Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên C

Chúng ta có thể lấy lời của tác giả sách Khôn Ngoan sau đây Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải (Kn 11: 23a) làm chủ đề cho Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.


Kn 11: 22-12: 2

Tác giả sách Khôn Ngoan nhắc nhở Thiên Chúa luôn luôn tỏ lòng khoan dung nhân hậu đối với tội nhân, Ngài luôn tạo cơ hội cho họ để họ ăn năn sám hối mà được sống.

2Tx 1: 11-2: 2

Trong thư thứ hai gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô nói với các tín hữu là thánh nhân hằng cầu nguyện cho họ để họ luôn luôn sống xứng đáng với ơn gọi Ki-tô hữu của mình và trấn an họ đừng hoang mang lo sợ về những tin đồn thất thiệt là ngày tận thế sắp đến.

Lc 19: 1-10

Tin Mừng thánh Lu-ca tường thuật cuộc gặp gỡ nhớ đời của ông Da-kêu thành Giê-ri-cô với Chúa Giê-su, đó cũng là cuộc gặp gỡ đổi đời của ông Da-kêu, từ viên quan thu thuế trở thành môn đệ của Ngài.


BÀI ĐỌC I (Kn 11: 22-12: 2)

1.Tác giả

Sách Khôn Ngoan là một trong năm cuốn sách thuộc truyền thống Khôn Ngoan hay các sách Giáo Huấn của Cựu Ước. Toàn bộ tác phẩm được viết bằng tiếng Hy-lạp chứ không phải là bản dịch từ nguyên bản bằng tiếng Híp-ri. Trong tác phẩm, tác giả tự xưng mình là “vua Sa-lô-mon” (9: 7, 8, 12), nhưng đây chỉ là kỷ thuật hư cấu văn chương mà tác giả được thừa hưởng từ các tiền nhân của mình (Cn 1: 1; 10: 1; 25: 1; Gv 1: 1-12; Dc 1: 1). Cho đến nay, mọi nổ lực tìm cách khám phá căn tính của tác giả đều thất bại. Tác giả sách Khôn Ngoan vẫn là vô danh, tuy nhiên một điều chắc chắn ông là một người Do thái. Bằng chứng là ông tin tưởng vào Thiên Chúa duy nhất, toàn năng, chủ tể hoàn vũ, ghê tởm đa thần giáo và khinh bĩ thờ ngẫu tượng, đả kích duy vật và khoái lạc chủ nghĩa, chán ghét cuộc sống phi luân của dân ngoại, kiêu hãnh được thuộc về dân Chúa chọn, “dân thánh”, “nòi gióng không có gì đáng trách”, thán phục quá khứ của mình và ngưỡng mộ những anh hùng mà ông thích nhắc lại những chiến công của họ, niềm xác tín vào sứ mạng của mình trong thế giới. Văn hóa căn bản của ông là văn hóa Do thái; ông đã đọc đi đọc lại, ngẫm suy các sách thánh, và chính từ các sách này mà ông thường đón nhận nguồn cảm hứng để viết ra tác phẩm của mình. Đức Khôn Ngoan mà ông ca tụng là Đức Khôn Ngoan của dân Ít-ra-en và được ông mô tả bằng những ngôn từ của dân Ít-ra-en.

Tóm lại, tác giả là một người Do thái trung thành chứ không là một người Do thái có đầu óc thủ cựu hẹp hòi. Ông có tấm lòng thiện cảm đối với thế giới dân ngoại và có tinh thần rộng mở với mọi nền văn hóa. Trong tác phẩm này, tác giả đã khéo dung hòa những tinh hoa của hai nền văn hóa Do thái và Hy lạp. Tuy nhiên, tác giả không chịu ảnh hưởng triết học Hy lạp, dầu rằng tác giả có sử dụng nhiều danh từ của triết học Hy lạp để diễn tả ý tưởng tôn giáo theo Kinh Thánh.

2.Tác phẩm:

Sách Khôn Ngoan gồm ba phần rõ rệt: Trong phần thứ nhất (ch. 1-5), sau lời mời gọi hãy thủ đắc cho được Đức Khôn Ngoan (1: 1-15), tác giả chứng minh tầm quan trọng độc nhất của Đức Khôn Ngoan trong vận mệnh nhân loại (1: 16-5: 23). Trong phần thứ hai (ch. 6-9), tác giả miêu tả nguồn gốc, bản chất, hành động của Đức Khôn Ngoan và chỉ ra những phương thế để chiếm hữu được Đức Khôn Ngoan (ch. 6-9). Sau cùng, trong phần thứ ba (ch. 10-19), tác giả tán dương hành động của Đức Khôn Ngoan (ch 10-12) và của Thiên Chúa (ch. 16-19) đang hoạt động trong lịch sử của dân Ít-ra-en, đáng chú ý nhất là cuộc giải phóng khỏi Ai-cập. Xen vào giữa hai phân đoạn này là chương 13-15, ở đó tác giả mĩa mai việc thờ ngẫu tượng và cho thấy hậu quả của việc thờ phượng này.

3.Đoạn trích (Kn 11: 22-2: 2)

Đoạn trích trong Phụng Vụ hôm nay ca ngợi tấm lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân và tình yêu của Ngài danh cho công trình sáng tạo của Ngài, nhưng diễn tả theo hai văn thể khác nhau: trình thuật (11: 22-24) và cầu nguyện (11: 26-12: 2).

A.Trình thuật (11: 22-24)

Trong phần trình thuật, tác giả nói lên lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với tội nhân và nêu lên lý do: “để họ còn ăn năn hối cải”. Đây là những tư tưởng rất truyền thống như chúng ta thường gặp thấy trong các sách ngôn sứ Cựu Ước, như Gn 3-4 hay như lời ngôn sứ Ed: “Ta đâu muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải mà được sống”. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây chính là lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân cũng như tình yêu của Ngài đối với công trình sáng tạo và bảo tồn vạn vật chưa bao giờ được diễn tả cách mạnh mẽ và lý luận cách rõ ràng đến như vậy.

B.Cầu nguyện (11: 25-12: 2)

Từ câu 25, tư tưởng của tác giả bổng nhiên chuyển sang cung giọng cầu nguyện. Ở đây chúng ta nhận ra rằng sau khi đã suy gẫm về lòng từ bi nhân hậu của Chúa đối với mọi sinh linh, tác giả không thể kiềm lòng thốt lên lời cầu nguyện với Thiên Chúa. Đây cũng là nét đặc trưng của dân Do thái. Đối với họ, Những biến cố nhỏ to xảy ra trong cuộc sống thường ngày dể dàng trở thành những chất liệu cho những lời cầu nguyện của họ. Trong lời cầu nguyện, tác giả xưng hô với Thiên Chúa là “Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài” và nêu lên lý do: “Vì mọi loài đều là của Chúa”. Điều này được chứng tỏ ở nơi sự kiện Thiên Chúa ban sinh khí bất diệt cho muôn loài muôn vật. Đây không là quan niệm nhị nguyên của triết học Hy-lạp theo đó con người gồm có xác và hồn, xác thì hư hoại còn hồn thì bất diệt, nhưng quan niệm Kinh Thánh theo đó con người được dựng nên gồm cả xác thể lẫn thần khí bất diệt của Thiên Chúa, như chúng ta gặp thấy trong St 2: 7; 6: 3; Tv 104: 29-30; G 27: 3; 34: 14-15.

Từ đó, tác giả kết luận và qua câu kết luận này cho thấy tấm lòng rất mực nhân từ khoan dung của Thiên Chúa đối với những kiếm khuyết của con người: “Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa”. Chính ở nơi những lời cuối cùng này, chúng ta gặp thấy tấm lòng của Chúa Giê-su đối với ông Da-kêu, một viên quan thu thuế trong Tin Mừng hôm nay.

BÀI ĐỌC II (2Tx 1: 11-2: 2)

Cũng như thư thứ nhất, thư thư hai gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cũng nhằm mục đích là trấn an các tín hữu, vì những tin đồn thất thiệt về ngày Chúa quang lâm sắp đến. Tin đồn này khiến các tín hữu hoang mang lo sợ đến nỗi một số tín hữu chẳng tha thiết làm việc gì cả nên làm xáo trộn trật tự của cộng đoàn.

A.Cầu nguyện cho các tín hữu (1: 11-12)

Sau khi đã tạ ơn Thiên Chúa về lòng tin và lòng mến của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đối với nhau, cũng như lòng kiên nhẫn của họ khi gặp cảnh gian truân (1: 3-10), thánh Phao-lô nói với các tín hữu rằng thánh nhân hằng nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của thánh nhân để xin Thiên Chúa giúp cho họ luôn luôn sống xứng đáng với ơn gọi Ki-tô hữu của mình và để xin Thiên Chúa hoàn thành mọi thiện chí cũng như mọi công việc của họ phát xuất từ lòng tin. Có như vậy, danh Đức Giê-su được tôn vinh nơi họ, còn họ thì được tôn vinh nơi Người.

B.Trấn an các tín hữu (2: 1-2)

Thánh Phao-lô khuyên nhủ các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đừng để cho mình bị giao động hay hoảng sợ vì những tin đồn thất thiệt về ngày Chúa quang lâm (2: 1-2). Lý do thánh nhân nêu ra để làm yên lòng của các tín hữu đó là những dấu chỉ báo trước ngày quang lâm chưa đến, như là hiện tượng chối đạo và kẻ vô đạo chưa xuất hiện (2: 3).

TIN MỪNG

CUỘC GẶP GỠ NHỚ ĐỜI VÀ ĐỔI ĐỜI (Lc 19: 1-10)

Thành Giê-ri-cô là cửa ngỏ dẫn vào thành Giê-ru-sa-lem,, vì thế cuộc hành trình của Chúa Giê-su cùng với các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem sắp đến hồi kết thúc. Trong thành Giê-ri-cô này, thánh Lu-ca thuật lại hai biến cố tạo thành một bức tranh bộ đôi: Chúa Giê-su cho một người mù được sáng mắt và cho một viên quan thu thuế cơ hội để đổi đời. Cả hai bài bức tranh này có những điểm chung: hai nhân vật chính sống trong hai hoàn cảnh khác nhau phải vượt qua những chướng ngại do đám đông gây ra để đạt cho bằng được một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Trong phần kết thúc của hai câu chuyện, Chúa Giê-su tuyên bố ơn cứu độ đã đến với hai nhân vật này.

Đối với ông Da-kêu, đây là một ngày đáng nhớ, một kỷ niệm không thể nào quên được, một cuộc gặp gỡ nhớ đời nhưng cũng là một cuộc gặp gỡ đổi đời, bởi vì chính cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su vào ngày hôm đó mà ông hiểu thế nào là cái thênh thang rộng mở của tấm lòng Thiên Chúa và thế nào là sức bật tức khắc và triệt để của một cuộc đổi đời.

Bài Tin Mừng hôm nay được cấu trúc theo hình thức song đối xen kẻ:

A.Ông Da-kêu mong ước được gặp Chúa Giê-su (19: 1-4)

B.Chúa Giê-su có chủ ý gặp ông Da-kêu (19: 5-7)

A’.Ông Da-kêu đáp trả (19: 8)

B’.Chúa Giê-su đáp trả (19: 9-10)

TÌM HIỂU CHI TIẾT

A. Ông Da-kêu mong ước được gặp Chúa Giê-su (19: 1-4)

Tất cả bắt đầu từ cái tình cờ, Chúa Giê-su tình cờ đi qua thành Giê-ri-cô nơi ông đang sinh sống. Đối với Da-kêu, cái tình cờ nầy không thể nào bỏ qua, bởi vì đây là một dịp may hiếm có để “xem cho biết” Đấng mà người ta đồn thổi Ngài là một vị ngôn sứ. Việc “xem cho biết” một vị ngôn sứ đi ngang qua quê mình đối với dân chúng là một chuyện bình thường, nhưng đối với Da-kêu chẳng bình thường chút nào, bởi vì ông là một viên quan thu thuế được xem như một tội nhân công khai, một kẻ bị nguyền rủa, một kẻ bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn cứu độ. Vì thế, ông không thể hoà mình vào đám đông, hòa chung niềm vui với muôn người để đón mừng vị ngôn sứ. Hơn nữa, ông e ngại cái nhìn nghiêm khắc và sợ những lời kết án cứng rắn của vị ngôn sứ, vì ông biết ông là một tội nhân.

Tuy nhiên, tính tò mò muốn “xem cho biết” đã thúc bách ông và nẩy sinh một sáng kiến, một sáng kiến thật ngộ nghĩnh: ông chạy đón trước con đường Ngài sẽ đi qua, leo lên một cây sung, ẩn mình trong cành lá chỉ cốt để xem Đức Giê-su đi ngang qua. Một Da-kêu thường ngày uy nghi đường bệ của viên quan thu thuế, nay lại trở thành một con trẻ, thơ ngây, hồn nhiên đong đưa trên cành cây sung để xem cho biết Đức Giê-su. Khi tìm kiếm Thiên Chúa, chúng ta đừng để cho mình bị ngăn cản bởi sự hổ ngươi hay bởi sợ bị coi là lố bịch, nhưng sử dụng những nguồn sẵn có giúp chúng ta gặp được Chúa Giê-su.

B. Chúa Giê-su có chủ ý gặp ông Da-kêu (19: 5-7)

Nhưng ông không ngờ sáng kiến ngộ nghĩnh của ông lại được Đức Giê-su để ý đến và Ngài cũng không thể bỏ qua đi được. Một sáng kiến ngộ nghĩnh của Da-kêu được đáp trả bằng sáng kiến ngộ nghĩnh không kém của Đức Giê-su, bởi vì nó không hợp với cách suy nghĩ hợp lý của ông cũng như của mọi người. Ngài đến nơi cây sung, tận nơi sáng kiến ngộ nghĩnh của ông và nói với ông bằng những lời thân thiết đến mức giản dị và tự nhiên như hai người bạn thân đã quen biết nhau từ lâu: “Nầy Da-kêu ơi ! Xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !”. Thật lạ lùng, Da-kêu chỉ muốn xem cho biết, ông đâu nghĩ gì xa xôi, ấy vậy Ngài đã dẫn đưa ông đi xa đến độ như “đã quen biết nhau từ thuở nào rồi”. Cái bất ngờ đến lạ lùng nầy của Chúa Giê-su vào ngày hôm đó đã khai mở cho Da-kêu một cái nhìn mới mẽ về Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa không như ông nghĩ hay như người ta đã nói với ông trước đây.

Cách cư xử của Đức Giê-su cũng lạ thường đối với nếp gấp suy nghĩ của đám đông. Rồi, trước đây, truyền thống minh triết đã đặt vấn đề về giáo huấn truyền thống “thưởng phạt chí công của Thiên Chúa”. Nếu Thiên Chúa thưởng phạt chí công tại sao Ngài lại “ngoảnh mặt làm ngơ” trước huyên hoang tự đắc của phường ác nhân và những đau khổ mà những người công chính phải chịu cách bất công? Câu trả lời của Thiên Chúa có thể tìm gặp trong câu chuyện nầy. Đức Giê-su đã ngoảnh mặt làm ngơ trước Da kêu, viên quan thu thế, miệt mài làm giàu bằng những đồng tiền phi nhân phi nghĩa, nhưng Ngài không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ trước một Da kêu thơ ngây đong đưa trên cành với một ước mơ giản dị “xem cho biết Ngài”. Trong cõi thâm sâu của một viên quan thu thuế, một kẻ hư hỏng không còn gì để nói, vẫn còn đó một mảnh trời xanh hồn nhiên, trong sáng; đối với Chúa Giê-su, một mảnh trời xanh nhỏ bé nầy hứa hẹn một ngày mới ngập tràn ánh nắng nếu biết nắm lấy cơ hội mà ân tình của Ngài mở ra.

Hóa ra trong khi con người chờ đợi Thiên Chúa đến với “cái rành mạch phân minh đâu ra đó của lý lẽ”, thì Thiên Chúa lại thích đến với “cái thênh thang rộng mở không ngờ của một tấm lòng”  Chính cái thênh thang rộng mở của tấm lòng đó mà ngày hôm ấy, Da-kêu hiểu hơn ai hết câu nói nầy: “Các bạn hãy nếm thử và nhìn xem cho biết Thiên Chúa chúng ta thiện hảo là dường nào”. Nhưng cũng chính cái thênh thang rộng mở của của tấm lòng này lại gây công phẩn nơi công chúng: “Nhà người tội lỗi nầy mà Ngài cũng vào trọ”.

A’. Ông Da-kêu đáp trả (19: 8)

Cảm kích trước tấm lòng rộng mở của Chúa, ông Da-kêu đáp trả ngay tức khắc, khi xin được đền gấp bốn cho những ai mà ông đã cưỡng đoạt tài sản của họ, như vậy vượt quá quy định của luật Mô-sê (x. Xh 21: 37t.), và ông còn quảng đại dâng phân nửa tài sản của ông cho người nghèo. Thánh Giáo Phụ Am-rô-xi-ô giải thích rằng “Người giàu hãy học cho biết rằng điều xấu không cốt có nhiều của cải, nhưng không sử dụng chúng cho điều tốt; vì trong khi sự giàu có là một trở ngại đối với những người xấu, thì nó cũng là một phương tiện nhân đức đối với những người tốt” (Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).

B’. Chúa Giê-su đáp trả (19: 9-10)

9. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”: Vì Đức Giê-su tự nguyện lưu lại nhà ông Da-kêu và vì ông Da-kêu bằng lòng đón tiếp Ngài, nên ơn Cứu Độ đến trên toàn thể gia đình của ông: “Sự hiện diện của Đức Giê-su làm cho những gì không thể được, đối với con người, trở thành có thể: một người giàu chui qua lổ kim được, nhưng không phải là không đòi hỏi một số thay đổi tận gốc” (Pilgrim trong “Good News to The Poor”).

10. “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”: Đám đông đã kêu trách Chúa Giê-su vì Ngài giao du với một người mà họ cho là kẻ gian ác (19: 7). Chúa Giê-su biện minh cho cách hành xử của Ngài khi giải thích rằng lý do Ngài đến chính là để đi tìm những người tội lỗi. Ngài đang hiện thực dụ ngôn con chiên lạc (x. Lc 15: 4-7) mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã loan báo rồi: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật; Ta sẽ làm cho mạnh” (Ed 34: 16). Vì Chúa Giê-su mong ước tìm và cứu những người tội lỗi, chúng ta cũng hy vọng mình có thể đạt được ơn cứu độ đời đời. Thánh Am-rô-si-ô giải thích “Ngài chọn một thủ lãnh thu thuế, ai có thể thất vọng được chứ khi một con người như thế đạt được ân sủng?” (Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).

Còn Sáng kiến nào thân tình hơn Bàn Tiệc Thánh Thể nhỉ, ở đó Đức Giê-su đã dẫn đưa các môn đệ của Ngài cho đến tận cùng cái thênh thang rộng mở của tấm lòng Ngài, như thánh Gioan ghi nhận: “Trước lễ Vượt qua, Chúa Giê-su biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà đến với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1). Tại sao sống trong ân tình đến như thế chúng ta lại không cảm thấy niềm hưng phấn đổi đời như Da-kêu nhỉ? Bởi vì chúng ta thích thấy mình nơi đám đông hơn nơi Da-kêu, một tội nhân, nên chúng ta thiếu cái sức bật ngay tức khắc và triệt để của một tấm lòng rộn rã muốn được đổi đời như Da-kêu. “Ngay tức khắc” vì không thể nào trì hoản được nữa, không thể khất lần thêm được nữa: “Thôi để dịp khác rồi sẽ hay”, bởi vì ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Và “triệt để” vì dám chấp nhận những hậu quả khôn lường của cái giá đổi đời nầy: từ một Da-kêu mãi miết chắt chiu từng đồng bạc bất nhân bất nghĩa đến một Da-kêu dám chia sẻ tài sản của mình cho những người nghèo túng và đền gấp bốn cho những thiệt hại mà mình đã gây nên.

Lm Inhaxiô Hồ Thông