ma biểu tượng sự chiến thắng, nhưng cũng còn biểu hiệu vương đế; vương miện, nhưng là vương miện kết bằng gai nhọn; và cây gậy biểu tượng vương quyền, nhưng là cây sậy. Sự nhạo cười mới độc ác hơn. Cảnh tượng giả trò làm vua thật khôi hài, đồng thời cũng hết sức nhục nhã (15: 18-19). Những cú tát, khạc nhổ gợi lại hình ảnh Người Tôi Trung của Đức Chúa (Isaiah 50:5-6). Và Mác-cô đã khéo léo cho chấm dứt trò đùa này bằng cách nêu ra sự tương phản giữa các trò đùa với phẩm cách của Đấng Mê-si-a Vua (15: 20).

2. ĐỨC GIÊ-SU CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ (15: 21-32).

Câu chuyện khổ nạn được kể một cách đơn giản và không nhấn mạnh quá nhiều trên những chi tiết về những đau khổ thể lý của Đức Giê-su (dù những chi tiết nầy chắc chắn là một phần của đoạn văn này). Bài trình thuật nhấn mạnh rằng cuộc tử nạn của Đức Giê-su đã xảy ra phù hợp với Cựu Ước, mà không giảm nhẹ sự thù hận khôn nguôi mà các đối thủ của Đức Giê-su phô bày (x. 14: 21).

21. “Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, gốc Ky-rê-nê”: Giờ hành quyết đã đến. Mác-cô tường thuật với giọng văn ảm đạm nhưng chính xác. Thánh ký chỉ đánh dấu “con đường thập giá”. Kẻ tử tội phải tự mình mang lấy thanh ngang để rồi sau đó sẽ giang tay, chịu đóng đinh vào cườm tay trên đó. Bởi vì Ngài đã quá yếu sức, người ta phải bắt một người qua đường đảm nhận việc này thay cho Chúa Giê-su. Mác-cô nêu đích danh kẻ này: đó là ông Si-mon, một người Do thái sinh trưởng ở Ky-rê-nê (thuộc Bắc Phi); phải chăng ông có mặt ở Giê-ru-sa-lem như một người hành hương hay như một người định cư thì không rõ. Việc tham chiếu đến các con ông là A-lê-xan-đê và Ru-phô (x. Romans 16:13) gợi ra rằng cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi biết họ. Ông Si-mon bị bắt ép phải vác đỡ thập giá cho Đức Giê-su. Việc mô tả ông “từ miền quê lên” có thể quy chiếu công việc đồng áng của ông hay việc ông viếng thăm ở đó.

22. “Một nơi gọi Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ”: Việc thi hành án tử xảy ra ở ngoài thành thánh. Lãnh địa Giê-ru-sa-lem được xem là vùng đất thánh, vì thế, không thể nào bị ố nhiễm bởi xác chết của tội nhân được. Nơi hành quyết được thánh Mác-cô nêu tên bằng những từ không thể nào quên được. Địa danh này quy chiếu đến hình dáng và cách sử dụng của nó. Tên gọi “Gôn-gô-tha” có nghĩa là “Sọ” vì một gò đất trọc lóc không có cây cối. Trên ngọn đồi này người ta đã chôn sẵn các cột thẳng đứng. người ta chỉ việc kéo thi thể của tử tội lên. Sau vài giờ, tử tội sẽ chết do mòn mỏi và nghẹt thở từ từ.

23. “Rượu pha mộc dược”: Họ cho tử tội uống một thức uống, dựa trên Cn 31: 6-7, được giải thích như chất gây mê để làm dịu cơn đau của tội nhân. Chúa Giê-su từ chối ân huệ này. Ngài muốn đảm nhận cho đến cùng toàn bộ những đau đớn hàm chứa nơi cái chết tàn bạo mà Ngài phải chịu với tinh thần sáng suốt.

24. “Chúng đóng đinh Người vào thập giá”: Việc đóng đinh được mô tả bằng những từ ngữ ngắn gọn nhất và đơn giản nhất có thể. Áo của Ngài trở thành chiến lợi phẩm của những người lính, những người đang hành hình Ngài. Trong ánh sáng của Tv 22 nổi bật trong bài trình thuật Thương Khó của Mác-cô, hành động của chúng cũng phải được xem như ứng nghiệm Tv 22: 19.

25. “Giờ thứ ba”: Chỉ duy có thánh sử Mác-cô ghi lại chính xác giờ Chúa Giê-su chịu đóng đinh; đóng đinh vào giờ thứ ba, tức là vào lúc chín giờ sáng; trời đất tối tăm lúc giữa trưa (15: 33) và Chúa Giê-su chết vào giờ thứ chín, tức vào lúc ba giờ chiều (15: 34). Thời biểu này lập lại thời biểu của một phụng vụ. Việc đóng đinh phù hợp chính xác với nhịp độ cứ ba giờ một các tín đồ Do thái cầu nguyện một lần ở Đền Thờ, và các Ki-tô hữu sơ khai cũng đã lập lại y hệt như thế (Cv 2: 46; 3: 1).

26. “Vua Dân Do thái”: Lời buộc tội chính thức nầy đã được nêu lên rồi trong phiên tòa trước tổng trấn Phi-la-tô (x. 15: 2, 9, 13) tương phản với hai lời buộc tội được nêu lên trong phiên tòa trước Thượng Hội Đồng (x. 14: 58, 61). Lời buộc tội chính thức xem ra phản ảnh hoàn cảnh lịch sử, theo đó Đức Giê-su bị hành hình bởi chính quyền Rô-ma, vì Ngài tự nhận mình là vua Do thái. Như ở 15: 16-20, sự châm biếm chính là từ viễn cảnh của Mác-cô Đức Giê-su là vua dân Do thái.

27. “Bên cạnh Người, chúng đóng đinh hai tên cướp”: Việc Chúa Giê-su bị đóng đinh giữa hai tên cướp chính là nhằm sỉ nhục Ngài hơn nữa. Nhưng thánh Mác-cô lại thấy một viễn cảnh khác. Mọi việc kết thúc thế này: Chúa Giê-su trần trụi, nằm trên thập giá có gắn bản án chính thức nhìn nhận Ngài là Vua, ngai vàng là thập giá và bề tôi là hai tên đạo tặc một bên phải, một ở bên trái. 

29. “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người”: Chỗ hành hình được định vị, trên Đồi Sọ, bên vệ đường, dẫn vào thành Giê-ru-sa-lem, nơi có đông người qua lại. Đây là chỗ hành hình chính quyền Rô-ma muốn: cảnh tượng những tội nhân hấp hối trong đau đớn quằn quại phải có hiệu quả răn đe đối với những người qua đường. Nhóm người đầu tiên nhục mạ Ngài lập lại lời buộc tội được nêu lên ở 14: 58 về việc Ngài hăm dọa phá hủy Đền Thờ .

31. “Các thượng tế”: Nhóm thứ hai nhục mạ Ngài vang dội lời buộc tội ở 14: 61, theo đó Đức Giê-su tự nhận mình là Đấng Mê-si-a.

32. “Ông Ki-tô vua Ít-ra-en ấy, cứ cuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng tôi thấy mà tin”. Lời chế nhạo này thách thức Ngài thoát khỏi cái chết để được mọi người thấy mà tin (8: 11b).

“Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người”: Ở đây, thánh ký muốn nói rằng Đức Giê-su bị ruồng bỏ tột độ, ngay cả kẻ cùng bị xử án cũng buông lời lăng mạ Ngài.

3. ĐỨC GIÊ-SU CHỊU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ (15: 33-39).

Cuộc tử nạn của Đức Giê-su đã xảy ra theo ý muốn của Thiên Chúa được mặc khải trong Cựu Ước. Việc bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai và lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng đem lại cho cuộc tử nạn của Đức Giê-su một chiều kích sâu xa liên quan đến dân Cựu Ước và sứ mạng cho lương dân.

33. “Bóng tối bao phủ khắp mặt đất”: Giờ định mệnh đã tới Chúa Giê-su chịu chết. Mác-cô tả lại sự kiện này cách hết sức ngắn gọn. Ông lưu tâm đến tính quyết định của thời điểm ấy bằng cách nói tới bóng tối bao trùm. Đây hoàn toàn không là sự kiện lịch sử, mà là biểu trưng. Các ngôn sứ đều cho rằng khi can thiệp ở thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ đảo lộn trật tự vũ trụ. Bóng tối che phủ mặt đất ngay giữa ban ngày, chính là để loan báo rằng ơn cứu độ phổ quát, chứ không phải cái chết, đang gần kề (x. Amos 8:9-10).

34. “Ê-loi-I, Ê-loi-I, la-ma xa-bác-tha-ni!”: Kể từ lúc bị Phi-la-tô thẩm vấn cho đến đến lúc này, Chúa Giê-su không nói gì cả (15: 2). Và ở đây, Mác-cô ghi lại những lời cuối cùng của Chúa. Đây là tiếng kêu bi thương mà Người Công Chính thốt lên trong cảnh cùng khổ được gặp thấy ở Tv 22. Đức Giê-su lập lại Thánh Vịnh này. Lúc này đây, Đức Giê-su cảm nhận một nỗi chơ vơ cô quạnh tận cùng, ngay cả Chúa Cha cũng dường như bỏ mặc Ngài. Đức Giê-su chết trong nỗi cô đơn tuyệt mức. Đây là một sự dâng hiến trọn vẹn bản thân mình, một sự quên mình tuyệt đối. Nỗi phiền muộn của Người Công Chính trong Tv 22 không là nỗi tuyệt vọng. Lời khẩn nguyện xin này rõ ràng là lời van nài của một kẻ vô tội đang bị áp bức. Nó được bắt đầu bằng lời than ai oán (“Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi…”), nhưng rồi sau đó mở rộng đến lời đoan hứa của Thiên Chúa là không bao giờ bỏ rơi kẻ tin vào Ngài (Tv 22: 23-30). Như vậy, lời cầu nguyện của Người Công Chính chịu đau khổ kết thúc với một hành vi tròn đầy tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì thế, khi Chúa Giê-su thốt ra tiếng kêu này, hoàn toàn đó không phải là tiếng kêu tuyệt vọng. Tác giả Tin Mừng chỉ muốn nhấn mạnh đến nỗi cô đơn tận cùng của Đấng Công Chính đang hấp hối, không những bị loài người chối bỏ mà ngay cả Thiên Chúa cũng bỏ rơi Ngài nữa. Như thế, Ngài đã trải qua được kinh nghiệm tận cùng của thân phận con người. Người ta sẽ chẳng thể nào quên đi được những lời cuối cùng này vào giây phút hấp hối của Ngài.

35. “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a”: Những người qua đường, bao giờ cũng có thái độ mỉa mai, chỉ coi những lời cuối cùng đó của Chúa Giê-su là lời của kẻ hấp hối. Thực vậy đối với não trạng dân Do thái hồi ấy thì ngôn sứ Ê-li-a được coi là người giúp đỡ các tín hữu khi họ hấp hối.

36. “Một bọt biển thấm đầy giấm”: Cử chỉ này được hiểu tốt hơn ở nơi bản văn Tin Mừng Gioan, ở đó Đức Giê-su vừa kêu lên: “Ta khát”. Ở đây, thánh Mác-cô dường như nói bóng gió rằng một trong những kẻ có mặt ở đó thử làm cho Đức Giê-su tỉnh lại để xem ngôn sứ Ê-li-a có đáp lại lời cầu xin của Ngài hay không.

37. “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở”: Một cái chết đột ngột và dữ dội. Thanh ký không nhấn mạnh lâu trên cái chết của Đức Giê-su. Bản văn không kể cho chúng ta nội dung tiếng kêu lớn tiếng này (x. Lc 23: 46; Ga 19: 30). Quả thật, Mác-cô thật quá ngắn gọn khi thuật lại giờ phút quan trọng này. Điều ông cho là quan trọng hơn hết, chính là ý nghĩa sâu xa nơi cái chết của Chúa Giê-su.

Khi Chúa Giê-su vừa mới tắt thở, thánh Mác-cô dẫn chứng hai sự kiện, cả hai đều phong phú về ý nghĩa và bổ túc cho nhau:

– Sự kiện thứ nhất: “Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống”: Tác giả không xác định bức màn nào, hoặc bức màn cửa được giăng trong tiền sảnh  hay bức màn phân cách nơi thánh với nơi cực thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà vị thượng tế mới có thể bước vào, một năm một lần, để thực thi nghi thức Xá Tội. Dù bức màn nào bị xé ra làm hai, ý nghĩa vẫn như nhau: “con đường đến với Thiên Chúa từ nay rộng mở cho tất cả mọi người”. Như vậy, việc Thiên Chúa tuyển chọn không còn đặc quyền đặc lợi của riêng dân Ít-ra-en nữa. Cái chết của Đức Giê-su trên thập giá trương rộng ra cho hết mọi người: “Khi nào bị giương lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng ta”. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, đã không còn đóng vai trò của mình nữa; Đền Thờ thực sự của Thiên Chúa sẽ là “Thân Thể Phục Sinh” của Đức Giê-su, như chính Ngài đã công bố.

– Sự kiện thứ hai: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Ngài tắt thở như vậy liền nói: ‘Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa’”. Viên đại đội trưởng Rô-ma đã nghe nhiều lần nhiều giọng nói ở giữa đám đông: “Người này tự xưng mình là Con Thiên Chúa”. Ông lập lại diễn ngữ này, dù không hiểu hết mức độ của nó, nhưng bị thuyết phục, bởi vì những gì ông chứng kiến cho thấy tội nhân này là một người công chính đặc biệt. Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng là “dấu chỉ tiên báo cuộc hoán cải của thế giới lương dân”. Đây là lời chứng đầu tiên về ơn cứu độ phổ quát mà việc bức màn trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi đã loan báo.

Chính ở nơi lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng này, Mác-cô đã dẫn dắt độc giả tới đỉnh cao của Tin Mừng mà ông viết. Chúng ta nên nhớ lại câu hỏi đặt ra về Chúa Giê-su ngay từ đầu tác phẩm: “Người này là ai?”. Qua câu chuyện tuyên xưng đức tin của Phê-rô thay mặt cho nhóm Mười Hai, chỉ mới một ngưỡng cửa cần được vượt qua: Chúa Giê-su quả thật là “Đấng Ki-tô” (8: 29). Nhưng niềm tin mới khai sinh này cần được đào sâu thêm. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su là dịp thuận lợi để đào sâu niềm tin đó. Với lời tuyên tín của viên đại đội trưởng ngoại giáo này, bước quyết định đã được hoàn tất: Chúa Giê-su là “Con Thiên Chúa”. Đó cũng tựa như tiếng nói từ trời cao Chúa Cha phán bảo vào lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa (1: 11). Đó cũng là mong ước của Chúa Giê-su khi Ngài xua đuổi những con buôn ra khỏi Đền Thờ: “Hết thảy mọi dân nước” đều có thể tự do đến với Thiên Chúa (11: 17). Điều này đã hiện thực nơi việc lương gia nhập Giáo Hội, dưới ánh sáng Chúa Giê-su Phục Sinh.

Chúng ta thấy rõ sự tương phản trong trình thuật này: đang khi dân Do thái (những người qua đường, các thủ lãnh) sỉ nhục Đấng Mê-si-a trên thập giá, thì một lương dân lại tuyên xưng một đức tin tinh tuyền nhất. Khi nói với các tân tòng Rô-ma gốc lương dân, Mác-cô còn muốn thêm rằng: sự bất toàn của dân Do thái sẽ được bù đắp bằng việc nhiều lương dân gia nhập Giáo Hội (x. Cv 13: 46-48).

4. ĐỨC GIÊ-SU CHỊU MAI TÁNG (15: 40-47).

Cuộc mai táng là sự chuẩn bị thiết yếu cho câu chuyện ngôi mộ trống, bằng chứng đầu tiên về biến cố Phục Sinh.

40. “Nhưng cũng có mấy người phụ nữ đứng xa xa mà nhìn”: Những người phụ nữ này lên Giê-ru-sa-lem cùng với Chúa Giê-su và đã can đảm theo bước Chúa Giê-su tới tận chân thập giá trong khi các tông đồ lại bỏ Thầy ngay lúc Thầy bị bắt (14: 50). Các bà là chứng nhân của ba biến cố liên tiếp nhau: Tử Nạn, Mai Táng và Phục Sinh. Quả thật, các bà cũng đã chứng kiến Đức Giê-su tắt thở (15: 40), đã biết nơi Ngài được mai táng (15: 47), đã phát hiện ngôi mộ trống và nhất là Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã được gặp gỡ Chúa Giê-su Phục Sinh vào sáng thứ nhất trong tuần.

“Trong số đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê thứ và Gio-xê, cùng bà Sa-lô-mê”: Thánh Mác-cô trích dẫn đích danh ba người phụ nữ trung tín, điều này nêu bật tư cách “chứng nhân” ngoại thường của họ.

41. “Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su…”: Trong Tin Mừng Mác-cô, chúng ta không gặp thấy việc các bà đi theo Đức Giê-su để phục vụ Ngài cùng các môn đệ Ngài, cũng như vai trò của các bà như các môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, Tin Mừng Lu-ca kể cho chúng ta sự kiện này (Lc 8: 1-3).

42. “Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát”: Trình thuật ngắn gọn này muốn khẳng định rõ thêm rằng Chúa Giê-su đã chết thực sự, đồng thời nhấn mạnh tới tính cách vội vã lạ thường trong việc mai táng Ngài. Người Rô-ma không quan tâm đến việc chôn cất tử tội; hơn nữa, để có hiệu quả răn đe, xác tội nhân phải bị bêu rếu trong nhiều ngày. Nhưng luật Do thái quy định rằng thi hài tội nhân phải được mai táng trước khi đêm xuống (Đnl 21: 22-23).  Sau cùng, theo cách tính ngày của người Do thái, buổi chiều bắt đầu một ngày mới, ấy vậy buổi chiều ngày hôm đó lji là bắt đầu ngày sa-bát, ngày người ta phải kiêng tất cả mọi việc làm. Vì thế, việc mai táng phải khẩn trương cho kịp. May thay, có một ngôi mộ trống ở gần bên cuộc hành hình.

43. “Ông Giô-xếp, người thành A-ri-ma-thê”: Ông Giô-xếp là một môn đệ ẩn kín của Đức Giê-su. Trước đây, ông chưa bao giờ dám bày tỏ sự thiện cảm của mình đối với Đức Giê-su khi Ngfi còn sống, bởi vì ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng, một trong những người giàu có và có thế giá. Lúc này, ông thu hết can đảm vf mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su.

45. “Ông Phi-la-tô…cho viên đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa”: Việc Phi-la-tô kiểm chứng cung cấp một lời xác nhận chính thức rằng Đức Giê-su đã thật sự chết; không có vẫn đề hôn mê hay ngất lịm.

46. “Hạ xác Người xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẳn trong núi đá”: Việc mua vải để liệm xác Chúa Giê-su, mà không hương liệu, là dấu chỉ một công việc hết sức vội vàng.

“Đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong đá”: Vào thời Đức Giê-su, vùng chung quanh Giê-ru-sa-lem được mô tả như một nghĩa trang khổng lồ. Ngôi mộ của ông Giô-xếp là một cấu trúc như hang động được đục trong núi đá vôi, ở giữa có một băng đá để đặt thi thể; ở phía trước là tiền sảnh; lối vào thì hẹp và thấp. Để lấp cửa mộ, người ta lăn một phiến đá lớn.

47. “Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Gio-xê, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người”: Một lần nữa, Mác-cô ghi nhận cái nhìn và cả tên của hai người phụ nữ đã theo chân Chúa Giê-su tới khi Ngài chết (14: 40-41). Cái nhìn này đảm bảo sự liên tục của “chứng từ” về những nền tảng của niềm tin Ki-tô giáo.

      Như vậy ngày đau thương được hoàn tất giữa những dấu ấn của lòng trung thành và tình yêu mến.

      KẾT LUẬN:

      Bài tường thuật của Mác-cô – như bài tường thuật của các thánh ký khác – được diển tả một cách rất đơn giản. Không một chi tiết bi thương nào được thêm vào cho bài tường thuật đơn giản nầy; những sự kiện tự nó đủ để nẩy sinh tình cảm.

      Ba tấn thảm kịch được chồng chéo nhau trong cuộc thương khó của Đức Giê-su:

      – Tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối;

      – Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người;

      – Tấn thảm kịch của tội lỗi.

      1. Tấn thảm kịch của việc dân Ít-ra-en từ chối:

      Đức Giê-su đã công bố sứ điệp một cách khó khăn, tuy nhiên không nhượng bộ và thỏa hiệp. Ngài đã lật đổ những ý tưởng cố hữu, kết án thái độcâu nệ luật và thói giả hình. Sự ghen tuông, rồi sự thù hận liên kết với nhau tấn công Ngài. Những vị lãnh đạo tôn giáo Ít-ra-en đã từ chối nhận ra ở nơi Ngài Đấng Mê-si-a vì Ngài không đáp ứng đúng hình ảnh mà họ tự tạo nên. Việc họ quyết tâm thua đủ với Ngài đã dẫn đến cái chết, nhưng không đến cái chết như họ nghĩ tưởng: Đức Giê-su đã chiến thắng cái chết, nhưng Ít-ra-en với tư cách dân thừa hưởng Lời Hứa, không còn hiện hữu nữa.

      2. Tấn thảm kịch của vị Thiên Chúa làm người:

       Khi đón nhận kiếp người, Đức Giê-su chấp nhận thân phận “sinh ly tử biệt”. Vì thế, Ngài muốn đảm nhận cái chết trong tất cả sự khiếp sợ cùng với những đau khổ của nó. Những hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho Ngài phải chịu khổ hình tàn bạo nhất được sử dụng vào thời Ngài. Số phận nầy nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi nhận được” (Ga 10: 17-18). Đây là cử chỉ bác ái tột cùng: Đức Giê-su đã muốn chia sẻ số phận của những kẻ bị tra tấn, bị khổ hình, những người chết vì đạo, để tất cả những ai phải chết trong những khốn khổ thậm tệ nhất, và tất cả những ai phải chịu đau đớn về thể xác cũng như luân lý, gặp thấy trong cuộc thương khó của Ngài niềm an ủi tuyệt vời. Chúng ta nên lưu ý rằng ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ở đó có sự sung mãn: sự sung mãn của sự sống, sự sung mãn của những điều thiện hảo, sự sung mãn của ân sủng.

      3. Tấm thảm kịch của tội lỗi:

      “Nầy là Mình Thầy bị nộp vì anh em. Vì nầy là máu Thầy đổ ra để muôn người được tha tội”. Đức Giê-su đã giải thích rõ cái chết của Ngài. Tuy nhiên, điều này chẳng là gì cả nếu chúng ta không để mình vào trong mầu nhiệm: Mầu nhiệm của “ơn Cứu Chuộc”. Người cứu chuộc (gô-en), chính là người phục hồi nhân phẩm cho thành viên của gia đình bị hoạn nạn, và chuộc lại, nếu phải chịu cảnh đời nô lệ vì nợ nần. Chính đó là ý nghĩa đặc thù của từ ngữ Hy bá mà chúng ta dịch “Đấng cứu chuộc”.

      Bất chấp được Thánh Kinh soi sáng, biết bao câu hỏi nẩy sinh trong tâm trí chúng ta. Tội lỗi là gì? Một sự xúc phạm đến Sự Thiện. Ấy vậy, Sự Thiện, chính là Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa chan chứa tình yêu, Đấng đã không muốn con người một mình gánh chịu những hậu quả của tội lỗi mình. Ngài đã sai Con Một Ngài để chia sẻ tận mức gánh nặng tội lỗi và xóa đi những vết nhơ của chúng ta. Đó là lý do tại sao Thập Giá là “vinh quang” của Thiên Chúa như thánh Gioan phát biểu.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Isaiah 50:4-7
View in: NAB
4The Lord hath given me a learned tongue, that I should know how to uphold by word him that is weary: he wakeneth in the morning, in the morning he wakeneth my ear, that I may hear him as a master.
5The Lord God hath opened my ear, and I do not resist: I have not gone back.
6I have given my body to the strikers, and my cheeks to them that plucked them: I have not turned away my face from them that rebuked me, and spit upon me.
7The Lord God is my helper, therefore am I not confounded: therefore have I set my face as a most hard rock, and I know that I shall not be confounded.
Isaiah 50:4-7
View in: NAB
4The Lord hath given me a learned tongue, that I should know how to uphold by word him that is weary: he wakeneth in the morning, in the morning he wakeneth my ear, that I may hear him as a master.
5The Lord God hath opened my ear, and I do not resist: I have not gone back.
6I have given my body to the strikers, and my cheeks to them that plucked them: I have not turned away my face from them that rebuked me, and spit upon me.
7The Lord God is my helper, therefore am I not confounded: therefore have I set my face as a most hard rock, and I know that I shall not be confounded.
Matthew 20:2
View in: NAB
2And having agreed with the labourers for a penny a day, he sent them into his vineyard.
Isaiah 61:1
View in: NAB
1The spirit of the Lord is upon me, because the Lord hath anointed me: he hath sent me to preach to the meek, to heal the contrite of heart, and to preach a release to the captives, and deliverance to them that are shut up.
Matthew 26:15
View in: NAB
15And said to them: What will you give me, and I will deliver him unto you? But they appointed him thirty pieces of silver.
Matthew 26:15
View in: NAB
15And said to them: What will you give me, and I will deliver him unto you? But they appointed him thirty pieces of silver.
Isaiah 53:7-9
View in: NAB
7He was offered because it was his own will, and he opened not his mouth: he shall be led as a sheep to the slaughter, and shall be dumb as a lamb before his shearer, and he shall not open his mouth.
8He was taken away from distress, and from judgment: who shall declare his generation? because he is cut off out of the land of the living: for the wickedness of my people have I struck him.
9And he shall give the ungodly for his burial, and the rich for his death: because he hath done no iniquity, neither was there deceit in his mouth.
Isaiah 1:4
View in: NAB
4Woe to the sinful nation, a people laden with iniquity, a wicked seed, ungracious children: they have forsaken the Lord, they have blasphemed the Holy One of Israel, they are gone away backwards.
Matthew 26:26-29
View in: NAB
26And whilst they were at supper, Jesus took bread, and blessed, and broke: and gave to his disciples, and said: Take ye, and eat. This is my body.
27And taking the chalice, he gave thanks, and gave to them, saying: Drink ye all of this.
28For this is my blood of the new testament, which shall be shed for many unto remission of sins.
29And I say to you, I will not drink from henceforth of this fruit of the vine, until that day when I shall drink it with you new in the kingdom of my Father.
Isaiah 53:12
View in: NAB
12Therefore will I distribute to him very many, and he shall divide the spoils of the strong, because he hath delivered his soul unto death, and was reputed with the wicked: and he hath borne the sins of many, and hath prayed for the transgressors.
Leviticus 17:14
View in: NAB
14For the life of all flesh is in the blood: therefore I said to the children of Israel: You shall not eat the blood of any flesh at all, because the life of the flesh is in the blood, and whosoever eateth it, shall be cut off.
Isaiah 53:12
View in: NAB
12Therefore will I distribute to him very many, and he shall divide the spoils of the strong, because he hath delivered his soul unto death, and was reputed with the wicked: and he hath borne the sins of many, and hath prayed for the transgressors.
Isaiah 25:6-9
View in: NAB
6And the Lord of hosts shall make unto all people in this mountain, a feast of fat things, a feast of wine, of fat things full of marrow, of wine purified from the lees.
7And he shall destroy in this mountain the face of the bond with which all people were tied, and the web that he began over all nations.
8He shall cast death down headlong for ever: and the Lord God shall wipe away tears from every face, and the reproach of his people he shall take away from off the whole earth: for the Lord hath spoken it.
9And they shall say in that day: Lo, this is our God, we have waited for him, and he will save us: this is the Lord, we have patiently waited for him, we shall rejoice and be joyfull in his salvation.
Matthew 6:13
View in: NAB
13And lead us not into temptation. But deliver us from evil. Amen.
Matthew 6:13
View in: NAB
13And lead us not into temptation. But deliver us from evil. Amen.
Isaiah 53:7
View in: NAB
7He was offered because it was his own will, and he opened not his mouth: he shall be led as a sheep to the slaughter, and shall be dumb as a lamb before his shearer, and he shall not open his mouth.
Galatians 2:19-22
View in: NAB
19For I, through the law, am dead to the law, that I may live to God: with Christ I am nailed to the cross.
20And I live, now not I; but Christ liveth in me. And that I live now in the flesh: I live in the faith of the Son of God, who loved me, and delivered himself for me.
21I cast not away the grace of God. For if justice be by the law, then Christ died in vain.
Galatians 2:19
View in: NAB
19For I, through the law, am dead to the law, that I may live to God: with Christ I am nailed to the cross.
Isaiah 53:7
View in: NAB
7He was offered because it was his own will, and he opened not his mouth: he shall be led as a sheep to the slaughter, and shall be dumb as a lamb before his shearer, and he shall not open his mouth.
Leviticus 21:10
View in: NAB
10The high priest, that is to say, the priest, is the greatest among his brethren. upon whose head the oil of unction hath been poured, and whose hands have been consecrated for the priesthood, and who hath been vested with the holy vestments, shall not uncover his head, he shall not rend his garments:
Leviticus 24:16
View in: NAB
16And he that blasphemeth the name of the Lord, dying let him die: all the multitude shall stone him, whether he be a native or a stranger. He that blasphemeth the name of the Lord, dying let him die.
Leviticus 24:10-23
View in: NAB
10And behold there went out the son of a woman of Israel, whom she had of an Egyptian, among the children of Israel, and fell at words in the camp with a man of Israel.
11And when he had blasphemed the name, and had cursed it, he was brought to Moses: (now his mother was called Salumith, the daughter of Dabri, of the tribe of Dan:)
12And they put him into prison, till they might know what the Lord would command.
13And the Lord spoke to Moses,
14Saying: Bring forth the blasphemer without the camp, and let them that heard him, put their hands upon his head, and let all the people stone him.
15And thou shalt speak to the children of Israel: the man that curseth his God, shall bear his sin:
16And he that blasphemeth the name of the Lord, dying let him die: all the multitude shall stone him, whether he be a native or a stranger. He that blasphemeth the name of the Lord, dying let him die.
17He that striketh and killeth a man, dying let him die.
18He that killeth a beast, shall make it good, that is to say, shall give beast for beast.
19He that giveth a blemish to any of his neighbours: as he hath done, so shall it be done to him:
20Breach for breach, eye for eye, tooth for tooth, shall he restore. What blemish he gave, the like shall he be compelled to suffer.
21He that striketh a beast, shall render another. He that striketh a man shall be punished.
22Let there be equal judgment among you, whether he be a stranger, or a native that offends: because I am the Lord your God.
23And Moses spoke to the children of Israel: and they brought forth him that had blasphemed, without the camp, and they stoned him. And the children of Israel did as the Lord had commanded Moses.
Isaiah 50:4-6; 53:3-5
View in: NAB
504The Lord hath given me a learned tongue, that I should know how to uphold by word him that is weary: he wakeneth in the morning, in the morning he wakeneth my ear, that I may hear him as a master.
5The Lord God hath opened my ear, and I do not resist: I have not gone back.
6I have given my body to the strikers, and my cheeks to them that plucked them: I have not turned away my face from them that rebuked me, and spit upon me.
533Despised, and the most abject of men, a man of sorrows, and acquainted with infirmity: and his look was as it were hidden and despised, whereupon we esteemed him not.
4Surely he hath borne our infirmities and carried our sorrows: and we have thought him as it were a leper, and as one struck by God and afflicted.
5But he was wounded for our iniquities, he was bruised for our sins: the chastisement of our peace was upon him, and by his bruises we are healed.
Leviticus 21:10
View in: NAB
10The high priest, that is to say, the priest, is the greatest among his brethren. upon whose head the oil of unction hath been poured, and whose hands have been consecrated for the priesthood, and who hath been vested with the holy vestments, shall not uncover his head, he shall not rend his garments:
Matthew 26:73
View in: NAB
73And after a little while they came that stood by, and said to Peter: Surely thou also art one of them; for even thy speech doth discover thee.
Isaiah 53:7
View in: NAB
7He was offered because it was his own will, and he opened not his mouth: he shall be led as a sheep to the slaughter, and shall be dumb as a lamb before his shearer, and he shall not open his mouth.
Matthew 26:25
View in: NAB
25And Judas that betrayed him, answering, said: Is it I, Rabbi? He saith to him: Thou hast said it.
Isaiah 53:7
View in: NAB
7He was offered because it was his own will, and he opened not his mouth: he shall be led as a sheep to the slaughter, and shall be dumb as a lamb before his shearer, and he shall not open his mouth.
Isaiah 50:5-6
View in: NAB
5The Lord God hath opened my ear, and I do not resist: I have not gone back.
6I have given my body to the strikers, and my cheeks to them that plucked them: I have not turned away my face from them that rebuked me, and spit upon me.
Romans 16:13
View in: NAB
13Salute Rufus, elect in the Lord, and his mother and mine.
Amos 8:9-10
View in: NAB
9And it shall come to pass in that day, saith the Lord God, that the sun shall go down at midday, and I will make the earth dark in the day of light:
10And I will turn your feasts into mourning, and all your songs into lamentation: and I will bring up sackcloth upon every back of yours, and baldness upon every head: and I will make it as the mourning of an only son, and the latter end thereof as a bitter day.