Tính Quyết Liệt của Tin Mừng

Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm C

Ở Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã định nghĩa: tin không phải là tin vào một cái gì, vào một học thuyết, một ý thức hệ; tin không đơn thuần tuân giữ một số lề luật và một số tín điều; nhưng tin chính là là gặp gỡ, gắn bó và bước theo Đức Kitô. Và như thế tin cũng có nghĩa là chúng ta chọn cách sống của Giêsu, chọn con đường của Giêsu, chọn giá trị của Giêsu làm lý tưởng cho cuộc đời chúng ta để vươn tới.

Nhưng việc sống theo Giêsu đòi buộc chúng ta phải trả giá và hy sinh, nếu không muốn nói là phải lội ngược dòng của cuộc sống để trung thành với những giá trị mà Đức Kitô đã đề ra. Chính vì thế cuộc sống của người kitô hữu được xem một cuộc chiến liên lĩ với sự dữ và bất công của cuộc sống. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một lời minh chứng cho chúng ta về điều đó.

Ở Bài đọc I, Tiên tri Giêrêmia được lệnh của Thiên Chúa đã lên án sự giả dối của các tiên tri giả chỉ nói những lời xu nịnh làm vui lòng nhà vua và thuộc hạ của ông. Sự thật mất lòng! Tiên tri phải trả giá, bị bắt và bỏ xuống giếng cho chết đói. May thay vua đã đổi ý và còn cứu sống ông (x. Gr 38, 4-9).

Tác giả của bài đọc II mời gọi: “Chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi chúng ta” (Dt 12,1).

Cũng trong chiều hướng đó, bài Tin Mừng hôm nay là một trong những lời “chói tai” của Chúa Giêsu: Trước hết Chúa nói: “Thầy đến đem lửa thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”. “Lửa” ở đây theo các nhà chú giải kinh thánh đó là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Người muốn cho “lửa” đó được bùng lên có nghĩa là Người muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chân lý đó và Tình yêu đó của Thiên Chúa.

Lời chói tai gây khó hiểu đó là: “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống cho thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia sẽ. Vì từ nay năm người chống lại ba: cha chống lại đối con trai, và con trai chống đối cha, mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ, mẹ chồng chống đối nàng dâu và nàng dâu chống đối mẹ chồng” (Lc 12,51-53).

Tại sao lại có sự phân rẽ này? Như chúng ta đã nói: theo Chúa là chúng ta quyết sống theo những giá trị mà Chúa đã đem đến trong thế gian này. Và để trung thành với những giá trị của Tin Mừng nhiều lúc đòi buộc chúng ta phải quyết liệt hy sinh những giá trị khác, phải đi ngược lại với những chọn lựa và hành động của những người xung quanh và người thân trong gia đình của chúng ta. Như thế từ đó sự đối lập và phân rẽ sẽ xuất hiện giữa cha mẹ với con cái, giữa anh với em.

Thánh Phanxicô Assisi là một ví dụ điễn hình trong sự dấn thân theo Chúa đành phải chấp nhận đối đầu với cha mình. Người cha đưa con ra tòa với hy vọng thuyết phục người con từ bỏ con đường điên rồ mà anh đang dấn thân vào. Nhưng trước mặt quan tòa và mọi người, Phanxicô đã cởi bỏ quần áo trả lại cho cha, và dõng dạc tuyên bố: “Của cha, con xin trả lại cho cha, từ nay, con chỉ có một cha, là Cha trên trời”.

Các nhà chú giải kinh thánh nói với chúng ta rằng: sự phân rẽ ở đây không phải là mục đích của Chúa Giêsu nhưng là hậu quả của việc theo Người. Và cuộc chiến ở đây không phải là một cuộc chiến giữa con người chống con người, nhưng là cuộc chiến chống lại sự dữ, sự xấu trong con người; đó là sự va chạm giữa các chọn lựa và các giá trị của cuộc sống. Nhưng chính nhờ sự phân rẽ này mà con người có thể xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa đích thực và bình an đích thực trên trái đất này. Vâng, theo Chúa là chúng ta phải lội ngược dòng đời, phải chấp nhận sự đối kháng của người khác. Đấy là tính quyết liệt của Tin mừng!

Lạy Chúa, chúng con biết rằng những ai tin vào Chúa thì không bao giờ cô đơn trong cuộc chống lại sự dữ, xin cho lửa tình yêu và chân lý của Chúa luôn bừng cháy trong tim của chúng con, để chúng con luôn cam đảm chọn lựa và sống theo những giá trị Tin Mừng mà Chúa dạy. Amen!

Lm Phêrô Nguyễn Hương