Tân Phúc Âm Hoá Chính Mình

Trong cuốn Vraie et Fausse Réforme dans l’Eglise, tác giả Yves J.M. Congar OP. đã nêu lên ba lầm lỗi lớn trong Hội Thánh, khi nhìn Hội Thánh là Dân Thiên Chúa. Ba lầm lỗi lớn này có tính cách tập thể. Chúng gây ra trong lịch sử Hội Thánh nhiều hậu quả tai hại. Ba lầm lỗi tập thể tai hại đó là: Tính trì trệ, tính hẹp hòi và tính thiếu chân thành.

Dựa theo sự chỉ dẫn trên đây của Cha Congar để xét mình, tôi thấy hội thánh tại địa phương ta, trong đó có tôi, cũng chẳng sạch sẽ gì cho lắm. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải coi những lỗi lầm ấy như là những tên phản bội nguy hiểm đang góp phần vào việc làm suy thoái Hội Thánh.

Trong mục đích sửa cái tiêu cực bằng cách vươn lên cái tích cực, tôi xin trình bày ở đây những gợi ý về việc Tân-Phúc-Âm-hoá, mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hô hào nhiều lần tại nhiều nơi, bằng nhiều cách. Nhưng việc hưởng ứng của chúng ta đã có trì trệ, đã có hẹp hòi và cũng đã có thiếu nhiệt tình chân thực. Tôi giới hạn vấn đề vào vài điểm mà thôi.

Tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận Long Xuyên 1993

Tân-Phúc-Âm hoá chính mình

Một cách giảng được ưa chuộng nhất hiện nay là chia sẻ kinh nghiệm về sự Chúa đã là Tin mừng thế nào cho mình qua cuộc sống hằng ngày và qua các biến cố. Bài nói chuyện của tôi hôm nay sẽ được thực hiện dưới dạng đó. Tôi xin chia sẻ phần nào những kinh nghiệm nội tâm có tính cách Tân-Phúc-Âm-hoá chính mình.

 1. Tin Mừng của tôi là gặp gỡ Ðức Kitô

Khi đọc và nghe những gì về Chúa, tôi rất vui. Khi đọc kinh, thực hành nghi lễ, tôi càng vui hơn. Tôi có vô số niềm vui khác đến từ những gì thuộc về Chúa. Nhưng tất cả những niềm vui ấy sẽ trở thành quá yếu, khi sánh với niềm vui được gặp gỡ Ðức Kitô.

Ðức Kitô xuất hiện những lúc không ngờ. Ngài đến những khi tôi cần được cứu, những khi tôi xác tín chỉ có Ngài mới cứu được tôi. Tâm trạng cần được cứu là thường xuyên trong tôi. Vì tôi biết mình yếu đuối. Nhiều lúc tâm trạng ấy trở thành tiếng gọi khẩn thiết.

Ðức Kitô đến như một Tình-Yêu mãnh liệt hiện diện bên tôi và ở trong tôi. Lập tức tôi nhận ra dung mạo Ngài. Rõ ràng Ngài là Ðấng Cứu Thế, Ðấng gánh tội cho tôi, Ðấng đền tội cho tôi, Ðấng tha tội cho tôi, Ðấng xoá tội cho tôi.

Ngài gọi tôi, đầu tiên không phải để trao nhiệm vụ, mà là để tôi sống với Ngài. Sự hiện diện của Ngài tạo ra một bầu khí tình nghĩa, hiệp thông. Ngài trở nên men, nên muối cho tôi. Và cứ thế dần dần Ngài biến cải tôi.

Ngài gọi tôi với tất cả lịch sử con người của tôi, với những giới hạn, với những yếu đuối, với những khát vọng của tôi. Tôi là gì và có gì, thì Chúa gọi tôi như vậy. Chính vì thế, mà tôi thấy mình gần gũi với Ngài và gắn bó với Ngài. Ở đây, tôi nhớ lại lời Thánh Phaolô tông đồ đã viết: “Anh chị em hãy suy nghĩ về ơn Chúa gọi anh chị em. Trong anh chị em không có mấy ai là khôn ngoan, là quyền chức, là sang trọng. Thiên Chúa đã chọn những người dại dột ở thế gian, để làm cho các kẻ khôn ngoan phải xấu hổ, và cũng đã chọn những kẻ yếu hèn ở thế gian, để làm cho những kẻ hùng mạnh phải điêu đứng. Thiên Chúa đã chọn những sự hèn hạ và đáng khinh chê ở thế gian, và cũng đã lấy những gì như không có, để huỷ diệt những cái có. Như thế không ai có thể khoe khoang trước mặt Chúa” (I Cr 1,26-29).

Ðức Kitô là Ðấng gọi tôi, và đồng thời Ngài là Ðấng tôi gọi. Những tiếng gọi bằng tên nhau tạo ra một thế giới riêng tư. Mỗi lần gọi và được gọi, tôi hiểu là tôi phải trở về.

Trở về với Ngài là trở về với tuổi thơ, mà Ngài đã nói trong Phúc-Âm: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”. Có nghĩa là tôi phải biết mình bé nhỏ, phải cậy trông phó thác hoàn toàn nơi tình yêu đầy xót thương của Chúa. Phải tuyệt đối lệ thuộc và vâng phục thánh ý Ngài.

Lúc gặp gỡ Ðức Kitô, tôi cảm thấy như tất cả những gì tôi cho là các nguyên tắc lý thuyết đều mờ nhạt đi. Chỉ còn Ngài là hiện diện, chỉ Ngài là Ðấng hướng dẫn tôi bằng Thần Khí của Ngài. Mọi tư tưởng tiền chế đã nhường chỗ cho chính Ðấng là Sự Thật, là Ðường và là Sự Sống. Tôi có cảm tưởng rằng: Nếu đạo công giáo chỉ là một lý thuyết, một đạo lý, thì nói cho cùng, tôi không thấy đạo ấy hiện diện mãnh liệt trong tôi. Cái hiện có một cách sống động trong tôi là sự gặp gỡ Ðức Kitô. Và tôi hiểu Phúc-Âm-hoá bản thân tôi chính là gặp gỡ Ðức Kitô, là đón nhận Ðức Kitô, là sống với Ðức Kitô, là được Ðức Kitô cải đổi.

Ðức Kitô nói với tôi, không phải chỉ là nhắc lại lời Kinh Thánh, mà còn là những lời rất mới. Mới cho mỗi ngày. Bởi vì ngày nào cũng là quãng thời gian mới, với những chuyển biến mới. Cho dù hôm nay sẽ có nhiệm vụ như hôm qua, thì nhiệm vụ hôm nay vẫn có thể chu toàn một cách mới hơn, với một tâm tình mến Chúa yêu người mới hơn. Ngài bảo tôi hãy biết đón nhận những cái mới của mỗi ngày như những hồng ân. Ngài dạy tôi hãy biết đặt chân mình vào các dấu chân rất mới của Ngài. Vì Ngài là kẻ vẫn đi gieo khắp nơi. Vì Ngài là kẻ vẫn quăng lưới bất cứ chỗ nào có cá.

Sống với Ngài không là an nghỉ, nhưng là đi theo Ngài. Ðối với tôi, mỗi ngày là một ơn gọi. Sống ơn gọi hôm nay, đó là thánh ý Chúa. Mỗi ngày đều có thể nói: “Hôm nay là ngày thuận lợi, chính hôm nay là ngày cứu độ” (II Cr 6,2). Và mỗi phút đều phải nói: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con” (Tv 31,6). Và tôi hiểu thế nào là nên thánh trong giây phút hiện tại, và thế nào là cầu nguyện bằng trao đổi tâm tình thường xuyên với Chúa, cũng như bằng sự chu toàn trách nhiệm hằng ngày.

 2. Tin Mừng của tôi là một thế giới rạng đông

Mỗi ngày, khi đi theo Ðức Kitô bằng cách chu toàn trách nhiệm do Ngài trao phó, tôi có cảm tưởng là tôi đi trên đường ranh phân biệt hai thế giới: Một thế giới cũ như hoàng hôn sắp lặn xuống, và một thế giới mới như rạng đông đang ló dạng. Thế giới hoàng hôn là những gì cằn cỗi, lỗi thời, trống rỗng, giả tạo, bất công, hận thù, ích kỷ. Thế giới mới là những gì trẻ trung, thức thời, có phẩm chất, công bình, yêu thương, hoà giải, vị tha.

Tôi thấy thế giới cũ còn rất mạnh nhưng sẽ phải lụi tàn. Còn thế giới mới đang mọc lên, với những mầm sống nhỏ. Những mầm sống này xuất hiện ở các đời thường. Trong lãnh vực siêu nhiên, cái có giá trị không phải là cái khác thường, mà là cái thường, cái bé nhỏ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Những cái thường, những cái bé nhỏ ấy giống như những sợi chỉ đẹp đang dệt nên cuộc sống, như muốn giới thiệu những mảng đời đời trên dòng thời gian.

Mỗi ngày ở các đời thường, tôi thấy biết bao người đang sống tinh thần phục vụ ở mức độ cao. Nhất là trong các gia đình Việt Nam, người ta sống cho nhau, với vô vàn hy sinh âm thầm. Từ những trái tim phục vụ ấy, tôi nghe tiếng vọng của tình yêu Thiên Chúa. Ngài gọi họ, và họ đã tích cực đáp lại. Nếu phục vụ kẻ khác là một cách phục vụ chính Chúa, thì Nước Chúa hiện nay là rất rộng, đang đi vào lòng người, không phân biệt ai.

Mỗi ngày ở các đời thường, tôi thấy biết bao đang người sống tinh thần liên đới với mức độ cao. Nhất là đối với những kẻ nghèo nàn, khổ đau, cô đơn, tủi nhục. Họ sống liên đới, là họ chia sẻ tình thương, là họ giúp đỡ, là họ cảm thông. Từ những trái tim sống tình liên đới ấy, tôi như nếm được hương vị bác ái Phúc Âm. Nếu bất cứ ai có những tâm tình và việc làm bác ái đều được kể là thuộc về Thiên-Chúa-Tình-yêu, thì số kẻ thuộc về Thiên Chúa hiện nay là vô kể.

Mỗi ngày ở các đời thường, tôi thấy biết bao người đang sống tinh thần bao dung một cách vị tha quảng đại. Họ chấp nhận những người khác họ. Họ không loại trừ những ai đi khác con đường của họ. Họ không nghi kỵ những kẻ không cùng quan điểm với họ. Từ những tấm lòng bao dung ấy, tôi như nghe thấy tiếng gọi của Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ đầy khoan dung, nhân ái. Và nếu bất cứ ai sống tinh thần tám mối phúc đều được Chúa trọng thưởng, thì số người được Chúa thương và thưởng hiện nay là vô số kể.

Mỗi ngày ở các đời thường, tôi thấy biết bao người đang sống cặn kẽ tinh thần trách nhiệm. Họ lo làm tốt trách nhiệm trong gia đình, trong lối xóm, trong xã hội. Từ những mẫu gương ấy, tôi nghe như muôn vàn lời ca chúc tụng Thiên Chúa. Và nếu ai làm tốt bổn phận của mình là sống vâng phục thánh ý Chúa, thì thế giới người thánh chính là hôm nay, đang ở giữa chúng ta.

Khi đi theo Chúa, tôi khám phá ra rằng: Chúa gọi mỗi người bằng nhiều cách. Qua Hội Thánh, qua các người tốt, qua các biến cố, nhiều khi cũng qua những gì mà người đời cho là rủi ro, là tiêu cực. Mỗi người đều được gọi, rồi chính họ lại gọi người khác. Những người được gọi làm việc tốt và những người gọi người khác làm việc tốt, hiện nay rất đông. Tôi có cảm tưởng là những người như thế đang tích cực đón nhận Nước Trời.

Nước Trời đến với họ từ bên trong lòng họ, khi từ lương tâm họ thức tỉnh dậy những khát vọng tốt lành, những cái nhìn hướng về sự thiện. Nước trời đến với họ, khi họ có những cố gắng vươn lên, để phát triển những gì là tốt thuộc bản chất con người của họ, nhất là để tinh-thần-hoá các tài năng của họ.

Nước Trời đến trong họ với muôn màu sắc khác nhau. Bởi vì Thần Linh Chúa rất tự do. Thiên Chúa luôn luôn là Ðấng sáng tạo. Nghĩ rằng Ngài phải sao chép lại cái cũ là nghĩ sai. Vì thế mà trong việc Phúc-Âm-hoá con người hôm nay, nếu tôi và các người Hội Thánh của tôi không có cái nhìn rộng, cởi mở, và một trái tim nhạy bén với các sáng kiến của Chúa Thánh Linh, thì thay vì cộng tác vào việc Phúc-Âm-hoá theo thánh ý Chúa, có thể chúng ta lại phá cản việc Phúc-Âm-hoá của Ngài.

Với tính hẹp hòi, chúng ta sẽ không thể là Tin Mừng cho ai trong thế giới hôm nay. Và với tính tự mãn, chúng ta cũng sẽ không đón nhận được Nước Trời. Tuy nhiên, nhìn chung, Hội Thánh vẫn luôn luôn là động lực quan trọng trong việc giúp tôi đổi mới.

 3. Tin Mừng của tôi là một Hội Thánh trên đường đổi mới

Thực vậy, khi tôi đón nhận một thế giới mới đầy hy vọng đang mọc lên như rạng đông, và khi tôi gặp gỡ Ðức Kitô, thì tôi là thành phần của dân Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng chính vì tôi ở trong Hội Thánh, và chính vì tôi là thành phần của một Hội Thánh đang đổi mới, nên tôi đã được các ơn ấy.

Thực tế cho thấy, Hội Thánh tại nhiều nơi đang trên đường đổi mới. Hội Thánh đoàn sủng, Hội Thánh sám hối, Hội Thánh đồng hành, Hội Thánh dấn thân, Hội Thánh truyền giáo. Có nơi đổi mới nhiều, có nơi đổi mới chậm. Cái hay cái tốt của nơi này trở thành sức sống có tính cách khích lệ chung. Cái dở cái xấu của nơi kia cũng trở thành tiếng chuông có tính cách cảnh giác chung. Trong kế hoạch cứu độ của Chúa, cái tốt và cái xấu bao giờ cũng xen kẽ nhau, như thể mỗi cái tốt và xấu đều giữ một vai trò riêng, nhưng nằm trong một công trình chung, có thể sinh ích cho những người biết lợi dụng.

Trên đường đổi mới, có nơi và có người bắt đầu rất trễ. Nhưng nay, nơi đó, người đó lại tiến mau hơn nơi khác và các người khác. Trái lại, có nơi có người bắt đầu rất sớm. Nhưng đến nay họ vẫn như giậm chân tại chỗ. Ðúng như lời Chúa phán: Kẻ sau cùng trở nên trước hết, và kẻ trước hết trở thành sau chót. Sự kiện này là một bài học. Muốn đổi mới, muốn Phúc-Âm-hoá, và tân-Phúc-Âm-hoá, thì luôn luôn phải có lửa Thánh Linh trong tâm hồn. Lửa ấy có thể nguội, nếu không được chăm sóc. Lửa ấy là động lực rất cần, nhưng không miễn trừ ai khỏi học hỏi mỗi ngày, bởi vì mỗi ngày là một nguồn ơn mới về mọi mặt.

Trên đường đổi mới, tôi thấy Hội Thánh nhiều nơi sáng rực lên những dấu chỉ mới của sức sống bên trong. Như những đời sống Tám Mối phúc, sự nhiệt thành truyền giáo, tinh thần dấn thân phục vụ kẻ nghèo, tinh thần bao dung, hoà bình, hoà giải, tinh thần khó nghèo nội tâm, tinh thần phục vụ thánh ý Chúa trong mọi sự, tinh thần trách nhiệm, nhất là tinh thần đơn sơ Phúc Âm.

Ðối với tôi, những cái nhanh và những cái chậm đó đây đều có tác động giúp tôi tân-Phúc-Âm-hoá chính mình.

***

Từ những kinh nghiệm trên đây, tôi thấy Phúc-Âm-hoá chính là Kitô hoá, và tôi thấy tân-Phúc-Âm-hoá chính là vượt qua những gì không thực chất là Kitô hoá, để gặp gỡ Ðức Kitô và để Thần Linh của Ðức Kitô đổi mới.

Tôi rất cảm ơn Hội Thánh nói chung và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói riêng đã kêu gọi tái Phúc Âm.

Nhìn kỹ lại nếp sống đạo hiện nay, tôi thấy cần phải Tái-Phúc-Âm-Hoá chính mình và cộng đoàn của mình, bởi vì còn nhiều cái mang danh là đạo, nhưng thực sự không là Kitô-hoá, mà chính là tục-hoá, là Pharisêu-hoá, là hội- đường-khép-kín-hoá, là ý thức hệ-hoá. Phải vượt qua tất cả những trở ngại đó, để gặp Ðức Kitô. Chính Ngài là Ðấng vượt qua, Ngài đã vượt qua sự chết để sống lại.

+ĐC GB Bùi Tuần

Tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận Long Xuyên 1993