Ý nghĩa việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô: Ý nghĩa việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu

 Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đã liên hệ với loài người đến nỗi trở thành một người trong chúng ta, điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta làm cho anh chị em mình là chúng ta làm cho Ngưởi.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 18 tháng 12 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay nói về ý nghĩa của việc Chúa Giáng Sinh.

 

joseph and mary

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong bầu không khí tinh thần của Mùa Vọng, được nên mãnh liệt hơn vì ở trong Tuần Cửu Nhật Giáng Sinh, chúng ta đang sống những ngày dẫn chúng ta đến Đại Lễ Giáng Sinh.  Vì vậy, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về việc giáng sinh của Chúa Giêsu, ngày lễ của đức tin và đức cậy, là điều vượt quá sự bất ổn và bi quan.  Và đây là lý do cho niềm hy vọng của chúng ta: Thiên Chúa ở cùng chúng ta và Thiên Chúa vẫn còn tin tưởng chúng ta!  Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ kỹ về điều này:  Thiên Chúa ở với chúng ta và Thiên Chúa vẫn tin tưởng chúng ta.  Thiên Chúa Cha này rất đại lượng!  Ngài đến để ở với loài người, lựa chọn Trái Đất như nơi cư ngụ của mình để được với loài người và để con người tìm thấy Ngài ở nơi mà họ sống những ngày tháng của mình trong niềm vui hay nỗi buồn.  Vì vậy, trần gian không còn chỉ là một “thung lũng nước mắt”, nhưng là nơi mà Thiên Chúa đã cắm lều, là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, là nơi của sự đoàn kết của Thiên Chúa với loài người.

Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận con người của chúng ta đến mức trở nên một với chúng ta trong con người của Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa thật và người thật.  Nhưng có một điều khác còn đáng ngạc nhiên hơn.  Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại đã không được thực hiện trong một thế giới lý tưởng, an bình, nhưng trong thế giới thật này, được đánh dấu bằng rất nhiều điều tốt và xấu, được đánh dấu bằng những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, áp bức và chiến tranh.  Người đã chọn để sống trong thực trạng của lịch sử của chúng ta, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và những thảm trạng của nó.  Khi làm như thế Người đã chứng minh khuynh hướng thương xót vô hạn và đầy tình thương dành cho con người.  Người là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Chúa Giêsu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Anh chị em có tin điều này không?  Chúng ta hãy tuyên xưng điều này: Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta! Chúa Giêsu là Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta và mãi mãi ở cùng chúng ta trong sự đau khổ và lo buồn của lịch sử.  Việc ra đời của Chúa Giêsu là một sự tỏ lộ rằng Thiên Chúa là tự mình “đứng về phía” loài người một lần mà thôi là đủ để cứu chúng ta, để nâng chúng ta lên từ bụi đất của những khốn khổ, những khó khăn và những tội lỗi của chúng ta.

Từ đó có “món quà” vĩ đại là Hài Nhi ở Bethlehem:  Người đem đến cho chúng ta năng lực tinh thần, một năng lực giúp chúng ta không bị chìm trong những công việc khổ cực của mình, trong tuyệt vọng của mình, trong những nỗi buồn của mình, bởi vì đó là một năng lực sưởi ấm và biến đổi tâm hồn.  Thực ra, việc ra đời của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta Tin Mừng là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng và cách riêng, và không những Thiên Chúa chỉ làm cho chúng ta biết tình yêu này,  mà Người còn ban nó và thông truyền nó cho chúng ta!

Từ việc vui mừng chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa sinh ra cho chúng ta, chúng ta có thể lấy rút ra hai điều để suy nghĩ.

Điều thứ nhất là nếu trong ngày Lễ Giáng sinh, Thiên Chúa không tỏ mình ra là một Đấng ở trên cao và thống trị vũ trụ, nhưng là một Đấng tự hạ mình, ngự xuống đất, nhỏ bé và nghèo nàn, điều đó có nghĩa là để được giống như Người, chúng ta không được đặt mình ở trên người khác, nhưng thay vì thế thì chúng ta phải cúi xuống, hiến thân phục vụ, làm cho chúng ta thành nhỏ bé với những người bé nhỏ và nghèo khó với những người khó nghèo.  Nhưng thật là xấu khi anh chị em nhìn thấy một Kitô hữu không muốn cúi mình xuống, không muốn phục vụ.  Một Kitô hữu lúc nào cũng phô trương khắp nơi, là điều buồn nôn: người ấy không phải là một Kitô hữu, mà là kẻ ngoại đạo.  Một Kitô hữu phục vụ, tự hạ mình xuống.  Chúng ta hãy làm việc để chắc chắn rằng anh chị em của chúng ta không bao giờ cảm thấy cô đơn!

Hậu quả thứ hai: nếu Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đã liên hệ với loài người đến nỗi trở thành một người trong chúng ta, điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta làm cho anh chị em mình là chúng ta làm cho Ngưởi.  Chính Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng ai đã nuôi nấng, chào đón, thăm viếng, yêu thương một trong những người bé nhỏ nhất và nghèo khổ nhất giữa loài người, thì đã làm điều ấy cho Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy phó mình cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta để Mẹ giúp chúng ta trong Giáng sinh Thánh này, giờ đây đã gần, ngõ hầu nhận ra trên gương mặt của những người lân cận của chúng ta, đặc biệt là những người yếu đuối nhất và thiệt thòi nhất, hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ